Tuesday, October 25, 2016

PHỎNG VẤN CHỚP NHÀ THƠ HUY TƯỞNG, NGƯỜI ‘NUÔI LỬA TỊCH MỊCH’


Trịnh Thanh Thủy


Huy Tưởng & Bùi Giáng

Huy Tưởng. Bùi Giáng vẽ

Tôi “gặp” ông. Người “nuôi lửa tịch mịch”, lần đầu tiên, từ một tập Thơ photocopy do một người bạn yêu Thơ ông trao tặng. Ngay khi đọc những bài thơ, những con chữ tràn ngập âm thanh, màu sắc, chuyên chở tư tưởng và cảm xúc trong ấy, tôi như chao nghiêng đi. Thơ ông như một khoảnh rừng có nhiều cây gỗ quý, ẩn hiện đâu đó những chiếc mặt nạ da người treo lơ lửng trong một mảng trời ám khói. Huy Tưởng đã nuôi lửa trong thơ mình, những ngọn lửa âm ỉ cháy qua những sợi cỏ tâm tưởng dễ bắt nhiệt. Những cụm khói cảm xúc u tịch bốc lên thành màu lam chiều cuồn cuộn, khiến thơ ông nổi lên, bật ra, quất vào trí tưởng và tim gan người đọc.

Chiều.ghếch nâu lên mái
Dồn dập chui qua vết nứt tháng năm
Âm vọng từng tiếng nấc khoan đêm.hố thẳm
Tha thiết tím.thầm kêu im.ước nguyện...

Chiều quá rợp nâu.um khói
Bóng người về.chói lọi khúc cuồng ca
Tiếng chim nát từng lời máu đỏ
Đêm mãi tràn..huyết dụ quá.lòng ta...(SONNET 34)

hay :

Lênh láng sắc hương.lênh láng chiều
Lênh láng đơm xanh đọt mầm tách vỏ
Lênh láng cung thương.ngày cũ
Lênh láng Em lênh láng tôi đày đoạn những thang âm nghịch chiếu
Lênh láng trầm thiết mộng... (SONNET 50)

Thơ Huy Tưởng đã nổi tiếng trước 1975 ở miền Nam Việt Nam.
Bùi Giáng yêu thơ ông, Đinh Cường luôn rung động qua tiếng thơ luôn khắc khoải mà ma mị. Bùi Giáng không những vẽ chân dung ông mà còn vẽ ông qua câu thơ “ Cám ơn thần thánh thiết tha / Vốn người xứ Quảng vốn là chịu chơi”, và xem Huy Tưởng như là “một hóa thân của Thôi Hộ về hiện diện ni cô hiện đại Việt Nam” với những câu thơ “xuất thần, nhập thánh, đáo tiên thiên!”
Huy Tưởng không những chịu chơi ngoài đời, mà trong thơ, ông cũng vét lòng minh, chơi đến cả những hạt cảm xúc li ti cùng tận.

Thơ vét hết lòng.thơ mất máu
Rừng cao.biển rộng.đẹp rưng rưng
Bão cuồn cuộn.cuốn.cơn hiềm oán
Một góc quê cha.quê khốn cùng !

Tang tóc sẽ về.câu nhắn gửi
Nắng vờn.loang loáng.kiếm sắc không
Nghe ai oán dậy.mưa thù.rót
Tiếng thét mãi ầm.vang.biển Đông !...(NHỮNG ĐÊM THÙ BÚNG MÁU)

Ông, tên thật Nguyễn Đức Hiệp, sinh vào tiết trọng đông, cuối năm 1942 và đầu năm 1943, cầm tinh con ngựa Nhâm Ngọ. Khởi viết từ những năm giữa thập niên 60s, và tham gia hầu hết các diễn đàn văn học nghệ thuật có uy tín thời đó; và đã cùng một số thân hữu thành lập nhà xuất bản Kinh Thi, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Riêng ông, ngoài một vài tác phẩm dịch thuật, biên dịch, ông cho xuất bản các tập thơ như : Mưa trong vườn chiêm bao, Một mùa tóc mộ, Áo nguyệt ca, Hỏi đường cùng mây trắng, Trăng kêu xanh trong đá, Người nuôi lửa tịch mịch,...hầu hết tự in và phát hành hạn chế trong  số ít thân hữu, nên hiện nay gần như bị tuyệt bản.

Trịnh Thanh Thủy: Là một nhà Thơ, hẳn nhiên anh luôn có, không ít thì nhiều, những điều riêng tư, những kỷ niệm,...mãi cất giữ bên lòng (như báu vật), anh có thể...

