Friday, October 23, 2015

PHẠM QUỐC BẢO VÀ VÒNG TRÒN LẤP LÁNH YÊU THƯƠNG



Nguyễn Thị Khánh Minh


Nhà văn Phạm Quốc Bảo

Bìa sách ‘Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung’


Khi đọc xong phần 1 cuốn sách Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung* (TTMNQC) của Nhà Văn Phạm Quốc Bảo, gấp sách lại, tôi chợt chú ý đến hình bìa. Ba giọt nước rơi xuống mặt nước tạo nên những vòng tròn lan tỏa đồng tâm. Có thể liên tưởng vô số ẩn dụ của ba hạt nước. Riêng tôi, từ nội dung cuốn sách TTMNQC, tôi lại ví von nó như Trời Đất và Con Người. Và tâm điểm trên mặt nước kia, không khác chi một cái nhân, đó là Gia Đình, rồi nhịp nhàng lan ra những vòng tròn nhân quần, xã hội… Cái nhân ấy càng mạnh khỏe, gắn bó, tốt đẹp, nhân ái, thì sẽ càng tác động hiệu quả vào những mối tương quan trong xã hội -con người với con người- từ đấy phát sinh lòng tương ái đến muôn loài cùng đang sống trên trái đất này, tôi tin thế, và niềm trân trọng của tác giả về gia đình đã khiến tôi càng tin hơn, như thế.

Tôi nhớ đến câu của Mẹ Teresa, Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình (tudiendanhngon.vn). Hãy nghĩ đến sức mạnh của nó, mỗi người yêu thương gia đình mình, biết được giá trị của nó thì sẽ biết quí tình của tha nhân, biết quí thì sẽ không sinh lòng xúc phạm. Mẹ Teresa muốn ta học được lòng nhân ái từ tình gia đình để bảo vệ thế giới này.

