Ý
Nhi
Tác phẩm của Nguyên
Hồng
Từ trong nước nhà văn
Ý Nhi gởi cho Nguyễn này một email ngắn như sau: “Gửi anh 2 bài viết về
Nguyên Hồng và Nguyễn Minh Châu- những nhà văn hiếm hoi, mà em quý trọng. Anh
đọc để hiểu thôi.” Đây cũng là hai nhà văn Nguyễn thích và đặt vào vị trí cao hơn
hẳn những nhà văn khác của Miền Bắc. Để các bạn cùng chia sẻ, hôm nay xin đăng
bài viết về Nguyên Hồng của Ý Nhi.
NGUYỄN
Nguyên Hồng từ Nhã Nam về, dựng
chiếc xe đạp mi-ni lấm lem đất bụi vào bờ tường bên hông trái nhà 65 Nguyễn Du,
Hà Nội, đặt cặp bản thảo nặng trịch xuống đất, lúi húi tháo gỡ chiếc làn sau
xe…Ngẩng lên, nhìn thấy tôi, ông cười lớn: “Con đấy à. Lên đây, lên đây”. Tôi
đã định ra về, lại theo ông lên gác, nơi có một căn phòng làm việc khá rộng.
Vừa bảo tôi ngồi chơi ông vừa lôi từ chiếc làn ra những mùng màn đen nhẻm, ẩm
ướt, giũ giũ cho thẳng thớm rồi đem phơi ra ngoài ban-công. Xong xuôi, ông lại
lôi từ chiếc làn ra một nắm cơm, một khúc cá kho, vui vẻ bảo “con ăn với bố một
miếng.” Tôi từ chối vì còn phải về thổi cơm cho cả nhà. Ông bảo:” Thế thì cầm
túm nhãn này về cho trẻ con”. Ông lôi từ chiếc làn “Thạch Sanh” của mình ra một
túm nhãn còn xanh, dúi vào tay tôi. Tôi nghĩ, chắc ông đã vặt vội chúng trong
vườn nhà để đem về Hà Nội làm quà.
Nguyên Hồng yêu thương bọn trẻ chúng
tôi. Tôi và Xuân Quỳnh gọi ông bằng bố. Ông gọi chúng tôi là con, là chúng mày.
Có lần, gặp Xuân Quỳnh và tôi đứng trước cổng Hội nhà văn, ông hỏi, các con đi
đâu đấy. Chúng tôi thưa sắp sang Hội văn nghệ Hà Nội có việc (Hội văn nghệ Hà
Nội đang chuẩn bị in cho hai chúng tôi một tập thơ thiếu nhi, có tên chung là Cây trong phố-Chờ trăng, do chị Minh Tâm
làm biên tập). Ông cười: “Thế thì lấy nhuận bút giúp cho bố với “. Rồi ông nháy
mắt: “Để mua cái thứ nước trắng trắng, cay cay ấy mà”. Ông nghèo lắm, chỉ đủ
tiền uống rượu “cuốc lủi” (không hiểu pha chế từ thứ gì và pha chế như thế nào,
nghe đâu người ta còn cho các thứ hóa chất độc hại vào để tăng nồng độ), giống
như Hoàng Trung Thông, Nguyễn Sáng và nhiều văn nghệ sĩ thời bấy giờ.
Nguyên Hồng lúc nào cũng vội vã, tất
bật. Ông thường dựng xe, quay sẵn đầu xe ra phía đường để lúc cần đi là đi
ngay, không mất thì giờ. Nhưng ngoài lý do tiết kiệm thời gian, hình như còn
một lý do khác nữa, liên quan đến tính lơ đãng của ông. Có người kể, lần nọ
Nguyên Hồng đạp xe từ Hà Nội về Nhã Nam. Giữa đường, thấy buồn ngủ, ông tấp xe
vào vệ đường, đánh một giấc ngon lành. Tỉnh dậy, ông lên xe, cắm cúi đạp, chỉ
đến khi nhìn thấy cầu Long Biên, ông mới biết mình đang quay ngược về Hà Nội.
Ông cho rằng vì mình vô ý, quay đầu xe về hướng Hà Nôi nên mới xảy chuyện. Từ
đó, Nguyên Hống có thói quen quay đầu xe ra đường. Có người đùa: “Cụ sợ đụng xe
vào tường”.
