Trần
Hoài Thư
Tháng
8 năm 1967, bản dịch vở kịch “Những Ruồi” của J.P. Sartre do Phùng Thăng dịch
được Thanh Hiên xuất bản. Đọc trên
bìa ghi những tác phẩm sẽ xuất bản, chúng ta thấy Thanh Hiên là một nhà xuất
bản chuyên trọng về lĩnh vực văn học và tư tưởng triết học. Các tác giả mà
Thanh Hiên quảng cáo sắp in là Camus, J.P. Sartre, Nietzsche, Anderson, Tổ Quy
Ngưỡng, Hermann Hesse, Sigmund Freud, Martin Heidegger, Chơn Hạnh, Phạm Công
Thiện, Bửu Đích, Tuệ Sỹ, Nguyễn Nguyên Phương. Riêng về tác phẩm Phùng Thăng
sắp in ngoài bản dịch Thế Giới Thiền của Nancy Wilson Ross, Buồn Nôn của J. P.
Sartre, Con sói miền hoang nguyên (sau này đổi thành Sói đồng hoang – dịch
chung với Chơn Hạnh) của Hermann Hesse, “Thư cho Tiểu Phượng”, một tuyển tập
bốn tác giả: Linh Thoại, Phùng Thăng, Nhất Kiếm, Thiên Tứ (Tiểu Phượng là tên
con gái đầu lòng của Phùng Thăng) ta thấy bà còn có thêm 2 tác phẩm triết luận
là Theo Dấu Tình Yêu và Chỉnh Lý Tư Tưởng Tây Phương… Điều này chứng tỏ ngoài khả năng dịch giả, bà
còn là nhà tư tưởng triết học dù lúc ấy bà mới ngoài 20.
Sự
xuất hiện của những cây bút đầy trí tuệ như Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Chơn Hạnh,
Phùng Thăng, Bửu Ý, Nguyễn Nguyên Phương... khi tuổi trung bình của họ 23, 24
tuổi trên trang bìa của Thanh Hiên đã khiến người đọc có cái nhìn lạc quan về
nền văn học nghệ thuật miền Nam đặc biệt trong bộ môn dịch thuật và tư tưởng
triết học vào cuối thập niên năm 60.
Thanh
Hiên và tác phẩm đầu tiên cảnh báo về một hiểm họa: Những Ruồi
Năm
1967, cường độ cuộc chiến khốc liệt hơn bao giờ.
Bấy
giờ, quân đội đồng minh đã có mặt. Những trận đánh có tính cách quy mô và trận
địa chiến. Sự thiệt hại về nhân mạng gia tăng theo tầm sát hại của những vũ khí
tối tân hiện đại. Lính Bắc chết không thể mang xác về quê. Lính Nam tử trận
cũng khó lấy xác ngay vì mặt trận vẫn còn tiếp diễn hàng tuần. Bọ giòi thì
nhung nhúc, những bầy kên kên thì bay trên đầu, lẫn với lũ quạ kêu kháo nhau
vang động cả rừng. Nhất là vào mùa hè, mùi thúi xác người bốc lan khắp cả khu
vực đến lợm mửa.
Loài
ruồi sản sinh rất nhanh. Cứ nhìn vào những đống giòi bọ lúc nhúc mới thấy sức
sản sinh khủng khiếp của chúng. Có loại ruồi hai mắt đỏ máu, mình mẩy xanh kim
loại, có khi màu vàng kim, có khi màu đen... Trên một thi thể có khi không thấy
da thịt mà chỉ thấy cả một lớp ruồi nhặng bu đặc cứng… Thêm vào đó, chúng là
loài vật có khả năng bay rất nhanh và xa. Có thể ngày hôm trước chúng rúc rỉa
xác chết, thì ngày hôm sau chúng có mặt trên mâm cỗ, mâm thịt cá ê hề. Ai biết?
“- Anh hiểu chứ? Những con vật nhỏ ấy chết đi
hằng triệu mỗi ngày. Nếu người ta thả lỏng qua thành phố tất cả những ruồi đã
chết từ dạo hè năm ngoái, thì sẽ có đến ba trăm sáu mươi lăm con ruồi chết cho
một người sống, đến xoay tròn chung quanh chúng ta. Gớm! Không khí sẽ ngọt
những ruồi, người ta sẽ ăn ruồi, thở ruồi, chúng sẽ chảy xuống bằng những đợt
lầy nhầy trong khí đạo và trong ruột chúng ta... Có lẽ vì thế mà tôi nghe trong
phòng nầy thoang thoảng những mùi vị rất đặc biệt.”
