Thursday, October 20, 2016

THƯƠNG AI CƯỜI KHÔNG NÓI


Huyền Chiêu

The Hidden Smile. Photo by Rehahn

Năm nay lũ lụt miền trung kinh hoàng hơn bao giờ, trong khi lượng mưa cũng chưa phải là cao nhất trong lịch sử. Hình ảnh hàng vạn nhà dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình,  nước ngập đến nóc tràn ngập trên báo chí. Hàng triệu người dân nghèo ngày thường đã rất khốn khó bây giờ lại bị đẩy vào tình trạng không nhà cửa, không chăn màn, không tài sản, không heo gà, bò, chó, không củi, không gạo để nấu cơm và không nước sạch để uống.
Người bịnh không thể đến bệnh viện. Người chết không thể đem chôn!
Nhiều bài báo tố cáo nguyên nhân của lũ và gọi đó là nhân tai.
Nhà báo Đức Hoàng ở Vnexpress viết

“Và cứ mỗi trận lũ lớn, người ta lại chỉ tay về phía những cánh rừng. Từ lâu, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của lũ lụt, đặc biệt ở miền Trung đã được chỉ ra là diện tích rừng phòng hộ; rừng đầu nguồn bị thu hẹp. Thảm thực vật bị suy kiệt làm tăng tốc độ dòng chảy mặt nước.”
Ngoài lý do rừng đầu nguồn bị chặt phá gây ra lũ lụt một nguyên nhân khác còn đau lòng hơn là  các nhà máy Thủy Điện thản nhiên xả lũ nhấn chìm làng mạc phía hạ nguồn  chỉ trong vài tiếng đồng hồ, làm người dân  không kịp thoát thân.
Lạ thay, hầu như  nạn nhân không  hề phản ứng trước cách cư xử ngang ngược, coi thường sinh mạng người  dân  của  các nhà máy thủy điện.Hình như họ đã quen  cam chịu  mọi nổi khốn khổ từ hàng trăm năm rồi.
 Trong những tấm hình chụp  người dân vùng lũ ngồi trên mái nhà, trong ô cửa sổ rầm thượng, trong khi nước lũ vẫn dâng mải miết, có người đã mỉm cười khi nhìn thấy máy ảnh  của phóng viên.