Trong phần 1 của tập sách, qua những e-mails trao đổi giữa cha mẹ và các con, toát ra tình thương trong những điều bày tỏ, cả trong sự dạy dỗ khuyên bảo, tôi nghiệm ra được một điều, cái gì làm cho con cái tin cậy và chịu nói chuyện với chúng ta? Đó chính là lòng yêu thương, bao dung, không mô phạm một cách cứng nhắc, tôn trọng ý kiến của chúng, và biết khen khi chúng đã làm điều gì đúng, cũng cần tính kiên nhẫn vì điều này không phải ngày một ngày hai mà có được. Một khi trẻ đã tin rồi thì chúng rất tự nhiên bày tỏ, như các con của tác giả. Có phải vì nhờ ông đã sống, nhìn ra tầm quan trọng của nền móng gia đình, trong đó yêu thương và bao dung là những viên gạch quyết định?
Và tác giả cũng xác quyết, để tạo không khí cho gia đình đúng nghĩa là một mái ấm thì, nhu cầu tâm sự là ưu tiên số một (tr.21). Suốt phần 1, qua những thư giữa ông và các con, ta thấy họ đã áp dụng được điều ấy đến mức, nếu không muốn nói là, tuyệt vời! Họ tâm sự với nhau tất cả mọi khía cạnh trong đời sống, việc làm, tình cảm riêng tư, nhân sinh quan…, điều này vô hình chung lại vẽ ra cho người đọc thấy được bức tranh khác biệt trong suy nghĩ và nếp sống của người trong nước và ở đây. Khác biệt để rồi dung hòa. Ở trang 23, tác giả đã ngỏ, “đọc vào cuốn sách mà quí vị có thể nhận ra trong này được một vài trường hợp tương tự như quí vị đã từng trải qua, hoặc quí vị nghiệm ra ở đây những gì có thể đáp ứng với tâm tình của quí vị, chia sẻ vài cảm xúc dù rất riêng tư nhỏ nhặt của quí vị… hay ít ra những trao đổi tâm tình của cuốn sách này nếu chỉ khiến cho quí vị thích thú trong giây lát một cách thanh thản thôi, thì đấy cũng là mong ước của tôi vậy.” Một ước mong rất đơn sơ giản dị khiêm cung.
Một tấm lòng nhân ái khiến tôi ngưỡng mộ, những đứa con của ông bà là do ông bà đã nhận nuôi, bảo trợ. Họ còn ở trong nước. Họ yêu quí và tin cậy phải chăng đó là do sức mạnh của lòng nhân ái của bậc cha mẹ mà họ có duyên được gặp gỡ trong đời? Từ điều đó khiến ông sảng khoái dí dỏm rằng, trong những bận rộn ấy “nhà tôi” như “thăng hoa” và người hưởng phước lộc lại chính là ông vì “happy wife, happy life” (tr.16). Trái của hoa nhân ái thật ngọt ngào và làm cuộc sống người ta có ý nghĩa đến thế.
Hãy nghe lời viết của người con, “Mỗi năm tết đến con lại nghĩ đến tuổi tác và sức khỏe của ba mẹ mà không biết làm sao hết…làm sao con giữ mãi ba mẹ lúc nào cũng tươi trẻ, minh mẫn. Con thật sự không thích tết đến… Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có bài Mừng Tuổi Mẹ, ba mẹ hãy nghe cùng con để hiểu con thật sự “khó khăn” như thế nào!” (tr.82) Một câu mà bất cứ cha mẹ nào nghe thì cũng thấy như được nạp thêm năng lượng sống vậy.
Người đọc chắc sẽ như tôi, thích thú khi được, như thể trong một chiều thu đẹp, ngồi trước hiên nhà, ông bưng ra một chiếc hộp cũ kỹ và giở từng tờ thư của những đứa con yêu quí rồi thầm thì đọc cho bạn nghe… Rồi bạn sẽ cùng mỉm cười với những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống gia đình, rồi bạn sẽ nhận ra, ôi những điều làm ta thanh thản hạnh phúc lại là những điều vô cùng đơn giản. Bạn sẽ thấy ông nở nụ cười sung sướng khi được chia sẻ cùng bạn. Và bạn sẽ chợt thấy chiếc lá thu đang rơi xuống kia nó làm bạn rung động biết bao nhiêu. Đó không phải là nhịp hỗ tương khi cùng nhau tâm sự hay sao!
Cũng từ nhu cầu tâm sự là ưu tiên số một, tác giả đã áp dụng vào tình huynh đệ, trong phần 2, những buổi nói chuyện với em trai, qua đó ông đã phác thảo được gần như toàn cảnh nếp sống văn hóa của người Việt, trong tâm trạng của người con dân ly hương, tha thiết muốn bảo tồn gìn giữ nếp nhà. Này, khách đến chơi nhà, không trà thì bánh…, miếng trầu là đầu câu chuyện, ông bà ta tiếp khách là thế, “anh sắp sẵn trà đợi em đến đây” (tr.132), nếu bạn là người em, bạn có thấy ấm áp vì câu nói ấy không? Rồi miên man nghe ông anh giải thích, trồng trà ở Việt Nam, pha trà, hồn trà… Trong thời đầy căng thẳng này, có một buổi thong dong nghe người anh cả trầm trầm kể chuyện như vậy thật như níu lại được chút thời gian. Biết được cái cần thiết “…(bởi mỗi năm chỉ có vài ngày giỗ kỵ…) để cho con cháu có dịp… nhận biết và gắn bó nhau qua mối liên hệ gia đình thân thuộc nội ngoại…, để chúng nó được tự nhiên gặp gỡ… chuyện trò, trao đổi những kinh nghiệm học hành, cởi mở tâm tình mà làm quen dần với vấn đề giao tế rộng ra ngoài xã hội…” (tr.138). Tôi cũng đồng ý đấy là nếp mà những gia đình ở đây nên để ý và ráng duy trì, một nét đẹp của văn hóa Việt giúp các con chúng ta ý thức được việc nhớ đến ông bà tổ tiên qua những ngày giỗ tết, mà trong cuộc sống tất bật đã cản trở rất nhiều những cuộc sum họp đại gia đình. Từ câu chuyện văn hóa, ông cũng đã phác thảo một cách tổng quát lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thời huyền sử, nhắc nhở chỉ với tâm niệm Chim có tổ, người có tông, câu ông đã dùng để làm tiêu đề cho đoạn này, với tiêu chí đó đã khiến ông có một cái nhìn vị tha, “… đương nhiên đầy rẫy những sai khác… Nhưng nếu nếp văn hóa ấy luôn được bồi đắp một cách tích cực thì những sai khác sẽ tự động được điều chỉnh…” (tr.151). Tức là để bảo vệ Tổ và Tông ấy, nên chăng dùng văn hóa dân tộc, dùng nếp nhà để điều hòa những sai trái, xung đột? Nhìn rộng ra trong khung cảnh thế giới hiện nay, những nhà hòa bình đều kêu gọi giải quyết những tranh chấp trên bàn hội nghị chứ không phải nơi chiến trường. Cũng với ý như câu nói của mẹ Teresa ở trên. Hãy nhân lên lòng yêu thương gia đình để khắp nơi hứng được bóng mát của nó.

