Monday, August 29, 2016

THƠ QUỲNH. TRONG CẢM NHẬN BẰNG HỮU


Quỳnh Thi


Vũ Hoàng Thư


rồi nữa mai, độ trăng tàn
nương người thuỷ nguyệt cầm sang tiếng hoài
(Ẩn dòngThơ Quỳnh, Hoàng Xuân Sơn)

Quỳnh Thi là tên Nàng Thơ. Thơ Quỳnh.
Tiền kiếp Em vốn cấu tứ đặn đầy, nghiêm túc chỉnh khuôn. Cho đến một  đêm u tịch trăng mờ, nhà thơ vén rào mần một trận phiêu hốt bỏ mặc giai nhân bên hồng lạp. Nàng Thơ ngậm ngùi nơi cõi tối, ưu sầu trong trơ trọi. Từ đó Em là Hoa. Hoa chờ Trăng. Em thành Quỳnh Hoa, Dạ Quỳnh buổi tối, Nguyệt Quỳnh đêm trăng… Và biết đâu mang chút hồn Quỳnh Như thao thức một Phạm Thái?

tựa như mình
khóc
rỗi
(thơ ngắn)

Bài thơ đầu tiên của Thơ Quỳnh ngắn chỉ 3 câu, vỏn vẹn 5 chữ mà mở một lũng trời lồng lộng quỳnh tương phôi pha nguyệt tận. Ông Hoàng xuống hàng đột ngột, ngắt ngoẻo như ông vẫn thư thả cước trình lục bát. Tựa như mình, là khơi vơi đứng dựa vào chính ông hay bồng phiêu phút giây thiên nhai tiêu sái?
Khóc đấy. Khóc một mình. Mà hình như không. Chỉ khóc rỗi. Vui thôi mà. Có cái ta đứng lại nhìn ta. Rỗi, không buồn làm bậu. Rỗi công yêu, giữa mơ màng thế tục. Chữ rỗi đứng một mình mênh mông nhân thế, rỗi cho tinh anh phát tiết, rỗi trong ngoảnh cổ ngó lại của nòi tình, khóc người đời xưa. Có phải mộng đời là mây tím mang mang khói trong chiều úa màu? Thức dưới tạng hoa gầy phải chăng là tạng thức mở một buổi mai tịnh độ, phong luân xoay chuyển giữa trầm thơm hương hải, một đóa liên hoa mở cánh?

một buổi mai tịnh độ
vân yên hà đương say
mộng đời không ai giữ
thức dưới tạng hoa gầy
(hoa)

Đi rảo đây đó vườn Quỳnh, lâng lâng người trong thi hội, bắt gặp duyên nghiệp là phận, mỗi con thú có một căn phần, đứng dưới hiên mưa sẽ ướt mèm, cũng là một chuyện đơn giản như một cánh hoa vàng vướng trên tóc em. Liên hệ gì nhau giữa hoa vàng trên tóc em và núp mưa dưới hiên nhà sẽ ướt nhẹp ? Bao giờ cho thôi vướng nhỉ ? Chẳng thoát đâu, trốn ở đâu mưa rồi cũng tới, như tình yêu sẽ đến chơi, và cái chết sẽ ghé về… Trong hương lửa hư trù, môt cái vướng, nghe hắt hiu mà đẹp đậm nét của hữu hạn giữa thiên thu…

có gì vướng lại trên tóc em
một cánh hoa vàng như cánh cam
gió thổi tới rồi mưa cũng tới
đứng dưới hiên mưa sẽ ướt mèm
(vướng)

