Tuesday, August 16, 2016

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA


nguyễn xuân thiệp


Hoa thiên lý

Những ngày này nắng rực rỡ trên phố xá, công viên. Trong khu chung cư Nguyễn ở đêm đã thấy mảnh trăng non mọc sớm. Không hiểu sao nhìn trăng Nguyễn thường nghĩ đến mẹ mình. Và nghĩ đến mẹ, nhất là trong những ngày vào hè, là nhớ tới giàn hoa thiên lý lấp lánh nắng trong khu vườn ở Vỹ Dạ ngày xưa.

     Dạo ấy, cái thuở Nguyễn còn nhỏ như con cún, trong sân nhà có trồng một giàn hoa thiên lý. Cái giàn hoa ấy tỏa bóng mát khi nắng hè rực lên ngoài bãi sông và những nụ nhỏ bắt đầu hé nở. Nguyễn và cô bé nhà bên gọi chúng là những ngôi sao xanh. Những chiều hè, mẹ thường bảo chị Thoa hái bông thiên lý vào nấu canh. Canh hoa thiên lý nấu với tôm thịt ngọt ơi là ngọt, lại thoang thoảng mùi ánh trăng (ấy là sau này Nguyễn tưởng tượng ra thêm khi nhớ tới con bé mắt nâu ngày xưa).
    Nhưng như mọi thứ tốt đẹp ở đời… Giàn thiên lý đã xa / đã rời xa…* Những buổi chiều hè ấy không còn nữa. Lớn lên, cô bé hàng xóm theo cha mẹ lên lập vườn cà phê trên Ban Mê Thuột. Không còn hoa lý rụng trong chiều hè. Thỉnh thoảng viết về cho Nguyễn mấy chữ cô hàng xóm ngày nào cho biết hoa cà phê thơm nhưng không ở lâu như hoa thiên lý và không có “mùi của ánh trăng”.
    Giàn thiên lý năm xưa giờ đã xa khuất cuối chân mây. Chiều nay nhớ đến mẹ và chị Thoa và cô bé nhà bên cùng những chùm hoa thiên lý trong bát canh ngày xưa, Nguyễn lên lưới gõ vào Google mấy chữ “hoa thiên lý” và đọc được những đoạn văn sau đây, bèn chép lại gởi tới những ai yêu hoa thiên lý như Nguyễn, gọi là chút tình cố hương mong manh như ánh trăng.
    “Hoa thiên lý thường nở vào mùa hè còn có tên gọi là hoa dạ lài hương. Là loại dây leo, lá hình tim, hoa mọc thành chùm, lúc nở có màu vàng xanh và thoang thoảng hương về đêm. Ở quê tôi đa số các nhà thường trồng dàn hoa thiên lý trước hiên nhà để che nắng, đồng thời làm nguồn thực phẩm để chế biến các món ăn.
   Hoa thiên lý có thể chế biến thành nhiều món như lẩu mắm hoa lý, hoa lý nấu canh chua, hoa lý xào tôm, hoa lý luộc nhưng phổ biến nhất vẫn  là hoa lý nấu canh và hoa lý xào thịt bò.
   Canh thiên lý dễ nấu, không cầu kỳ, có thể nấu suông hoặc nấu với tôm, thịt... Dù nấu với thịt, cá hay tôm, thứ nào cũng ngon nhờ vị ngọt tự nhiên và cái chất bùi bùi, ngòn ngọt của hoa lý, nhai vào cảm thấy giòn giòn mới thật thú vị. Nhưng có lẽ canh hoa thiên lý nấu với cua đồng là đúng điệu nhất.
   Cua đồng bóc mai, bỏ yếm, rửa sạch, cho vào một thìa muối, xay nhuyễn. Lọc xác cua với nước sạch qua rây từ 3 đến 4 lần, gạn bỏ cấn để làm nước dùng. Đun nước dùng cua đến khi nước sôi lăn tăn, dùng muỗng khuấy đều theo một chiều để xác cua đông kết tạo thành gạch cua và gạch không bị bám vào đáy nồi và không bị vỡ nát. Nước sôi, cho hoa thiên lý vào nấu chung, đảo nhẹ tay để hoa không bị nát cánh. Khi nước sôi lại là được, múc ra bát, ăn nóng. Bưng bát canh thiên lý nấu với cua đồng nóng hổi trên tay, nhìn những những cánh hoa xanh nõn đã thấy người sảng khoái, muốn ăn ngay để cảm nhận vị ngon ngọt, đậm đà…”
    Đoạn văn trên là của Hoàng Oanh. Sau đây là một đoạn văn khác: “Mùa gió chướng về đem theo cái nóng như nung làm người ta bức bối. Chợt một sáng nào, thấy trong giàn thiên lý mát dịu những chum hoa xinh xinh xanh nõn. Và ngoài chợ cũng đã  có những mâm hoa vun đầy mời mọc, sẵn sàng dâng hiến cho ta những món ăn bình dị mà ngọt ngào. Nhưng không phải ai cũng biết  ngoài cái mùi hương thoang thoảng trong giàn lá mướt xanh, hoa thiên lý còn được dùng chế biến thành những món ăn hấp dẫn, vừa ngon mắt lại vừa ngon miệng.
   “Trước hết phải kể đến những món ăn được nhiều người ưa thích là canh hoa thiên lý nấu giò sống. Tô canh nóng thoảng nhẹ mùi hoa, những cánh hoa xanh rập rờn trong làn khói mỏng, điểm quanh đây đó là những lát giò nâu hồng gợi cảm. Chỉ có thế mà cái nóng nung người của trưa hè đã như lùi xa…”

   Giờ đây… Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa …* Ở xứ người không thiếu gì kỳ hoa dị thảo, nhưng với Nguyễn hoa thiên lý vẫn là thân thiết nhất. Đôi lúc mình lẩn thẩn tự hỏi ở Vương Phủ bây giờ có còn ai trồng hoa thiên lý?
NXT

No comments:

Post a Comment