Chiếc xe đạp mi-ni ấy (được ông gọi
là con ngựa sắt) là một phần không thể thiếu của nhà văn. Chiếc xe cũ kỹ, phanh
hỏng, chuông rè ấy thật hợp với ông lão mặc áo nâu, đi dép lê, râu tóc bơ phờ,
da dẻ rám nắng, ánh mắt lấp lóa, nụ cười rộng mở. Trong bài viết cho tuyển tập
Nguyên Hồng, ngoài việc nói đến sự cần cù, nghiêm cẩn, tỉ mỉ, công phu và trân
trọng của Nguyên Hồng khi viết văn, Nguyễn Tuân dành một đoạn khá dài nói về
cách ăn mặc của nhà văn: “Trong cư xử
Nguyên Hồng xuề xòa, và càng xuyềnh xoàng về ăn mặc. Một người bạn tôi, trước
là chủ hiệu may và giờ là xã viên đứng đầu của hợp tác xã may mặc Hà Nội đã nói trộm với tôi về nhà văn Nguyên
Hồng mà ông ta thích đọc: “Nguyên Hồng có tính lập dị không. Đi ra nước ngoài
không biết mấy lần rồi mà sao giầy mũ quần áo ông ta trông cứ như là một người
mu-gich Nga trước cách mạng tháng Mười ấy! Ai ở thủ đô mà cũng quần áo như thế thì chúng tôi thất nghiệp hết sao. Không
phải nhà văn phải mặc theo thời trang mốt nọ mốt kia, mà ý tôi muốn là được cắt
cho ông ấy một bộ quần áo gọn gàng,
ông nói ông ấy cứ đưa mấy thước hàng lại, tôi không tính tiền công may đâu,
chính tay tôi đo lấy, cắt lấy, may lấy, gọi là tỏ cái tình của một người độc
giả cũ ngày nay vẫn còn mê văn Nguyên Hồng.-Thôi ông ạ, ông bạn đồng nghiệp của
tôi không bận tâm về quần áo, mặc thế
nào cũng xong, xuyềnh xoàng quen đi rồi. Tính ông ta thế, ông tốt thực đấy
nhưng không nên đụng vào chuyện này…”. Ở một đoạn khác, Nguyễn Tuân kể
chuyện Nguyên Hồng đến khách sạn Metropole gặp một nhà báo Pháp và đã nói rất
hay về Romanh Rolan (Romain Rolland). Nhà báo Pháp đã viết bài về cuộc gặp gỡ
và có một nhận xét khá ý nhị: Nguyên Hồng đã đưa vào phòng khách sạn thành phố tất cả phù sa quý giá của đồng ruộng ven sông Hồng. Có vẻ như,
Nguyễn Tuân đã thực sự thấu hiểu người bạn văn có cung cách sống trái ngược hẳn
với ông.* Quả thật, tôi không thể hình dung ra một Nguyên Hồng quần áo chỉn chu, tóc tai gọn ghẽ, giày dép
tinh tươm. Nguyên Hồng không chịu nổi sự gò bó, kiểu cách, dù chỉ là trong sự
ăn, sự mặc.
Có lần tôi đi tàu chợ về Hải Phòng.
Tôi vừa thu xếp được một chỗ ngồi thì nghe có tiếng người gọi tên mình. Trong
đám đông chen chúc, lố nhố, tôi nhìn thấy Nguyên Hồng ở cuối toa. Ông lách qua
đám người, đến chỗ tôi, hỏi thăm tôi đi đâu, có việc gì. Ông bảo, ông đưa con
gái học ở Ba Lan về thăm Hải Phòng. Sau này tôi đã ghi lại hình ảnh của ông
trong lần gặp gỡ tình cớ ấy vào một bài thơ có tên :Nhà văn Nguyên Hồng.**
Tôi từng nghe nhiều người nói rằng
Nguyên Hồng rất dễ xúc động và hay khóc. Hồi tôi còn làm biên tập thơ tại nhà
xuất bản Văn nghệ giải phóng đã được nghe nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể một câu chuyện
liên quan đến việc…khóc của Nguyên Hồng. Nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng là
nơi in những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ…ở chiến trường
gửi ra. Từ ban giám đốc đến biên tập viên đều là người miền Nam. Anh em, chú
cháu sống với nhau thân ái. Anh Hoàng Hiệp về lo phần âm nhạc, lúc này rất nổi
tiếng với các ca khúc phổ thơ Chính Hữu, Phạm Tiến Duật như Ngọn đèn đứng gác,
Trường Sơn đông-Trường Sơn tây. Anh Hoàng Hiệp không có giọng nên mỗi lần viết
xong bài hát, phải nhờ Lê Duyên, một biên tập viên ban văn hát thử. Lê Duyên
hát hay (từng đoạt huy chương vàng tiếng hát Sinh viên) và rất tinh nghịch, lém
lỉnh, đối đáp sắc sảo. Mỗi lần như vậy, anh Hoàng Hiệp đãi chúng tôi mỗi đứa
một đĩa ốc luộc (dứt khoát chỉ một đĩa thôi), hình như hồi đó giá một hai hào
gì đó. Một lần, sau chầu ốc luộc, mấy anh em ngồi nói chuyện phiếm, nhắc đến
nhà văn này, họa sĩ nọ, Hoàng Hiệp than với
đám biên tập viên trẻ chúng tôi: “Ông Nguyên Hồng là chúa mau nước mắt.
