Lương
Thư Trung
Đất nở
hoa. Hình Internet
Tôi
là đất. Tôi là bùn. Bạn ơi! Bạn có bao giờ nghĩ rằng tôi đã làm đuợc những gì
cho bạn không? Tôi thì dường như chưa lần nào tự hỏi mình đã hiện diện trong vũ
trụ này bao nhiêu thiên niên kỷ rồi. Thực sự điều đó khó mà đếm được, khó mà
biết chính xác được cho dù bạn là những nhà khảo cổ, những nhà địa chất học...
Có
cần không để phân loại tôi thành loại đất này, loại đất khác? Chẳng hạn đất mẹ,
đất ải, đất bãi, đất phù sa, đất bồi, đất cát, đất pha cát, đất hợp thực, đất
phân, đất phèn, đất sứ, đất lâm, đất mới khai khẩn, đất vôi, đất sét, đất sét
mỡ gà, đất thịt, đất bùn và còn nhiều tên gọi khác nữa... Tất cả những phân
tích, phân loại như vậy chỉ vì đó là
công việc của loài người. Tôi vốn dĩ rất giản dị, thấp hèn nên không bao giờ tự
tách bạch mình ra từng loại, từng loại để làm gì. Tôi nói ra điều này là vì đó
là một thực tế; chứ không phải vì tôi khiêm nhường, khách sáo hay tự hạ thấp
mình quá đỗi đâu!
Tôi
thì như bạn đã biết quá rõ rồi và người đời thường chẳng bảo rằng “xưa như trái
đất” sao? Dưới ánh sáng của mặt trời, tôi chỉ là một vật thể như muôn ngàn vật
thể. Tôi thấp nhất trong muôn triệu những gì thấp nhất. Bằng chứng là bất cứ ở
đâu, bất cứ lúc nào, tôi vẫn đang nằm dưới bàn chân của bạn, dưới gót giày của
bạn, dưới bánh xe của bạn. Tôi không bao giờ có ý ngoi lên, muốn ngoi lên hoặc
bằng mọi cách phải ngoi lên và ngoi lên để làm gì?!? Vì rằng chỗ của tôi là chỗ
thường hằng, vĩnh cửu rồi. Cho dù cỏ cây có che trên đầu tôi một chút ánh sáng
mặt trời, rồi cỏ cây cũng sẽ chết để trả lại tôi một chút ánh nắng mặt trời.
Cho dù bạn có choán chỗ của tôi mấy mươi năm trong đời bạn, sau cùng, bạn cũng
phải ra đi và trả lại tôi không khí cùng ánh nắng ban mai của buổi bình minh
tươi mát. Vì rằng, cỏ cây, con người thì hữu hạn, còn tôi dù là đất, là bùn
nhưng lại vô cùng, bất tận và vĩnh cửu...
Bản
chất của tôi vốn dĩ hiền hòa, bao dung, công bằng. Bạn có nghe người ta hay nói
“hiền như cục đất” không? Cho dù bạn có cư xử với tôi thế nào đi nữa, tôi luôn
nghĩ rằng, chẳng qua đó là cách thế ứng xử riêng của loài người dành cho một
vật thể khác trong vũ trụ. Nhưng khi bạn trở về với đất, tôi sẵn lòng dang rộng
cánh tay dành cho bạn một chỗ trú ẩn ngàn đời. Cho dù bạn là một vì vua, một vị
tướng lãnh, hay bạn là một người lính, một thường dân, đối với tôi, tất cả mọi
người đều bình đẳng như nhau.