Và để sắp xếp lại kỷ cương cho một xã hội bời bời đạo đức như trong nước hiện nay, dường như ông muốn nương tựa vào Nguồn, tôi cảm thấy trong lòng những con chữ ở đây có gì đó man mác, bâng khuâng khi ông nhắc đến câu thơ của Huyền Không, “mái chùa che chở hồn dân tộc / nếp sống muôn đời của tổ tông” (tr.151). Hồn dân tộc… Tự nhiên tôi có chút băn khoăn và buồn bã…
Ở phần 1 tác giả cho người đọc ấm áp theo hương bếp lửa yêu thương của tình gia đình.
Phần 2, nơi mà “Ai đưa ta đến chốn đây…” tác giả ngồi ôn lại và thẩm định những giá trị văn hóa Việt Nam trong tâm trạng của một kẻ ly hương, vừa chọn nơi định cư mới là nhà vừa nhắc nhau giữ gìn truyền thống. Thiết nghĩ một nhắc nhở là một góp phần giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, đó là điều mà chúng ta chí ít còn có thể tự hào. Ở đây thấy thật rõ tâm tư của tác giả, vừa khắc khoải vừa mong mỏi đến thiết tha, bảo tồn nếp sống văn hóa Việt, mà ông cho rằng đó là một “quê chung” cho bất cứ người Việt nào đang sống ở bất cứ đâu trên trái đất này. Mới hiểu được tâm ý của ông khi dùng câu thơ của Huy Cận, Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung làm đề tựa cho cuốn sách mình.

