Monday, October 5, 2015

ĐIỂM PHIM ‘TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH’. AI CŨNG CÓ MỘT TUỔI THƠ ĐỂ TÌM VỀ



Bạn văn

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh


Đạo diễn Victor Vũ

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim chuyển thể từ quyển truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ phim là câu chuyện của cậu bé Thiều đang ở tuổi 15, cậu đang “để ý” một cô bé cùng xóm tên Mận. Một ngày, Mận được mẹ gửi đến nhà cậu. Thế nhưng cô bé lại quấn quýt nhiều hơn với Tường – em trai của Thiều. Thiều sẽ làm gì với những rung động đầu đời của mình ? Sự đố kỵ hay tình cảm anh em sẽ chiến thắng? Trong khung cảnh là một ngôi làng nhỏ với những mối quan hệ khá phức tạp giữa người với người, người với vật, người với ma, người với sự đói kém, nhân tai, thiên tai… đạo diễn Victor Vũ sẽ kể lại một câu chuyện rất khác, rất đặc biệt nhưng vẫn giữ lại trọn vẹn phần linh hồn trong sáng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Sau đây là nhận xét của vài nhà điểm phim.
BV


THÚ THỰC, ĐÃ LÂU LẮM RỒI tôi mới quay lại xem một bộ phim Việt Nam, và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ là tác phẩm khiến người xem thực sự muốn "mạo hiểm" để tới rạp xem phim Việt thêm một lần nữa. Một phần vì tò mò với những gì mà truyền thông nói về bộ phim, một phần vì tôi muốn có dịp quay lại tuổi thơ và miền quê của mình qua những cảnh quay thơ mộng của bộ phim.

Chúng ta đã biết tới đạo diễn Victor Vũ qua "Giao lộ định mệnh", "Quả tim máu"... từng khá thành công, nhưng sẽ vẫn hoài nghi khi nghe đạo diễn này đảm trách việc chuyển thể tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh, sẽ giống như những người đi trước và tạo ra những bộ phim nhạt nhòa như nhiều bộ phim của Việt Nam trong thời gian qua. Nhưng may mắn thay, đã có một ngoại lệ…

Chất liệu phong phú, mạnh về hình ảnh, diễn xuất vừa đủ
    Nếu ai mong đây là một bộ phim có cốt truyện sâu sắc thì có lẽ nó sẽ làm bạn thất vọng, đơn giản kịch bản và mạch phim là những mảnh ghép nhỏ nhặt, không quá cao trào hay bi lụy, nó là những mẩu "chuyện nhặt" ở một vùng quê nghèo miền Trung, trong những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, nó cũng như là một câu chuyện làm quà cho lứa tuổi học trò, không quá sâu sắc kiểu "người lớn". Chuyện được kể thông qua hai anh em nhân vật chính và cô bé hàng xóm cùng những đứa trẻ trong một xóm nhỏ, giống như bao thôn quê khác trong những tháng năm đất nước giao thời giữa đổi mới và bao cấp.

Ba nhân vật chính trong phim

Địa điểm quay phim mà đoàn làm phim sử dụng chính là vùng quê Phú Yên, một tỉnh Nam Trung Bộ, nơi giao thoa văn hóa Nam Bộ và Trung Bộ với những khung cảnh thanh bình đầy gam màu của một miền quê Việt Nam điển hình còn sót lại. Người xem sẽ được dẫn dắt về miền quê của ba nhân vật chính, là Tường - Thiều và cô bé Mận, qua đó bạn sẽ được chìm đắm với những cảnh quay và ký ức tuổi học trò, từ trang phục cho tới những trò chơi giản dị ở quê và sẽ tìm thấy mình trong đó…

Chất liệu mà Victor Vũ khai thác trong phim vốn là "thế mạnh" của những miền quê Việt Nam. Đó là những cánh đồng xanh bát ngát thẳng cánh cò bay, những khu nhà lợp ngói lụp xụp, những cánh ruộng trơ trọi và xác gia súc nằm sình lên sau thiên tai, những khóm tre "giữ đất" đầu làng hay bãi biển nghèo nuôi cả ngôi làng ven biển… Đó còn là những con người nông thôn chất phác, đùm bọc nhau trong lúc khốn khó và cả những hủ tục trong giai đoạn đất nước còn nhiều hạn chế, những cảm xúc thơ ngây đến vụng dại của lứa tuổi học trò hay cả những ký ức về một thời bao cấp khó khăn, thời mà chiếc Tivi đen trắng cũng trở nên xa xỉ...