Huy Tưởng: Vâng, tôi rất sẵn lòng, chỉ e rằng sẽ sa đà quá làm mất thời gian của chị.Tôi mê mải và thích nói, thích nhắc đến những ngày thơ ấu giữa núi rừng suối đồi hoang dã miền Trung du. Đến giờ, tôi vẫn không sao phân biệt được ký ức thật của mình cùng ký-ức-góp-nhặt qua lời kể của Mẹ tôi. Tất cả gom trộn lại thành một món ăn, một vị thuốc bổ, một dưỡng chất tuyệt hảo hạng, nâng đỡ tôi vượt qua nhiều gian khó, thị phi nghiệt ngã, nuôi sống tôi lớn mạnh đến hôm nay.
Tôi được hạ sinh từ núi rừng cao nguyên KonTum xuyên qua một mối tình điềm đạm mà thơ mộng, giữa cha tôi gốc người chân chất Quảng Trị, là kỹ sư và là người Việt duy nhất (còn lại là người Pháp) làm chủ nhà đèn (điện lực) thời bấy giờ, với Mẹ tôi gốc Hoàng phái, Thừa Thiên, Huế. Và rồi tôi lớn lên mộc mạc thô tháp giữa những con người và cỏ cây suối rừng ngơ ngác xao động chung quanh... đến giờ và cả đời mình, đó là giấc mơ dịu vợi không nguôi, giấc mơ huyễn ảo giữa ban ngày...

Tôi có thể nói hàng tháng, hàng năm về giấc mơ đó, chen lẫn hình ảnh Mẹ tôi tất tả ngược xuôi khắp sông hồ núi đồi, né tránh từng viên tia đạn, từng trận càn, từng dòng nước chảy xiết mùa đông giá trên khắp miền thượng du Trung Việt. Mẹ tôi là biểu tượng của hào hùng bi tráng, của thầm lặng cô đơn thảm thiết, của lẽ bí nhiệm giữa Trời và Đất, giữa thần linh và con người. Tôi không sao nói cho hết khi lòng không nguôi xao xuyến và quặn thắt đến nghẹn thở với hình ảnh Mẹ tôi chấp chới giữa thác ngàn vùi dập hung bạo trong đêm hôm khuya khuắt một cõi rừng thiêng hiểm độc...Những sông, những hồ ấy đã sớm dựng nên trong hồn tôi hình ảnh để lại từ các dấu chân các vị thần linh vừa mới bước xuống! Và cũng từ đó, trong tôi tràn đầy cổ tích, cổ tích chiếm hữu tôi trọn vẹn, tôi hết lòng tín cậy vào những con người hoang dã nơi đây, tín cậy vào sông hồ, cây cỏ, chim muông... các thứ. Nhưng lại bỡ ngỡ với chính mình, vẫn cứ hoài nghi về sự hiện hữu của cái tôi, đêm đêm treo bóng mình lên vách và biến đời mình thành một cuộc tra vấn liên lỉ, dù chưa biết chữ, chưa được đi học. Lòng tự ngờ vực ngày một dâng cao về bản mệnh của mình.
Xen giữa những khúc đoạn thơ mộng là bao cảnh hãi hùng, tàn bạo của những cuộc càn phá của giặc Pháp, lính Lê Dương hãm hiếp, tra tấn bà con mình không nương tay. Thực phẩm tuổi thơ của tôi là một trộn lẩn máu mặn cay xót cùng những giàn mây thênh thang trên khắp núi rừng hoang dã.
Sau cuộc lật đổ của người Nhật, gia đình chúng tôi phải tản cư, chẳng hiểu vì sao Cha và Mẹ chúng tôi lại thất lạc nhau. Cha đi về phía Quảng Nam, Mẹ đưa chúng tôi xuôi về quê nội Quảng Trị. Mẹ con chúng tôi bắt đầu những năm tháng đói khổ, không nhà cửa, nơm nớp lo chạy giặc càn từng ngày, từng đêm, mạng sống mong manh như tơ chỉ, trong khi cha chúng tôi được bổ nhiệm làm giám đốc kỹ thuật mỏ vàng Bồng Miêu. Sau nhiều năm mới liên lạc được nhau, ông dành dụm gửi tiền giúp Mẹ con chúng tôi tiếp tục vượt Trường Sơn. Chúng tôi thuê người giúp đỡ, đi theo đoàn dân công, có nhiều lúc thất lạc sắp bị thú dữ ăn thịt. Khi đến Ba Lòng, chúng tôi không còn lộ phí, đành phải ở lại. Mẹ con chúng tôi phải tự túc kiếm sống, và tôi bị sốt rét tại đó, những cơn sốt bỏng da, cóng buốt. Chúng tôi nằm giữa rừng sim, nệm chiếu cũng bằng lá sim, và thực phẩm là những trái sim, tất cả chỉ toàn sim, vì “nhà” đã bị lính Lê Dương đốt cháy hết cả rồi. Tôi nằm nhìn lên bầu trời mùa đông có con trăng nhợt nhạt chiếu rọi yếu ớt, tôi lại có cảm thức rằng từ lúc ấy, tôi như đã bước lên một chuyến tàu vô hình nào đó, và ra đi mãi mãi... Về sau, đâu khoảng năm 1967, tôi có viết mấy câu thơ gửi Mẹ, đại khái : “Vì đêm đó, lần đầu con sốt rét / Chút xương da thấm lạnh những âm hàn /Con đâu biết, Mẹ ơi ! Rừng đêm dó / giắt con đi vĩnh viễn với trăng ngàn !..”
Hơn một năm sau, Cha và Mẹ chúng tôi bắt liên lạc lại, chúng tôi được cứu tế, và lại bồng cõng nhau lên đường, ngày đêm lội suối băng rừng cùng sinh hoạt với nhiều sắc tộc thiểu số khác nhau, hồn hậu và róc rách như cỏ cây, như suối ngàn...

