Wednesday, August 24, 2016

THƠ QUỲNH. TRONG CẢM NHẬN BẰNG HỮU


T.Vấn


CON CHIM SƠN NGỨA CỔ NÊN CỨ PHẢI HÓT SUỐT ĐỜI

Tôi nhớ có đọc trong một bài phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn, ông trả lời một câu gì đó về việc hát hỏng , rằng việc ca hát có phải là nghề nghiệp của ông không? Dĩ nhiên câu trả lời là không vì cho đến lúc tôi viết những dòng này thì chưa đọc, nghe, thấy, ở đâu người ta đặt danh xưng ca sĩ trước tên Hoàng Xuân Sơn. Nhưng phần tôi nhớ rất rõ của câu Hoàng Xuân Sơn trả lời là với phong trào ca hát ngày càng rầm rộ, từ đàn chay (thùng) đến karaoke, đến keyboard này nọ thì khán giả lại càng quan trọng hơn ca sĩ, rằng đã đến lúc ca sĩ phải trả tiền để khán giả vỗ tay. Bây giờ nhớ lại, tôi có cảm tưởng nếu dùng câu nói tự diễu cợt ở trên của Hoàng Xuân Sơn để nói về thi sĩ và người đọc thơ tưởng cũng không kém phần… chính xác.

Có lẽ, hơn ai hết, ca sĩ Hoàng Xuân Sơn hiểu rõ cái nghiệp mà thi sĩ Hoàng Xuân Sơn theo đuổi. Suốt một đời làm thơ, từ những ngày còn là anh sinh viên nghèo kiết xác sống vất vưởng ở quán Văn trong khuôn viên khu đại học Văn Khoa Sài Gòn cũ với những người bạn cũng theo đuổi những ước mơ lãng mạn không kém trong các lãnh vực thơ, nhạc, văn, họa v..v… Vậy mà cũng nhiều người năm ấy đã thành danh, hào quang chiếu sáng cả hai chế độ. Người làm nhạc thì chắc chắn có đủ rượu uống dài dài nhờ nhạc của mình, còn tiền tác quyền thì với gia tài âm nhạc đồ sộ để lại gia đình cũng được hưởng lây. Người viết văn thì một thời giới trẻ Sài Gòn chọn sách của ông làm gối để ở đầu giường, tác phẩm nào ra đời cũng trở thành bestseller, nên cuộc sống không còn "kiết xác" nữa. Người vẽ tranh thì bán tranh đủ nuôi sống không chỉ bản thân mà còn cả gia đình. Còn chàng thi sĩ Hoàng Xuân Sơn cũng đã có một chỗ ngồi không "thấp" trên chiếu thơ gần nửa thế kỷ nay. Nhưng - dù nhắm mắt đoán mò vẫn không sợ mình sai - tôi tin rằng ông chưa hề có được đồng thu nhập nào đến từ thơ đưa cho má bầy trẻ đi chợ mua gạo. Mà có khi ngược lại, bà phải bớt từ khoản tiền mua gạo đưa cho ông in thơ. Chưa phải trả tiền cho người đọc thơ mình cũng đã là may lắm rồi.

Nhìn lại sự nghiệp chữ nghĩa của Hoàng Xuân Sơn, ngoài tập phóng bút Cũng Cần Có Nhau (2013) ghi lại kỷ niệm của những ngày ông ra vào quán Văn (mà tuổi trẻ thời tôi ai cũng biết, ai cũng nghe, ai cũng gossip về nó) tạm gọi là văn, còn lại ba tập Viễn Phố (1989), Huế Buồn Chi (1993)Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (2004), đều là thơ. Cũng lạ, chẳng hiểu thơ phú có ma lực nào quyến rũ mà cả hằng nửa thế kỷ nay, Hoàng Xuân Sơn vẫn cứ làm thơ, đem tiền nhà xuất bản thơ, và đang hứa hẹn sẽ nhất quyết bằng mọi giá cho ra đời tập thơ Quỳnh mà ông thai nghén 20 năm nay, không in giấy được thì in ảo, in điện (tử).

