Lưu
Na
Tôi
thích đọc từ lúc có thể hiểu những gì đọc được.
Tôi
đọc bất cứ lúc nào có thể, bất cứ nơi nào có chỗ để đọc, bất cứ trang giấy nào
có chữ. Đọc cho vui, đọc cho qua ngày đoạn
tháng, đọc để giết thì giờ những lúc phải đợi chờ, đọc để quên những bực bội
khó khăn trong cuộc sống, đọc vì ham thích chữ của một tác giả, đọc vì muốn biết
những gì mình chưa biết, đọc vì tò mò, đọc để tìm cái hay cái đẹp... Dù không có lý do gì cả tôi vẫn đọc. Hai mươi năm đầu sống nơi đất này sách chính
là cứu cánh giúp tôi đi qua những năm tháng khó khăn, bây giờ tuổi đã xế chiều
cuộc đời êm ả tôi vẫn đọc dù chỉ để cho qua tiếng ngáy của hàng xóm sát
lưng. Cho đến nay, đọc vẫn là sở thích
lâu dài nhất của tôi.
Dĩ
nhiên là tôi thích đọc sách Việt, đọc chữ Việt.
Bởi cũng nơi hai mươi năm đầu hội nhập mà tôi biết, với tôi, chữ Việt _
tiếng mẹ đẻ, là điều quan trọng linh thiêng nhất như cuống nhau giữ tôi với giềng
mối gia đình đất nước. Con đường đi đến
trái tim thường ngang qua bao tử, nhưng những năm tháng ấy tôi vẫn có thể sống
bằng mì gói, bằng hamburger, mà không thể chịu nổi chuyện không giáp mặt được với
cội nguồn mình đại biểu bằng tiếng Việt.
Cũng
đương nhiên là tôi thích cầm sách in trên tay hơn là cầm một cuốn sách điện tử
dù tiện lợi đến đâu. Đọc sách điện tử giống
như ăn cơm rau muống xào với dao nĩa, giống như ăn bún riêu bằng đĩa súp sâu
lòng, uống nước mía bằng ly pha lê chân cao.
Lạc quẻ.
Trung
thành đến như vậy mà từ năm năm nay tôi không còn mua sách Việt. Bạn bè cho thì mình bê về bởi họ đã biết mà
cho đúng ý thích, nhưng mua thì “no way!!!”
Tôi đọc trên các trang mạng, nhưng không phải vì vậy mà thôi đọc sách Việt,
bởi tôi cũng có hơi cù lần lạc hậu không biết đến những trò chơi điện tử:
i-pad, i-phone, facebook, facetime, vân vân.
Nhưng cũng vì cù lần lạc hậu như vậy nên không thể đổ vì technology mà
tôi phụ phàng tiếng mẹ. Thực ra,
technology làm hư chữ Việt, hư người viết, và như vậy nó đã phụ phàng tấm lòng
yêu chữ Việt của tôi.
Không
phải sao, bây giờ ai cũng có thể tự in sách, tự phát hành, không cần ai đăng
bài của mình cả, cứ tự do mà viết. Không
bị gạn lọc người ta viết tràn lan sách ra nhiều như trấu sức đâu mà đọc cho hết. Nhưng cái tội của technology không chỉ ở chỗ
dễ dàng in ấn phát hành. Nó còn cái tội
nhanh như điện xẹt và dễ mua sân: bài vừa ráo là lên trang mạng, lên blog, gây
thêm cái tật đọc nhanh đọc vội thì phải đọc ngắn và đương nhiên phải viết ngắn. Viết ngắn, những ngòi viết cự phách vẫn có thể
viết sâu, nhưng không rộng. Người đọc
cao cường thích nhưng không đã mà phải tập hài lòng. Cái vòng lẩn quẩn ấy như thuốc diệt cỏ diệt lần
lần những tác phẩm hay và giá trị đòi hỏi viết và đọc đều phải có cảm quan
trình độ tương ứng.
Cũng
phải công bình: dù báo chí phải chào thua cho các trang điện tử, truyện Mỹ vẫn
in dài dài. Tôi cặp nách một quyển truyện
đến dược phòng chờ nhận thuốc thì cô chủ dược sĩ cũng hạ một cuốn truyện trên
tay xuống để đón toa, giao thuốc. Cần cù
trong im lặng, chúng tôi những con sâu đọc vẫn kìn kìn ôm về những cuốn truyện
paperback, truyện bỏ túi dầy cỡ 3, 4 trăm trang đọc sáng tối ngày đêm.
Thì
dĩ nhiên ai cũng đoán ra là truyện Mỹ, bởi chúng ta đang than với nhau sách Việt
không còn người đọc, cả trong lẫn ngoài.