(Những Ruồi – trang 84)
Cảnh
tượng những đàn ruồi của thành Argos trong thần thoại Hy Lạp xa xưa và cảnh
tượng những đàn ruồi sản sinh từ cuộc chiến tranh khốc liệt tại miền Nam vẫn là
một, chẳng khác.
Chỉ
khác chăng là những đàn ruồi của thành Argos đã bị dẹp bởi Oreste. Còn ở miền
Nam thì ngược lại, chiến tranh mỗi lúc một leo thang, ruồi càng lúc càng được
mùa, càng béo bở.
Oreste
vẫn ngủ yên, không thức dậy như Phùng Thăng mong mỏi:
Roquentin
và Oreste là những nhân vật đang ngủ yên chờ giờ thức dậy nơi mỗi người trong
chúng ta.
(Phùng
Thăng, giới thiệu bản dịch “Những Ruồi”, trang 4)
Khi “Những Ruồi” bị
tập kích
Chỉ
khoảng một tháng sau khi Những Ruồi
được phát hành thì bị Trần Thiện Đạo (TTĐ) dùng nguyệt san Văn để “phang” nặng
nề qua bài viết Tìm hiểu vở kịch Les
Mouches của Jean-Paul Sartre (nhân đọc bản dịch của Phùng Thăng) . Bài đăng
hai kỳ trên nguyệt san Văn tháng 11, tháng 12, dày tất cả khoảng 50 trang, khổ
chữ nhỏ. Bài được người viết ghi là hoàn tất vào cuối tháng 9/1967.
Đặc
biệt, kỳ 2 ông dành trọn bài để “phang” Những Ruồi: Nào là “một cái kho chất
chứa chật ních và đầy đủ hết mọi lỗi lầm trong phép dịch văn”, “bản dịch vừa
phản vừa diệt”, “khinh thường độc giả và miệt thị giới phê bình tới độ ấy”,
“dịch chữ không dịch tinh thần câu văn”, cắt bỏ không dịch”, “cái giọng đặc
Tây”, ngớ ngẩn”, chối tai”, “một thứ giấy khống chỉ…”, “cẩu thả”, “sai bét”,
“ngờ vực cái vốn liếng Pháp Ngữ”, “không giữ tánh cách Việt Nam”, “vô nghĩa”,
“thiếu nghĩa”, “tối nghĩa”,”lòng thòng”, “dịch ẩu”, “dịch càn”, “sai cả mẹo
luật tiếng Việt Nam”, “lối dịch đầu-gà-đít-vịt” , “chưa lãnh hội thấu đáo mẹo
luật Pháp” v.v... Ông xả tiểu liên trung liên AK, M16, B40. Ông tấn công đủ
mặt, từ trang đầu đến trang cuối… Vây chặt, càng vây càng pháo...
Có điều ngạc nhiên là
chẳng thấy một nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ hay phê bình nào thời ấy động
lòng trắc ẩn lên tiếng bênh vực Phùng Thăng!
Rồi
sau năm 1975, cứ ngỡ rằng chuyện cũ đã qua, hai cuốn Văn phát hành vào cuối năm
1967 nằm dưới huyệt mồ, Những Ruồi cũng nằm rã xác cùng tro bụi trong huyệt mồ
vĩ đại phần thư của Tần Thủy Hoàng tái sinh.