Đến đây, chúng tôi biết thêm và nếm trải một thể loại chiến tranh khác: không còn những cuộc càn trên bộ, mà là những trận ném bom như rải hoa, từ phi cơ, khạc lửa rần rộ xuống thôn làng. Lần đầu thấy nó, tôi ngỡ ngàng kêu lên thảng thốt như bắt gặp một con chim lạ khổng lồ, và khi nó khuất bóng thì kinh hoàng khi nhìn thấy những tim gan phèo phổi tay chân đầu tóc...vương vãi khắp mặt đất, trên những ngọn cây,...

Rồi chúng tôi cũng được đoàn tụ nhau tại xã Đức Phú (nay là Kỳ Trà, Phú Ninh). Ôi ! Chị không thể tưởng tượng nỗi cuộc gặp gỡ giữa Mẹ con chúng tôi và người Cha-trong-mơ nó như thế nào! Chúng tôi đến trong lúc ông đang còn làm việc trên mỏ vàng, chiều đến, chúng tôi vừa vui sướng vừa xa lạ rụt rè nhìn từ đằng xa, hình ảnh một người đàn ông đầy sức sống, rắn chắc và tự tin nở nụ cười bát ngát đang thong dong cỡi lên một con-vật-kỳ-lạ bằng sắt màu xám xanh: chiếc xe đạp course! Ôi chao! Kỳ bí và uy nghi đến không thể tưởng tượng được, đó là chưa kể đến cái ngạc nhiên đến sửng sốt của lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc xe đạp course, kìa cái ghi-đông (guildon) nó lẫm liệt như chiếc sừng bò tót!
Làm sao để nói cho hết lòng ngưỡng vọng của chúng tôi lúc đó? Cho dù sau này hình ảnh vua Quang Trung trở về sau chiến thắng vang dội Ngọc Hồi Đống Đa hay một Hoàng Đế Napoléon với hào quang trận Austerlitz,...cũng không sao có thể thay thế hình ảnh Cha chúng tôi trong mắt trẻ thơ đầy cổ tích lúc đó.
Từ đó, anh em chúng tôi bắt đầu một cuộc vui chơi khác với bạn trang lứa, với mộc mạc đồng bào sắc tộc, với hoang dã sông hồ ngày đêm vang vọng tiếng núi rừng, chim muông...cho đến sau hiệp định Geneve 1954, cả gia đình dời về thị xã (nay là thành phố) Tam Kỳ, chuyển sang một đời sống...“văn minh” hơn, khiến tội ngợp thở.
Ồ! Tôi xin lỗi vì đã dài dòng về tuổi thơ nhiều quá, dù đã...tự-đục-bỏ hết chín phần.


Hình Huy Tưởng 

Huy Tưởng. Đinh Cường vẽ

TTT: Như anh vừa kể, anh xuất thân từ một gia đình không có gènes văn nghệ, thì do đâu, anh...

HT: Vâng, tôi hiểu ý chị, thật ra tôi vẫn thường nghĩ, chẳng có gènes nào cả, Cha tôi là một nhà kỹ thuật chuyên nghiệp, các Em tôi thụ hưởng và học hỏi được nhiều nơi ông, nhưng trong con người kỹ thuật đó, có một tâm hồn rất nghệ sĩ (mà chính ông cũng không hề nhận biết), tôi thầm lặng ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng từ ông rất nhiều, cộng thêm khí thiêng của cỏ cây, sông núi, ao hồ đất trời mênh mang miền Trung Du phả xuống ru dỗ tôi trong suốt cơn bi ngộ thập tử nhất sinh. Cả đời tôi, đến kỳ cùng cũng chỉ có một giấc mơ thời trẻ dại đó, nó quanh quẩn gần gụi để an ủi, dỗ dành và nuôi nấng tôi những lúc rơi vào hao hụt, biếm nhẽ hay phản trắc.   

 TTT: Nhưng thưa anh, nếu đó cũng là Thơ Ca, thì sao ?

HT: Nếu chị nghĩ đó là Thơ Ca thì cũng không sai. Có những điều, thường là trong vô thức, nó khắc chạm vào tâm tưởng mình lúc nào không hay biết, nhưng rồi hoát nhiên nó bung ra thành hình, thành chữ, thành câu,...và ta đón nhận nó trong ngạc nhiên thú vị. Nhưng tôi rất ngại phải tranh biện hay lý luận này khác. Tôi chỉ muốn viết, viết hồn nhiên với lòng tín cậy vào cảm xúc và các bầy chữ rộn ràng sinh động...

TTT: Nhưng anh cũng đã có một loạt bài biên dịch về Thơ Ca trên trang mạng Damau.org thật thú vị và hấp dẫn được nhiều người đọc kia mà ?

