Monday, February 1, 2016

CHỦ NHẬT BUỒN… VÒNG HOA ĐÊ MÊ



nguyễn xuân thiệp


Gloomy Sunday

                                                                        Lời Buồn Thánh

Sombre dimanche... Les bras tout chargés de fleurs
Je suis entré dans notre chambre le coeur las
Car je savais déjà que tu ne viendrais pas
Et j'ai chanté des mots d'amour et de douleur
Je suis resté tout seul et j'ai pleuré tout bas
En écoutant hurler la plainte des frimas ...
Sombre dimanche...

Chủ nhật buồn
vòng tay ôm đầy hoa
tôi bước vào căn phòng. tim mệt rũ
vì tôi biết em sẽ không bao giờ đến. căn phòng của chúng ta. không bao giờ đến nữa
và tôi hát. tôi hát. những lời tình ca khổ đau
tôi một mình. và  một mình lặng lẽ khóc
tai còn nghe hú rền. những lời khóc than của băng giá
ôi. chủ nhật buồn

   Trên là ca từ tiếng Pháp của bài “Chủ nhật buồn” (Sombre Dimanche – Gloomy Sunday). Tác giả ca khúc này là Rezso Seress một người tự học âm nhạc và hầu như không thông nhạc lý. Rezso Seress viết Sombre Dimanche vào năm 1933, từ một bài thơ của Lászlo Javor. Bài hát đã được liệt vào hàng bất tử trong lịch sử âm nhạc đại chúng thế giới. Được mệnh danh là “Ca khúc chết người”, “Quốc ca của những kẻ tự tử”,  “Chủ nhật buồn” từng là ca khúc thời thượng ở Hungary, còn tại nước Pháp, vào năm 1999, ca khúc này được bình chọn là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX.
   Bài hát tuyệt mạng này đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có cả tiếng Việt và Quốc tế ngữ esperanto), thu hút không biết bao nhiêu là đại danh ca thời đại -từ Billie Holiday, Ray Charles, Ricky Nelson, tại Mỹ, cho đến Sarah Brightman tại Ireland, Björk tại Iceland hay Serge Gainsbourg tại Pháp…
   Một trong những ca sĩ được cho là đã thể hiện hay nhất bài hát này là nữ danh ca Mỹ người da đen Billie Holiday, mà cách thể hiện đầy cảm xúc đã khiến cho bài hát của cô bị cấm tại Anh Quốc vào năm 1941 vì bị cho là làm nản lòng người nghe vào lúc nước này cần khí thế để chống Phát xít Đức.
   Ngoài cách thể hiện đầy u uẩn, ray rứt của Billie Holiday, ca khúc Gloomy Sunday cũng từng được nhiều ca sĩ khác trình bày với một phong cách nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như phiên bản của ca sĩ Mỹ Ricky Nelson, từng nổi tiếng trong giới hát nhạc “đồng quê’’ (country music).
   Huyền thoại “Chủ nhật buồn” còn tiếp tục sống trong nền văn hóa đại chúng (pop culture) -như tiểu thuyết, truyền hình, và cả trong phim ảnh. Trong cuốn phim đoạt giải Oscar của Spielberg, Danh sách Schindler - The Schindler's List, tiếng hát Holiday cất lên trong ca từ của bài "Gloomy Sunday" mở ra những cảnh đầu tiên của cuốn phim báo hiệu những điều hãi hùng của lò thiêu xác Holocaust. Và trong cuốn phim The Kovak Box, huyền thoại "Gloomy Sunday" được đan quyện vào  nội dung câu chuyện, tạo nên những tình tiết thê lương của niềm tuyệt vọng và những cuộc tự sát tập thể.
   Trong khi những tình tiết gợi lên trong bài hát đầy tính chất phi thực thì giọng ca dã dượi của Billie Holiday cộng với bao nhiêu lời ca khác đã nói lên nỗi đau đớn mất mát của kiếp người trong thế giới ngày nay.

   Vừa qua, trong cuộc hội ngộ cuối năm tại nhà Đỗ Thọ, lúc tân khách đã ra về chỉ còn lại mươi người -gồm chủ nhân là ca sỹ Thọ và Phượng, Khoan người chơi guitar thùng xuất sắc, Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo, Hoàng Định Nam và Ánh Nguyệt, Kim Liên, Anh Thư… cùng kẻ này. Trong lúc hứng khởi, có người đề nghị hát Chủ Nhật Buồn nhưng rồi không hiểu sao lại chuyển qua Lời Buồn Thánh của Trịnh Công Sơn với Chiều chủ nhật buồn / nằm trên căn gác đìu hiu / ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều…

   Hôm nay, trong dư vị của những ly rượu đỏ như ánh mắt thất tình và tiếng ca nồng nàn, dã dượi, Nguyễn tôi chỉ xin nói về ca khúc Sombre Dimanche-Gloomy Sunday qua âm vang của nó trong Lồi Buồn Thánh. Còn xuất xứ của bài thơ, những nỗi truân chuyên và huyền thoại của bản nhạc cùng phần số của người sáng tác ra nó và những nỗi buồn thời đại… xin để lại một dịp sau.
   Vậy thì… Không chỉ nổi tiếng trên thế giới, “Chủ nhật buồn” còn được biết đến ở Việt Nam rất sớm, từ đầu thập niên 50, qua lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong một hồi tưởng, nhạc sĩ cho biết trong thời gian du học ở Pháp, ông rất yêu những bản nhạc tình của một nữ nhạc sĩ Pháp đương thời và có soạn lời tiếng Việt cho một số bài của cô, trong đó, có bản “Chủ nhật buồn” mà Phạm Duy nghĩ là đã được phóng tác từ dân ca Hung-gia-lợi.
     Ca từ của bản tiếng Việt, mặc dù, như lời Phạm Duy, là được phỏng theo bản tiếng Pháp, nhưng lại theo sát và phản ánh tinh thần của nguyên bản một cách tài tình và đáng phục: “Chủ nhật buồn, đi lê thê - Cầm một vòng hoa đê mê - Bước chân về với gian nhà - Với trái tim cùng nặng nề...”
   Bài ca do Phạm Duy đặt lời được du nhập vào Việt Nam đúng lúc đất nước phân ly, lòng người tan nát và tao loạn. Như Phạm Duy nhận xét, “Chủ nhật buồn” có thể đã ảnh hưởng nhiều đến dòng nhạc tình nói về thân phận những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào, xuất hiện ở miền Nam cuối thập niên 50 thế kỷ trước.
   Phạm Duy nhìn thấy ảnh hưởng và dấu ấn khá rõ ràng của “Chủ nhật buồn” trong “Lời buồn thánh”, một nhạc phẩm tân lãng mạn của Trịnh Công Sơn, hoặc trong nỗi buồn của ngày Chủ nhật mùa mưa ở ca khúc “Tuổi đá buồn”: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang - Từng ngón tay buồn em mang em mang - Đi về giáo đường, ngày Chủ nhật buồn…”.
   Ra đời cách đây gần 8 thế kỷ, cho đến nay, “Chủ nhật buồn” vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, ban nhạc với những cách thể hiện khác nhau của bài hát. Nó xứng đáng là một ca khúc vượt thời gian!

   Chủ nhật buồn… Ôm vòng hoa đêm mê / Đi về phía ngôi nhà… Ôi. Bóng ai như bóng mình giữa mùa đông.

NXT

No comments:

Post a Comment