Xin nói ngay, tôi dần xa sách Việt vì nó không còn hấp dẫn được đầu óc
đã mệt mỏi với cuộc đời của tôi. Cái
chuyện sang ngang đó không phải nhanh như thay áo như thiên hạ vẫn bĩu môi.
Bảy
tám năm trước, anh bạn đồng nghiệp Mỹ nhất quyết xúi tôi đọc truyện Mỹ vì anh
không thể chấp nhận được việc sống ở đất Mỹ mà chỉ mê chữ Việt. Ngày nào cũng nói, và ngày nào tôi cũng từ chối
với những lý do vô cùng chính đáng: không muốn vừa đọc vừa tra tự điển, dẫu có
hiểu hết vẫn không thấm được cái hay của văn chương, và thực ra nơi đáy lòng
không dám nói ra tôi cho rằng cái đất nước Mỹ này thì có chuyện gì để tôi cảm
thông lưu luyến.
Sau
vài năm cù nhầy, anh ta dúi vào tay tôi một quyển “cứ cầm về đọc thử vài trang,
không được thì trả lại.” Nể bạn tôi cầm
về, để bụi đầu giường. Rồi có một ngày
lương tâm nhúc nhích, tôi nghĩ cũng phải đọc để có lý do chối từ. Cá cắn câu!!!
Tôi đọc miết, đọc thêm cỡ trăm cuốn truyện hình sự, thấy ra truyện Việt
không bao la khúc mắc như truyện Mỹ, cũng không dồi dào kiến thức hay giàu có ý
niệm, không phong phú tưởng tượng. Truyện
Việt có thể tự hào mình gây cảm xúc đồng điệu, nhưng đó chính là chỗ yếu của
chúng ta: chỉ có vậy thôi. Lồng trong cốt
truyện tinh vi, trong kiến thức thú vị, trong tưởng tượng rất đáng thán phục,
truyện Mỹ không hề xa rời cảm xúc, ý nghĩ, tâm lý, mọi sự chi li nhỏ nhặt của từng
cá thể trong cuộc sống của thế giới đại đồng.
Những câu văn hay, những lời thâm thúy trong các truyện hình sự luật sư
tình cảm khoa học y khoa chính trị phiêu lưu vân vân nhiều như cát. Chúng ta có một Võ Phiến chứ Mỹ có cả ngàn Võ
Phiến ma, những con ma viết mướn mà người đọc không buồn thắc mắc, người viết
thật không buồn xưng tên. Chúng ta mãi
hướng về cuộc sống cá biệt của người Việt lưu vong xứ người, của hoàn cảnh con
dân đất nước bị thiệt thòi nên không liên kết được với cái tâm tình bao la của
con người, con người thôi, không có người Việt người Mỹ gì hết. Cái hướng nội ấy là một giới hạn của cả người
viết lẫn người đọc. Nếu người đọc mở rộng
lòng hơn để đọc, nâng cao tầm thưởng thức của mình lên hơn thì đương nhiên người
viết như thuyền cũng phải dâng theo nước.
Nếu người đọc sang hẳn bờ bên kia của hoàn cảnh dân Việt mà ngó lại, thì
nơi giữa dòng con thuyền của người viết lách cũng sẽ phải chèo cho tới bến. Người đọc không nên dễ dãi hài lòng với chỉ một
chuyện là cảm xúc, người viết không nên giới hạn cái viết của mình chỉ vào mục
tiêu trang trải.
Cũng
lại phải công bằng nữa, là trong chỗ đứng người đọc, tôi không nghĩ người Việt
viết dở, viết cũ. Nhiều người viết hay
viết mới viết sang viết đẹp lắm, nhưng số lượng thì phải nói là cá lẻ, mà trong
những bài viết của thiểu số viết hay vẫn thiêu thiếu một điều gì đó mà tôi
không gọi tên được, có lẽ do trình độ giới hạn của bản thân. Trong một cố gắng trả lời với chính mình tại
sao không còn thích đọc sách Việt, đưa tới không mua, tôi cho rằng tất cả nằm
trong chuyện chúng ta chưa sống đủ sống giàu có phong phú sống hết mình với cái
sống, để người đọc biết đòi hỏi nhiều hơn một chút cảm xúc, để người viết gạn lọc
hơn cái chuyện viết khoe kiến thức viết khoe chữ nhiều chữ hay viết cho nổ cho
vang viết cho người ta biết tiếng viết chỉ để chia xẻ. Đã tới lúc chúng ta, người đọc người viết
ráng sao cho chữ Việt xứng với tấm lòng yêu mến thiết tha của chúng ta, bắt đầu
với chuyện đừng viết lung tung và cũng đừng đọc lung tung (tôi thì vẫn cứ viết
và xin cứ đọc bài của tôi), và nhất là đừng thấy dễ và rẻ mà cái gì cũng in
(tôi thì chỉ in sách của mình để tặng bạn).
Lưu Na
02092016
No comments:
Post a Comment