Phim đưa bạn về những trò chơi và hình ảnh của một thời học trò giản dị
    Diễn xuất của các nhân vật trong phim vừa đủ, không quá xuất sắc nhưng đều thể hiện khá tốt những gì cần cho một bộ phim điện ảnh. Chất trẻ con không quá kịch như nhiều bộ phim Việt trước đó, lời thoại dí dỏm vừa phải dù đôi khi hơi "đều đều". Đáng khen nhất là dàn diễn viên nhí trong phim, các bé Thanh Mỹ, Thịnh Vinh và Trọng Khang đều đã vượt qua được sự khác biệt của thời gian để vào vai những đứa trẻ mộc mạc thôn quê cách đây gần 30 năm. Bên cạnh đó, không chỉ những diễn viên chính mà cả dàn diễn viên nhí đóng vai kép phụ - những cô cậu học trò đều thể hiện sự tự nhiên cần có, giữ cho bộ phim "trong trẻo" không gượng ép, cùng với hình ảnh thì đây là một trong những "chất liệu diễn xuất" mà các đạo diễn Việt Nam nên khai thác và chú trọng trong các bộ phim tới.

    Thực ra những hình ảnh và câu chuyện trong phim không có gì mới mẻ, điều thực sự mới mẻ ở đây là cách khai thác, cách kể chuyện và nhất là góc quay của bộ phim. Khách quan mà nói thì đạo diễn và các nhà làm phim đã xuất sắc trong việc tìm ra và khai thác những góc quay khá đắt, lột tả được vẻ đẹp thanh bình của miền quê Việt Nam đến nao lòng, dù chúng đã và đang ít nhiều hiện diện quanh ta, để rồi chợt vỡ òa nhận ra vẻ đẹp đó được đưa lên phim trở nên ngỡ ngàng đến nhường nào.

Còn đó những chuyện kể dang dở…
    May mắn thay, tôi thuộc thế hệ 8x "đời đầu", cũng từng lớn lên từ một miền quê nghèo ở một trong những tỉnh nghèo nhất của miền Trung, nên ít nhiều cảm nhận được những gì phim đang lột tả, nhưng cũng thấy được vài thứ "chưa tới" trong phim.
    Điểm đáng khen nhất là phần hình ảnh, phim lột tả khá chân thực về miền quê Việt Nam giai đoạn đầu những năm 90 thế kỷ trước, việc khai thác góc quay từ drone khiến vẻ đẹp miền quê Việt Nam được nhân lên và các nhà kỹ xảo xử lý điều màu (color grading) tốt khi chọn một gam màu đậm chất "ký ức", không quá cũ kỹ nhưng cũng không quá giả tạo. Tiếc là một vài đoạn chuyển cảnh còn hơi "gắt" (vội vàng) nên chưa tận dụng hết được thế mạnh của hình ảnh. Nhưng có thể nói đây là một trong những bộ phim Việt Nam có cảnh quay đẹp nhất và góc quay tốt nhất mà tôi từng xem.

Đánh giá phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - Tìm lại tuổi thơ đã qua...
   
Hình ảnh và góc quay có lẽ là phần mà bộ phim làm tốt nhất
    Điểm thứ hai chính là phục trang và đạo cụ. Nếu bạn đã từng ức chế với những bộ phim về đề tài nông thôn thời trước với kiểu phục trang "nửa vời", áo kiểu cũ nhưng vải mới tươm tất là lượt, nông dân da trắng chân dài, tóc nhuộm... thì chắc bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm và khá hài lòng với phần phục trang và đạo cụ trong phim. Phần phục trang được xử lý tốt với những bộ áo quần ám màu và ít nhiều nhàu nhĩ, thể hiện "chất lao động" và "màu của thời gian", chúng không quá cũ nát nhưng cũng không quá mới, tạo ra cảm giác tự nhiên trong khuôn hình.
    Âm thanh bộ phim cũng là một điểm cộng, xuyên suốt mạch phim là những bản nhạc nhẹ nhàng khai thác từ chất liệu âm nhạc truyền thống, mộc mạc và gần gũi với người xem. Bản acoustic với đàn guitar của nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm và giọng ca Ngọc Hiển, các bản hòa tấu của Christopher Wong, Garrett Crosby đều chỉn chu và được đưa vào phim đủ tự nhiên. Tiếng bụi tre xào xạc với các thân tre cọ vào nhau kẽo kẹt trước gió bên bờ sông, tiếng cóc dế kêu vừa phải, không "kịch" như nhiều bộ phim trước đó.