HT: Quả là có vậy. Nhưng tôi lược bỏ phần lý luận đầy minh triết, ghi chép chi li số liệu. Tôi thấy ông Georges Jean có cái nhìn bao quát về Thơ Ca, vừa khoa học vừa cảm thụ, nên tôi biên soạn dưới nhãn quan một người làm thơ, ước mong gửi đến các bạn trẻ đang muốn theo nghiệp Thơ Ca có dịp chia sẻ thứ “ngôn ngữ thần thánh” đó, thứ “ngôn ngữ làm vinh dự loài người”. Chỉ đơn giản vậy thôi, chứ biện luận mãi thì còn thời gian và cảm xúc đâu mà...làm thơ ? Nhiều vị cứ ra sức phô trương chất “bác học”, lồng cái trí năng vào nhiều quá, đến khi muốn hạ bút viết một câu thơ thì,...lại hục hặc với cả chính mình !

TTT: Trước 1975, anh cũng đã nổi tiếng...

HT: Xin lỗi. Cho tôi cắt ngang đây một chút. Tôi quả có một số người biết tới, nhưng không “nổi tiếng” như chị nói. Tôi vốn là người ham chơi, mê say bạn bè hơn là len lỏi, chen chúc để tìm cái danh hảo. Nhiều bậc đàn anh như MT, VKK,...luôn yêu mến và muốn giới thiệu tôi trang trọng trên các diễn đàn, nhưng tôi cứ mãi rong chơi đây đó và lơ đễnh các việc, ngay cả chính ông Th. (hiện sống tại CA) lúc ấy, vừa xuất bản vừa phát hành nhà Hiện Đại, có đề nghị tôi để nhạc sĩ Phạm Duy chọn và phổ nhạc khoảng 10 bài thơ của tôi. Tôi cũng không mấy tha thiết, nên thôi. Ngay cả Bác vợ tôi là nhạc sĩ Lê Thương cũng có nhã ý ấy, và tôi lại ước hẹn cho đến khi Bác ấy...qua đời ! Nếu ngày ấy tôi nhận lời nhạc sĩ PD, chắc giờ tôi cũng “nổi tiếng” như chị nói.

TTT: Nhưng trường hợp của Máu Biếc Xanh Và Ngực Tối, thơ HT, nhạc LUP thì sao ?

HT: Ái dà ! Chị có trí nhớ tốt quá ! Chúng tôi là bạn thiết của nhau, cùng sống ở Dalat. Đó là một tai nạn thú vị. Chúng tôi bốc đồng cùng viết với nhau và hát inh ỏi trong quán Luc Huyền Cầm. Tôi thấy bài hát được đưa lên Youtube, nhưng lời lẽ sai be bét, cả tiểu sử, tác phẩm cũng vậy, rầu quá nhưng tôi...măc kệ, miễn sao mình...còn sống, là được.

TTT: Anh khởi nghiệp từ trước 1975, xin anh cho biết bầu khí Thơ Ca thời đó ra sao và thế nào ?

HT: Nói thế nào cho gọn nhẹ nhỉ ? Bởi chắc hẳn chị cũng đã đọc khá nhiều người viết về nó rồi. Tôi không muốn lặp lại. Nhưng, nó vui nhộn, đa dạng, lôi cuốn, hấp dẫn và nhất là, tự do ngất trời!...từ đó tung ra nhiều trường phái, giọng điệu và sắc màu phong phú...đúng là trăm hoa đua nở thực sự mà không phải kiêng dè sợ sệt điều gì, để sau rốt nổi trội lên những tên tuổi ngời sáng, mỗi người đứng riêng một cõi, một tiếng thơ biệt lập nguy nga.

TTT: Được biết, anh quen biết nhiều người, nhiều thế hệ. Riêng anh, anh hẳn có những bạn Thơ thân thiết, xin anh cho nghe vài kỷ niệm.

HT: Tôi có được cái vinh hạnh ( đôi khi là tai nạn) được quen biết nhiều người trong giới học giả, trí thức,văn nghệ nhiều thế hệ, chẳng hạn tôi có thâm tình với thi sĩ Quách Tấn, cụ Vương Hồng Sển, cụ Toan Ánh, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, học giả Tam Ích,...cho đến các nhà thơ còn rất trẻ hôm nay như Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quốc Chánh, Vương ngọc Minh, Tha Thủy, Phan quỳnh Trâm, Thận Nhiên, Bùi Chát...xuyên qua những Thanh tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tạ Ký, Phạm công Thiện, Mai Thảo, Dương nghiễn Mậu, Thái Tuấn, ...tôi có những tiểu truyện về họ, cũng vui vui.

TTT: Nhưng tại sao anh gọi là...tai nạn ?

HT: Á à! Biết nhiều thì quá tốt, nhưng cũng chẳng hay ho gì với một số người, nhất là từ những ngày sau 1975, nhiều người vì sự yếu hèn (hay vì những gì khác) đã bộc lộ những phẩm cách suy hoại đến ngỡ ngàng, khiến ta phải...choáng váng! Cho phép tôi không nói thêm vào điều này.
Trong tất cả những người làm thơ, tôi có ít nhất bốn người bạn chí cốt, đó là: Bạn vong niên Quách Tấn, thứ đến là Nguyễn Nho Sa Mạc, rồi Hoàng Trúc Ly và Nguyễn Tôn Nhan. Tất cả đều là những thi sĩ, đều đã qua đời, và đều khắc sâu trong tâm tưởng tôi. Chúng tôi có với nhau nhiều kỷ niệm, và chúng tôi giữ riêng tận đáy lòng như những báu vật, có bóng loáng chói ngời, có sù sì góc cạnh cắt đau ngọt lịm. Ồ! Suýt nữa tôi lại phạm một lỗi lớn của tuổi tác, tôi còn một người Bạn thiết đồng niên, đồng học, và là một nhà thơ-không-chịu-làm-thơ nữa, đó là thi sĩ Thành Tôn. Anh cũng là một trong những người thầm lặng góp thêm sức cho tôi mạnh mẽ đứng lên sau những ngày tối ám vừa qua. Anh ấy là báu hiếm trong đời tôi !

