Ý
Nhi
Khuôn mặt
blues. Tranh Đinh Cường
Cơn mưa bất ngờ giữ chân anh lại trong căn
phòng trống trơn, chỉ còn những sợi dây treo tranh đong đưa in bóng lên bức
tường màu trắng.
Chẳng thể làm gì, anh đành bắc ghế ra cửa ngồi
trông mưa. Vừa đẩy nhẹ cánh cửa sắt, anh gặp ngay hai cái đầu trẻ con ló vào,
bác, lạnh quá, cho tụi cháu vào trú nhé. Anh xoa tay lên cái đầu ướt nhẹp của
một đứa, vào đi. Thế là, tiếp ngay sau đó, một đoàn người ùa vào theo, chẳng
đợi chủ nhà cho phép. Họ vừa thu xếp chỗ ngồi vừa xuýt xoa, sao mưa vào mùa này
ta, tưởng lắc rắc vài hột, ai ngờ mưa như trút, mùa này ai còn đem theo áo mưa,
thế là ướt như chuột, chuyện ông trời mà, đố ai đoán được…
Anh thúc thủ trong góc nhà, sau chiếc bàn
thường dùng để bày cuốn sổ ghi cảm tưởng, nhìn những người khách bất ngờ. Ngồi
sát bên anh, một cụ già đang chăm chú lau chùi cây đàn nhị của mình. Cạnh cụ,
đứa bé gái mặc chiếc áo hoa màu đỏ hơi rộng, cầm món đồ chơi bằng nhựa đã cũ,
xoay xoay trên những đầu ngón tay. Con bé
ghé sát tai ông thì thầm điều gì đó, ông già lục tìm trong chiếc túi du lịch cũ
rồi đưa cho nó một cái gói bọc giấy báo. Con
bé vội bỏ đồ chơi, mở hé cái gói và nhẩn nha véo từng miếng xôi bỏ vô
miệng. Anh như bị thôi miên bởi những ngón tay của nó. Kinh nghiệm cho anh
thấy, bàn tay, đặc biệt là những ngón tay của một người, nói rất nhiều về thân
thế, về công việc về tính cách của họ. Không hiểu sao cái cô bé nghèo khó, theo
ông đi hát dạo, lang thang trên phố, bữa đói bữa no, ngày nắng ngày mưa lại có
những ngón tay dịu dàng, thanh tú đến vậy. Như cảm thấy cái nhìn của anh, Con bé ngẩng lên, mỉm cười, thay cho câu
chào. Chà, nụ cười cũng lịch lãm làm sao, anh nghĩ. Vừa khi anh định cúi xuống
hỏi chuyện hai ông cháu thì nghe thấy tiếng trẻ khóc ré lên nơi góc phòng. Cả
căn phòng bỗng chốc náo loạn vì những khuyên răn, chỉ bảo cho người mẹ trẻ. Có
ai đó kêu to, anh chị nào có dầu nóng cho xin với, dầu gió xanh, dầu khuynh
diệp, dầu Thái Dương gì cũng được.
Anh mở ngăn kéo bàn tìm lọ dầu rồi vội vã
bước tới nhưng chỉ cách đứa nhỏ một bước
chân, anh bỗng dừng sững, lọ dầu rơi xuống sàn đá, tạo nên một âm thanh khô
khốc và mùi dầu xông lên nồng nã. T, chính là T đang ngồi đó, ngay dưới bức
tranh Thiếu nữ của anh.
Nhiều năm trước, trong một cuộc rút quân,
anh bị thương, nằm lại bên bìa rừng. Hình ảnh đầu tiên anh nhìn thấy khi tỉnh
lại là một bà cụ đang ngồi nhặt rau bên hiên nhà. Nghe tiếng anh trở mình, bà
cụ quay lại, khuôn mặt nhăn nheo của bà dãn ra trong nụ cười, Lạy Trời, Phật,
cháu tỉnh rồi. Em T đang đi hái thuốc, lát nữa sẽ về. Vết thương của cháu được
đắp lá, nay đã hết sưng rồi, chỉ nay mai là lên da non thôi… Anh lơ mơ nửa thức
nửa ngủ, không hiểu hết những lời bà nói nhưng vẫn lắp bắp cám ơn. Anh biết
mình được họ cứu sống.
T khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, da
trắng xanh, có đôi mắt to và những ngón tay thanh nhã, mềm mại. Cha mẹ chết vì
đạn pháo, T sống cùng bà ngoại từ năm lên mười. T rất ít nói, thường chỉ đáp
lại những câu hỏi của anh bắng cái mỉm cười nhẹ nhàng. Em có thích học chữ
không. Mỉm cười. Em có thích nghe nhạc không. Mỉm cười. Lớn lên em có muốn ra
thành phố không. Mỉm cười. Cho phép anh vẽ em nhé. Mỉm cười…Anh không biết mình
có được phép hay không nhưng vẫn tìm giấy bút lén phác họa vài bức. Bức anh
thích nhất là hình ảnh T ngồi, hai tay vòng quanh gối, tựa cằm lên cánh tay, mặt
hơi nghiêng, nhìn vào một nơi nào đó.
Ngày anh rời đi, bà ngoại dúi vào ba lô
một bọc lá thuốc, T đứng bên hiên nhà, tựa mình vào chiếc cột tre, nhìn anh và
mỉm cười. Khi ngang qua cô, anh nhìn thấy một ngấn nước trong đôi mắt mở to,
gắng gượng.
Ba tháng bốn ngày là một khoảng mờ
nguy hiểm trong hồ sơ của anh. Tay cán bộ tổ chức thì thầm như thể đang tiết lộ
một bí mật. Anh nhìn những ngón tay chuối mắn của ông ta, mỉm cười, không đáp.
Anh nghĩ, mình đã lây cái cười của T. Anh không nhắc đến họ, không nhắc đến
những ngày lưu lại bình an trong căn nhà nhỏ, anh không muốn kéo họ vào những
cật vấn, tra hỏi, nghi hoặc khó chịu,
không biết khi nào mới kết thúc.
Chỉ đến khi quyết định thoát ra khỏi
những rắc rối của 3 tháng 4 ngày để bước
vào một chặng đường khác, tiếp tục đi học, anh mới tìm về ngôi nhà bên bìa rừng
của bà cháu T. Không còn làng, không còn bất cứ dấu vết nào của con người. Trước
mắt anh chỉ là mặt hồ mênh mông dợn sóng. Một người đàn ông vác cần câu đi
ngang qua anh, cậu tìm gì. Anh mỉm cười mà nước mắt chảy tràn ra, không sao kìm
lại. Người đàn ông bỏ đi, lẩm bẩm điều gì, nghe như là, không còn gì nữa, không
còn gì nữa đâu.
Vợ anh càu nhàu, anh đa cảm quá, anh cứ
thích bi thảm hóa mọi sự. Chắc chắn
họ sẽ được đền bù, chắc chắn họ sẽ có
một cuộc sống tốt hơn, vui hơn. Anh gầm gừ, chẳng có cái gì chắc chắn trong cuộc đời này ngoại trừ việc, không có họ
thì anh đã chết. Đó không phải là một
mối tình mà là một món nợ.
Trong thâm tâm, anh tin rằng họ đã bị dồn
đuổi tan tác, chẳng biết là đến nơi nao. Anh rùng mình nghĩ tới những gì bị vùi
lấp dưới mặt nước mênh mông dợn sóng ấy.
Thiếu nữ
là tác phẩm tốt nghiệp của anh. Thiếu nữ được vẽ theo bức phác họa chân dung T với tất cả tình yêu, niềm
trìu mến, nỗi nhớ tiếc, sự ân hận, xót xa của anh. T ngồi đó, hai tay vòng qua gối, tựa cằm lên cánh tay, mặt nghiêng
ngiêng nhìn vào nơi nào đó, sống động đến nỗi nhiều khi anh
không dám nhìn vào bức tranh. Anh đặt tranh trên giá, phủ một tấm vải màu sẫm lên rồi để nơi góc xa của căn phòng.
