Wednesday, October 28, 2015

TẢN MẠN BTCP. CHIỀU. VẪN CHIỀU. BÊN HỒ IRVING

nguyễn xuân thiệp


Hồ Irving trong mưa

Ngôi nhà bên hồ Irving lại rộn ràng tiếng nói cười, tiếng đàn tiếng hát.
Nhân kỷ niệm 100 ngày Nguyễn Xuân Phước ra đi, chiều Thứ Bảy 23 tháng 10 vừa qua anh chị em từ nhiều nơi đã về họp mặt trong ngôi nhà thân thương này. Có người từ Cali, có người từ Virginia, Boston, Oregon… Lại có anh từ Đức sang. Số còn lại là dân Dallas, Texas này. Được như vậy phần lớn là nhờ công lao của vợ chồng Trần Anh.
Ngôi nhà bên hồ Irving… Ôi. Từ khi Nguyễn Xuân Phước lâm trọng bệnh, Nguyễn vẫn cầu mong có một ngày được trở lại ngôi nhà này. Bởi lẽ ở đây lưu giữ quá nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm với Phước. Kỷ niệm với bao bạn bè khác. Nguyễn đã đến đây cùng với hiền nội những ngày đã xa.Vợ chồng con trai và các cháu cũng đã một lần tới ngôi nhà bên hồ này và tới ngày nay còn nhắc. Hôm nay trở lại, nhiều khuôn mặt đã không còn chỉ còn những cái bóng bên hồ.
Một điều nữa cần ghi nhận là ngôi nhà đã được sửa chữa lại khang trang, sáng sủa. Hình ảnh và chứng tích của NXPhước được trân trọng lưu giữ. Những bậc thềm xuống hồ còn đó. Cái deck và những chiếc ghế vẫn còn. Mọi người ước mong nơi đây sẽ là nhà lưu niệm người bạn thân yêu để hàng năm anh em có thể về tụ họp, ôn lại kỷ niệm với Phước, kiểm điểm lại những công việc đã làm nhân danh Phước và vạch ra tương lai để hướng tới.
Những người bạn của hồ Irving. Những người bạn của Nguyễn Xuân Phước. Tôi vui mừng gặp lại anh chị Đoàn Viết Hoạt. Trần Trung Đạo, Trần Trung Việt. Đặng Đình Khiết... Ôi thân tình biết bao, Đặng Đình Khiết. Anh vẫn trẻ, độc thân, chút tình với nhau dường như ngày càng sâu đậm. Vâng chúng ta sẽ còn gặp nhau ở nhà Trương Vũ bên Maryland, anh Khiết nha.
Họp mặt với nhau bên hồ Irving còn là để chuẩn bị cho ngày mai Chủ Nhật ra mắt Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước do công lao đóng góp của anh em. Tuyển tập in lại mười bài chính luận đặc sắc nhất mà Phước đã dốc hết tâm trí nhiệt huyết viết ra trong suốt nhiều năm qua. Đây cũng có thể xem như một loại “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”. Chúng ta hãy nghe đọc một đoạn của bài “Máu Ta Từ Thành Văn Lang Dồn Lại”:

“Thế hệ của tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước chia đôi. Khi chiến tranh leo thang, tin tức chiến tranh tràn lan trên báo chí, tôi phải di chuyển từ miền trung chiến tranh nghèo đói vào Sài gòn. Tuổi thiếu niên của tôi phải chung đụng và lạc lõng giữa một thế giới phồn hoa của một đất nước đầy khói lửa. Những vấn đề về quê hương đất nước bắt đầu nhen nhúm trong tâm hồn tôi…
… Giữa những dòng nhạc tình ca, và những bài ca về thân phận, tôi bắt gặp dòng nhạc của Nguyễn Đức Quang với bài Việt nam Quê Hưong Ngạo Nghễ với lời ca chất chứa niềm hy vọng và lòng yêu nước. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là liều thuốc tinh thần làm cho tôi có ý thức về dân tộc và lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.
Mỗi khi nghe … “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xưong thịt nầy cha ông miệt mài” … tôi cảm nhận đưọc cái gì rất thiêng liêng từ năm ngàn năm trước đổ dồn vào con ngưòi nhỏ bé của mình. Tôi có cảm cảm tưởng tôi không phải chỉ là tôi mà là cả một dòng sử Việt chảy trong tôi. Sau nầy, khi được đọc Lý Đông A “…ta sống muôn năm ở trong ta lấy sức sống mà làm nên thời đại 2000″, viết từ năm 1940, thì tôi càng thấm ý nghĩa lời ca của Nguyễn Đức Quang. Với tôi, Nguyễn Đức Quang, cũng như Lý Đông A, chính là ngôn sứ của tiền nhân, giúp cho tâm hồn tôi nối kết được với linh thiêng của đất nước, để bắt gặp những người bạn cùng nhịp điệu, cùng những rung động về quê hương trong nước và ngoài nước. Anh đã  đem lại cho thế hệ chúng tôi niềm tin yêu vào tương lai dân tộc để thế hệ chúng tôi “xin nhận nơi nầy làm quê hương” với niềm “hy vọng đã vươn lên trong ưu phiền mùa chinh chiến.”
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ giúp cho tuổi trẻ cảm chiêu đươc hồn sử dân tộc và nhận thức được sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trước hiện tình đất nước. Nó sẽ tiếp tục kích động lòng yêu nước của thế hệ thanh niên đang lớn lên trong đất nước dưới gót giày xâm lược của Đại Hán, như đã kích động lòng yêu nước của tôi thời kỳ chiến tranh.”