Bạn
ơi! Bạn có bao giờ tưởng tượng rằng mọi sinh vật kể cả loài người trên vũ trụ
này họ sống được là nhờ tôi không? Chắc có lẽ nhiều người vì thấy hiện tượng
sống của muôn loài tự nhiên quá đỗi nên người ta cũng chẳng buồn nghĩ ngợi lung
tung làm gì. Chẳng hạn, ngày nào con người cũng ăn cơm, ăn gạo người ta chỉ chê
hạt cơm, hạt gạo quá khô, quá nhão mà không màng để ý người làm ra hạt gạo cơ
cực biết dường nào; không màng nhớ tới dòng đời của cây lúa ba chìm bảy nổi mới
chịu nổi phong ba; không màng chất đất ngày mỗi già cằn vì lòng tham vô bờ của
những người luôn muốn có nhiều huê lợi mà không cần tốn một giọt mồ hôi cơ cực
nào!
Tôi
đã mang đến cho muôn loài sự sống. Tôi mang đến cho vạn vật xanh tươi. Tôi mang
đến cho con người niềm hạnh phúc. Vì rằng tự trong tôi đã có sự ngọt ngào; tự
trong tôi đã có dòng sữa; tự trong tôi đã có cái mát lạnh; tự trong tôi đã có
chất liệu hạnh phúc rồi. Hay nói một cách khác, tôi đã và đang mang dến nhựa
sống cho đời bạn, cho vạn vật. Bởi vì rằng tất cả vạn vật đều đang đứng trên
đầu tôi, trên mặt tôi. Và vạn vật cũng đang cấm những chùm rễ thật sâu vào trái
tim tôi để hút nước, hút sữa, hút nhựa nuôi sống tự thân và nuôi sống nhân
loại.
Bạn
thử tưởng tượng, bạn là một vị tổng thống, một ông vua, một nhà bác học, một vị
giáo sư, một nhà tu hành, một nhà văn, một thi sĩ đoạt được nhiều giải thưởng
cao qúi cũng như hằng triệu, hằng triệu những con người bình thường trên mặt
đất này, hết thảy bạn đều có các đấng sinh thành, cưu mang bạn qua chín tháng
mười ngày rồi banh da xẻ thịt mời bạn bước ra vùng ánh sáng như một ngày hội
lớn. Các đấng sinh thành của bạn nuôi bạn bằng gì? Có lẽ ai cũng biết câu trả
lời đã có sẵn từ buổi sơ khai rồi. Tất cả những chất liệu nuôi dưỡng bạn có
phải tự trong bùn, trong đất mà có không? Có phải tất cả những khối óc thông
minh kiệt xuất, những bậc vĩ nhân được cả nhân loại kính phục đã được vun bồi
từ đất, từ bùn không? Tôi không kể công và kiêu ngạo, nhưng đây mà một sự thật.
Đất là mẹ của tất cả mọi người mẹ. Đất mang lại dòng sữa để mẹ nuôi con khôn
lớn. Đất mang lại sự sống cho cỏ, cây, hoa, trái để cỏ, cây, hoa, trái nuôi
sống con người.
Bạn
có biết, trong dòng đời, nhiều lúc tôi cũng đau xót lắm không!?! Người nông dân
hồi sơ khai, họ dùng cuốc, dùng len họ cuốc, họ đào tôi lên từng lát, từng lát.
Dần đà, họ có thêm kinh nghiệm, người nông dân dùng trâu, dùng bò cày tôi lên
từng luống, từng luống. Sau này, loài người văn minh hơn, khoa học tiến bộ hơn,
người ta lại dùng máy cày, máy xới hất tung tôi lên từng mảnh, từng mảnh. Đó là
thời thái bình. Còn thời chiến tranh thì tang thương hơn bội phần. Hằng muôn
triệu tấn bom đạn đổ lên đầu, lên mặt, cày nát thân thể tôi ra thành hầm, thành
hố rải rác khắp địa cầu. Bạn có biết máu
của tôi đã tràn ứa ra không?