Anh chưa lần nào đem Thiếu nữ đến các cuộc triển lãm. Vậy mà, không hiểu vì nguyên cớ nào, anh đã nghe theo lời người bạn,
đem bức tranh đến đây với dòng ghi chú: tranh
không bán. Vì nguyên cớ nào anh để bức tranh lại trên tường khi đã thu dọn
tất cả, vì nguyên cớ nào trời lại đổ
mưa giữa mùa khô hạn…Anh đứng chết sững với những câu hỏi trước T nhưng cô không
ngoảnh lại, không đổi tư thế. Cô vẫn đang ngồi, hai tay vòng qua gối, cằm kê lên cánh tay, mặt hơi ngiêng về phía bức
tranh.
Cô dường như không nghe thấy sự nhốn nháo
quanh mình, không nghe thấy có ai kêu to lên
mừng rỡ, tạnh rồi.
Người ta ào ra phía cửa, cũng chẳng buồn
nhìn anh, giống như lúc ào ào bước vào phòng. Chỉ có ông già hát rong quay
lại, chào cậu. Con bé mỉm cười, đưa
những ngón tay thanh tú cặp lại mái
tóc đang xỏa ra trên đôi vai gầy. Hai đứa học trò nhảy tưng tưng, miệng liến láu, chào bác ạ, cám ơn bác
ạ…Anh không rời mắt khỏi T. Cô vẫn im lặng
như một pho tượng.
Tim anh thắt lại. Có thể nào chỉ là một
giấc mơ.
Anh dợm bước tới vừa khi cô bật đứng dậy,
khẽ cúi đầu chào anh rồi bước ra cửa. Không
một dấu hiệu nào chứng tỏ cô nhận ra anh. Anh gần như lao mình ra khỏi căn
phòng, bước theo hướng cô vừa rẽ qua.
Phố khá rộng, từ đây đến ngã tư đầu tiên không có con hẻm nào, anh vừa suy tính vừa bước như chạy trên hè phố còn đẫm
nước của cơn mưa. Nhưng không có T. Tuyệt
nhiên không có cô gái mặc áo màu đen, tóc buộc gọn sau gáy, dáng đi nhẹ nhàng như đang bước trên một đám mây …Anh ớn lạnh. Rồi
nóng sốt.
Trong mấy ngày nằm mê man, hình ảnh duy
nhất trở đi trở lại, là hình ảnh của bà ngoại T. Bà ngồi nhặt rau bên hiên nhà, bà cầm cây chổi cọng dừa quét
dọn mảnh sân nhỏ, bà lúi húi sắc
thuốc trên ngọn lửa riu riu trong gian bếp, ngọn lửa chập chờn, in bóng bà trên tấm liếp…Bà nói với anh, lúc rõ ràng,
lúc thoảng qua, thều thào, chỉ hai từ, nó khổ… nó khổ.
Sau trận ốm, anh dừng mọi công việc, dành
thời gian cho chuyến đi về phía biển, quê
anh. Không còn người thân ở quê nhà, cũng không tìm kiếm điều gì ở nơi ấy, anh
coi quyết định của mình như một thúc
đẩy nào đó không thể lý giải. Dường như anh chỉ dành tất cả thời gian cho việc đi đi lại lại giữa các trảng cát đầy
những vạt muống biển hoa tím, những bông cỏ lông chông lăn mình không
mệt mỏi trong gió, những ngọn đồi thấp mọc
toàn xương rồng, sim mua, cây dại…
Tối nọ, anh tạt qua gian hàng bán đồ lưu
niệm của một người đàn ông địa phương.
Ông cho biết mình là họ hàng xa của cha anh. Ông sống một mình, ngoại trừ những người làm
hàng thủ công mỹ nghệ, ông không có nhiều liên hệ với cư dân trong vùng. Ông
bảo, họ đi hết cả rồi. Anh không hỏi họ đi đâu. Anh cũng đã không hỏi người câu cá khi về ngôi làng của bà
cháu T. Anh nghĩ đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời.