    Phim kéo mạch cảm xúc của bạn lên xuống khá tốt, biết đan xen những cảnh quay tuyệt đẹp của miền quê Việt Nam điển hình và những câu chuyện "tuổi thơ dữ dội", những đoạn thoại không quá kịch và có nhiều câu khá hài hước khiến bạn cười tan vì sự ngây thơ trong đó, tuy nhiên cũng chính nó khiến đôi khi bạn quên bẵng mất cảm giác chùng xuống trước đó. Cũng có thể cách xử lý tình huống đôi khi còn khiên cưỡng (như cảnh đứa em bị thương nặng vì phút nóng giận của người anh) và một vài đoạn thoại hài hước khiến cảm xúc của bạn "chưa thực sự chạm đến cùng" mạch chuyện, khiến khi xem xong bạn cảm giác "chưa đã", "chưa tới" vì còn thiếu một cái gì đó tinh tế hơn…

Vẫn còn thiếu một cái gì đó để thực sự "chạm tới tận cùng" cảm xúc người xem
    Đáng tiếc là cái kết của phim chắc sẽ khiến nhiều người hụt hẫng, tựa như việc bạn đang nghe người ta kể chuyện thì dừng lại và bảo… thôi để mai kể, để mặc cảm xúc của bạn vẫn còn dang dở. Dù đây là phong cách lửng lơ, dở dang quen thuộc của những câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay viết, nhưng có lẽ các nhà làm phim đã hơi "vô cảm" khi đặt dấu chấm hết cho bộ phim một cách hơi nhanh. Bù lại, phần credit cuối phim khá ấn tượng, dù không ăn nhập với gam màu điện ảnh của phim nhưng nó gợi nhớ những bộ phim hoạt hình cắt giấy của Việt Nam trong mục "Những bông hoa nhỏ" dành cho thiếu nhi những năm 90 thế kỷ trước. 
    Nếu như phần hình ảnh và âm thanh cũng như phục trang của bộ phim khá xuất sắc, thì phần kịch bản phim và mạch phim có phần hơi yếu, khiến người ta xem xong không nhận ra một câu chuyện mà giống như vừa được đi "du lịch" về một vùng quê thập niên 90 thế kỷ trước, trong đó là những câu chuyện "nhặt" được kể lại "không đầu không đuôi" và không để lại nhiều cảm xúc. Có vẻ như đạo diễn gom nhặt vội vã những tình tiết trong truyện để "thổi" vào phim mà chưa tạo ra sự liên kết thực sự liền mạch. Dù các nhà làm phim đã cố xây dựng hình ảnh con cóc, con cọp hay "công chúa" và cả những cảnh thiên tai "nửa vời" trong phim, nhưng tất cả đều chứa đựng sự vội vã. Tất nhiên sự yếu kém đó là chấp nhận được khi có vẻ như đạo diễn Victor Vũ đã cố gắng tập trung vào việc xây dựng và khai thác hình ảnh của phim.