Có lần ổng kể cho anh nghe câu chuyện về hai người liền anh, liền chị yêu nhau mà không lấy được nhau. Mới kể được một
đoạn, ổng đã thút thít khóc, mãi mới kể tiếp được”. Chúng tôi hỏi kết cục câu
chuyện. Hoàng Hiệp bảo: “Họ cứ chờ đợi để gặp nhau, hát cùng nhau, rồi lại chia
tay. Cứ mãi như vậy, họ buồn lắm nhưng không có cách nào để lấy nhau vì đó là
luật bất thành văn từ nhiều đời rồi, không ai dám vượt qua. Thế là…thế là”.
Hoàng Hiệp dừng lại, nghẹn ngào mãi mới thốt nên lời: “cuối cùng, họ chết”.
Chúng tôi ngồi im. Lê Duyên, vốn phản ứng rất nhanh trong mọi tình huống, cũng
không dám bình luận. Nguyên Hồng khóc thì chỉ mới nghe kể, còn Hoàng Hiệp khóc
thì chúng tôi đã được “mục sở thị”.
Tôi đọc Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng từ ngày còn nhỏ, vừa đọc vừa rấm
rứt khóc vì thương cậu bé Hồng côi cút, cực khổ. Lớn lên một chút, tôi dần dà
đọc Bỉ vỏ, các truyện ngắn, các tiểu
thuyết, các hồi ký văn học… của ông, hình dung một Nguyên Hồng khắc khổ, đa
cảm, phong trần. Hồi tôi học năm thứ 2 đại học, các thầy mời Nguyên Hồng lên
Đại Từ, Thái Nguyên (nơi trường Đại học tổng hợp sơ tán) nói chuyện với sinh
viên, là lần đầu được nhìn thấy ông trong bộ quần áo cũ, được nhìn thấy ông trong đôi dép lê đầy bụi, hai
chiếc cùng một phía (chúng tôi chỉ cho nhau nhìn chân ông dưới gầm bàn), được
nghe ông với giọng nói cao, đầy xúc động. Hồi đó, thời buổi chiến tranh, mời
được một nhà văn lên tận Thái Nguyên là cả một sự cố gắng của các thầy. Chúng
tôi háo hức đặt ra nhiều câu hỏi và lắng nghe lời ông về nguyên mẫu của các
nhân vật tiểu thuyết, về việc đưa thực tế cuộc sống vào tác phẩm, về vai trò
của chi tiết điển hình, về việc xây dựng hình tượng người anh hùng…Giữa câu
chuyện mang tính học thuật như vậy, một bạn nam sinh viên học lớp trên bỗng hỏi
ông: nhà văn có còn giữ “đồng xu cái” của mình không. Nguyên Hồng sững lại một chút, mặt hơi nghếch lên, vẻ
nghĩ ngợi rồi chợt hiểu ra: bạn sinh viên này nhắc tới thời cậu bé Hồng đi đánh
đáo kiếm tiền, quý “đồng xu cái” đến nỗi khi ngủ, vì sợ mất nên thường buộc
đồng xu vào dải rút. Ông cười phá lên, chòm râu rung rung nhưng giọng lại nghèn
ngẹn như có nước mắt, và đáp đại ý: ông đã có những đồng xu cái khác. Ông để
lại trong lòng tôi một ấn tượng thật lạ, thật gần, thật đẹp. Có lẽ vì vậy
mà khi về làm việc tại nhà xuất bản Tác
phẩm mới, được gặp ông, tôi thân với ông ngay, không chút ngại ngần. Và cũng
vào lúc này tôi mới một lần nhìn thấy ông khóc. Hôm ấy tôi đi làm sớm. Ngang
qua văn phòng Hội nhà Văn (Nhà xuất bản ở phía sau), thấy ông đang ngồi một
mình, đầu hơi cúi xuống, vẻ tư lự. Nghe tôi chào, ông giật mình, ngẩng lên: “Con
đấy à. Vào đây bố đọc cho nghe bài thơ mới”. Nếu tôi nhớ chính xác thì đó là
bài thơ viết về một người phụ nữ thánh thiện, có liên quan đến nhân vật nữ
trong một tiểu thuyết của ông. Ông hắng giọng, giải thích, bài thơ có 3 phần.
