nguyễn
xuân thiệp
Học sinh đu dây qua sông tới
trường
Mùa tựu
trường. Mấy tiếng đó thường gợi lên trong lòng những người đã quá xa thời niên
thiếu như chúng ta biết bao xúc động, bồi hồi. Chúng ta nhớ lại những mùa tựu
trường đã xa xưa. Và bài văn của Thanh Tịnh “Buổi mai hôm ấy. Một buổi mai đầy
sương thu và gió lạnh…” lại trở về trong trí nhớ cùng với âm vang bài La
Rentrée Des Classes (Tựu trường) trong sách Le Livre De Mon Ami của Anatole
France. Je vais
vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les
premiers diners à la lampe, et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui
frissonnent…* Nhưng những
hình ảnh ấy giờ đã quá xa, chìm sâu trong màn sương của trí nhớ.
Giờ đây, mùa tựu trường
nhìn về đất nước, trí óc của Nguyễn lại nghĩ đến những trẻ em ở vùng cao vùng sâu
đi học phải lội qua sông hay dùng những con đò những chiếc bè mỏng manh. Có nơi,
các em phải đu dây qua dòng nước chảy siết để tới trường. Nhiều em đã chết trên
dòng nước lũ. Như 57 em học sinh ngày nào trên bến Chôm Lôm thuộc xã Lãng Khê,
huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Sáng sớm ngày 7 tháng 10. 2007, trời mưa nước sông
chảy siết, các em xuống thuyền qua sông đi học. Thuyền nhỏ, chở nặng mới ra khỏi
bờ độ mươi thuớc thì chết máy, bị sóng đánh chìm. Có cả thảy 19 em trường Lãng
Khê, phần lớn là gái, chết không tìm được xác.
Chuyện học sinh phải
bơi qua sông đến trường là chuyện thường xảy ra ở các huyện xa xôi hẻo lánh. Báo
chí trong nước ghi lại: Sáng sớm, khi sương mù còn giăng khắp bản làng, hàng
chục học sinh ở xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vội cởi quần áo
ngoài cho vào túi nylon, mặc quần cộc bơi qua dòng Khe Rào để tới trường học.
Cũng vậy, nằm cách
trung tâm xã Trọng Hóa chừng 7 km, bản Ông Tú có 20 hộ dân với 106 nhân khẩu,
trong đó có 14 em đang học tiểu học. Bản Ka Óoc gần đó cũng có hơn chục em học
tại trường THCS Trọng Hóa. Do nằm bên kia sông Khe Rào (thượng nguồn sông
Gianh), hai bản trở nên biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngày nào cũng vậy, học
sinh bản Ông Tú và Ka Óoc phải thức dậy thật sớm vượt quãng đường đồi dốc xuống
sông Khe Rào. Như một thói quen, các em cho cặp sách, quần áo vào vào túi nylon
chuẩn bị từ trước rồi cùng bơi qua sông. Nhiều em không mang theo túi nylon thì
bơi một tay, tay còn lại giơ cao cặp sách lên đầu cho khỏi ướt.
Một em tên là Danh lớp
4A kể lại: "Vào mùa lũ, tụi em phải nghỉ học chừng một tháng vì nước sông
Khe Rào chảy xiết, không thể bơi qua được”. Danh cho biết, em và các bạn đều sợ
bơi qua sông, nhưng vì muốn học cái chữ nên phải cố rướn mình qua những đoạn
nước sâu, chảy siết. "Mùa đông nước cạn bớt nhưng tụi em vẫn phải lội qua
những chỗ nước sâu. Vào lớp học chân tay ai cũng run cầm cập."
Bơi qua sông tới trường
Trong khi đó, có nơi
như ở huyện miền núi Sơn Hà Quảng Ngãi, ngày nắng cũng như ngày mưa, hơn 170
học sinh của Trường THCS Sơn Bao, ngày 2 buổi “liều mình” lênh đênh trên những
bè tre để vượt sông đến trường tìm con chữ.