Xen giữa thế giới chen chúc xung động, kèn cựa dòng sống của ong vỡ, ngày bỗng biến đi như chưa hề hiện hữu. Thinh không về. Buồn nhen sẽ là cái nhìn lại giữa cuộc cười. Nghe nghịch lý đấy nhưng vỡ bờ trong suy tưởng của thi ca, chợt thấy lòng vui một chút buồn, đòi hỏi người đọc leo lên nhiều bậc cấp, có thể tới ba mươi ngàn bộ thượng tầng không khí để nhìn mặt đất dưới chân, nhận chân ra rằng vui buồn vốn là hai mặt của cảm tính, trong hoan hỉ ẩn dấu chung cùng một lượng bi thương? Con mắt sau gáy của mình hình như chưa bao giờ một lần mở cửa. Khi mọi sự đã là bi kịch Kiều, vui-là-vui-gượng-kẻo-mà, ai sẽ là tri âm? Còn người chăng để ta mặn mà với? Bốn câu thơ rủ rê thi ca đến gần với ngay cuộc của chúng ta hôm nay.

lũ lượt người về như ong vỡ
một ngày tan biến giữa thinh không
đạp xe trong quãng bình yên ấy
chợt thấy lòng vui một chút buồn
(tan biến)

Cuộc đời với phân biện đối đãi đối chọi nhau rõ nét hơn trong một đoạn thơ khác,

có.  không.  ừ nhỉ hơi đâu luận
phù vân rồi cũng trắng ngang đầu
mai mốt nam tuyền xuôi biển bắc
chim.  người qua hết một vòng khâu
(thẩm)

Tứ tuyệt thành đỉnh tuyệt. Cây phất trần của ông Hoàng khua nhẹ, kéo nhiều phạm trù triết lý cổ kim vào trong bốn câu. Có/Không, Nam/Bắc… Giòng tuôn nơi con suối phương nam là òa vỡ của mây cao xuất thân từ biển bắc làm giọt nước kết một vòng chung nối bắc hải với nam tuyền. Sao người với người vẫn còn ranh giới bắc nam? Chim và người liên tưởng nơi chốn cao/thấp, đám phù vân kia tưởng là ngất ngưởng cao, chỉ loài chim có cánh mới vương tới. Vậy mà cũng có lúc ngang tầm, một vòng khâu không đầu không đuôi hóa ra là chuỗi kết cùng của người hay thú.
Buồn đưa gậy 
vẽ vòng chơi
Một chữ o một nhịp cời vào không

Thế rồi vô tình một hạt cát rơi từ thinh không, chẳng vì đâu, lọt vào con mắt làm người xốn xang ràn rụa. Hạt cát nhỏ vốn là khối đa giác với góc cạnh sắc bén, khi vào bên trong mắt hoành hành thịt da, đau đớn như những vết chém oan khiên của cuộc đời ngoài kia nhưng sá gì, thơ vẽ ra như một chuyện đương nhiên, thổi vào mắt nhặm chơi. Nhà thơ muốn nói nhỏ, nầy cuộc đời, ta thách mi đè nặng hằng hà sa số đá xuống đôi vai Sisyphe này, ta sẽ biến khổ đau thành hoan lạc. Lệ sẽ thành hạt trân châu. Hóa ra hắn mang hình ảnh loài ngọc trai dưới biển sâu, từ không đâu một hạt cát rơi vào lòng. Xót đấy, nhưng ta sẽ ôm lấy niềm đau, không chạy trốn. Từ đấy, phiền lụy hôn phối cùng nguồn khổ kết tinh thành hạt trai óng ánh điểm trang đời. Như bình minh và thiều quang chiếu sáng. Có ai biết long lanh vẻ ngọc hàm ngụ một hạt lệ từ trong? Nói quanh co như thế, tỉ để rời chốn thân quen dễ dãi cuộc đời đi về nơi u mặc đặng đối chất với muôn trùng khổ/lạc. Ở đó lặng lẽ một giọt châu ngời. Chỉ có thi sĩ biết.

ví như có hạt cát
thổi vào mắt nhặm chơi
mắt xót cùng hoan lạc
rụng xuống giọt châu ngời
(giọt trân châu sa)

Một bài thơ khác, ngọc văn, thơ và quỳnh hương, nghe hồn du hành trong hoang dã trăng mờ, lồng lộng thú dữ gọi ta bừng hừng nhiệt huyết cho mọng hương trầm khí lung linh. Chất lỏng ấy tự cõi lòng có tên là máu mang màu tấy đỏ nhưng mặn mà sương tụ, long lanh dài xuống má môi em. Thi sĩ phải sống tột cùng vai trò kẻ chịu chơi hết mình trong cõi, mới hòng lãng đãng vi vút với ly tao.