Cứ ngỡ rằng cái chết thảm khốc của chủ của nó cùng với con gái, búa hay
cuốc báng vào sọ, như chứng từ của những người dân Miên về tội ác khủng khiếp
của bọn quỷ Pol Pot trong tòa án tội phạm chiến tranh đã xem như đi vào cõi
lãng quên… Cứ ngỡ rằng Phùng Thăng đã chọn được thiên đàng trong địa ngục. Cứ
ngỡ rằng bé Tiểu Phượng cũng đã chọn được một vòng tay của mẹ ôm chặt không rời
trước khi bé hét mẹ ơi… Cứ ngỡ Phùng Thăng đã tha thứ kẻ phỉ nhổ mình vì Phùng
Thăng là mẹ, một mẹ Phùng Thăng như Bùi Giáng đã hết lòng tôn kính, thay vì cầm
cuống hoa huệ hoa sen để bay lên trời, để tiêu diêu miền cực lạc, lại ôm chặt
lấy con sợ con phải bơ vơ làm ma trẻ lạc loài, để đứng trên bờ biển Đông mà
chịu tội thế cho cả miền Nam lao vào cơn đại hồng thủy. Cứ ngỡ những gì quá sức
thảm khốc mà Phùng Thăng đã trả cho một kiếp làm người VN cũng đã đánh động một
chút lương tri của những kẻ từng phê phán bà hầu hương hồn bà được thảnh thơi
siêu thoát, nếu chúng ta tin có một cõi gì khác bên kia thế giới…
Phùng Thăng và con gái – bé Tiểu Phượng (lúc 2 tuổi).
Ảnh chụp năm 1968
Vậy
mà ông TTĐ chẳng chịu buông tha. Năm
2001, ông là kẻ đào huyệt, khai quật để bới đào cuốn Những Ruồi mà năm 1967 ông đã phang tơi tả thậm tệ trên tạp chí
Văn. Ông sửa chữa lại chút đỉnh rồi bỏ vào tác phẩm “Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Tới
Thuyết Cấu Trúc” dưới tựa: “Đọc bản dịch Những Ruồi của Phùng Thăng” và giao
cho nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xuất bản và phát hành. Bảy năm sau ông lại
giao cho nhà xuất bản Trí Thức tái bản lần nữa. Sách của ông được bày trong tủ
sách gia đình, được dùng làm tài liệu tham khảo cho các vị làm luận án thạc sĩ,
tiến sĩ về chủ thuyết hiện sinh. (**)
Đây
là bằng chứng ba lần tập kích:
Lần
tập kích thứ I trên nguyệt san Văn số 1 & 2 tháng 11, 12 năm 1967:
Lần thứ hai, trên cuốn sách nhan đề từ Chủ
Nghĩa Hiện Sinh tới Thuyết Cấu trúc do nhà xb Văn Học xuất bản năm 2001:
Thừa
thắng xông lên ông đánh lần thứ ba (nxb Trí Thức, 2008)
Ngày xưa, thời Thịnh Đường, Vương Bột (650–676) trên đường vượt biển từ Trung Quốc về Giao Chỉ thăm cha, chẳng may thuyền gặp sóng to gió lớn, phải chết chìm. Xác tấp vào bờ, dân địa phương lập miếu thờ đàng hoàng tử tế để chứng tỏ lòng biết ơn và thương tiếc đối với tác giả Đằng Vân Các Tự của người Việt Giao Chỉ. Ngay trong thời chiến tranh Nam Bắc, dù khi còn sống là địch là thù, nhưng khi những người lính Bắc tử trận, chúng tôi vẫn chôn cất tử tế, mong rằng hương hồn họ được siêu thoát. Nhưng đàng này thì ngược lại: trong văn học sử Việt Nam chỉ có ông Trần Thiện Đạo là mang cái dao cái búa mà tiếp tục đập, phang, chém đứa con tinh thần của người đã khuất bóng. Ông ta muốn chứng minh chủ thuyết mới: Chết là không hết. Nghĩa tử không là nghĩa tận!
Sách
của ông bán chạy. Trong tương lai, chắc ông sẽ tái bản nhiều lần nữa. Vì cuốn
sách được ca ngợi xưng tụng hết mình: “Dịch giả Trần Thiện Đạo - Người đồng
hành với sự hoàn mỹ của việc dịch thuật” (trên đài Tiếng Nói Việt Nam
17-3-2012), được một số trang Mạng đăng lại. Nào là phê bình gia nhận định gia
Thụy Khuê phỏng vấn ông về vai trò, chức năng, quan niệm của Trần Thiện Đạo về
dịch thuật...
Chỉ
có một mình chủ blog Nhị Linh là dám chê TTĐ: “Trần Thiện Đạo kém Phùng Thăng quá, quá xa, đến mức không thể so sánh
được.” (Chúng tôi sẽ triển khai sau)
Nói
tóm lại, hầu hết xem Trần Thiện Đạo là một dịch giả có uy tín, một bậc thầy về
thẩm định dịch thuật, một là TTĐ nói, hai là TTĐ nghĩ, ba là TTĐ tuyên bố...