Ngoài
tạo vật, cỏ cây, hoa trái, thực phẩm cần cho nhân loại, bạn có biết để nấu chín
thực phẩm, để có vật dụng chứa đựng thực phẩm, để có nhà, có kho cho loài người
trú ngụ, người ta cũng cần tới tôi không. Tôi dự phần vào hầu hết trong mọi vật
dụng. Từ cái chén, cái tô thô kệch thời bán khai cho tới cái chén kiểu thời văn
minh đời Khang Hi với hoa văn rồng phụng; từ ông táo, cà ràng đến mọi thứ nồi
niêu, lu hủ, khạp, kiệu, mái vú, mái đầm, cái ảng... nhất nhất đều lấy từ đất
mà làm ra. Rồi gạch, rồi ngói nữa. Khi nhu cầu đòi hỏi để phát triển xã hội,
loài người cũng lấy đất nắn gạch, làm ngói. Bạn thử tưởng tượng người thợ làm
gạch họ đào, họ xới, họ nhồi, họ nắn trăm muôn ngàn động tác để biến những cục
đất thành viên gạch thô, thành miếng ngói thô, thì bạn sẽ biết đất bị tùng xẻo
đến độ nào rồi?
Dòng
đời của những thứ gạch ngói thô đó cũng là dòng đời của một phần của đất, của
bùn phải trải qua những gian lao thử thách. Sau khi họ đem chúng tôi ra phơi
khô nhiều nắng đến một buổi chiều nắng ráo, họ dọn một chỗ cho chúng tôi chui
vô cái lò hình tròn có vòm cao như những ngôi cổ tháp vùng Ai Cập. Và ở đó,
chúng tôi được sắp xếp theo thứ tự từ trong ra ngoài, từ dưới lên cao theo một
thứ bậc rất ư là khe khắc. Nếu không làm vậy, chúng tôi, những viên đất khô gọi
là gạch thô đó sẽ té nhào lên nhau như một trận địa chấn không kém kinh hoàng
trong một không gian hẹp té này. Khi đâu đó nằm yên ổn rồi, hằng trăm ngàn viên
đất khô mới bắt đầu nếm mùi lửa đốt. Người ta đốt chúng tôi bằng đủ loại chất
liệu, miễn sao cho chúng tôi cháy đỏ thì thôi. Củi cây mắm có, vỏ trấu của hạt
lúa cũng có, nhiều nơi chơi sang hơn họ còn đốt chúng tôi bằng điện, bằng dầu
nhưng đa phần chúng tôi chịu trận với củi mắm và trấu nhiều nhất.
Bạn
có biết từ lúc người thợ lò châm mũi lửa đầu tiên đến khi chúng tôi chín đỏ hực
là bao lâu ngày tháng không? Cả nửa tháng trời chịu trận trong căn hầm như một
vùng hoả diệm sơn ấy chứ chẳng chơi! Lúc bấy giờ chúng tôi hết biết đau đớn nữa
rồi. Khi nóng quá người ta không còn cảm giác, không còn biết trời đất là gì!
Rồi người thợ lò mới tắt lò khi thấy đất chín rực màu đỏ. Chúng tôi phải nằm
thêm trong cái lò nóng hầm hập ấy thêm chừng nửa tháng nữa mới bắt đầu nhìn ra
bên ngoài khung cửa hẹp té với chút ánh sáng nghiêng nghiêng đi lạc giữa vùng
tâm tối. Khi nguời ta cảm thấy gạch nóng không còn đủ sức làm phỏng tay người,
lúc bấy giờ người ta mới mang chúng tôi ra sân như một lần xá tội vong nhân.