để thơ thấm vào máu
máu nở ra quỳnh hoa
có khi hồn ẩn dã
hương vỡ như khóc òa
(ngọc văn, thơ và quỳnh hương)

Thơ Quỳnh có những bài thơ dài và những bài thơ ngắn. Dài và ngắn là nói theo kiểu câu chấp chênh vênh si dại. Ai đo đếm được dài ngắn của bước chân em trong đêm mơ? Làm như thế khác nào giết chết sinh tồn của tao phùng kỳ mộng? Những bài thơ đôi khi chỉ có hai hay ba câu trong Thơ Quỳnh, như bài đầu tiên, thơ ngắn chẳng hạn, là những trầm tích dấu sau hang hóc rậm bờ của vườn quỳnh. Một bài khác,phớt hồng dưới đây, ngắn mà gọi một triều lượng phôi pha, một dun dủi dấu màu hưng phế. Chút hương phấn thanh dịu môi má ai, bừng giấc mộng vỡ thành tép than nổ tóe. Lửa đang hồng, tình khơi nồng, bỗng nhớ nghĩ một tàn phai. Khêu tro để tìm lấy bóng, phải chăng đã có một thời Môi em là đốm lửa, cuộc đời đâu biết thế ? (TCS)

tép than hồng nổ tóe
như tàn tạ
mầu son
(phớt hồng)

Cuối cùng khi điểm tựa là khe lãnh, cái đắng lắng xuống, cái khổ kết tinh thành chất keo đen, hành trang người mang theo xuống huyệt mộ là một buồn đã già, rất già… Ôi nếu buồn có thể đong bằng tuổi tác so với trăng sao thì vũ trụ này chỉ là một đứa trẻ thơ.

lặng lẽ người rút về
bản doanh tràn khe lãnh
mồ tuyết trắng bắc phương
dưới lòng sâu huyệt cứ
lắng đắng nỗi buồn già
(điểm tựa)

Một đôi khi ta bắt gặp cái tinh nghịch đáng yêu của nhà thơ. Như ban sơ của hồng hoang, như quái chiêu múa gậy đâm trăng của tinh thâm lão thủ cho mây nhốt mùi về xông hương nguyệt khi tà trăng âm u quyệt quái xiên lình. Ông Hoàng nhắc đến mùi gái phải chăng để dẫn đến huyền tẫn, Con Mái Thâm Ẩn, nơi âm dương hội tụ, của càn khôn giao thái ? Của thời khắc dạ thần giao cấu với đêm đen?

mùi gái thoảng qua
mây trời bắt được
đêm
ẩn dưới tà trăng
bàng hoàng
nguyệt
(tưởng hương)

oOo

Những bài thơ trích dẫn trên đây không xuất phát từ một quá trình lựa chọn. Đó là những cánh hoa ngẫu nhĩ vô tình ngắt đưa lên mũi, vốn đã như nhiên đậm mùi quỳnh lự. Xin cám ơn nhà thơ đã dâng đời những nụ. Còn rất nhiều cánh trong vườn, ngát tận chân trời. Có lẽ người yêu thơ Hoàng Xuân Sơn nên ở lại hoa viên để thấy thơ-như-hoa ấy nở cho chính mình từng đêm. Để nghe Thơ Quỳnh xướng lên giữa những giây phút cau mày trong cuộc lữ, một nháy động giữa muôn trùng, không là bất mãn trần gian hay đuổi xua thế cuộc, chỉ là một phút mong manh rất thơ và rất quỳnh, hiểu như là một loài hoa mà cũng là một tiếng ưu, tiếng hoài…


Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2016

No comments:

Post a Comment