Và
đây là lý do chính để tôi viết bài này. Tôi không thể để ông TTĐ tiếp tục đánh
thêm Phùng Thăng khi bà đã chết. Dù tôi nghĩ rằng rồi cũng có ngày ông TTĐ sẽ
có dịp gặp Phùng Thăng và sẽ trả lời với Phùng Thăng ở bên kia thế giới!
Khả năng Việt ngữ của
Trần Thiện Đạo
Khả
năng dịch thuật của TTĐ được Nhị Linh (tức Cao Việt Dũng sinh năm 1980) nhận
định như sau:
“Trần
Thiện Đạo kém Phùng Thăng quá, quá xa, đến mức không thể so sánh được.
Trần
Thiện Đạo rành tiếng Pháp, nhưng là một thứ tiếng Pháp máy móc, không có gì đặc
biệt, và nhất là, Trần Thiện Đạo có một thứ tiếng Việt của trẻ con học đòi làm
người lớn. Khi dịch Le Petit Prince,
Trần Thiện Đạo chính là người nhầm Đại Tây Dương thành Thái Bình Dương, không
những thế còn tạo ra một cụm từ theo tôi là đỉnh cao của lịch sử dịch thuật lẫn
lịch sử dùng từ của Việt Nam: "tể tướng bộ tư pháp". Ngoài đó ra, ở
các bản dịch khác, Trần Thiện Đạo cũng thế. Nhưng mấy điều này, theo tôi chẳng
quan trọng mấy, quan trọng nhất là, Trần Thiện Đạo tạo ra một mẫu hình tuyệt
vời cho sự nhất thiết phải tránh ở dịch thuật: không biết tiếng Việt nhưng lại
rất to mồm. Và Trần Thiện Đạo cũng là điển hình cho một nhóm: trí thức của các
diaspora Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt về "nhóm Paris", tả hay hữu,
tôi có nhiều điều để nói lắm, nhiều lắm lắm.”
(Nhị
Linh: Văn chương miền Nam: Phùng Thăng, nguồn:
http://nhilinhblog.blogspot.com/)
Đấy,
giữa lúc thiên hạ nô nức khen ngợi TTĐ thì chỉ có Nhị Linh lại bênh vực Phùng
Thăng, dám trả lại sự thật cho người đã khuất. Xin nhớ rẳng Nhị Linh sinh năm
1980.
Riêng
tôi, bằng chứng về khả năng Việt ngữ của TTĐ, thì tôi có đây, nhiều lắm. Chỉ
đưa ra vài ví dụ điển hình. Đó là TTĐ dịch chữ Littérature là “văn nghệ” trong
khi bất cứ một học sinh trung học nào cũng biết nghĩa của nó là văn chương, văn
học. Văn chương và văn nghệ khác nhau một trời một vực!
Không
ai ngu gì mà dịch Prix Nobel de littérature là “giải Nobel văn nghệ” hay
littérature vietnamienne là “văn nghệ Việt Nam”!!!
Còn
một chữ rất căn bản khác. Đó là chữ “les”. Ông dịch là “mấy”!
Khủng
khiếp hơn là ông dùng cái cụm từ “đa
cậu”, “nhà chổng đít”... để dạy Phùng Thăng
là “phải giữ tánh cách VN”!!!
(Chúng
tôi sẽ bàn rõ sau).
Đây
là bằng chứng TTĐ dịch: Que peut la
littérature ?: văn nghệ có thế lực gì? (nguồn Văn số 78 năm 1967 chủ đề
Simone de Beauvoir)
Không
ai tự cho mình là người dịch giả toàn hảo, bởi kẻ ấy không phải là tác giả.
Cũng chưa hề có dịch giả nào lại đi chê tác giả (chúng tôi sẽ nói sau). Vấn đề chính là dịch làm sao để người đọc
hiểu, và cảm thấy hợp lý hay không. Dù khả năng ngoại ngữ siêu đẳng cách mấy
nhưng dịch chữ littérature là văn
nghệ hay Đại Tây Dương thành Thái Bình
Dương hoặc “tể tướng bộ Tư Pháp” như chủ Blog Nhị Linh đã đưa ra, thì cũng khó
mà mang cho độc giả một chút gì tin cậy vào khả năng Việt ngữ của dịch giả.