TTT: Nhân đây,xin anh cho biết những cảm nghĩ của mình về những người bạn thơ, nói chung.

HT: Sao chị hỏi chi mà khó khăn đến vậy ? Dễ thường như dẫm phải lửa gai.
Cũng như hết thảy mọi người, tôi kính ngưỡng và quý trọng những thi sĩ thực sự. Theo như bảng xếp hạng của Thông Thiên Học thì, Thi sỹ chỉ đứng sau những Thánh Thần Chúa Phật, ngoài ra họ đứng trên các ngôi vị khác rất xa, và dân gian vẫn tuyên xưng họ cùng với “đẹp như thơ”, thế nhưng nhà văn Nguyễn huy Thiệp đã có lần (nếu tôi nhớ không lầm), đã không tiếc lời xỉ mạ bọn nhà thơ là những kẻ gian xảo, trộm cắp và phản trắc các thứ. Mới nghe, tôi thật tình khó chịu, bực bội, nhưng càng lúc càng thấy không đến nỗi sai, dù quá đáng. Họ luôn có sẵn trên cửa miệng những lời châu ngọc, thơ mộng và tiêu xái,...nhưng hành xử thì, lắm khi trái ngược, họ bon chen, lèn ép, thậm chí nhiều thủ đoạn để biếm nhẽ, vu bịa và triệt hạ nhau thê thảm.Tôi không hiểu được và lý giải làm sao, một người vừa làm Thơ (tuyên xưng cho cái đẹp) lại vừa toan tính hại người (âm mưu làm điều xấu) cùng một lúc(!?), một dung hợp, một song hành kỳ quái và phi lý đến...không sao nói được! Trong khi Thơ là bộ môn, gần như duy nhất, không kiếm được một lợi nhuận nhỏ nhoi nào cả như các bộ môn khác.
Cái hư danh, quả là có một ma lực khủng khiếp đến lạ thường !

TTT: Anh làm Thơ, và anh có “đức tin” nào về Thơ Ca không ?

HT: Ồ ! Chị vô tình lại đụng đến chỗ sâu thẳm nhất của tôi. Tôi luôn đặt đức tin cao nhất vào Thơ Ca.Tôi tuyệt đối tin vào sự truyền dẫn của cảm xúc và sự trợ lực tối thượng của siêu hình. Một người làm nghệ thuật mà chỉ dựa vào sự khéo tay, kỹ thuật vững vàng không thôi, không mảy may có một ám ảnh, một vọng động nào réo gọi từ tầng cao của ngùn ngụt hư vô,...thì cũng tội nghiệp như một “tín đồ” không có đức tin khi đối diện trước điện thờ mà lòng cứ dửng dưng, trơ cạn niềm tin và trống khô như ngói. Nếu bạn không có cảm xúc thì khó mà truyền dẫn đến người đọc, điều nhỏ nhặt đó, ai cũng hiểu nhưng ít người muốn nhớ tới. Không có hành trang tối thiểu đó, làm sao có thể nhấc chân lên để dọn đường cho một hành trình đầy gian nan ?

TTT: Gian nan ?

HT: Chị nghĩ là dễ dàng và nhàn nhã thong dong lắm sao? Xin đừng phán xét qua hình ảnh những tài tử giàu có, dạo chơi hay viếng cảnh như chàng Bội Ngọc, chốc chốc buông vài câu đưa đẩy tình tứ ...Nó không những phiêu lưu mà còn rất gian nan, bởi khi thực sự dấn mình vào chốn Thơ Ca, hay nói rộng ra là Sáng Tạo thì, chẳng khác gì một cuộc săn bắt cả đời trong rừng thẳm đầy u hiểm, nên chị đừng ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều thợ săn đã bỏ cuộc giữa chừng, ghé chợ thịt rừng mua cái gạc nai, cái móng cọp về chưng trong phòng khách. Gã thợ săn trong Thơ Ca trang bị và hăm hở với giấc mộng bắt được con thú lớn nhất của khu rừng, nhưng rốt cuộc họ có được gì? Con thú lớn mà họ mơ tưởng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong rừng rậm hang sâu, hoặc trơ vơ như bộ xương cá của lão ngư ông trên biển cả, họ bằng lòng hay tự mê hoặc mình khi mang về những hươu nai bò tót...và nhường lại cuộc săn bắt lớn kia cho lớp lớp hậu duệ đang hăm hở phía sau...

TTT: Trong một phần giới thiệu Bốn mươi năm Thơ Hải Ngoại, anh có nói, đại ý: không biết làm gì thì...làm thơ. Xin anh nói rõ hơn, được không ?