Bạn
cứ tưởng lửa thì cháy tràn và chia đều cho từng viên gạch mỏng sao? Không đâu
bạn. Ở đời cái gì mình hay tưởng thường dễ bị lầm. Đất cũng vậy. Chúng tôi ngỡ
gạch là gạch. Khi cháy là cháy chung lò. Khi chín là chín chung kiếp. Nhưng sự
thật không phải đơn giản vậy. Trong lò như vậy, chúng tôi đuợc chia làm ba thứ
hạng: gạch chưn lò, gạch lòng tàu, gạch ngọn. Gạch chưn lò là gạch chưa thực sự
chín lắm, màu tai tái, đứng hạng chót, dù gần lửa nhất. Gạch lòng tàu đỏ hực,
tốt nhất, vì được sắp xếp nằm ở giữa lò. Gạch ngọn, da láng cón, vì lửa dồn lên
cao nên nhiều khi gạch bị khét lửa vì quá lửa, nên cũng không bằng gạch lòng
tàu. Chun vô lò lửa rồi mà còn bị phân loại ra như vậy đó bạn, nghĩ đời cũng
nhiều bất trắc! Vì có phân loại là có bất công, có ganh tị, có kỳ thị, có khinh
miệt và hất hủi, bởi vì không có phân loại nào tuyệt hảo cho dù ông thợ lò là
người lão luyện tay nghề!
Thế
rồi, người ta mang chúng tôi đi chào hàng khắp mọi nơi theo thứ hạng phân loại
ấy. Người ở mọi nơi cũng nườm nượp đến lò khuân vác chúng tôi về xây những tổ
ấm cho các đôi uyên ương một trời hạnh phúc. Chỉ có chúng tôi là hiểu rõ thân
phận của mình và chúng tôi biết sức chịu đựng của mình. Có cái cơ cực nào hơn,
cái đoạn trường nào hơn, cái cay nghiệt nào hơn đời của đất, của gạch ngói
không? Thế mà chúng tôi vẫn chịu đựng từ đời này qua kiếp khác, luôn luôn nhẫn
nại, không chán nản, không mệt mỏi, không hờn giận và không thống hận...
Bạn
có thể cho rằng tôi là vật vô tri, không biết cảm nhận, không biết đau đớn,
không biết xót xa... Có thể đó là cách nghĩ của bạn. Có thể đó là... bởi vì bạn
không có lòng đấy thôi! Chứ tự thân tôi, tôi biết cái đau của tôi. Khi bạn đào,
bạn cuốc tôi lên, bạn có thấy trong từng nếp đất đã ứa ra từng giọt nước không?
Đó là nước mắt của tôi đấy! Đó là máu của tôi đấy! Vì rằng tôi cũng sống như
bạn. Nếu tôi không sống như bạn, tôi không hít thở như bạn thì làm sao tôi có
thể mang đến cho bạn, cho vạn vật những chất liệu nuôi dưỡng mầm sống trong vũ
trụ, trong cõi đời này. Hạt giống không thể nẩy mầm trong chân không. Cỏ cây
không thể sống trong lưng chừng trời. Con người không thể sống mà không có đất.
Tôi nói lên điều đó không phải là nói quá lời, vì cho tới hôm nay đây, chưa có
hành tinh nào khác ngoài trái đất đang ấp ủ mọi sinh linh trên vũ trụ này, dù
người ta vẫn đang cố đi tìm...
Nếu
tôi không sống và vô tri, thì làm sao tôi có thể mang lại cho người nông dân
những nụ cười khi cánh đồng lúa chín vàng. Nếu tôi không sống và vô tri, làm
sao tôi có thể mang đến cho người làm vườn những trái chín ngọt ngào. Nếu tôi
không sống và vô tri, làm sao tôi có thể mang đến muôn sắc, muôn hương cho hằng
vạn, hằng vạn loài hoa để ong bướm vui đùa, để con người thưởng ngoạn, để vũ
trụ tươi thắm, xinh đẹp.... Tự trong hạt gạo, tự trong trái chín, trong hoa,
trong huơng đã có sự sống, đã có tôi dự phần, đã có hồn tôi, đã có máu tôi kết
tụ lại rồi.
