Tuesday, October 27, 2015

ĐỜI. TRƯỚC VÀ SAU



Lưu Na

Thành phố Sài Gòn qua tranh vẽ

Tôi sinh ra tại Sài gòn, Nam Việt Nam, năm 1959, trong một gia đình Bắc Việt chọn di cư vào Nam sinh sống như hiệp định Geneva 1954 cho phép.  Dù vẫn còn trong cảnh khó nghèo, gia đình tôi đã dần ổn định như bụi lắng xuống sau cơn bão dữ.  Chỉ là, bão ấy đã không tan, bởi “..hiệp định Geneva [dẫu] được hình thành [để] bảo đảm hòa bình cho Việt Nam nhưng cuối cùng đã chỉ góp phần vào cuộc chiến.”
Chính nơi đó, ngày tháng đó, đời sống tôi bắt đầu: giữa hai cuộc chiến.  Nếu nhìn ngược về trước 100 năm kể từ 1954, đó là cuộc chiến giành độc lập từ sự đô hộ của Pháp, (cuộc chiến) đáng ra phải chấm dứt với Thế Chiến thứ II năm 1945 nhưng vẫn tồn tại cho đến hiệp định Geneva. Nhìn trở về sau 100 năm, đó là chiến tranh Việt Nam, đáng ra cũng phải chấm dứt năm 1975 nhưng vẫn kéo dài dưới một hình thức khác. Cái gọi là hòa bình, là thời ngưng bắn, thực ra chỉ là những cái nấc cụt của cuộc đình chiến nửa vời.
Nơi đó, ngày tháng đó, tôi lớn lên một cách kỳ diệu không một viên đạn làm trầy xước, không một thảm họa trên cao đổ xuống.  Tôi lớn lên với cuộc chiến ngày đêm trùm phủ trên đầu, như mây luôn có giữa bầu trời, lòng biết không hề có một tương lai xán lạn nào cho bất cứ ai dưới bầu trời ấy.  Làm sao có được, khi toàn bộ tài nguyên quốc gia (quốc gia = Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa), bao gồm của cải và trí lực, dường chỉ được phân bổ cho việc chống xâm lăng của miền Bắc, hàn gắn những vết thương do cuộc chiến gây ra và những vấn đề liên quan.  Xã hội và con người miền Nam đã sống trên những gì sót lại, nhưng đời sống vẫn đủ đầy bởi miền Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, ít bị tàn phá bởi chiến tranh với Pháp và Nhật, và nhất là, người dân có đủ tự do cũng như sự ổn định chừng mực.
Thời tiểu học của tôi đánh dấu bằng cuộc tấn công 1968, theo sau là giới nghiêm và lựu đạn cay hằng ngày.  Tuổi trung học đi qua với hỏa châu và những âm vang của đại bác hỏa tiễn hằng đêm.  Tôi hằng cầu xin để gia đình tôi có thể nuôi tôi học hết trung học, lấy được tú tài, và lấy được một người chồng dân sự có công ăn việc làm.  Anh em trai tôi thì cầu sao thoát quân dịch.  Từng ngày qua, tôi xót thương cậu mình, anh em mình, những thằng bạn hàng xóm; người quen biết ai cũng chôn sâu trong lòng, rất sâu, ý nghĩ “thà nó chết hơn mình chết.”  Tôi lớn lên với hiệp định Paris 1973 đọc hằng ngày trên báo, với vô số những cuộc biểu tình tẩy chay chống báng của sinh viên, của phong trào tuổi trẻ, giật mình biết ra dân miền Nam có những kẻ sang thuyền.  Hết thẩy để chống chiến tranh.  Tại sao?  Chả có ai buồn giải thích sự thật đơn giản nhất: đây là cuộc chiến tự bảo vệ của miền Nam, chống lại sự xâm lăng của miền Bắc.  Không phải sao, vì mặt trận và giao tranh toàn xảy ra trên đất miền Nam?  Mọi quấy rối, tấn công, và nằm vùng, đều do miền Bắc tổ chức và khởi động để tóm quyền kiểm soát miền Nam nếu thành công hoặc tàn phá nếu thất bại.  Miền Nam luôn ở thế bị động: chống hay chết.  Trong mắt thiếu niên, đơn giản là người ta tấn công thì mình chống trả, vậy chống chiến tranh nên hướng đến kẻ-xâm-lược-miền-Bắc, không phải  miền Nam, và sang thuyền nên là để di cư ra Bắc tựa như cha mẹ tôi và hàng triệu người dân khác đã đi từ Bắc vào Nam.  Chống chiến tranh bằng cách ủng hộ kẻ xâm lăng?  Kêu gọi hòa bình bằng cách trốn theo bọn nằm vùng trên đất nhà để giết người dân mình hằng chung sống?  Tại sao?  Tại sao và tại sao, quá nhiều điều tuổi thiếu niên không thể hiểu hết trong khi tôi còn phải chép thơ vào nhật ký giấu diếm, phải học thuộc những phương trình hóa học, bài giải toán, các định nghĩa vật lý…  Tôi có bài kiểm phải qua, những kỳ thi phải đậu, có bộ vó cần trau chuốt, và bạn trai để níu lấy nếu một ngày các giấc mơ hiện thực, mà tất cả lại sẽ bất khả nếu việc sinh nhai của gia đình không bị tuột dốc và việc ấy đang xảy ra bởi miền Nam lúc đó đang lậm trong một vũng lầy.
