nguyễn
xuân thiệp
Tĩnh vật.
Thân Trọng Minh
Gởi Thân Trọng Minh
trở về
góc quen, bật ngọn đèn vàng
giọng
hát lê uyên
làm nhớ
những đêm lục huyền cầm
đà lạt,
vẫn đà lạt xa xưa
và
tiếng đàn guitare đắm say của lộc
khuya
trở về băng qua mấy con dốc
trời
đầy suơng mù
vẽ cho
đến sáng em ngựa trắng và đồi
bây giờ
đang mùa hè
nắng
buồn hơn mưa sơn nhìn thấy
khi
ngồi cùng nhau uống rượu
duới
gốc cây hoa giấy già
vuông
sỏi trắng, tượng lê thành nhơn
(thơ
Đinh Cường)
Vừa qua, họa sĩ Đinh
Cường bạn của Nguyễn đã có một cuộc rong chơi kỳ thú từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi
về lại Sài Gòn để rồi cùng với Bửu Ý ra tới Huế nơi quê nhà của Nguyễn. Tin từ
trong nước cho biết: Sau một thời gian “treo tranh” ở Đà Lạt, 4 họa sĩ tuổi “cổ
lai hy” muốn “ngồi lại bên nhau chút nữa”, nên đã tiếp tục có cuộc triển lãm
tranh, tượng mang tên “Bốn người bạn” diễn ra từ ngày 14 đến 28.8, tại Gallery
Tự Do, Sài Gòn.
Bốn người bạn này
từng chơi với nhau, vẽ với nhau từ thập niên 1960-1970 và cùng gắn bó với Huế -
Đà Lạt - Sài Gòn... Đó là Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Hoàng Trọng Bân, và nhà
điêu khắc Phạm Văn Hạng.
Nguyễn có được Đinh Cường nói cho nghe về
cuộc chơi này. Từ những ngày chuẩn bị, khoảng giữa tháng Bảy. 2011, bạn đã cho
biết sẽ có cuộc triển lãm tranh tượng của bốn người: Hoàng Trọng Bân, Thân
Trọng Minh, Phạm Văn Hạng và Đinh Cường. Cũng thời gian này, qua email của ĐC,
Nguyễn được xem mấy bức sơn dầu của Hoàng Trọng Bân. Cùng lúc, Thân Trọng Minh
email cho Nguyễn, nói có đọc thơ Nguyễn trên Gió-o và rất thích. Anh nói gởi
cho anh ít bài để thỉnh thoảng đọc chơi. Email trả lời Thân Trọng Minh, Nguyễn
attach theo mươi bài thơ làm gần đây, và bày tỏ ước nguyện được cùng các bạn
ngồi trong ngôi nhà của anh ở Đà Lạt, uống với nhau ly vang đỏ nhìn ráng trời
rơi xuông bên kia núi. Và trước hôm ĐC đi, khoảng cuối tháng 7, Nguyễn gởi
Cường mang về tặng bạn bè một số ấn phẩm thơ trong hai brochures in thật đẹp có
tựa đề Khúc h. chiều trên biển Destin và
Nhặt trái thông khô. Cường nói sẽ đọc
trong đêm trưng bày tranh có nến và hoa
hồng. Rồi không biết có thực hiện không nhưng cái tình của Nguyễn và bạn bè thì
đã có từ lâu, từ ngày Thân Trọng Minh gởi tặng Nguyễn mấy bức tĩnh vật vẽ ở Đà
Lạt năm nào.
Vâng, Nguyễn biết những ngày này các bạn vui
lắm. Cuộc chơi thì bao giờ cũng vui. Với Nguyễn bản tin trên còn gợi ra nhiều
điều để suy tưởng và mơ mộng. Cũng như để bâng khuâng buồn bã. Ôi, xin nhắc
lại: những nghệ sĩ trong bản tin ngắn trên có đến ba người là bạn của Nguyễn.
Đinh Cường, Hoàng Trọng Bân, Thân Trọng Minh. Phải nói là các bạn hạnh phúc hơn
Nguyễn nhiều. Thơ của Nguyễn chẳng ai thích, chẳng ai đọc, nhưng tranh của các
bạn thì đúng là một thứ ánh sáng vui trong mắt người xem. Như các bạn đã nói
một cách nhún nhường: “Chỉ làm cho người xem vui mắt cũng đã là một hạnh phúc!”