Sở
dĩ bạn nghĩ rằng tôi vô tri vì rằng tôi có ngôn ngữ của tôi, bạn có ngôn ngữ
của bạn. Cũng như muôn loài trong vũ trụ này đều có ngôn ngữ riêng. Loài này có
thể không hiểu loài được loài kia vì khác ngôn ngữ. Chẳng hạn chim muông làm
sao hiểu được tiếng người. Dòng sông làm sao hiểu được cái khao khát của cánh
đồng lúa khô cằn. Loài sâu bọ làm sao hiểu đuợc nỗi lo âu của người làm ruộng.
Ngay cả loài nguời với loài người nhiều lúc còn không hiểu nổi nhau, huống hồ
gì hằng tỉ, hằng tỉ sinh vật khác nhau cùng một lúc có mặt trên lưng tôi với
nhiều ham muốn. Nhưng có một điểm chung nhất, chính xác nhất là tất cả chúng ta
cùng đang sống và sẽ sống. Riêng tôi là cái nơi chúa đựng tất cả sự sống ấy, vì
thế có lẽ tôi sẽ là vật thể sống dai nhất và mang nặng trên vai mình cả một bầu
trời lúc nhúc những mảnh đời truyền kiếp. Trường hợp tôi có phải vì lẽ gì đó mà
chết đi, có lẽ tôi sẽ là vật thể chết sau cùng và chừng đó muôn loài, muôn vật
cũng chẳng còn. Dĩ nhiên không còn hiện hữu trong vũ trụ này, thật chẳng còn gì
để mà nói thêm phải không bạn?
Nhân
nhắc về cái còn và cái mất, tôi phải thành tâm nhận ra rằng chính trái đất
nhiều lúc cũng có nhiều lầm lỗi. Nhiều nơi cằn cỗi quá, làm cho dân tình đói
khổ vì không trồng tỉa đuợc. Nhiều nơi thấp quá, hằng năm lụt lội vùi dập những
cánh đồng. Nhiều nơi cả năm này qua năm khác cứ lạnh giá căm căm không làm sao
có thức ăn cho đủ những ngày mùa đông giá lạnh cơ hàn. Và còn nhiều lắm những
khuyết tật bẩm sinh cố hữu khác của mặt đất bao la này, dù đã có hằng triệu,
hằng triệu năm cải cách, canh tân. Điển hình những trận động đất với số đo địa
chấn quá cao, với những lượn sóng thần ngoài sức lượng định của loài người và
số người bị thiên tai quá ư là khốc liệt, tôi phải thành tâm nhận lỗi về phần
mình bởi những tai họa ấy. Xin loài người hãy tha thứ cho tôi và xin bạn đừng
qui trách cho bất cứng đấng thần linh nào, vì các đấng thiêng liêng thì ở trên
cao và ở một cõi khác ngoài bản thể sự vật như tôi và bạn. Mỗi sinh thể trong
vũ trụ dù ít hay nhiều có cái ưu và cái khuyết của nó. Đất cũng không ra khỏi
những vùng khuyết điểm như vậy được. Có mặt trên cõi đời hằng triệu, hằng triệu
năm mà tự trong lòng đất, chúng tôi còn nóng nảy quá đỗi! Những cơn giận vừa
chuyển mình là chúng tôi biết mình sắp thêm một lần lầm lỡ nữa rồi! Chỉ cầu
mong bạn hiểu và thông cảm cho tôi sự không hoàn chỉnh ấy mà bỏ qua và tôi hứa
sẽ bằng mọi cách bớt giận hờn muôn loài khi lòng đất sắp cựa mình, rung
chuyển...