Cái gọi là giải phóng năm 1975, đúng hơn là sự sụp đổ của Sài gòn, chấm dứt mọi điều.  Chết chóc và đói nghèo là chuyện nhỏ, bởi tôi và đồng bào của mình, cùng với những người lính của miền Nam, khi thất trận thì mất luôn cả cái quyền có được lúc sinh ra: quyền làm người.  Trong tù, vẽ vời là trại cải tạo, những người lính ấy chiến đấu với nạn đói triền miên, với những cuộc tra tấn cả nhục hình lẫn tinh thần, với nạn bóc lột sức lao động.  Họ chống chọi, chỉ cốt giữ lại chút nhân phẩm.  Bên ngoài, chúng tôi, dân miền Nam cũng triền miên chống trả với lăng mạ, tẩy não, và tước đoạt nhân quyền.  Riêng tư, tôi lo mình sẽ phải lấy một người của phe “chiến thắng,” mà có gì khác hơn là thêm nỗi sỉ nhục.  Trong với ngoài, tất cả chúng tôi thành nạn nhân của một lý tưởng lãng xẹt, phi lý, và bất nhân.  Cho đến lúc đó, đời của tôi không có gì khác hơn một lỗ hổng, mà đáng ra phải là một quê hương yêu dấu với truyền thống văn hóa đủ đầy.  Cho đến lúc đó, tôi chưa hề có cơ hội đi thăm đất nhà tươi thắm.  Chính trên đất quê, chính lúc còn sống tại quê nhà, tôi chưa một lần được biết thế nào là một đời sống bình thường.  Hy vọng duy nhất là vượt thoát bằng mọi giá, có khi quá cao, để sống một cuộc sống của con người, và tôi đã thoát.
Tôi đến tỵ nạn trên nước Mỹ như một phép màu, một đặc quyền tối thượng, một giấc mơ hiện thực, nhưng chả phải không có những nhọc nhằn.  Lênh đênh trên đất lạ với nỗi đau từ nay vĩnh biệt gia đình, tôi chỉ còn là một công dân không tổ quốc.  Trái đất to rộng mênh mông mà không một mảnh đất cho người Việt lưu đày.  Thì đã sao nếu Má tôi không phải lúc nào cũng đúng, nếu niềm tin và hành xử theo đạo Khổng không nhất quán.  Đời sống vẫn tiếp tục trôi, và trong đời sống này tôi là kẻ đơn độc.  Không chỉ là những quan hệ máu mủ bị bứt rời, mà ngay cả khả năng và hiểu biết nhỏ nhoi của tôi cũng trở thành vô dụng.  Cùng với đa số người tỵ nạn Việt Nam, tôi đã bắt đầu một đời sống mới từ chỗ tận cùng.
Tôi đã làm qua nhiều công việc với giờ giấc khác nhau để có một cuộc sống khiêm nhường và để có thể đến học tại đại học cộng đồng (cho dù việc học thất thường một cách rất đáng buồn), nhưng, cuối mỗi ngày dài tôi vẫn là một người cô lẻ trên đất Mỹ.  Tôi nhớ thèm cái đói nghèo của kiếp đời xưa, khi tôi có mẹ cha anh chị em để cùng gánh bất cứ tai hoạ nào.  Tôi khóc khi thấy người ta ăn Tết, bởi Tết có nghĩa gì đâu với một kẻ không nhà.  Cuộc đời mới của tôi nơi này thường qua đi với ngày nuốt nước mắt và đêm dày ác mộng _ ác mộng những ngày trên đảo tỵ nạn ở đệ tam quốc gia, Bidong, Malaysia.  Việc hòa nhập vào xã hội mới, xây dựng lại cuộc đời, là trò tồn sinh mà những kẻ mới nhập cư ai cũng biết.  Với tôi, đó là việc phải sống với một vết thương không khép, bởi bị bứt rời khỏi quê hương thì có bao giờ lành.
Việc đơn giản nhất là học Anh ngữ, trong tự thân nó cũng không chỉ là một ngôn ngữ mới mà còn là việc chuyển đổi văn hóa.  Từ những thói quen lâu ngày như việc nói quanh co thay vì nói rõ, cho đến việc nhìn vào mắt người đối diện khi tiếp xúc, những điều bé mọn giản đơn đó đã dẫn dắt tôi hòa nhập, vậy mà tôi vẫn thấy lạc loài.  Cô đơn là cái gì đó không dễ chinh phục hay tảng lờ.  Tôi nhận ra điều quan trọng không phải là nói giỏi tiếng Anh bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu tiền, kết được bao nhiêu bạn …  tôi chỉ sống trọn vẹn được đời mình nếu biết tự sống đủ, có lòng bác ái, và hiểu chính mình.  Tôi hiểu ra tự do chính là biết tự chế, kiến thức là biết những giới hạn, cũng như mỗi lựa chọn đều có giá của nó.