Có
người sẽ hỏi: Tại sao Phùng Thăng lại không lên tiếng?
Xin
hỏi lại: Lên tiếng ở đâu, trong khi Văn ở trong tay ông TTĐ, ông ta một mình
một cõi tung hoành?
Hơn
nữa, Phùng Thăng không phải là “típ” người ưa xông xáo, tranh luận. Bà là một
mẫu người mà người bạn học cũ là Thái Kim Lan nhận định:
“Chị
lặng lẽ đến như thế ấy. Lặng lẽ như tôi đã nhiều lần giật mình khi thoạt nhìn.
Lặng lẽ đi và đến, ngồi ở thế gian giây phút rồi bỏ đi. Bóng áo trắng thấp
thoáng sẽ sàng không gây tiếng động, đến nỗi khi cố tìm lại chị trong ký ức,
tôi có cảm giác e dè sợ kinh động sự lặng lẽ ấy, sợ sẽ tan biến đi hình hài
trong ký ức đẹp nhất về một con người...”
(Thái
Kim Lan: Nhớ Phùng Thăng, TQBT số 59)
Nếu
mà ông TTĐ gặp cỡ Nguyễn thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca thì chắc phải từ chết
đến bị thương cũng không biết chừng. Nội cái câu phê bình gái Huế của Trần
Phong Giao mà Nhã Ca, Túy Hồng làm dữ đến nỗi ông Trần Phong Giao phải lên
tiếng công khai xin lỗi (xin xem TQBT số 61 chủ đề Hiện tượng văn chương nữ
giới viết rõ về vụ này) hay một bài viết của N.T.Thụy Vũ nhằm biện hộ tại sao
phụ nữ làm nghệ thuật khiến những vị phê bình gia thủ cựu phải tá hỏa:
...Đàn bà vốn là cái
xương sườn của đàn ông. Nếu Chúa lấy một phần bộ óc của Adam và nấu thành bà
Eve thì có lẽ hiện thời đàn bà thông minh hơn đàn ông. Đằng này Chúa lại lấy
cái xương sườn. Hèn chi đàn bà ưa nói xốc hông đàn ông, và khi các bà nổi cơn
ghen tuông, các bà nói nhiều câu động trời các ông tức bể cả phổi, tức ê ẩm cả
xương sườn lồng ngực. Đấy nhé! Hỡi những chiếc xương sườn của đàn ông ở mọi
lãnh vực, nhất là lãnh vực nghệ thuật. Chúng ta phải làm cho họ có một mặc cảm
tự tôn và chuyện đòi hỏi vấn đề bình quyền với đàn ông là thuộc về huyền thoại
hẳn hoi rồi.
(Nguyễn
thị Thụy Vũ: Khi người phụ nữ làm nghệ thuật. Nguồn: TQBT số 61)
Một
điều rất ngạc nhiên, có một người nữa mà ông không đụng, không hề nhắc
nhở, không biết vì lý do gì, dù người ấy
đã phạm lỗi lầm rất quan trọng khi dịch tác phẩm Les Mouches của J.P. Sartre.
Đó là dịch giả Châu Diên. Sách in năm
1989, với 20 ngàn ấn bản được phát hành.
Trong
Ruồi của Châu Diên, dịch giả đã cho Oreste đóng vai anh ruột của Électre, trong khi ai đọc chuyện thần thoại Hy Lạp đều biết Oreste
là em trai của Électre.
Với
cái nhầm lẫn hết sức quan trọng như vậy, mà ông TTĐ không hề lên tiếng phê
phán. Để 20 ngàn ấn bản bán sạch trong khi Những Ruồi của Phùng Thăng nằm dưới
huyệt mồ thì bị ông lôi lên đập! Chuyện thật lạ đời!
Sau
trận tập kích cuối năm 1967 của Trần Thiện Đạo, rồi đến trận tập kích của phe
Cộng Sản Bắc Việt vào Tết Mậu Thân 1968, mà Vỹ Dạ là nơi xem như bị ảnh hưởng
nặng nề nhất, khiến bản thảo của bà bị thất lạc, bà hoàn toàn tuyệt vọng. Không
ai có thể nghĩ là bà can đảm tiếp tục cho ra đời thêm một dịch phẩm khác sau cú
“sốc” dữ dội này. Vậy mà đến năm 1973 tức là hơn 5 năm sau, bà vẫn cho in bản
dịch “Kẻ Lạ Ở Thiên Đường”, của Simone Weil, do An Tiêm xuất bản.