Hai người đang uống trà thì một cặp nam nữ
bước vào quán. Chủ quán đứng dậy vồn vã, mời cô cậu. Toàn đồ xịn đấy. Chàng trai cười, em chọn đi.
Chọn thật nhiều để làm quà. Cô gái đáp, làm gì có ai để tặng. Anh đặt vội tách
trà, làm nghiêng đổ chất nước màu nâu nhạt lên mặt phản. Trước mắt anh, ngay
sát bên anh, T cúi xuống chọn những chuỗi ốc biển. Những ngón tay thanh nhã,
mềm mại nâng các vòng ốc lên, đưa cao chúng trước ánh điện, rồi nheo mắt nhìn
ngắm. Anh thèm kêu lên, T, nhưng cổ họng
anh đau thắt, không sao bật thành tiếng. Họ chọn thêm một con ốc biển lớn màu
hồng, thường dùng làm chao đèn. Chàng trai gửi tiền. Người chủ quán nhanh nhảu,
cô cậu nghỉ ngơi vui vẻ nghe. Cô gái mỉm cười. Rồi họ rời đi.
Anh hỏi, chú có quen họ không, họ ở đây
lâu chưa. Chủ quán thở ra, dân tứ xứ, đến rồi đi, đi rồi đến, đâu có biết ai
với ai. Vừa lau chỗ trà anh làm đổ ông vừa nói, giọng như của một triết gia,
cái đời này, hợp tan, tan hợp, cậu để ý làm gì. Rày mai mốt nọ chắc chi họ còn
đi bên nhau.
Suốt
thời gian còn lại, anh dõi theo tất cả mọi cặp nam nữ trên các bãi biển, trong các
nhà hàng, trong các cửa hàng lưu niệm…Có không biết bao nhiêu những đôi những
cặp diễu qua trước anh nhưng không có cặp đôi nọ. Họ quả là đã biến mất.
Anh dặn người chủ cửa hàng lưu niệm, nếu
có dịp nào gặp lại, ông hỏi xin họ địa chỉ giúp anh. Ông cười lớn, cậu sao vậy,
làm sao mà còn có cái dịp kỳ lạ đó. Tôi đoan chắc họ sẽ không bao giờ ghé lại
nơi này. Nếu còn đi cùng nhau, họ sẽ đi đến những biển khác, những sông khác,
những đồi núi khác…Trong hằng hà sa số người, chỉ có rất ít người biết trở lại.
Ông nhấn mạnh hai chữ trở lại theo
giọng thầy giáo nhấn mạnh một từ đặc biệt cho học trò của mình.
Thế rồi, khi anh chào từ biệt, ông lại
bảo, tôi nói vậy thôi, nếu cậu thực lòng muốn gặp một ai đó, chắc rồi sẽ được gặp.
Anh tình cờ gặp lại hai ông cháu Người hát rong trong một con hẻm khi
đang tìm nhà một đồng ngiệp. Con hẻm nhỏ tách ra từ một con phố, rồi cứ thế,
tách ra mãi, tách ra mãi thành những nhánh ngày một nhỏ hơn với những căn nhà
ngày một tồi tàn hơn, gần như vô tận. Anh đang soi đọc địa chỉ dưới ngọn đèn
đường thì nghe thấy tiếng gọi, chú ơi, chú gì ơi của Con bé.