Tôi hoàn tất chương trình cử nhân 20 năm sau, một thành tựu muộn màng và không lợi lộc, nhưng thành tựu đó khiến tôi nên vẹn một con người.  Với thời gian, tôi đã biết sống cùng nỗi cô đơn, thấy ra vẻ đẹp của nó cũng như biết quý đặc ân học để nên người.  “Biết đủ và tự đủ,” vốn là tư duy lý tưởng của một số người Đông phương và là rào cản chắc nịch cho một cuộc sống tử tế của kiếp đời xưa cũ của tôi, giờ chiếu ngời sự tĩnh lạc.  Tôi nhìn lại chặng đường đã qua của tôi và của những người đồng hương, nhìn lại cuộc chiến đã xé đất nước ra thành “những giòng sông chia rẽ.”  Câu hỏi của tuổi vị thành niên năm xưa vẫn vấn vương trong óc.  Giờ đây, tôi có câu trả lời quả quyết, dẫu đúng hay sai vẫn còn tùy thuộc ở những hiểu biết về sau.
Giả mà Việt Cộng muốn có độc lập- hòa bình- và thống nhất, thì họ đã chung tay, [lần đầu] với chính phủ lâm thời của miền Nam năm 1945 khi Nhật đầu hàng, và một lần nữa, khi hiệp định Geneva 1954 có hiệu lực.  Nói chuyện với người mình gọi là anh em hay máu thịt phải dễ hơn là khởi một cuộc chiến, [một cuộc chiến] chỉ để chứng minh một điều tàn hại là Chủ Nghĩa Xã Hội, hay đúng hơn là Chủ Nghĩa Cộng Sản, mà tôi không chắc họ thực hiểu đó là gì.  Bốn mươi năm sau cuộc chiến, chúng tôi, những người Việt trong và ngoài đất nước, còn phân rẽ hơn bao giờ hết.  Xã hội nơi quê nhà nay chỉ có phồn vinh giả tạo và nếp sống lọc lừa.  Nền độc lập của Việt Nam bị đe dọa trầm trọng.  Cái thực tế đó mở ra cho tôi một câu hỏi khác: người Việt chúng ta có thể đóng lại chương sử cũ, và sang trang?  Bởi vì, những người đã từng tin rằng họ chiến đấu cho độc lập của nước nhà, những kẻ đã sang thuyền năm xưa và vẫn tin vào lẽ phải của riêng họ, [những người ấy] chưa bao giờ nhận sai lầm của mình.
Bao mạng sống, máu xương, hy vọng, niềm tin, và tiềm năng của Việt Nam đã đổ sâu xuống hố như những thiệt hại không thể tránh khỏi.  [Giành] độc lập bằng chiến tranh có đáng không khi có thể đàm phán hòa bình?  Một số người yêu nước nghĩ họ cao cả hơn tất cả mọi người; số khác, những người không trực tiếp lăn vào súng đạn, tin rằng hành động [theo cộng sản] của họ đẹp.  Tôi thương cảm và thậm chí thấy chính mình trong số những người bị ép buộc hay bị dối lừa vào cuộc chiến, nhưng tôi khinh bỉ họ - những người chối hậu quả việc mình đã làm.  Khi phủi tay với lỗi lầm theo cộng sản, họ [những người nghĩ mình chiến đấu giành độc lập] đã chối từ cơ hội cùng dân tộc khóc thương với nhau một lần cho những mất mát cũ hầu cho qua những việc đã qua và tái tạo một tương lai cho đất nước.  Vết thương lòng bị trốc gốc bật rễ của tôi nay chồng thêm với những khác biệt khôn hàn gắn.  Cuộc đời, trước và sau chiến tranh Việt Nam, vẫn là một sự mù mịt rối ren mà trong đó tôi đã được một phần khá khiển [hơn những người khác].
Mà, tôi vẫn hy vọng.  Tôi hy vọng thế hệ của tôi và những thế hệ tiếp nối sẽ đạt được nhận thức tốt hơn hầu tìm ra một giải pháp cứu vãn cho một quá khứ không còn có thế cứu vãn.  Miễn là người Việt hải ngoại còn mặc tấm áo dài truyền thống, còn giữ những tục lệ Lễ Tết, và nhất là thanh thiếu niên còn biết ăn món Việt Nam, thì dân Việt chúng ta vẫn còn một tương lai.  Biết đâu tôi sẽ có thể xem những thắc mắc vấn vương trong tim như nước chảy qua cầu.
Lưu Na
10152015

J. Llewellyn et al, “The Geneva Accords of 1954”, Alpha History, accessed Sept 26, 2015, http://alphahistory.com/vietnam/geneva-accords-of-1954/ - See more at: http://alphahistory.com/vietnam/geneva-accords-of-1954/#sthash.B88VZqa3.dpuf

No comments:

Post a Comment