Từ ngày trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu được con chim đến từ núi lạ Hoàng Xuân Sơn mỗi khi ngứa cổ hót chơi đều không quên gởi theo cho gió những âm thanh réo rắt, tôi mới nhận rõ được đam mê thơ của ông lớn đến chừng nào. Cứ theo nhịp độ ra đời những bài thơ, dường như không lúc nào ông không ngừng sống thơ, thở thơ, nghĩ thơ, làm thơ. Những bài thơ ngắn câu, ngắn chữ, nhưng nghiệp thơ thì dài lắm, dài gần hết một đời người. Thế nên, tôi cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi được nghe những lời từ chính người bạn đầu ấp tay gối của ông kể lể : "chàng có thói quen không mấy đứng đắn là bạ đâu viết đó. Khi thi hứng nổi lên ào ạt thì mấy cái tờ bill của tôi, mấy cái notes, memo dằn ở tủ lạnh cũng bị đè ra biên biên chép chép, câu kéo như thế nào cũng không đọc nổi nữa. Chưa bao giờ tôi thấy chàng ngồi vào bàn viết đàng hoàng (ngoại trừ khi ghi mấy món đồ dùng tôi nhờ ghé chợ mua về sau khi tan sở hoặc ngày nghỉ phải chợ búa). Ấy thế mà thơ đâu cứ sản xuất đều đều, đăng báo dài dài. Có lẽ chàng làm thơ như người mộng du, bất cứ lúc nào, ở đâu, trông lắm lúc cứ như “người đi trên mây”. . . ".
Quả là có thế. Đã bảo đó là thân phận chim ngứa cổ nên phải hót, dù là chỉ hót chơi, hót cho đến khi khàn hơi tắt tiếng, cho đến khi hắt ra hơi thở cuối cùng, mới buông thơ ra . . . chịu chết chăng? Chứ còn bây giờ thì xin mọi người hãy cứ nghe con chim Sơn nó hót. Chẳng mất gì một tiếng vỗ tay. Càng được khen chim hót càng hay. Cuộc đời lại càng thêm hương sắc. Phải không?
Giờ đây, ngổn ngang trước mặt tôi 25 chùm thơ Quỳnh của 20 năm lâm bồn mà con chim Sơn vẫn không thể cho những đứa con của mình mở mắt chào đời. Nỗi "tức tưởi" thấu trời xanh này ai là người tri kỷ đây?
Một đời người. Một đời thơ. Dù cho có phải cạn sức, cạn lực, cạn hơi, cạn thở, cạn tiền, cạn túi vì thơ thì cái nghiệp ấy đã vận vào người, chắc thi sĩ Hoàng Xuân Sơn khó tránh khỏi.
Thôi thì nếu ông đã chọn sống cho hết nghiệp của mình thì tôi cũng hoan hỉ mà giúp ông một tay cho những chùm thơ Quỳnh này theo gió bay vào hư vô, để tiếng hót con chim Sơn đến được với nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc. Đến cả nhiều thế hệ đời sau.
Như nhà thơ đã từng bao lần ao ước : " . . . Thôi thì cũng trông mong bước vào thiên kỷ mới "vật cùng tắc biến" chăng ? Nếu được, ưu tiên một cũng dành cho Thơ Quỳnh, gồm những bài viết từ hứng khởi mỹ cảm cũ có đôi phần ước lệ :

"Cây đàn
không biết để đâu
đánh lên một đoạn tơ sầu
nghe chơi
đã lâu
hồn ẩm bụi đời
cây đàn cũng lụy vào nơi
tục
trần ".
(Tấn Cầm Khúc - trích )

Cho con chim Sơn thêm một lần nữa được thỏa cơn ngứa cổ.

T.Vấn
Tháng 6 năm 2016


No comments:

Post a Comment