Một bài phê bình khắc
nghiệt
Tôi
đã đọc nhiều bài phê bình, nhưng chưa có một bài phê bình nào lại mang những
luận điệu hằn học, miệt thị đến độ điên cuồng như ông Trần Thiện Đạo phê bình
Những Ruồi của Phùng Thăng. Còn từ ngữ nào hơn để Trần Thiện Đạo “đánh”,
“phang” Phùng Thăng? Đánh vào năm 1967, chưa hả, đánh thêm vào năm 2001. Chưa
hả! Lại bồi thêm vào năm 2008 trong khi PT đã chết, lại chết thảm, trong khi
sách bị đốt thành tro bụi, tìm nó như tìm vàng, phải nhờ vào thư viện Cornell?
Đây
là một vài ví dụ trong bài chửi này:
Trước
hết là chữ “những”:
Trên
đời này tôi chưa bao giờ thấy ai lại dị ứng cái chữ “những” như Trần Thiện Đạo.
PT
dịch les mouches là “những ruồi”, ông sửa lưng phải dịch là “ruồi”!
Ông
dạy PT phải “giữ tánh cách Việt Nam”!
Dưới
đây là nguyên văn ông trưng ra để chê bai Phùng Thăng:
Nguyên
tác : (...) Ah! que, les mouches d'Argos m'ont l'air beaucoup plus
accueillantes que les personnes. (...)
(Les
Mouches, sđd, tr. 14)
Phùng
Thăng dịch : (...) A! Vậy đó, những con ruồi ở Argos đối với tôi lại có vẻ niềm
nở hơn những con người. (...)
Và
ông dạy PT phải dịch như ông để “giữ
tính cách Việt Nam”:
(...) Ý, trời mấy con ruồi này coi bộ biết
niềm nở hơn con người ở Argos nhiều đó, đa cậu. (...)
Ông
thay “những con ruồi” bằng “mấy con
ruồi” và “những con người” bằng “con người”.
Thú
thật đọc đoạn ông dịch để “giữ tánh cách VN”, tôi không khỏi phì cười. Nhất là
2 chữ “đa cậu”. Thưa ông, tôi là dân Trung, nghe chữ “đa cậu” có vẻ làm sao ấy.
Còn
nữa. Cụm từ mấy con ruồi mà ông dịch từ les mouches, tiếng Tây là quelques
mouches! Quelques nghĩa tiếng Việt là “mấy, vài”! Quelque (số ít), quelques (số
nhiều), khác với les mà ông!
Còn
nữa. Bạn có bao giờ nghe ai nói là ngôi nhà “chổng đít” ra đường không?
Vậy
mà TTĐ lại dịch, nói là để “giữ tánh cách Việt Nam”:
Nguyên
tác:
Elles
les ouvrent sur des cours bien closes et bien sombres, j’imagine, et tournent
vers la rue leurs culs. (...)
(Les
Mouches, tr.12)
TTĐ
dịch:
...Chắc
là loại nhà này cửa sổ ngó ra sân sau kín bưng và om tối và chổng đít ra đường
(...)
(tập
san Văn số 2, tháng 12-1967)
Tôi
thì chỉ nghe động tác “chổng mông”, “chổng đít”, “chổng khu” chỉ dành cho con
người, đôi khi con vật... (Thường thường, nó mang cảnh tượng chẳng đẹp đẽ gì,
khiến phái nữ phải đỏ mặt và các bà mẹ phải bịt mắt con cái không cho nhìn) chứ
chưa bao giờ nghe ai nói dành cho ngôi nhà! Đúng là dịch giả số một TTĐ!
Còn
nữa, hết dạy tiếng Tây, TTĐ lại dạy tiếng Nho.
Ông chê Phùng Thăng dịch cẩu thả: Người thiếu phụ trẻ (dịch Une jeune
femme). Đã “thiếu” phụ sao lại còn “trẻ”?