Hơn thế nữa, như chúng ta đã thấy, NXPhước còn tìm trong lịch sử con đường đi cho thế hệ ngày nay cũng như tìm cảm hứng để dấn thân trên con đường phục hưng đất nước. Bởi lẽ người bạn thân yêu của chúng ta không chỉ thuyết lý mà còn tham dự trực tiếp vào những vận động dân chủ, nhân quyền. Ở đây, trong Tuyển Tập, mỗi trang viết của NXP đều thấm đẫm tinh thần yêu quốc gia dân tộc. Đặc biệt NXP nhìn thấy ở Phan Bội Châu, Nguyễn Trãi và Lý Đông A… những tấm gương sáng cho thế hệ mình. Viết đến đây, tự nhiên hng bút đưa Nguyễn tôi tới những trang viết của Nguyễn Thị Khánh Minh trong bài Những Buổi Sáng Trôi Trên Dòng Thơ Chính Khí in trong tập Bóng Bay Gió Ơi báo Sống xuất bản năm 2015. Chúng ta hãy nghe NTKM viết về Lý Đông A với bao xúc động: “Tôi sẽ không quên… sẽ mãi nhớ buổi sáng tháng 5 của ngày mà tôi cảm như ẩn hiện màu áo trắng khói sương Lý Đông A, trong câu nói đầy hoài niệm của người bạn, Thơ Đông A toàn là về nước nhà, dân tộc, như Huyết Hoa, Đạo Trường Ngâm… thế này, mà ngày trước không được đem vào chương trình giảng dạy ở trường học. Chết năm 26 tuổi. Người bạn đọc nhỏ, buổi Sát Thát chàm vai thề đầu mất / ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất / khi Cần Vương nhổ mặt lũ gian hùng… Tôi thấy hơi mắc cỡ về một thiếu sót trong vốn hiểu biết của mình - Lý Đông A (1921-1947) - Theo Wikipedia, ông là một nhà triết học, một học giả, một nhà cách mạng và chính trị gia… Các tác phẩm của ông được nhà xuất bản Gió Đáy phát hành tại miền Nam Việt Nam từ năm 1969. Tôi có người bạn ở Canada, một giọng ngâm thơ tài hoa, Tôn Nữ Lệ Ba, chị tặng tôi một CD ngâm toàn thơ chính khí, trong đó có bài thơ của Lý Đông A. Trên youtube, tôi thấy dòng comment “Tổ quốc đang bị ngoại xâm, xin lắng nghe Chính Khí Việt.” Từng phím chữ như lời nghẹn, … nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc / sông Bạch Đằng sóng vỗ thuyền cắc cắc / non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao / đồng Đống Đa xương người phơi man mác /… Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc / Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc / gió thê thê quất dậy hồn phục hưng / gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc /… Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng… (Chính Khí Việt, tập thơ Đạo Trường Ngâm)
“Nắng sáng tháng 5 hôm ấy là màu áo trắng huyền thọai của một nhà lý thuyết, nhà thơ, cũng là một chiến sĩ xông pha giữa trận đánh Pháp trên đồi Nga Mi…”

Và để kết thúc bài Tản Mạn này, xin gởi đến bằng hữu bài thơ Nguyễn viết trong buổi chiều trước khi cùng Hoàng Định Nam, Ánh Nguyệt và Lê Lam Ngọc lên họp mặt ở ngôi nhà bên hồ Irving.

chiều
lại ngồi bên hồ irving
với bạn bè
có rượu
có trà
và tiếng đàn. tiếng hát
nhưng không có nguyễn xuân phước
hắn đã đi xa
không về nữa

chiều
vẫn chiều bên hồ irving
mây xám. giăng đầy trời
những cánh hải âu. mùa xưa. không thấy lại
người đã ra đi
mang theo những ảnh hình
mang theo tiếng cười
những câu chuyện kể
và những trang văn viết dở
để lại cây đàn chùng dây
bật kêu thành tiếng. trong những chiều lộng gió

nguyễn xuân phước đã đi xa
không về nữa
nhưng chúng ta vẫn thấy cái bóng trên tường
vẫn nghe. giọt nước có biết mình là sông. nhưng sông vẫn chảy*
và những lời thơ chính khí
phải không. hỡi bạn bè
con người có thể chết
nhưng trí nhớ của dòng sông không chết
sử thi không chết
mãi mãi. nguyễn xuân phước. vẫn ở cùng anh em
trên những diễn đàn. của lá
màu xanh. gương hồ thủy chung
trong những ngọn đèn đường
với nắng
với mưa
vẫn đồng hành. trên từng chặng hành trình tử sinh. đầy oan khốc. bão giông
vẫn vang ca nhịp bước
mùa đi

NXT


*Ca khúc của Khúc Lan. Phước vẫn hát khi ngồi với anh em

No comments:

Post a Comment