Thật muốn khóc  khi nhìn nụ cười của người được trao cho 10 ký gạo cứu trợ. Khi ăn hết số gạo này, ngày mai của họ sẽ ra sao?
22 người đã chết trong cơn lủ này và còn nhiều người mất tích và chắc chắn năm tới lũ lại về...
Xem trên TV, hình ảnh người dân Sài  gòn , sau một ngày làm việc vất vả đang hì hục  đẩy chiếc xe chết máy trên đường phố ngập nước nhưng họ không cáu kỉnh oán hận chửi rủa,  Khi thấy máy quay, họ mỉm cười và phân bua “chung quanh đây, ai cũng thế thôi, tất cả xe cộ đều chết máy”. Nước mưa không ngõ thoát vì thành phố phát triển vô tổ chức, kênh rạch bị lấn chiếm, các hồ nước bị lấp đất san nền, và chỉ cần một cơn mưa rào, đường phố biến thành sông.
  người mẹ ở Bình Dương  ngồi gục đầu  lặng im bên miệng cống, nơi đứa con trai 8 tuổi của bà bị trôi tuột vào  đó và 2 ngày rồi không tìm được xác.
Rừng đầu nguồn bị tàn phá với tốc độ khủng khiếp, những sông hồ biển cả bị đầu độc bởi hàng ngàn  ống xã thải từ các nhà máy “ không qua xử lý”, đồng bằng miền Nam  đang  biến dần thành một vùng đất chết  khi nước sông Cửu Long bị chặn dòng cho thủy điện của Lào, Thái Lan,  Trung Quốc .
Người dân Việt vẫn chỉ biết mỉm cười cam chịu  những gì đã, đang và sẽ đến với họ.
Nhưng có một người đã quá ngạc nhiên không hiểu nổi và từ  đáy lòng, anh ta cảm thấy xót thương cho những nụ cười Việt Nam.
Anh tên  Rehahn, một thanh niên Pháp sinh năm 1979.
Anh  Rehahn sang Việt Nam vừa đi du lịch vừa làm người chụp ảnh.
Từng đi qua 35 quốc gia trước khi đến Việt Nam nhưng có lẽ Rehahn nhìn thấy ở Việt Nam có quá nhiều điều kỳ lạ và  hình như  điều kỳ lạ nhất là sức cam chịu của người dân. Trong trí tưởng tượng của một thanh niên châu Âu, cuộc chiến vừa qua với số người chết nhiều hơn thế chiến thứ hai, với số lượng bom đạn khủng khiếp của các siêu cường  trút xuống, với  một nền kinh tế bị kìm hãm bởi định hướng xã hội chủ nghĩa, hẳn ở đây anh sẽ gặp một dân tộc đang ôm nhau ngồi khóc.
Nhưng anh đã không nhìn thấy những điều như anh nghĩ.
Một hôm anh bước lên một chiếc thuyền trên dòng sông Hoài ở phố cổ Hội An và anh làm  quen với một bà lão chèo đò.
Bà lão gầy yếu như bao bà lảo khác ở Việt Nam. Bà không có lương hưu, không có trợ cấp cho người già, không có bảo hiểm y tế.
Có thể bà có vài đứa con trai thuộc bên này hay bên kia đã chết trong trận chiến vừa qua. Có thể nhà của bà đã từng bị cháy và bà đã  từng gánh con đi chạy loạn?
Nhưng bà vẫn mỉm cười khi khua mái chèo đưa khách sang  sông.
Rehahn đã chụp được nụ cười của bà lão Bùi Thị Xong trên sông Hoài và  tác giả đặt tên tấm ảnh  là “Nụ Cười giấu Kín”.(The Hidden Smile)
Nụ Cười giấu Kín  được Rehahn chọn làm bìa cho tập sách ảnh “Việt Nam- Những Mảnh Ghép Tương Phản” (vietnam, Mosaic of Contrast)  gồm 145  trong số hàng ngàn bức ảnh mà anh  chụp được  ở Việt Nam.
Tấm ảnh bìa ấy được báo chí MỸ bầu chọn là “Bà Cụ Đẹp Nhất Thế Giới”
Rehahn nói “Nụ cười ẩn giấu” này là một nụ cười không tuổi.

Bà Xong tuy đã già nhưng bà ấy luôn can đảm, mạnh mẽ, dễ thương…”
Rồi anh nói thêm :”Người Việt Nam là những người lạc quan  và tích cực nhất mà tôi từng gặp trong đời” (*)
Khi tập sách ảnh của Rehahn  với ảnh bìa có nụ cười  của  bà lão Việt Nam  già nua móm mém, chèo đò trên sông Hoài nổi tiếng khắp thế giới, nhiều tờ báo  ở Việt Nam hoan hỉ loan tin rằng  hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, nụ cười của bà  Xong  nói lên rằng  đất nước Việt Nam đang rất đáng sống!
Tôi thì lại cảm thấy rất buồn khi cảm nhận được ni xót xa, thương cảm của một người ngoại quốc khi anh ta ngắm nhìn nụ cười của một bà lão người Việt ở tuổi phải được nghỉ ngơi, được chăm sóc, đang  ngày ngày phải   làm việc kiếm sống.
Ở đất nước tôi, các bà mẹ già  luôn phải “ mạnh  mẻ, can đảm, lạc quan”  trong nghèo đói, trong chiến tranh và  cả khi đất nước hòa bình.
Có phải vì vậy mà  Rehahn  đã  dùng chữ “Tương Phản” trong tựa đề tập sách ảnh của anh?

Huyền Chiêu
20 tháng 10 2016

(*) Những câu nói của Rehahn được trích từ một bài viết về Rehahn trên báo Dân Trí.

No comments:

Post a Comment