Tôi
rất dốt chữ nho nên chỉ tìm hiểu qua GOOGLE. Để xem có bao nhiều kẻ “cẩu thả”
như PT, thử google search “thiếu phụ trẻ” trên Mạng chúng ta sẽ thấy có tất cả
22100 bài viết sử dụng cụm từ “thiếu phụ
trẻ”. (Đó là chỉ dùng Unicode, chưa kể VNI, VPS, VIQR, VISCII...).
Còn
cái cụm từ “trường phái Chú Mục” mà TTĐ tự sáng chế khi dịch từ “La Force des
choses” (trang 648) của Simone de Beauvoir
thì zero!
Ở
phần cuối của bài chửi, ông dùng bản dịch Câu Chuyện Của Dòng Sông (dịch chung
với Phùng Khánh) để biện minh tại sao ông lại phải bắt buộc phê phán nặng nề
Phùng Thăng:
“Trước
khi chấm dứt bài điểm sách khá dài này, chúng tôi cũng muốn tìm hiếu tại sao
Phùng Thăng cây bút đã được độc giả tin cậy qua bản dịch Câu chuyện của dòng sông, xuất bản trước đây lại có thể cho in một
bản dịch vừa phản, vừa diệt như bản dịch Những
Ruồi, lại có thể, khách quan mà nói, khinh thường độc giả và miệt thị giới
phê bình tới độ ấy. Chúng tôi nghĩ rằng Phùng Thăng đã không đủ bình tĩnh mà
suy xét để xem sự tín nhiệm của người đọc đối với cô, nhờ bản dịch đầu tay vừa
nhắc tới trên đây, như một lời ban khen nặng nề trọng trách đối với độc giả và
như một lời khuyến khích mình tiến dấn tới chỗ tuyệt hảo, mà đã coi nó như một
thứ giấy khống chỉ cho phép cô tùy tiện muốn dịch sao thì dịch, không màng lưu
ý tới chỗ mình có thể khiến người đọc hiểu sai và biết lầm. Và đó là một thái
độ, một tinh thần đáng trách.”
(Nguyệt
san Văn số 2 tháng 12, 1967, trang 87.
Đăng lại trong Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Tới Thuyết Cấu Trúc, trang 132,
Trí Thức xb năm 2008).
Mô
Phật. Lạy Chúa. Bởi vì ông Trần Thiện Đạo dốt tiếng Đức nên ông không đọc được
nguyên tác truyện “Siddhartha” trong tập “Weg nach Innen” (Đường về nội tâm)
của Hermann Hesse (1877-1962, giải Nobel Văn chương 1946). Nếu mà ông đọc được
chắc thế nào ông cũng sẽ la làng sao lại dịch Siddhartha (Tất Đạt) là Câu
Chuyện Của Dòng Sông!? Hay tại sao lại dùng chữ “những” quá nhiều, hay không
dịch theo “cách Việt Nam”: Ý Trời! Đa cậu!!! Vậy nè!...
Mặt
khác vào năm 2012 trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Văn Nghệ ở Hà Nội, ông
tuyên bố một trong hai nguyên cớ “khiến cho tình trạng dịch thuật cho tới nay
thiếu chất lượng tới mức cần phải khẩn thiết báo động” là: “Bản dịch không dựa
trên nguyên ngữ mà trên một bản dịch khác” (1).
Thưa
ông, Câu Chuyện Của Dòng Sông dựa vào bản tiếng Anh để dịch (2). Nó không phải
từ nguyên bản tiếng Đức. Có nghĩa là –
theo ông – nó thiếu chất lượng. Vậy thì tại sao ông lại đi khen nức nở nó, hở?
Kết
luận:
Ngôn
ngữ nói lên phẩm chất của nhân vật. Mỗi
thứ ngôn ngữ phải có chỗ đứng của nó.
Văn
chương của Phùng Thăng chính là con người của bà: Một loại văn chương chọn lọc, sang cả, cẩn
trọng. Ngôn ngữ Phùng Thăng sử dụng lột
tả được vai trò của Thần, của Gods… đồng thời cũng vẽ lên được nhân cách quá
đẹp của bà - Phùng Thăng, một đời tài hoa bạc mệnh!
Trần
Thiện Đạo lầm lẫn “tính cách Việt Nam” với sự sàm sỡ, với ngôn ngữ cục mịch.