Tôi đã thấy ký ức của mình trong phim…
    Chắc hẳn nhiều bạn đã từng có dịp chìm đắm trong những cuốn sách "ngôn tình tuổi học trò" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong đó nổi bật vẫn luôn là những cái kết dang dở của những cảm xúc tuổi học trò, đó không hẳn là tình yêu mà là những rung động trong vắt đầu đời về tình bạn, tình yêu và cả những cảm xúc khó gọi tên. Tiếc là tôi chưa có dịp đọc cuốn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" nên không thể đưa ra nhận xét về tương quan giữa bộ phim vừa xem và cuốn sách mà nó chuyển thể, một phần thế hệ chúng tôi "đói sách", không có sách mà đọc. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều bạn 8x khác, đã từng mê mẩn với "Mắt Biếc", "Bàn có 5 chỗ ngồi" hay "Cô gái đến từ hôm qua",… những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh đã nhẹ nhàng đi vào ký ức tuổi thơ của nhiều người.
    Với giọng văn giản dị, thơ mộng, gần gũi tuổi học trò, những mẩu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự "chạm" vào tâm hồn của tuổi học trò chúng ta. Rồi chúng ta vụt lớn lên, lao ra thành phố học hành và gác lại sau lưng những ký ức và miền quê thanh bình, để gia nhập vào guồng quay chóng mặt của cuộc sống thành phố, quên bẵng đi tuổi thơ. Giờ đây, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên như một lần nữa đưa ta quay lại ký ức, tìm về những mảnh ghép của tuổi thơ thất lạc đâu đó trong tiềm thức…

Ai cũng có một ký ức để tìm về...
    Bỏ qua việc phim kết thúc ngay khi bạn đang chăm chú theo dõi câu chuyện, khiến cảm giác hơi khó chịu vì bị cướp đi cảm xúc đột ngột thì đây là một bộ phim thực sự đáng xem, vượt qua được khá nhiều điểm yếu cố hữu từ trước tới nay của phim Việt. Phim thực sự không mạnh về cốt truyện, nó đơn thuần là một chuyến du hành ngược thời gian, đặc biệt với những bạn từ thế hệ 8x trở về trước. Trong phim, bạn sẽ có dịp cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc của vùng quê Việt Nam qua những cảnh quay khá đắt giá, cùng với những mẩu chuyện rời rạc của ký ức và cảm xúc động lại chút buồn man mác nhưng cũng đẹp đến nao lòng, tựa như bản đồng ca của tuổi thơ đã qua:

"Mười lăm tháng Tám trời cho.
Một ông trăng sáng thật to.
Các em thích cười.
Muốn lên cung trăng.
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang"...

Nội dung và hình ảnh phim phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là với những ai muốn tìm lại tuổi thơ của mình và những bậc phụ huynh đang tìm kiếm một điểm đến giải trí cuối tuần nhẹ nhàng cho con em. Phim dài hơn 1 tiếng rưỡi, có phụ đề tiếng Anh đi kèm.  
(theo Hữu Thắng)


TRONG CƠN BÃO PHIM KINH DỊ và hài nhảm đang áp đảo tại các rạp phim, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ được chào đón như một tác phẩm điện ảnh tử tế. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhanh chóng tạo được sức hút với hàng trăm nghìn lượt đặt vé. Thậm chí, bản lậu của bộ phim cũng có dấu hiệu rò rỉ trên mạng internet.

Thành công không chỉ đến từ những suất chiếu phủ kín chỗ ngồi mà đôi khi, ở những tranh luận trái chiều của khán giả. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo được không khí bàn luận sôi nổi đó. Bộ phim trau chuốt về mặt hình ảnh và âm thanh làm hài lòng nhiều khán giả nhưng khiến không ít người cảm thấy… khó chịu. Âm nhạc được sử dụng đắc địa nhưng lại ít nhiều lấn át nội dung mà đạo diễn thể hiện trong phim.

Gạt sang một bên mặt kỹ thuật tạo nên một bộ phim, không ít khán giả thưởng thức phim chưa hài lòng với hướng khai thác của Victor Vũ. Nỗ lực mang đến dấu ấn cá nhân trong một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng chưa thuyết phục được fan ruột của truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
    Đạo diễn Quả tim máu không giấu giếm ý đồ tiết chế lại các mạch truyện khác nhau trong nguyên tác. Anh giữ lại câu chuyện tình anh em giữa Thiều và Tường làm sợi chỉ xuyên suốt. Chính vì điều này, trong quá trình làm phim, Victor Vũ từng đặt tên cho tác phẩm là Dear Brother. Ngay trong buổi ra mắt tại Hà Nội, đạo diễn Việt kiều thừa nhận anh làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vì xúc động; bộ phim gợi nhớ đến câu chuyện cá nhân với em trai của đạo diễn.
   Có thể nói, Victor Vũ đã thể hiện được chất thơ cũng như những tình cảm chân thật giữa hai anh em từ nguyên tác. Khán giả cảm nhận được nhân vật Thiều - một người anh ích kỷ, hẹp hòi. Sự ích kỷ đó hiện lên qua hành động "thiếu quân tử" trong trò chơi ném đá với Tường ở đầu bộ phim; hay ánh mắt đầy giận dữ đánh em trai liệt người chỉ vì hiểu nhầm.