Ở phần 3, như Nhà văn Phạm Kim đã nhận xét trong bài giới thiệu tác phẩm mới “… Phần 3 lại sôi nổi hẳn lên, dàn trải tấm lòng văn chương của một nhà văn… tác giả thể hiện tấm lòng thiết tha với bạn, với đời sống văn chương…” (Quán Văn-Người Việt Sep 30, 2015)
Vâng, vòng tròn yêu thương của Phạm Quốc Bảo còn lấp lánh vòng tay của bạn hữu. Với giọng đầy hoài niệm, ông nhắc đến những ngày tháng cũ, thời gian mà ông được bay nhảy chia sẻ với bạn hữu, vui đoàn tụ hay mất mát chia ly, đều với nhiệt huyết tuổi trẻ. Còn bây giờ… có một câu làm tôi rất cảm động, “… cái cảm nhận về chính tôi cũng mang một màu sắc hiu hắt trong tâm tưởng của chính mình…” để rồi ông đẩy đến mấy câu thơ của Tản Đà, “Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà / Đường xa người vắng bóng chiều tà / Một rẫy lau cao làn gió chạy / Mấy cây thưa lá sắc vàng pha /…” (tr.240) Có phải tâm trạng ông nhớ về bạn, tìm về nương náu trong tình bạn cũng giống như đang trở về thăm nhà nơi quê xa dưới làn mây trắng kia? Một tình cảm thật đẹp, quyến luyến đến dằng dặc. Buồn thật xa vắng mà cũng gần gũi như một sớm mai thức dậy giật mình lau trắng trong tay… (Trịnh Công Sơn) Chả vậy mà ông đã thố lộ, “… bạn hữu đối với cá nhân tôi xưa nay vẫn được mỗi lúc mỗi trân quí hơn lên, bổ túc cho cái vòng thân mật bản thân bên cạnh gia đình của mình… đối với tôi bạn hữu là một niềm hạnh phúc vô biên…” (tr.198-199), chỉ đôi ba phút giây với bạn thân mà đã chạm được tới vô biên nhịp đập của hạnh phúc ấy rồi… Hãy đi bên cạnh và trở thành bạn của tôi (Albert Camus). Cõi vô biên ấy là cái không gian Bên Cạnh mình, nơi, có người bạn…

Và. Không phải tình cờ, tập sách này được khép lại bởi Phần Phụ Lục trong đó có bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió của ký giả Hà Giang. Có chủ ý của tác giả đấy. Bởi ở đây ta lại thấy ánh lấp lánh của tình phụ tử, tình gia đình.Tôi lại nói thêm một lần nữa, cái tình ấy là cái nhân của mọi tương quan trong xã hội. Cái tình ấy là ánh sáng khiến cho mọi suy nghĩ và hành động có được từ tâm. Cái tình ấy là mũi tên yêu thương chỉ đường cho ta đi để ta biết rõ nơi thanh bình kia, ta đến…
Xin đọc những lời của Người Buôn Gió, “…một hôm tôi nhìn con tôi đang nằm, nó mủm mỉm, nó cười…” (tr.269) “…tôi nghĩ bây giờ mình sinh con mình ra rồi, và xã hội nó như thế này, để cho con mình nó tồn tại, thì mình dạy cho con mình cái gì?…” (tr.270) “…Sau đó tôi nghĩ mình không phải là muốn truyền bá tư tưởng, mà chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của một người cha, muốn những điều tốt cho con mình, cho thế hệ sau, nhân rộng nó đi khắp nơi, thì tôi chọn cái tên Người Buôn Gió, tức là tôi mong muốn cái tình cảm của một người cha, trách nhiệm với người con, với xã hội được nhân rộng…” (tr.271)

Rõ ràng nhờ ánh sáng của tình gia đình đã đưa blogger này đi đến việc dùng ngòi bút của mình với mong muốn cải cách xã hội cho tốt đẹp hơn. Đây là một minh chứng cho nhân sinh quan của Nhà Văn Phạm Quốc Bảo qua những tâm tình của ông trong tập sách này.
Khởi đi từ đẹp đẽ của tình gia đình với yêu thương và bao dung, ông muốn gửi lời nhắn nhủ, hãy trọn vẹn từng phút giây hưởng hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt gần gũi trong tầm tay, rồi ra ta sẽ được sống trong tâm ac lạc do lòng Nhân Ái mang lại. Nhân Ái, như những vòng tròn trên mặt nước kia nó sẽ lan tỏa ra xa, xa mãi, nhưng vẫn đồng tâm quanh ánh lấp lánh yêu thương ấy.

Santa Ana, Ngày 9 tháng 10, 2015
Nguyễn thị Khánh Minh

* Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung, Văn, tác phẩm mới của Nhà Văn Phạm Quốc Bảo, Người Việt Books xuất bản tại Hoa Kỳ, 2015.

No comments:

Post a Comment