Vườn khuya. Tranh Đinh Cường
Trở lại với ba người bạn của Nguyễn. Đinh
Cường là bạn từ thời mới lớn, cái thuở mới tập tành làm thơ vẽ tranh. Trải qua
nửa thế kỷ, cái tình ấy càng trở nên sâu hơn, nặng hơn. Còn Hoàng Trọng Bân thì
gặp khoảng năm 1973 ở Đà Lạt, trong khóa tu nghiệp trung cấp ở ĐH Chiến Tranh
Chính Trị. Khóa này có Thái Tú Hạp (nhà thơ), Hoàng Trọng Bân (họa sĩ), Nguyễn
Uyên (họa sĩ), Trần Nhật Thiệu (họa sĩ) và một số các anh Đại Đội Trưởng các
Đại Đội CTCT ở khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Thời gian này, Nguyễn có hai kỷ niệm
vui với bạn bè trước khi giã từ Đà Lạt qua Pleiku nhận nhiệm sở mới. Kỷ niệm
thứ nhất là Văn Nghệ Cứu Trợ Nạn Nhân Lũ Lụt Quảng Ngãi. Năm ấy, lụt lớn ở miền
Trung và Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nhất. Anh em bàn với nhau rồi trình lên
Đại Tá Chỉ huy trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh và được chấp thuận. Nguyễn được giao
phụ trách chương trình và đứng ra mời vợ chồng Lê Uyên Phương và cả người bạn
thân của Phương là Thuyết -cũng là một sĩ quan CTCT, người có giọng hát tốt,
từng đứng bên này cầu Hiền Lương hát vọng sang bờ bên kia nghe. Để cổ động cho
buổi trình diễn, Nguyễn nhờ Lê Văn Ngăn viết một bài nói về ý nghĩa của việc
làm và kêu gọi dân chúng đi xem, “đưa một bàn tay về phía gió bão”. Thêm vào
đó, các họa sĩ Hoàng Trọng Bân, Nguyễn Uyên, Trần Nhật Thiệu… mỗi người vẽ
khoảng 5 bức tranh cổ động (posters) trên giấy croquis khổ lớn đem treo lên
tường dọc đường phố. Chương trình Văn Nghễ thành công, nhờ có đôi song ca Lê
Uyên & Phương và giọng hát của Thuyết -đành là vậy, nhưng phải kể đến sự
đóng góp của các sĩ quan xuất thân từ Đại Học CTCT trong vở nhạc kịch tuyệt vời
Con Đường Cái Quan. Còn nhớ, màn
trình diễn sống động của anh em được khan giả tán thưởng nồng nhiệt và vỗ tay
không ngớt. Bây giờ, ngồi nhớ lại đêm trình diễn năm ấy, Nguyễn vẫn còn thấy
xúc động. Không biết Thái Tú Hạp và Hoàng Trọng Bân có những cảm xúc như Nguyễn
không.
Kỷ niệm thứ hai là Đêm Đọc Thơ và Hát Thơ ở
quán Lục Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Thời gian đó, Huy Tưởng từ Sài Gòn lên
chơi và anh em bàn với nhau tổ chức một Đêm Đọc Thơ & Hát Thơ ở quán Lục
Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Hồi ấy, Lê Uyên Phương đã phổ xong bài thơ Tôi Muốn Yêu Tôi Muốn Tin Cuộc Đời của
Nguyễn và được hoan nghênh khi trình diễn ở Viện Đại Học Đà Lạt. Để chuẩn bị
cho Đêm Đọc Thơ & Hát Thơ, Nguyễn xin mỗi bạn một bài đưa cho Lê Uyên
Phương soạn thành ca khúc. Chỉ trong vòng mấy ngày, Lê Uyên Phương phổ xong Máu Biếc Xanh và Ngực Tối của Huy Tưởng,
Bên Đồi Lau Xanh của Thái Tú
Hạp, Để
Lại Cho Em của Hoàng Khởi Phong. Về trường hợp Lê Văn Ngăn, lúc đầu Nguyễn
đưa cho Lê Uyên Phương bài Bên Hồ Thủy
Ngữ của Ngăn. Hai ngày sau, Lê Uyên Phương nói với Nguyễn là khi phổ nhạc bài này anh cứ bị ám
ảnh bởi giọng ngâm thơ của Lê Văn Ngăn nên không làm được, yêu cầu Ngăn gởi cho
bài khác. Đó là bài Về Dưới Mái Nhà.
Tất cả năm ca khúc này đều được chính
tay Lê Uyên Phương chép lại cả lời lẫn nhạc. Xong đưa cho Hoàng Trọng Bân vẽ
bìa và minh họa thật đẹp, rồi đem in offset (khoảng 100 bản) ở nhà in tại
trường Việt Anh của Lê Phỉ. Tới đêm trình diễn thì thiếu Huy Tưởng vì anh còn ở
lại Nha Trang, lên không kịp. Đó là vào Noel 1973. Đêm Đọc Thơ & Hát Thơ đã
thành công và còn tiếng vang tới bây giờ. Tiếc rằng Nguyễn không còn giữ tập
Thơ Nhạc này. Không biết Hoàng Trọng Bân còn giữ không?
Với Thân Trọng Minh, Nguyễn cũng có đôi kỷ
niệm. Minh là bác sĩ của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Những năm đầu 70, Nguyễn
thỉnh thoảng đến chơi nhà Minh, có khi đi với Lê Văn Ngăn, một lần họp mặt có
Chinh Yên và Ngô Kha. Hồi ấy, Thân Trọng Minh viết văn ký tên Lữ Kiều, sau này
được biết anh còn vẽ nhiều tranh. Thế rồi rời xa Đà Lạt, kế đến miền Nam sụp đổ
rồi tù đày. Đi tù về, khoảng những năm 1984, 1985, Nguyễn có mấy lần đến khám
bệnh ở phòng mạch Thân Trọng Minh và lần đầu tiên được xem các bức tĩnh vật rất đẹp của anh.
Ngày anh qua Mỹ chơi, từ San Jose anh cũng có email cho Nguyễn và gởi kèm bản
chụp mấy tấm tĩnh vật.
Ôi, rong chơi trong đời và trong hội họa quả
là sướng “hết ý”. Nhất là bạn Đinh Cường. Mới nghe bạn ngồi ở Hotel Palace Đà
Lạt thì đã được tin bạn bày tranh ở Gallery Tự Do Sài Gòn. Rồi quán Ruốc rồi cà
phê Bean. Với Nguyễn Hòa. Với Nguyên Minh. với Thủy Hằng và mái tóc và tiếng
hát. .. Nguyễn không dám mơ ước được như bạn đâu, chỉ xin chia với bạn một ly
rượu ở nhà Thân Trọng Minh trên Đà Lạt thôi. Biết không, chiều nay trời Dallas
đầy mây trắng. Có phải mây năm xưa đã
phiêu du trở về?
NXT
Khi ở Garland, tháng 9. 2011
Khi ở Garland, tháng 9. 2011
No comments:
Post a Comment