HT: Xin cám ơn về câu hỏi này, vì sau loạt bài đó, nhiều độc giả cũng “ tra vặn” tôi không ít. Qua đây, tôi được phân giải, như sau: Trong loạt bài viết về Thơ Ca nói trên, tác giả Georges Jean cho rằng, nhà thơ là kẻ bận rộn vào bậc nhất (trong khi hầu hết mọi người thì nghĩ ngược lại) anh ta luôn bị vây khốn bởi mơ mộng, bởi các ám tượng, bởi những uẩn khúc...bề bộn các thứ, suốt cả ngày đêm, từ trong giấc ngủ cho đến các sinh hoạt hàng ngày, tất cả choán chiếm hết tâm hồn. Anh ta không thể làm gì khác, anh ta chỉ biết mỗi một việc duy nhất là, làm thơ. Nên thay vì dài dòng như vậy, tôi nói chệch đi và ngược lại đôi chút cho nó “vô tích sự” hóa một nhà thơ.

TTT: Cũng nghe nói, anh đã ngưng viết từ sau 1975, và toan tính từ bỏ hẳn khi chuyển sang định cư tại Úc Đại Lợi ?

HT: Đúng và chưa đúng. Sau 1975, tôi cùng một số văn nghệ sĩ còn kẹt lại được tập trung để “bồi dưỡng tư tưởng”, tất thảy không gây cho tôi một ấn tượng hay cảm hứng nào cả. Tôi quyết định về sống đời lầm lũi vô danh, không hội hè đàn đúm với bất cứ đoàn nhóm nào, lui về buôn bán phôi pha. Thỉnh thoảng làm một đôi bài thơ cho đỡ nhớ chữ, đăng trên Tạp chí Thơ, Hợp Lưu,...Nhưng như vậy cũng không yên, tôi càng thêm chán ngán khi bị tra tấn bởi lòng bội phản nơi những người thân, những người từng thọ ân chúng tôi...Nên khi dứt áo ra đi đinh cư tái Úc, tôi đã xóa, đã đốt hết mọi bản thảo, hình ảnh, còn bao nhiêu sách vở tôi đóng thùng gửi tặng hết cho một số bạn bè. Tôi ra đi tay không với lời nguyền từ bỏ văn chương!
Tôi ra đi mà không chắc mình có thể sống sót vì bệnh trụy tim rất nặng. Nếu sống sót, sẽ chỉ mong sống đời ẩn dật nơi chốn đô hội ấy để qua đời.

TTT: Nhưng nay, anh đã viết trở lại, như một hiện tượng, rất sung sức, vì đâu ?

HT: Cám ơn chị đã gợi và tạo cho tôi có dịp để nói thêm về mình (có nên & có nhiều lắm không?) Hụp lặn trong thời kỳ "thiếu dưỡng khí" ấy, tôi nghiệm ra nhiều điều, nhất là với một người luôn khát khao như tôi, nó có ý nghĩa của một cuộc trầm sát, chờ ngày tắt thở chỉ vì chịu không nổi những cay nghiệt của nhân quần, của thời thế, và tôi đã "chết" ròng rã nhiều năm tháng trong ấy. Nhưng nay, như đã nói, sau nhiều tu tập kham nhẫn và công phu, tôi thấy mình có thể trở lại và "sống", tha thiết chung hưởng khí trời trong lành đầy hai lồng ngực cùng các " đồng loại" của mình. Trở lại, và trở lại một cách cường tráng, mạnh mẽ, cũng là cách để trả lời(hay trả thù?) những tiêm báo ác hiểm của những bóng ma luôn lởn vởn, rình rập đó đây. Trở lại trong sáng tạo có nghĩa là tìm dưỡng khí để sống tươi vui, khoẻ mạnh, là để nuôi dưỡng mình trong công cuộc vừa làm thơ vừa làm chữ. Làm, trong tâm thức vô uý, vô cầu các thứ…

Thể chất tôi, đến nay cũng tạm ổn, sức khỏe rất “phồn vinh giả tạo” sau ba lần đột quỵ và “đi xuyên tường” nhiều đêm ngày, còn tinh thần có lúc tưởng như tắt ngọn, tôi phải mất nhiều năm để tu tập kiên khổ, và nay đã vực dậy được phần nào nhờ những động viên sốt sắng của các bạn bè khắp nơi. Các Bạn đã thổi vào tôi một luồng khí tươi mát, tạo nên một năng lượng đáng kể, trong đó có những thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi nay được khỏe lại nhờ tinh thần phấn chấn, mạnh hơn cả thuốc men. Qua đây, xin các Bạn khắp nơi nhận cho tôi lời cám ơn sâu sắc nhất.

TTT: Vậy, sống và làm việc tại Úc và tại Việt Nam, đối với anh, có gì khác biệt lắm không, và như thế nào?