Những chữ như “Ý, trời!” hay “... đa cậu”, “cậu nè”, “như vầy”, “chổng đít” mà
TTĐ cố nhét vào “Ruồi” của ông, chúng chỉ hay khi phát ra từ miệng một người
dân quê Nam Bộ, thuở xã hội còn sơ khai, như các nhân vật trong Hương Rừng Cà
Mau của Sơn Nam chẳng hạn.
Đọc
ngôn ngữ phê bình của TTĐ, chúng ta nhận ra một thứ ngôn ngữ của một con người
võ đoán, hẹp hòi, ngạo mạn, coi thiên hạ là đồ bỏ, luôn luôn muốn làm thầy
thiên hạ.
Bản
chất này được biểu lộ qua những câu như: “phải dịch như sau thì mới đúng và có
nghĩa”, “phải dịch như sau đây thì mới sáng nghĩa” trong bài viết của ông.
Nói
như Nhị Linh: TTĐ là kẻ “không biết tiếng Việt nhưng lại rất to mồm”!
Vâng
to mồm thật. Ngay cả Camus, TTĐ cũng còn
chê là viết lủng củng bắt ông ta cũng dịch lủng củng theo (3) trong khi ông
không phải đẻ ở Pháp mà qua Pháp lúc 15 tuổi, làm Tây mũi tẹt, đáng xách dép
cho Camus!
Ông
thật xứng đáng làm giáo chủ của trường phái “nghĩa tử không là nghĩa tận”!
TRẦN
HOÀI THƯ
_____
(1) Văn Nghệ số 16
ngày 21-4-2012.
(2) Xin đọc Câu
Chuyện Dòng Sông và dịch giả Phùng Khánh của Thái Kim Lan đăng trên nhiều trang
mạng.
(3) nguyên văn: Như
một lần tôi dịch tác phẩm của Camus. Camus có thời viết lủng củng, tôi cũng
dịch lủng củng như thế. (nguồn: Tuoitre
online ngày 09/01/2007: Dịch giả Trần Thiện Đạo: Phải tôn trọng văn phong của
tác giả)
(**) Một vài bài luận
án được post trên NET như của Nguyễn thị Nguyệt Anh (luận án thạc sĩ), Nguyễn
Lê Thạch (luận án tiến sĩ), Vương văn Tín (luận án thạc sĩ) đều dùng cuốn sách
của TTĐ làm tài liệu tham khảo.
(Trích từ tạp chí Thư
Quán Bản Thảo số 71 phát hành tháng 8 -2016 chủ đề: Chiều đầy bông Phùng Thăng)
PHẦN
PHỤ LỤC
Trong
bài viết, chúng tôi có đề cập đến nhận định của Nhị Linh về khả năng dịch thuật
của TTĐ, qua hai ví dụ là Đại Tây Dương
và Tể tướng Bộ Tư Pháp trong Cậu Hoàng Con, bản dịch của Trần Thiện Đạo, Khai
Trí xuất bản năm 1966.
Để
giúp quí bạn thấy rõ hơn về việc đánh giá này, chúng tôi xin đăng lại trang
chụp liên hệ từ cuốn sách Cậu Hoàng Con mà chúng tôi mượn được từ một thư viện
đại học Mỹ. Mặt khác chúng tôi cũng kèm thêm một số trang chụp khác, như là
chứng cớ nói lên khả năng dịch thuật và xem thường độc giả của TTĐ đến mức như
thế nào!
(Cậu Hoàng Con - trang 80, TTĐ dịch Pacifique là Đại Tây Dương!)
Nguyên
tác:
....
On pourrait entasser l’humanité sur le moindre petit îlot du Pacifique.
(SĐD, trang 50)
TTĐ
dịch Général là “thiếu tướng”!
(Nguyên
tác: ... si j’ordonnais un général de se changer en oiseau de mer, et...)
Tệ
hại nhất là cẩu thả vô trách nhiệm, coi độc giả không có kí-lô nào. Chẳng hạn
cái cụm từ: “Ruồi chú sẽ phải đau lòng” thay vì “Rồi chú sẽ phải đau lòng”:
(Cậu
hoàng con - trang 122)
Hay
“những vì tôi đang trông thấy” ! (SĐD, trang 107)
(nguồn: tạp chí Thư
Quán Bản Thảo số 71 tháng 8-2016 chủ đề Chiều Đầy Bông Phùng Thăng mới phát
hành)
No comments:
Post a Comment