Lê Thị Thanh
Xuân
Ngày đang khép lại. Trăng treo ngoài cửa
sổ, chiếu sáng cả một vùng quê hoang vu, đẹp lạ. Và cũng là lúc tôi đọc xong
một tiểu thuyết. Gấp sách lại, hơi chút suy tư. Phải chăng tác giả đã nói hộ
mình? Thấp thoáng một phần đời của tôi? Nghĩ cũng lạ, có phải là duyên ? Tôi
đến với tiểu thuyết này rất tình cờ. Hôm đó đang lang thang trên phây, thoáng
thấy tường nhà bạn có treo stt giới thiệu sách, tôi tò mò đọc thấy là lạ, rồi
đọc luôn vài đoạn trích, sao mà thích quá. Sau đó inbox tìm kiếm. Chẳng thấy
đâu. Chưa bỏ cuộc, hôm sau tôi tức tốc vượt mười tám cây số lục lọi trong các
nhà sách vẫn không có. Hôm sau nữa, lại cầu may. Vui mừng vì ở nhà sách Phương
Nam chỉ còn mỗi một quyển BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA của nhà văn Trương Văn Dân.
Cầm trên tay quyển tiểu thuyết mà mình đã
cố công tìm kiếm. Đọc xong lại muốn đọc lại. Nói thật, ban đầu tôi định bụng
gấp sách, cảm giác bực bội chiếm lấy tôi. Thật ra tôi cũng như bao phụ nữ khác,
khao khát yêu và được yêu nhưng tuyệt nhiên không bi lụy. Ở đây điều tôi muốn
nói, nhân vật Gấm lúc đầu hiện lên trong
tôi sao mà khó chịu quá. Cứ quanh quẩn điệp khúc "anh ơi, anh à".
Theo tôi, Gấm quá ngưỡng mộ và thần tượng
"anh" hết cỡ. Nào là "Anh ơi, anh đến bất ngờ và cao lớn
quá". Tâng bốc. Còn nữa "Anh làm em hạnh phúc và xáo trộn tâm tư biết
bao." Vân vân và vân vân. Đọc đến đây, tôi bỏ sách xuống và đứng dậy với
tiếng thở dài. Lát sau ngẫm lại, những đoạn trích hay lắm cơ mà. Vả lại, không
phải tự nhiên BTNDM lại được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học
quan tâm và viết bài nhận định. Một tác phẩm ít được giới thiệu trên báo còn
tác giả cũng không phải là người nổi tiếng, thế mà đến nay có gần 30 bài cảm
nhận, giới thiệu và nhận định.
Thế là tôi lại cầm sách. Đọc và đọc, từ
trang này sang trang khác, chợt nhận ra thân phận khổ đau của người phụ nữ càng
hiện ra rõ nét. Nhà văn Trương Văn Dân với trái tim nhân hậu. Ông đã xây dựng
nhân vật Gấm, tuy đã hai lần thất bại trong hôn nhân nhưng cuối cùng vẫn có
được một tình yêu thật đẹp: “Chúng tôi yêu nhau như hai dòng suối hòa lẫn vào
nhau, biến thành một dòng sông êm đềm có chung dòng chảy.” (374). Thiết nghĩ,
đến hai lần đổ vỡ, ắt hẳn phải gánh chịu hệ lụy mà thời gian không thể nào xóa
trôi và nỗi đau dù muốn dù không cũng hằn sâu vào tâm thức. Bởi vậy, ai đã từng
trải qua làm sao đủ lòng tin, đủ can đảm lại tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi? Thậm
chí có ước ao được vài phút bình an, hạnh phúc cũng còn chưa dám! Còn nàng…
ngay cả lúc bệnh tật vẫn được anh quý mến, trân trọng và yêu thương: “Cả hai
cùng im lặng, nhìn sâu trong mắt nhau. Gương mặt đẹp như ngọc của nàng phảng
phất bóng mây của quá khứ khổ đau và cô độc.". Được người mình yêu thấy
mình “đẹp như ngọc” khi nằm trên giường bệnh là điều ít thấy. Nên có lẽ vì thế
mà nàng trân trọng và yêu thương anh đến nỗi “em có thể chết cho anh sống “
(374) thì tuy có thể hơi cường điệu nhưng với một người tình như vậy cũng là xứng đáng. Mấy ai có thể thích ở bên cạnh