Giọng ông vóng vót, run run. Vừa đọc xong phần một, ông đã thút thít khóc như
một đứa trẻ. Ông đưa tay ra dấu bảo tôi ngồi yên đợi ông. Thế nhưng ông không
thể kìm cơn xúc động. Ông nói, giọng nghẹn ngào: “Hôm khác bố sẽ đọc tiếp”.
Thế rồi ông ra đi đột ngột, nghe nói
trong lúc đang đắp chuồng lợn tại nhà ông ở Nhã Nam, chẳng kịp đọc cho tôi nghe
2 đoạn sau của bài thơ.
Tôi đến 51 Trần Hưng Đạo dự lễ truy
điệu ông. Lòng bứt rứt, khó chịu vì những nghi thức, những diễn văn, những mặt
người, có cảm giác chúng chẳng ăn nhập gì với một Nguyên Hồng giản dị, nồng
nhiệt, chân tình. Tôi tự hứa thế nào cũng về Nhã Nam, đến mộ ông thắp hương và
nói lời vĩnh biệt ông. Mãi sau này, khi đọc Cát
bụi chân ai của Tô Hoài tôi mới tỏ nguồn cơn việc Nguyên Hồng bỏ Hà Nội về
Nhã Nam. Bữa đó, sau thời gian kiểm điểm, phê bình, chấn chỉnh tư tưởng trong
giới văn nghệ, sau khi báo Văn của Nguyên Hồng bị đình bản, Nguyên Hồng đã
quyết định rời khỏi Hà Nội. Trước khi đưa gia đình ra đi, ông mời Tô Hoài đến
chơi nhà, có lẽ là để uống cùng nhau một chén chia tay. Nhưng rồi sự cố bất ngờ
xảy ra khi Tô Hoài đưa cho Nguyên Hồng bài Nhìn
lại một số sai lầm trong bài báo và trong công tác của mình in trên báo
Nhân Dân. Những dòng tự kiểm điểm và nhận lỗi của Tô Hoài khiến Nguyên Hồng
giận dữ: …Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên
Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt
tôi:
-Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn. Ông thì không.
Nguyên Hồng thì không.
Nguyên Hồng quỳ xuống
trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít. Chị ấy bỏ chảo nem, chạy đến. Thầy nó làm sao? Lại làm sao thế?...Chúng tôi ngồi trở
lại, yên lặng như từ nãy vẫn thế.
Nguyên Hồng nói khẽ:
-Tao tính cả rồi. Trông đây này.
Gian phòng vẫn bề bộn
màn mùng như mọi khi. Nhưng để ý thì thấy có khác. Mọi thứ đã được gói, buộc lại như dạo trước tôi đã quen mắt thấy sáng sớm các thứ
trong nhà sắp sẵn để quẳng ra bờ rào
tránh máy bay. Tôi gật gù, nhưng thật cũng chưa hiểu ra như thế nào.
-Tao về Nhã Nam
-Về Nhã Nam?
-Ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ
lắm rồi. Ông đ. chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.
…Trở lại Nhã Nam, trong khi nhà đã yên nơi ăn
chốn ở và trường lớp các cháu đi học, chị ấy đã có việc làm. Nhưng nhất định
không ở nữa. Thế là bỏ hết, lại lên Nhã Nam, ấp cầu Đen, ấp đồi Cháy, lại ở đồi những năm tản cư…trên
quả đồi lưa thưa tre pheo còn lại lơ thơ
mấy nhà người làng, cái trường học cấp một, mái lợp nứa, tường trình lụp xụp,
quạnh quẽ. Vẫn ở cái nhà như hồi chạy Tây mới tản cư…Nguyên Hồng về Nhã Nam.
Chưa bao giờ nghe Nguyên Hồng trách móc, đổng giả ai…” Rồi Nguyên Hồng về
hưu non, ở tuổi 52, với lý do: “Cũng tiện, khỏi phải ngửa tay nhận lương tháng,
chẳng phải bịa đặt báo cáo công tác, chẳng phiền ai”…Nguyên Hồng ấy, khi nào
tôi cũng cứ ngờ ngợ. Nhưng tôi lại tin cái khí phách của con người cũng một
mình một tính***
Nhưng, dù không có những dòng văn
này (những dòng văn khiến tôi ứa nước mắt khi đọc), chỉ bằng vào những gì tôi
biết về ông, tôi vẫn tin rằng Nguyên Hồng sẽ làm như vậy trong một cảnh ngộ như
vậy. Và chỉ duy nhất Nguyên Hồng có thể làm điều đó, một cách quả quyết, một
cách ngây thơ, một cách không thèm tính toán.