Hai
ông cháu đang thuê một căn phòng lợp tôn, được gá thêm vào ngôi nhà như một vật
dị dạng, không ra hình khối. Con bé
níu tay cầm đàn của người ông, ông ơi, chú ấy đây này. Chú nào, người ông nhướng
đôi mày đã bạc lên, hỏi lại. Chú cho mình trú mưa ấy. Trời ơi, ông cháu mình
trú mưa trú nắng biết bao nhiêu căn nhà trong cái thành phố to lớn này, làm sao
ông nhớ. Thấy nó có vẻ thất vọng vì lời đáp của người ông, anh chen vô, sao
cháu lại nhận ra chú. Nó mỉm cười, vẻ bí mật, chú lạ lắm. Là sao. Chú ngồi im
khi người ta rần rần chạy vào nhà của mình, chú đứng sững sờ giữa phòng, chỗ
gần bức tranh rồi đánh rơi chai dầu, mùi dầu xộc cả vào mũi cháu, rồi chú chạy
ào ra phố như bị ai đuổi hoặc đuổi theo ai đó vậy…Trời ơi, trời ơi, anh rên rỉ
trong lòng, nó theo dõi mình. Không chừng nó đọc được cả ý nghĩ của mình chứ
chẳng chơi. Anh lảng chuyện, cháu có thích xem chỉ tay không. Con bé đưa hai bàn tay với những ngón
tay thanh mảnh, lật qua lật lại trước mặt anh, trả lời dứt khoát, không. Ông cháu
đoán số cho cháu rồi. Ông đoán sao. Ông bảo…nó dừng lại khi nghe tiếng ho khẽ
của người ông, ông bảo không được lộ bí mật thiên cơ. Thiên cơ là gì, anh trêu
nó. Là ông ngoại đó. Anh bật cười. Nhưng nó không cười. Anh để ý thấy, trong
suốt câu chuyện, Con bé không cười.
Nó chỉ mỉm cười.
Anh trở lại thăm ông cháu nhiều lần, lúc
thì đem bánh kẹo cho nó, lúc thì đem tấm áo cho người ông. Một lần, Con bé bảo, chú giống ông Lục Vân Tiên
quá. Là sao. Là ưa giúp đỡ người gặp hoạn nạn, nghèo khó. Anh đỏ mặt, không,
chú không phải là Lục Vân Tiên. Chú chỉ muốn cám ơn vì cháu đã không quên chú
mà thôi. Anh hỏi nó, cháu có thích hội họa không. Hội họa là gì, nó nghênh mặt
hỏi. Là vẽ những bức tranh. Nó đáp ngay, không. Cháu chỉ thích bài hát của ông
ngoại thôi. Thế có cho chú nghe được không. Nó ngồi xếp bằng, tay nhịp nhè nhẹ
trên nền xi-măng:
Thưa rằng: tôi Kiều Nguyệt Nga/Con này tì
tất tên là Kim Liên/Quê nhà ở quận Tây Xuyên/Cha
làm tri phủ ở miền Hà Khê/Sai quan đem bức thơ về/Rước tôi qua đó định bề nghi gia/Làm con đâu dám cãi cha/Ví dầu ngàn
dặm đường xa cũng đành/Chẳng qua là sự bất bình/Hay vầy cũng chẳng đăng trình
làm chi/Lâm nguy chẳng gặp giải nguy/ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi/ Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện
thiếp lạy rồi sẽ thưa/ Chút tôi liễu yếu đào tơ/Giữa đường lâm phải bụi dơ đã
phần/ Hà Khê qua đó cũng gần/ Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng…Anh ngồi
lặng, không dám cả cựa mình. Cái giọng lảnh lót ríu ran ngày thường của con bé
đã biến mất. Thay vào đó là một giọng hát trầm buồn đầy thương cảm. Anh hỏi nó,
cháu có muốn vào trường để học hát không. Không. Ông cháu đâu có tiền. Khi tiễn anh ra về, nó kiễng chân, thì thầm,
ông ngoại ( tức là thiên cơ ấy) bảo cháu rồi ra sẽ sung sướng, sẽ không lang
thang vất vưởng như ông.
Một lần, nó bỗng hỏi, bức tranh đó
là của chú hả. Ừa, anh trả lời qua quýt. Cô đó là ai vậy. Là bạn chú hồi trẻ.
Ủa, nó nhìn anh, là hồi nào. Là khi tóc chú chưa bạc. Nó lại nhìn anh, bạc như
ngoại mới là bạc già, bạc như chú thì gọi là bạc trẻ. Anh bật cười. Con bé vẫn
chỉ mỉm cười, mà cô đó đâu rồi. Chú bị lạc cô ấy lâu rồi. Sao bị lạc. Trời ơi,
anh lại rên rỉ trong lòng, tại chú ngốc, tại chú hay quên. Không đúng, nó
nghiêm mặt, chú không phải vậy. Chú đâu có quên ông cháu cháu. Anh cười trừ,
thì tại cô ấy quên mất chú. Vậy chớ. Nó tỏ ra thỏa mãn với câu trả lời. Khi anh
ra về, nó đưa mấy ngón tay vẫy vẫy, không nói năng liếng thoắng như mọi bận.