mình trong lúc bệnh, tóc tai rối bù, quần áo nhăn nheo, không trang điểm, thậm
chí ở thời khắc nằm hôn mê và sắp giã từ trần thế vẫn được anh trân trọng:
" … hình ảnh làm tôi xúc động nhất là lúc Gấm trở mình, hai bàn tay vòng
lại trên tấm drap trắng, những ngón tay dài và thon thả, chỉ đủ mảnh dẻ để vuốt
ve những người nàng yêu dấu và quá yếu đuối để giữ chặt những gì nàng xứng đáng
có được sau nhiều phen phấn đấu. Nàng sắp bị truất quyền sống. Và hưởng hạnh
phúc." Và hạnh phúc dâng tràn trong
cuộc ái ân cuối cùng của hai người mà nàng đã dâng hiến thật si mê và mãnh liệt
"Bất giác Gấm vươn tay, choàng lên cổ tôi rồi vít chặt vai tôi kéo xuống
giường, ép chặt bộ ngực nóng hổi vào người tôi, lần tìm làn môi của tôi để trút
lên nụ hôn thẳm sâu đến ngạt thở. Tôi cảm nhận toàn thân Gấm nóng hực như một
lò than. Tưởng sốt, định hỏi thì Gấm bịt miệng tôi, nói khẽ:"Không sao, em
khỏe. Người em nóng vì cháy bỏng tình yêu." Và giây phút họ có nhau và
cũng là phút họ sắp mất nhau, bùng lên
dữ dội "Tôi mơn man xoa bóp từng vùng da thịt nóng hổi của nàng đang căng
mọng bởi sự va chạm của hai thân xác, ôm nhau lăn lộn trên giường, như điên như
dại, hôn nhau mà như cắn vào bất cứ phần nào trên da thịt. Gấm áp mũi vào má
tôi hít hít. "Em run quá. Ôm em đi!" Tôi ôm chầm lấy nàng. Siết mạnh.
Người chúng tôi ẩm ướt như vừa tắm, chỉ vừa chặm, chưa lau. Mùi mồ hôi mang đầy nữ tính hòa lẫn với mùi
nam tính xông vào khứu giác, tác dụng như một thùng dầu lửa đổ vào đống than
hồng. Ngọn lửa phựt lên, réo rít. Sức nóng làm cả hai mê lịm đi...rồi cùng mở
bung hết ngọn nguồn cảm xúc.” “…Trong phút giao hòa ấy, chúng tôi tưởng như chỉ
còn lại một hình hài duy nhất. Hai xác thân từ tiền kiếp bị chia lìa giờ hòa
làm một, xác thịt quay cuồng trong bão tố, nạp nguồn nhiên liệu từ ngọn lửa
tràn đầy của khát vọng…” (395) “Thể chất, nội thân ngoại vật, âm dương đều hòa
hợp." Tình yêu họ như ngọn đuốc bùng lên, sáng rực….
Đọc lại những đoạn ấy tôi mới hiểu được tình yêu mà cô ta dành cho
người đàn ông cả đời mình khao khát. …“anh đến, chẳng những chỉ lối mà còn nắm
tay tôi dắt lên cõi thiên đường, đóng lại cánh cửa thông ra địa ngục” .Cô
ngưỡng mộ và thần tượng anh cũng phải vì thời gian quen nhau, anh đã giúp cô
nâng cao kiến thức, được anh yêu thương, chiều chuộng, đồng cảm và tôn trọng…
Một điều rất hiếm thấy trong các tác phẩm văn học hay trong suy nghĩ của người
đàn ông VN. Hãy nghe anh nói về tình yêu và sự trân trọng của anh dành cho
nàng. “nhờ có em mà anh biết tình yêu chân thành này là có thật.” Hay cảm xúc
khi nhìn nàng quằn quại: “nhìn nỗi đau
của Gấm tôi còn đau đớn hơn nỗi đau của chính mình” (376) và sau khi nàng chết anh cô đơn, lạc
lõng “kinh hãi, nghĩ đến con thuyền neo bến mà không còn kẻ sang sông” ( 408)
rồi mất cả lẽ sống “tôi sẽ sống cho ai và để làm gì? (390). Vũ trụ trước mắt
anh khi Gấm mất: “Thế giới bừng lên rồi chìm trong màn đêm đen kịt, chỉ có một
tia sáng duy nhất là từ trái tim tôi cháy bùng như ngọn đuốc, bay vút lên trời,
quán chiếu vũ trụ này trong một nỗi đau vô cùng, vô tận.”.