HT: Ở đâu thì tôi cũng tự giam mình trong phòng riêng. Nhưng cái bầu khí của xã hội bên ngoài nó quyết định và chi phối ta rất nhiều. Ngồi riêng lẻ trong đêm nhưng ta tiếp thông trọn vẹn với xã hội, với bầu khí sinh hoạt, với an bình tự do, với thiên nhiên lồng lộng phơi mở bên ngoài...ta viết với lòng đầy tin cậy, không phải kiêng dè hay sợ hãi bất cứ một ai, bất cứ thế lực nào. Cứ vươn vai hít thở cho đầy hai buồng phổi những tươi mát của môi trường thân thiện và,...làm thơ. Làm thơ bát ngát...
Đấy, cùng chỉ cách một bức tường như nhau, nhưng sự khác biệt thì...chúng ta, ai cũng rõ.
Quê hương, phải chăng là khi chúng ta đươc đứng trên một mắt đất bằng an, và tràn đầy bầu khí của tự do?

TTT: Đọc thơ anh, nhiều người cùng nhận xét, anh luôn có những sáng tạo ,nhiều màu sắc, hình ảnh, đặt nặng vai trò thẩm mỹ, và nhất là khai sinh ra nhiều chữ rất mới, rất lạ, anh nghĩ sao ?Và anh có kinh nghiệm nào về sáng tác Thơ không ?

HT: Mỗi người có một “kinh nghiệm” riêng, khó nói, nhưng rốt cùng, kinh nghiệm là không kinh nghiệm gì cả! Cứ rong chơi, cứ suy tưởng, cứ mơ mộng,và...cứ làm thơ. Mỗi người một cách kiểu. Từ ngày quyết tâm rời bỏ “căn nhà cũ”, nói khác đi là, đứt ruột rời bỏ văn chương chữ nghĩa các thứ, tôi tay không, không sách không bút không vở, sang dưỡng bệnh tại Úc, nguyện sống đời lặng lẽ. Tôi bắt đầu lang thang hết cả những đồi cao biển thấp, núi rừng sông hồ Châu Đai Dương và nhiều nơi khác mà chẳng tơ màng gì đến Thơ ca, thì...bất giác, chữ và màu rộn rã bùng lên từ những bước chân, ôm chầm lấy tôi! Và tôi hồn nhiên làm thơ trở lại, không còn vướng bịu gì với sách vở mỏi mòn xưa. Ngồi nghĩ lại, chuyện tôi mất hết sách vở hóa ra là may mắn, như chuyện Tái Ông thất mã. Mà nghĩ cho cùng, chữ của tôi cũng có gì mới mẻ đâu, đôi khi chỉ là thứ cũ xì, sét gỉ, phế liệu,...được lau sáng lại bằng cái nhìn, cái cảm xúc tinh tươm và bỡ ngỡ trẻ thơ mà thôi. Từ năm 1967, tôi viết nhân ngày sinh nhật “Em đã thấy.nhưng nghìn năm không hiểu / Vì sao anh bệnh hoạn một màu trăng !” lắm kẻ chau mày, nhưng cũng nhiều người trầm trồ vì Thơ vẫn đem được cái mùi ê-te của nhà thương vào, rất ngọt. Chữ nào cũng rất thơ & chữ nào cũng không thơ.
Cái đẹp giúp chúng ta nhìn và sống tich cực. Và tại sao cái đẹp rất cần thiết cho Thơ ?

TTT: Nẩy ra từ những ý trên, có nhà phê bình nhận xét: không & thời gian trong thơ anh thường nghiêng hẳn về buổi chiều và những đêm khuya, anh có thấy và nghĩ sao về điều này ?

HT: Bất ngờ quá & đôi khi chính mình cũng không tự biết đến. Có phải khởi đầu tôi sinh ra trong một buổi chiều? Từ nhỏ cho đến hôm nay luôn bị vây phủ bởi nhiều “bóng tối”, và giờ sinh hoạt tốt nhất của tôi bắt đầu từ 12 giờ khuya cho đến rạng sáng. Có và không có tất cả, tôi không rõ, nhưng bóng đêm chính là máu huyết, là năng lượng và truyền nhiều cảm hứng cho tôi, lẽ ra tôi cũng đã có những bài “ngợi ca bóng tối” từ lâu. Năm 1975, nhà Kinh Thi chúng tôi cũng lên kế hoạch xuất bản tập thơ dịch thuật, có tựa đề : NHỮNG VẦN THƠ GỬI VÀO ĐÊM TỐI.
Nhưng ngay sau tháng Tư 1975 ngột ngạt, tôi cùng hai người Bạn âm thầm gom góp một số đá quý để xây một “Tháp Hòa Bình” với mong ước cho thế giới tốt đẹp hơn lên, và tôi viết trường ca NGÀY VANG LÊN ÁNH SÁNG! Tháp thì chưa thành, và trường ca cũng bị thất lạc! Giờ, xin quay về tìm lại mình trong những khuya khuắt...

TTT: Anh có ý kiến gì về Thơ hôm nay ?