Nhìn chiếc bè tre nửa
nổi nửa chìm lênh đênh giữa dòng nước dữ, thầy Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường
THCS Sơn Bao dù đã quen với hình ảnh này, nhưng ông vẫn không khỏi rùng mình và
cho biết, dù rất lo lắng cho tính mạng của các em, nhưng nhà trường cũng không
còn cách nào khác, bởi đây là con đường duy nhất các em đến lớp.
Thầy Hải bảo: “Biết
sang sông như vậy là nguy hiểm, nhưng nhà trường và địa phương không còn cách
nào, bởi nếu xây cầu thì phải cần khoản kinh phí rất lớn và phải có sự hỗ trợ
của nhà nước nên lực bất tòng tâm, thầy cô giáo mỗi ngày nhìn các em học sinh
của mình đến trường trên những chiếc bè tre nhỏ bé đơn sơ trước dòng nước dữ mà
ruột nóng như lửa đốt”.
Ngoài ra còn có cảnh đu dây qua sông tới trường
như ở Nepal. Do không có cầu, không có thuyền bè, các em ở Kontum muốn sang
sông đi học phải tự mình đu dây cáp cheo leo. Hình ảnh hàng chục em nhỏ nối
nhau đu dây cáp không có một bảo hiểm gì không khỏi khiến người xem phải giật
mình. Hành trình đi tìm con chữ của các em quá vất vả, đầy hiểm nguy. Các em
học sinh Kon Tum cũng từng phải liều mình vượt con Pô Ko để đến trường. Các em ở
xã Dom huyện Đức Cơ (Gia Lai) cũng chịu cảnh ấy. Cả làng chỉ có 5 đứa trẻ dám
đến trường. Nhìn cảnh các em đu dây qua song mà thấy thót tim. Em Đinh Ngọc Mơ,
học sinh lớp 2, trường Tiểu học Trần Phú cho biết: “Mỗi ngày em phải đu dây đi
học đến 4 lần. Mỗi lần đu qua suối, người cứ bị lắc lư rất sợ bị rơi. Mùa nước
lớn, em phải nghỉ học vì không thể đu dây qua được”.
Qua sông tới trường
Ôi, nói không thể nào hết
những thảm cảnh các em miền xa miền cao ở nước ta hiện giờ phải đi bè, đeo dây
hay bơi qua sông trong mùa nước lớn. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh nhìn thấy những
cảnh này đã xót xa nhỏ lệ trong một bài thơ cực hay đăng trên blog Phố Văn. Không
biết những quan tham giàu sụ ở trong nước nghĩ gì trước nỗi khốn khổ của các bé
thơ:
Bơi qua sông
Em đi học, để đến trường
Em phải bơi qua sông
Tôi nhai cơm như muối
xát trong lòng
Em đến trường
Áo quần sũng nước
dâng mùa lũ
Gói tập vở trong bao
nhựa để trên đầu,
Giữ cho khô những con
chữ
Em bơi qua mạng sống
em,
Để được học thêm một
chữ
Rồi em sẽ bơi một đời
nước ngược
Để học thêm bao nhiêu
nữa nỗi đau?
Dấu hỏi cong oằn lưng
trời
Dấu hỏi mắc xích kéo
nhau
Dấu hỏi ngưng một chấm
đen to, nơi tiền rừng bạc bể
Chảy vào những túi
không đáy
Để có thêm những con
gà đẻ trứng vàng
Để thả rơi một đầu khốn
khó xuống vực sâu
Để với lên những bàn
tay nhỏ
Dấu hỏi theo em cong
giòng nước lũ
Tôi đi trên đường mùa
xuân hoa cỏ
Trên đường mùa hè nắng
đổ
Trên đường mùa thu
hiu gió
Trên bốn mùa giàu có
những bình yên
Nghe vỡ bờ
Con nước
bên em tràn ngộp thở,
Trời trói vo
Đất quàng rọ
Lặng quá, tiếng những
bàn tay với lên không…
Nặng quá, một dấu hỏi
đẫm nước.
(Nguyễn
Thị Khánh Minh – KHÔNG NỔI MỘT LỜI)
NXT
* Tôi sẽ kể cho bạn
nghe những gì tôi còn nhớ mỗi năm khi bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa
cơm chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá vàng trên những cành cây run
rẩy
No comments:
Post a Comment