Ông đã lên tiếng đấu tranh bênh vực phụ
nữ chúng tôi. Và chúng tôi, những người phụ nữ luôn bị thiệt thòi, phải chịu
rất nhiều áp lực từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, chỉ biết hy sinh và hy
sinh.Thế mà, nhỡ người phụ nữ mắc phải
sai lầm, lập tức hứng chịu cơn bão dư luận xã hội o ép không chừng tìm đến cái
chết để buông xuôi tất cả.
Xã hội áp đặt phụ nữ chúng tôi bao điều
thua thiệt, và ban cho chúng tôi viên thuốc độc, an thần, đắng ngắt nhưng được
bọc đường: đức hy sinh! Mà ở đâu có người hy sinh là có kẻ lợi dụng…
Vâng, là phụ nữ tôi xin vòng tay cám ơn
nhà văn Trương văn Dân, phải chăng ông xây dựng nhân vật Gấm là muốn ban cho những
người phụ nữ dang dở, bất hạnh một ân huệ được sống hạnh phúc trong hoàn cảnh
vô cùng bi đát. “Nếu sự hòa hợp về giới tính và tâm hồn…là đỉnh điểm của những
gì mà con người có thể nhận được trong cuộc tồn sinh” ( trang 12) thì ông đã
ban phát cho người đàn bà tên Gấm ấy có được trong suốt thời gian bên người đàn
ông cuối cùng của đời mình. Để nhắm mắt ra đi trong một sự ly biệt thật tuyệt
vời. Hỏi mấy ai trong đời được sống hạnh phúc và chết bình an? Sau khi tận hiến cả si mê lẫn yêu thương cho người
mình yêu nàng thanh thản đoạn tuyệt cuộc đời sóng gió và bi lụy của mình. Đó là
cái chết quá xứng đáng cho một tình yêu như vậy.
Một cái chết tuyệt đẹp và xưa nay chưa
từng có!
Trong tiểu thuyết BTNDM bi kịch của đời
Gấm theo tôi cũng chính là bi kịch của phận người, nằm trong bi kịch của đất
nước, của hệ quả chiến tranh và sự lôi cuốn vào một thế giới tàn ác cùng những
lệ lụy và mặt trái của toàn cầu hóa. Ô nhiễm
nước, không khí, thức ăn nhiễm độc, tâm hồn con người bệnh hoạn vì lòng
tham. Mà lòng tham “hiện đại” lại được phương tiện tối tân nhân lên gấp nhiều
lần sức mạnh hủy diệt để tạo nên một thế giới mà “không phải quỷ dữ quyến rũ
con người làm điều ác mà chính quỷ mới là kẻ bị loài người dẫn dắt vào tội
lỗi”(379) vì con người chỉ quan tâm đến
các kỹ năng để phát triển lòng tham ... Trái tim nhân ái rách nát của nàng
không thể sống tiếp trong thế giới đen đúa ấy .
Viết lên những hàng chữ này tôi chỉ muốn ghi lại cảm nhận của một người đọc, một
người yêu văn chương, muốn chia sẻ với những bạn đã đọc và giới thiệu đến những
người sẽ đọc. Tôi không có tham vọng “phê bình” mà chỉ muốn bày tỏ sự đồng cảm
với tác giả về quan niệm sống trong tác phẩm. Dĩ nhiên trong tiểu thuyết BTNDM
tác giả còn đề cập đến nhiều điều mà có lẽ một độc giả bình thường như tôi chưa
nắm bắt được.
Tuy nhiên với cảm nhận chủ quan của tôi
thì BTNDM là một tiểu thuyết hay. Trương Văn Dân là một nhà văn có trái tim
nhân hậu. Và những trang viết đầy tính nhân văn của ông đã để lại trong tôi rất
nhiều cảm xúc và ấn tượng.
LTTX
Nha Trang 7-2016
No comments:
Post a Comment