HT: Câu hỏi, nghe thì dễ nhưng tôi chắc ít có ai muốn trả lời, nhất là những người làm Thơ. Thời nào và ở đâu cũng vậy, có những số đông bảo thủ và đổi mới. Những người bảo thủ luôn trung thành với những nền nếp cũ, làm thơ như một người thợ chuyên nghiệp, dụng công và chỉnh chu, khác nào các cụ ta ngày xưa học thuần thục các giáo khóa về thơ, để rồi khi ra trường thi ứng thí, thi thố làm thơ. Thơ ấy gọi là thơ cử nghiệp, đúng niêm luật...các thứ, thời nay vẫn còn nhan nhãn trên các trang thơ thù tạc. Người trẻ thì quyết tâm đổi mới bằng những “sáng tác” quá mới mẻ, tân kỳ đến...có khi kỳ quái, có người băng ngang vào thơ hậu-hiện-đại khi chưa kịp thấm nhuần các bước đầu về thơ truyền thống, chưa có ý niệm hay thẩm thấu đủ khái niệm về tiết nhịp trong thơ, chưa qua căn bản về hình họa thì đã múa những đường kiếm trừu tượng, vô dung, ghê thay ! Nhiều Bạn biết được ít nhiều ngoại ngữ, hoăc thường đọc thơ dịch, đến khi làm thơ tiếng Việt mà khi đọc lên, ta cứ ngỡ là...thơ dịch! Giọng điệu nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt.
Các cụ thâm Nho của chúng ta ngày xưa thường làm các bài thơ theo thể Thơ Đường, Tống,... các bài thơ không chê vào đâu được, từ kỹ thuật đến ý nghĩa cao xa, tròn trịa, chỉnh chu, nhưng tiếc thay cái mơ-hồ-mà-trọng-yếu của bài thơ ta tìm mãi, không thấy đâu, ấy là cái “vị” của nó: vị Đường, vị Tống,..( hãy đọc một bài thơ Lục Bát của một người ngoại quốc giỏi tiếng Việt xem, khó tìm cho ra cái vị 6/8 mềm mại của bản tộc). Các bạn trẻ bây giờ giỏi giang và hòa nhập dễ dàng hơn với môi trường bên ngoài, nhưng tôi vẫn lo mà vẫn rất kỳ vọng.
Tôi cũng không hạp với các loại thơ ưa triết lý quanh co hay dạy đời này nọ.
Thơ hôm nay, nói thật, tôi rất lạc quan. Những người trẻ luôn ở trong một tâm thế quật khởi tươi mới, dù họ đang phải  cong mình nơi những góc tối đầy chướng khí hay những bạn khác tung tẩy và hớn hở giữa những môi trường khoáng đãng tự do lồng lộng, nơi đâu cũng là đòn bẫy vững chắc giúp họ bay cao. Tôi luôn ngóng đợi.
Sống, mà cứ bảo thủ, không biết chờ mong, hoài vọng, thì...nghèo nàn và buồn tẻ quá, phải không chị ?

TTT: Như trên, anh đã nói, trong những ngày đầy khó khăn sau năm 1975, anh cũng như bao người (văn nghệ) khác, phải bươn chải kiếm sống từng ngày, và anh muốn“về buôn bán phôi pha”. Nhưng anh đã buôn bán thật sự, từ một quán cafe' bên lề đường Bà Lê Chân, Tân Định, đến Quán đặc sản FAIFÔ PHỐ HOÀI, đã ghi đậm kỷ niệm đối với rất nhiều anh em văn nghệ trong và ngoài nước, đến nay vẫn còn những dư vang. Anh có thể kể cho nghe một vài kỷ niệm tại hai nơi đó, được không ?

HT : Nói về thời kỳ “không thể tưởng tượng” ấy, quả thật tôi bị choáng ngợp và che phủ bởi vô vàn hình ảnh, vô vàn tiếng động, tâm thái, ngồn ngộn giữa biết bao lo sợ, khiếp đảm, chen lẫn vui buồn của kiếp người, của giao tình bằng hữu,...tôi quả không biết phải nói và bắt đầu như thế nào, nhất là giai đoạn mở đầu ở đường Bà Lê Chân, Tân Định. Nơi đây đã manh nha cho những dự phóng văn học lớn lao mà nay đã hình thành và vững mạnh ở ngoại quốc (...). Các Bạn ấy hiện là những trụ cột trên văn đàn. Nhưng hiện giờ, nói nhại theo người xưa, thì “quán xưa vẫn còn đó, mà người xưa nay đâu rồi? chỉ còn nghe đâu đây tiếng thở dài về lòng bạc bẽo của nhân thế!...”. Biết nói sao cho cạn, cho vừa những tháng ngày cơ khổ quá cùng mà cũng thơ mộng tót vời bên những bạn bè cùng khổ chung quanh! Tôi luôn tri ân các bạn hữu, và nhất là hình ảnh lồng lộng của nhà phụ diễn tài năng và thường trực nhiễu sự, gây nhiều khó khăn cho bản quán: trung niên thi sỹ đười ươi Bùi Giáng!
Định phận đã dọn chỗ cho mình thành chủ các quán, thì nay nơi chốn xa xôi này vẫn phải tiếp tục với...Quán Không !

                    ...giã từ hàng quán xôn xao
                  vội đi.quên gửi câu chào cuối đông
                       Tôi giờ.tĩnh tịch quán không !

TTT: Xin cám ơn anh, và chúc anh an bình cùng những sáng tác sung mãn hơn.

TRỊNH THANH THỦY thực hiện.

No comments:

Post a Comment