Thiều (Thịnh Vinh), Tường (Trọng Khang) và Mận (Thanh Mỹ)
là nhân vật xuất hiện xuyên suốt trong phim..
   
    Tường, nhân vật người em trai của Thiều xuất hiện trong phim gần như trùng khít với những gì mà độc giả đọc truyện từng tưởng tượng. Ngoài gương mặt thanh mảnh giống như Nguyễn Nhật Ánh mô tả, Tường là một đứa trẻ đẹp trai, đáng yêu và thương anh hết mức. Những câu thoại có phần vụng về hoặc hơi kịch khiến cho nhân vật này gây ấn tượng cho khán giả.
    Tình cảm anh em được Victor Vũ thể hiện rất thơ nhưng cũng rất đời. Khán giả thấy được niềm vui, nỗi buồn, sự đố kỵ và cả những giọt nước mắt chứa đầy sự hối hận, cũng như vị tha. Tập trung khai thác câu chuyện, Victor Vũ cũng trực tiếp xây dựng những nét tính cách đậm nét, xếp chồng lên nhau qua diễn biến của mạch phim khiến cho khán giả thấy được sự ngây thơ, trong trẻo của tuổi thơ.
   Tuy nhiên, không ít độc giả từng đọc nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh cho rằng Victor Vũ mới chỉ được 1/3 của chặng đường chuyển thể tác phẩm lên phim. Việc quá tập trung vào câu chuyện anh em Thiều – Tường khiến cho Victor Vũ để rơi những tình tiết, nhân vật hấp dẫn khác. Nếu như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cài cắm vào câu chuyện tình yêu, những nhân vật phản diện và đặt ra những vấn đề về cái ác, sự vô tâm khá đậm nét thì trong tác phẩm của Victor Vũ gần như đã quên đi điều này.
    Trong nguyên tác, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ lên 3 mối tình đẹp đẽ với những sắc độ khác nhau. Đó là chuyện tình yêu cổ tích công chúa- phò mã của Tường - Nhi ở cuối truyện. Chuyện tình yêu thuở học trò của Thiều - Mận. Và không thể không nhắc đến, mối tình vượt lên định kiến của cha mẹ của cặp đôi chú Đàn – cô Vinh.
    Mối tình giữa Thiều và Mận hay Tường và Nhi gần như được Victor Vũ đưa xuống làm yếu tố phụ. Nhiều khán giả cảm thấy chưng hửng với chi tiết Mận biến mất theo chiếc xe lam đi lên thành phố. Đồng nghĩa với điều này, chuyện tình tuổi học trò giữa hai người cũng kết thúc quá đột ngột và ít những dư vị cảm xúc. Bên cạnh đó, chuyện tình cảm giữa Thiều và bé Xin cũng biến mất hẳn khi được dựng thành phim.
     Nhiều mối tình đẹp trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đạo diễn Victor Vũ bỏ ngỏ khi dựng thành phim.
    Nhiều khán giả ra rạp xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hẳn sẽ thấy chưng hửng về câu chuyện của 2 nhân vật chú Đàn và cô Vinh. Trong truyện, tình yêu của 2 người được đặt trong vòng lễ giáo với sự kiểm soát của thầy Nhãn. Hai nhân vật này cũng tự lập mưu để cùng nhau bỏ trốn sau khi lũ kéo về làng. Tuy nhiên, chuyện tình của cặp đôi này gần như không xuất hiện nhiều và thiếu những mối dây liên kết ở trong phim.
    Đặt trong bối cảnh một làng quê nghèo tại miền Nam vào khoảng cuối năm 1989, truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn đưa vào những nhân vật phản diện, đặt ra những vấn đề về cái ác, sự vô tâm.
Sơn - bạn học cùng lớp Thiều là một trong những nhân vật phản diện, tạo chất keo kết dính liền mạch phim. Sơn là nhân vật cậy lớn ức hiếp bé, hành động thiếu quân tử và rất ích kỷ. Hành động trấn lột những hòn bi hay đánh Thiều của Sơn đã tố cáo điều đó.
    Phim cũng chưa làm rõ được vấn đề cái ác, sự vô tâm mà Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến trong truyện. Nhân vật bố của Thiều và Tường trong phim không giống trong nguyên tác. Hình ảnh của bố Thiều xuất hiện đầu tiên với cây gậy đánh chó lúc đi đêm nhưng lại dùng để đánh Thiều là chủ yếu. Bên cạnh đó, con người hoạt ngôn thích bao đồng của bố Thiều cũng gần như không thể hiện ở trong phim.