Lần đầu, tôi cùng con trai lớn theo
đoàn của văn phòng Hội nhà văn, do nhà thơ Chính Hữu dẫn đầu, về viếng mộ ông.
Nhưng vừa đến Bắc Giang, hai mẹ con tôi say xe đến phát ốm, không thể đi tiếp,
đành ở lại thị xã, đợi đón xe về. Hai mẹ con lang thang trong chợ rồi ghé vào
Hôi văn nghệ, định thăm vài người bạn quen. Nhưng vào giờ nghỉ trưa chỉ gặp một
anh (tôi quên tên) chuyên nghiên cứu và sáng tác chèo, ở tại cơ quan. Nghe tôi
xưng tên và nói lý do đến Bắc Giang, anh bảo anh là học trò của ba tôi ở trường
Nghệ thuật ca kịch dân tộc và dứt khoát nấu cơm mời hai mẹ con, mặc cho tôi
phân trần đã ăn trưa ngoài phố chợ.
Lần sau, tôi đi với Ban nhà văn trẻ
của Hội, trong đoàn có nhà văn Kim Lân. Nhà văn Kim Lân đem theo ít rượu gạo,
rưới lên mộ Nguyên Hồng, nói mấy lời với giọng thống thiết, tôi chỉ nhớ mang
máng: Ông Hồng ơi, tôi cùng các anh chị trong ban nhà văn trẻ đến viếng ông đây
(ông xướng tên từng người trong đoàn). Tôi mang rượu đến cho ông đây…Rồi chắp
tay vái lạy rất cung kính.
Nhìn nấm mộ xanh cỏ giữa cánh đồng
quang đãng, dưới vòm trời xanh cao, tôi thầm nói với ông: Bố ơi, đây đúng là
nơi yên nghỉ của bố, của một nhà thơ.
Nhắc đến Nguyên Hồng, người ta
thường nói tới những tác phẩm văn xuôi nổi tiếng và đồ sộ của ông như Bỉ vỏ, Cửa biển, Sóng gầm, Cơn bão đã đến,
Núi rừng Yên Thế…Riêng phần mình, tôi nhớ: Ngẫm nghĩ voi đi/ thác Khôn cười trắng xóa và Ta cởi áo lội dòng sông ta hát/ Mê
Kông chảy:Mê Kông cũng hát/Rừng núi
lùi xa/ Đất phẳng thở chan hòa…
Nguyên Hồng, với tôi, trước hết là
một nhà thơ, một con người suốt đời Tim
đập mạnh, hồn ngây, không sao hiểu.
Ý
Nhi
5/2002
*
Nguyễn Tuân: Con người Nguyên Hồng (
tuyển tập Nguyên Hồng, tập 1 ), trang 59,60, NXB Văn học 1983
**Nhà văn Nguyên
Hồng:
Năm 1976
Trên chuyến tàu Hà Nội- Hải
Phòng
Tôi đã gặp nhà văn
Giữa đám đông hành khách
Ông thét gọi người quen
Tiếng vang suốt cả toa tàu
Trán đẫm mồ hôi
Tay khư khư ôm chiếc túi cũ
sờn
Ông giống như một viên chức
bậc trung
Giữa đường công vụ
Một lão nông về quê sau chuyến
đi xa
Một kẻ lang thang tìm đất mới
Không chống can và ngậm tẩu
Khủng khỉnh bàn đến các món
ăn, rượu ngon, từ ngữ
Không chạy nhông trên các
diễn đàn
Rao giảng văn chương
Không làm bộ trầm tư cao ngạo
Nhà văn Nguyên Hồng đi trên
các chuyến tàu
Trán đẫm mồ hôi
Tay khư khư ôm chiếc túi cũ
sờn
Như một viên chức bậc trung
giữa đường công vụ
Một lão nông về quê sau
chuyến đi xa
Một kẻ lang thang tìm đất mới
Với giột lệ lớn nằm dưới đáy
đôi mắt đang nheo cười.
**Cát bụi chân ai (Tô
Hoài): trang 131,132, 133. NXB Hội nhà văn 1992
No comments:
Post a Comment