Anh nhìn thấy một ngấn nước trong đôi mắt mở to, gắng gượng.
Con bé càng lớn càng giống T ngày anh rời xa
cô. Lần đầu tiên anh tự hỏi, anh quyến luyến đứa trẻ phải chăng vì chính điều
đó. Nhưng rồi anh cũng lại lạc mất nó. Khi anh trở lại vào dịp cuối năm, sau
một chuyến đi xa, hai ông cháu đã dời đi. Người chủ nhà cho biết, khu phố bắt
phải bỏ phần cơi nới để bảo đảm mỹ quan. Thế bác có biết họ đi đâu không. Ông
ta giang tay, chịu. Nhưng chắc là trong một con hẻm nào đó. Rời thành phố thì
hát cho ai nghe, lấy đâu ra tiền độ nhật.
Anh nghĩ, anh đã thực sự lạc mất họ.
Thế rồi, trong một lần đi từ nhà đến
xưởng vẽ, anh nhìn thấy T bước ra từ ngôi nhà có chiếc cổng sơn màu nâu sẫm. Cô
mặc một chiếc áo màu xanh nước biển, tóc buộc gọn sau gáy, tay cầm một chiếc
túi du lịch nhỏ.
Anh dừng lại giây lát để ghi nhớ số nhà,
tên phố rồi chạy xe sát vỉa hè, chầm chậm theo sau cô. Dù vậy, anh vẫn vượt lên
khỏi cô và phải tìm cách vòng lại. Vài lần như thế, anh thấy mình thật lố bịch
nên đành dắt xe lên vỉa hè, đi sát vào những bờ tường, mắt như dán vào người
phụ nữ trước mặt mình. Có vẻ như phát hiện được hành vi bí mật của anh, một tốp thanh niên đi ngang qua, ngoái lại
nhìn, rồi cười phá lên, xì xầm điều gì đó. Anh vội tạt vào một quán cà-phê bên
đường, gửi xe rồi quày quả quay ra. Người trông xe túm lấy tay anh, tôi chỉ
trông xe cho khách thôi. Anh nài nỉ, rồi tôi sẽ quay lại ngay, tôi sẽ ngồi suốt
buổi sáng ở đây. Nhưng anh ta vẫn không chịu buông tay, tội tôi quá. Anh làm
vậy không chừng tôi bị mất việc chứ chẳng chơi. Anh dúi vào tay anh ta một ít
tiền rồi vùng chạy ra ngoài. T đã nhập vào dòng người xuôi ngược chen chúc trên
những con phố. Anh quay lại, giữ lời hứa với người trông xe, uống 3 ly cà phê và ngồi lỳ cho đến trưa.
Người trông xe cười cười, lần sau anh tới nữa nghe. Anh cũng cười cười, chắc
chắn rồi.
Chỉ có T và Con bé là không cười mà thôi.
Dù vậy, anh không tuyệt vọng. Anh có địa chỉ rõ ràng của cô.
Chỉ còn tìm một lý do mà thôi. Một lý do, thật chẳng đơn giản khi ta tìm lý do
để bước vào nhà một người ta không hề quen biết. Anh bắt đầu bằng việc tìm hiểu
về người chủ căn nhà. Anh giở niên giám điện thoại, mừng đến phát run khi nhìn
thấy số điện thoại của chủ nhà, một ông NMQ. Thế mà nhấc máy lên lại đặt xuống
không biết bao nhiêu lần, anh vẫn không dám mở lời. Anh cứ quanh quẩn bên chiếc
máy đến nỗi vợ anh phải cau mặt, anh sao vậy, cứ như gà mắc tóc ấy. Anh cười, không
sao, đâu có sao, giọng dỗ dành.