    Bộ phim được quay, dựng rất đẹp nhưng lại thiếu đi nét ưu tư, dư vị buồn về con người, sự vô tâm mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn nói đến trong nguyên tác.
   Bên cạnh đó, thái độ sợ hãi, xa lánh với những người mắc bệnh phong như bố Mận của dân làng không được thể hiện đậm nét trong phim . Vì thế, cuộc sống của bố Mận cô độc và tự đốt cháy căn phòng như một sự giải thoát khỏi những sự vô tâm. Chi tiết này trong phim dường như được thể hiện qua góc nhìn của Mận mà chưa toát lên được sự vô cảm của con người trong xã hội.
Độc giả từng chùng xuống khi đọc đến những chương truyện về mùa lũ, cảnh đói ăn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là hình ảnh “con tôm mặn chát”, “bọc muối như bọc tuyết” nhưng Thiều có thể ăn ba bát cơm. Hay “ánh mắt kém vui” của những đứa trẻ chịu đói gần như không được thể hiện qua chi tiết phim. Khán giả chỉ thấy cảnh nước ngập mênh mông, trâu chết nổi trương phềnh; nồi cháo trắng của với những hạt muối thay vì những chi tiết đầy xúc động trong nguyên tác.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ tiếp tục là thành công về mặt thương mại của Victor Vũ. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn gây tranh cãi về nội dung, kịch bản và cả lối kể chuyện có phần đơn giản. Bên cạnh đó, vị đạo diễn cũng chưa thể đi hết được con đường chinh phục những ai đã từng đọc và yêu thích nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh.
    Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Victor Vũ cho rằng: "Tôi sợ nhất là tham chi tiết. Bởi vậy, toàn bộ câu chuyện phải rút gọn lại và tập trung cho câu chuyện chính là tình anh em. Có nhiều tình tiết hay khác tôi phải bỏ đi, trong đó có những câu chuyện về chú Đàn, chị Vinh rất hay nhưng tôi không thể cho vào kịch bản phim được... Đạo diễn khi sa đà vào tham chi tiết cũng rất nguy hiểm".
(theo Phan Nhật Phi)



“TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH” nhận được quá nhiều lời khen tặng .
    Bối cảnh quay ở Phú Yên quả là lựa chọn lý tưởng, với những cánh đồng xanh mướt mát, khung cảnh vừa có biển, núi non, sông suối thơ mộng. Phải nói nông thôn Việt Nam, cụ thể miền Trung những năm cuối thập niên 80 hiện lên quá đẹp trong phim. Trên nền thơ mộng ấy là câu chuyện tình anh em giữa Thiều và Tường, và cũng có chút tình cảm xao xuyến tuổi mới lớn giữa Thiều và cô bé Mận cùng lớp.   Phim được hỗ trợ một phần kinh phí của Cục Điện ảnh cho hãng phim tư nhân. Theo lãnh đạo Cục, thời gian tới tăng cường đầu tư dòng phim tương tự bên cạnh các phim đề tài lịch sử, cách mạng.
     Đạo diễn nói muốn mang lại cảm xúc chân thực cho khán giả, dù quãng thời gian thơ ấu anh ở Mỹ. Không thể phủ nhận những cảnh quay rất đẹp, đậm chất du lịch khiến người dân Phú Yên tự hào, yên tâm quảng bá điểm đến. Nhưng dường như sự quá đẹp, quá nên thơ này khiến đôi khi khán giả bị trượt ra khỏi mạch cảm xúc. Nhất là cảnh quay Thiều chạy dưới mưa, kỹ xảo bị lạm dụng mà cảm xúc không vì thế tăng theo.
   Âm nhạc hỗ trợ không nhỏ để người xem ra khỏi rạp còn ngân nga mấy giai điệu của Thằng cuội. Đây cũng là một trong những phim hiếm của điện ảnh Việt thời gian qua-không dựa vào nhưng cây hài, tên tuổi diễn viên gạo cội. Thanh Mỹ vai Mận có vẻ làm quen phim ảnh qua Đoạt hồn, còn lại Thịnh Vinh (Thiều) và Trọng Khang (Tường) lần đầu đóng phim điện ảnh.
Victor Vũ chia sẻ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có hơn chục bản dựng khác nhau, mà vẫn chưa hoàn toàn ưng ý. “Từ kịch bản ban đầu cho đến khi chỉnh sửa trong quá trình quay phim, chúng tôi thống nhất muốn tạo ra một phim điện ảnh giữ đúng tinh thần tiểu thuyết, nhưng được cấu trúc lại”, Victor Vũ nói.    Anh nói trải nghiệm làm phim với diễn viên nhí “đương nhiên phải nhẹ nhàng, thông cảm và kiên nhẫn hơn” và đánh giá tốt diễn xuất của bộ ba.
    Tuy thế, khán giả có thể yên tâm về diễn xuất khá tự nhiên của bộ ba diễn viên nhí. Ở những đứa trẻ này toát ra sự trong trẻo đáng yêu, nhiều tình huống và lời thoại nhí nhảnh, và không thiếu tâm trạng phức tạp của tuổi mới lớn. Trọng Khang khiến cậu bé Tường nhường nhịn, yêu thương anh từ truyện bước lên màn ảnh nhẹ nhàng. Thịnh Vinh cũng chuyển tải được phần nào tâm lý phức tạp của cậu bé mới lớn.
    Những người đọc truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đều thấy thấp thoáng những mẩu ký ức tuổi thơ, dẫu thế dựng thành tác phẩm điện ảnh trọn vẹn có phần là thách thức không nhỏ. Điều này thật dễ hiểu khi các tác giả kịch bản phải hư cấu thêm, để lý giải ý nghĩa tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh theo cách khác. Nỗ lực này chưa thực sự thuyết phục, có phần gượng ép, khi một phần ba thời lượng cuối phim được dẫn dắt theo mạch khác, hơi chông chênh.
    Mở báo, facebook những ngày này tràn ngập lời tán tụng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh kiểu như đẹp rụng tim, nghẹt thở, xúc động. Tuy vậy, đôi khi quá nhiều cảnh quay trên cao bằng flyingcam, nhiều hình ảnh đẹp quá, thơ quá trong phim lại làm lu mờ cảm xúc. Đạo diễn thành công khi tiếp c ận hình ảnh đẹp của Việt Nam nếu phim phát hành ra các nước. Nhưng nhiều người xem kỳ vọng, đạo diễn dành cho phim nhiều giây phút lắng đọng, sâu sắc hơn thay vì chỉ để phim như một bài thơ đẹp, êm trôi thật nhanh khi khép mắt lại.
(theo Nguyên Khánh)

1 comment:

  1. 3 diễn viên chính quá ăn phim, khuôn mặt ngây thơ, trong sáng nhưng rất mạnh mẽ. Cám ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ đã đem đến cho người đọc, người xem nhiều cảm xúc đến như vậy. Cám ơn bài viết của bạn.
    ------------------------------------
    Truyền hình số HD - Xem tivi hơn 50 kênh miễn phí thuê bao tháng.
    Chuyên phân phối: Dau thu DVB T2 chính hãng VTV, VTC, LTP...
    Đầu thu nhiều người quan tâm: Dau thu DVB T2 VTC T201

    ReplyDelete