Cuối cùng, vào một khuya nọ, anh cũng cất
được hai tiếng a lô. Đầu giây bên kia có người nhấc máy, xin lỗi, ai đấy ạ. Một
giọng đàn ông, đã đứng tuổi. Dạ, tôi xin lỗi, tôi nhầm số. Tiếng dập máy mạnh
dội thẳng vào ngực anh như một cú đấm.
Rồi
một tối nọ, Con bé lại chộp lấy anh
trước một cư xá, a chú, chú đây rồi. Anh sững sờ nhìn nó. Nó đã là một thiếu
nữ. Và nó giống T như tạc. Ông cháu mất
rồi, nó nói, giọng buồn buồn. Cháu đưa ông về quê rồi lộn lên đây. Vậy cháu làm
gì ở đây. Cháu phụ bán quán. Quán nào, anh hỏi mà nghe lòng nhói đau như đã
biết câu trả lời tàn nhẫn, quán kia, nó chỉ tay vào một quán bar rực rỡ đèn
màu. Anh gần như quỵ xuống trước Con bé,
nắm lấy cả hai bàn tay nó, không, chú không để cháu làm việc ở đó. Cháu đi theo
chú, đi ngay lập tức. Nó vùng thoát khỏi anh, không, chú đừng lo cho cháu. Ông ngoại
nói rồi ra cháu sẽ sung sướng mà. Anh dậm chân xuống nền đá lát đường nhưng
tiếng kêu không bật ra mà ran ran trong lồng ngực rồi tụ lại ở một nơi nào đó,
nặng trịch.
Con bé đưa những ngón tay vẫy vẫy chào anh,
mắt ráo hoảnh.
Bị ám ảnh bởi chọn lựa của Con bé, anh không sao yên ổn khi nghĩ
đến T. Anh quyết định đi thẳng đến ngôi nhà, đưa tay bấm lên chiếc chuông màu
xám nhạt, có mái che nhỏ xíu bằng nhựa trong. Một người đàn ông trung niên ăn
mặc bảnh bao như sắp đón khách, đứng sau cánh cửa màu nâu sẫm, anh tìm ai. Dạ,
tôi hỏi cô T. Cô T, ông ta lặp lại, cao giọng, kiểu như người hướng dẫn trò
chơi chiếc nón kỳ diệu, rồi nói tiếp, giọng trầm xuống một bậc, không có cô T. Vẻ
như đắc ý với ứng xử của mình, ông ta hào hứng nói tiếp, giọng lại cao lên, không
những vậy, ở đây chẳng có người phụ nữ nào. Tôi sống một mình đã nhiều năm. Một
cơn giận dữ chợt bùng lên, anh gay gắt, ông sống một mình thì liên quan gì đến
tôi. Ông ta cười, đưa mấy ngón tay ngắn ngủn sờ nhẹ lên chiếc cằm tròn nhẵn , nói
hay lắm. Đâu có gì liên quan giữa anh và tôi. Ông ta liếc nhìn anh như cân nhắc
điều gì, rồi chậm rãi nói thêm, chỉ xin nhắc anh, anh đừng gọi điện thoại giữa
đêm, đừng đi đi lại lại, ngó ngó nghiêng nghiêng trước nhà tôi như một tay thám
tử tập sự nữa. Anh đỏ mặt. Hóa ra, anh là người luôn bị người khác theo dõi mà
không hề hay biết. Cả T nữa, có thể cô cũng đang nhìn anh từ nơi nào đó.
Dù vậy, anh không thôi qua lại nhìn ngó
ngôi nhà ấy, những ngôi nhà khác nữa, những quán bar rực rỡ ánh đèn, những dáng
người, những màu áo, những mái tóc…như một tay thám tử tư mới vào nghề, cho đến
khi anh không còn dám chắc người phụ nữ ấy là T, cho đến khi anh chợt nhận ra,
cô đã chìm lấp trong biển người kia như ngôi nhà nhỏ, như làng xóm của cô chìm
lấp dưới mặt hồ dợn sóng nọ.
Sài Gòn 12/2015.
Ý Nhi
No comments:
Post a Comment