Trong
dòng đời này, bạn ạ, có hạnh phúc, cũng có đau khổ. Có thương yêu cũng có ganh
tị. Có hoà bình rồi cũng có chiến tranh. Riêng đời tôi, sự có mặt của tôi dưới
ánh mặt trời này, tôi đã chứng kiến biết bao điều đau lòng vì một thói quen quá
quen thuộc là tranh giành đất đai lẫn nhau. Tranh giành nhỏ giữa hai người làm
ruộng liền ranh liền rấp cũng là một nỗi bất hạnh khôn lường; tranh giành giữa
các anh em trong một gia đình vì một miếng ruộng hương hoả cúng ông bà là một
bất hạnh lớn hơn trong đời sống này; huống hồ gì có những tranh chấp giữa vùng
đất này với vùng đất khác rồi gây ra họa chiến tranh. Nỗi bất hạnh của nhân
loại khi con nguời mỗi ngày mỗi đông thêm một phần vì miếng ăn ít đi, phần khác
còn vì địa giới bị thu nhỏ lại. Ông bà xưa dạy “ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu”,
nhưng thực tế ở ít thì người ta cho rằng quá chật hẹp, thiếu tiện nghi, nên con
người mới nuôi mơ ước mở mang bờ cõi rộng thoáng thêm lên cho cái quyền năng đủ
bằng cái bàn tay đầy ham muốn vói tới. Lỗi đó không phải tại tôi, mà chính ở
bạn. Ở khái niệm về quyền sở hữu của bạn. Bạn nghĩ rằng tôi là của riêng của
bạn, nên bạn cố giữ lấy. Từ đó có tranh giành. Thực tế tôi không là của riêng
ai. Tôi chỉ là đất thôi mà! Tôi mang nhựa sống đến cho muôn loài thôi mà! Tôi
dâng hiến đời tôi cho mọi người, cho mọi loài, cho cỏ cây, cho vạn vật...
Tôi
không ái mộ mấy, các bậc triết gia hay biện giải về thân phận của mỗi loài;
nhưng qua hằng triệu, hằng triệu năm tôi biết có một điều là ở đời này có rất
nhiều điều rất phi lý và bạc bẽo. Tôi không trách bạn đâu. Tôi không trách bất
cứ ai đâu. Tôi chỉ muốn tâm tình cùng bạn về một điều thật thú vị, mà dường như
mọi sinh vật trong đó có loài người, là người ta cố tình quên đi, cố phớt lờ đi
một thực thể đang ở cạnh bên mình. Đó là bùn, là đất. Tôi hỏi thật bạn, là, có
khi nào bạn sợ dính bùn không? Có bao giờ bạn chê đất tanh hôi không? Có bao
giờ bạn dám bỏ đôi vớ êm êm, bỏ đôi giày sang trọng để đi về miền quê lội xuống
những lung vũng, những cánh đồng đầy lúa vàng hay những miếng ruộng thời con
gái không? Có bao giờ bạn ngại bàn chân bạn sẽ bị nứt nẻ vì bùn, vì đất khô cằn
không?
Nếu
có một lần tấm lòng bạn e ngại tôi như vậy, đó là một thiệt thòi cho bạn. Bạn
đã vô tình để lở một dịp may giữ lấy hạnh phúc cho mình. Tôi không muốn nói với
bạn về một bài học đạo đức hay luân lý gì ở đây, vì không có ai có đủ tư cách
dạy ai trong khái niệm về vũ trụ này, mà tôi chỉ muốn tâm tình cùng bạn thôi
mà! Đất là cần yếu. Có đất, có bùn bạn mới lớn, mới khôn, mới sống, mới vui,
mới hạnh phúc. Đất thô kệch, đất tanh hôi, đất quê mùa, đất dơ bẩn; nhưng tôi
mang đến cho bạn sự sống như đời mẹ mang đến cho bạn sữa ngọt ngào, máu tươi,
yêu thương và sự sống. Mẹ bạn có là bà già nhà quê, ít học. Mẹ bạn có là một
người buôn tảo bán tần. Mẹ bạn có là gì, gì đi nữa. Mẹ là Mẹ. Mẹ là sự sống. Mẹ
yêu thương. Mẹ là tất cả. Cũng như tôi là đất. Có đất là bạn có nhiều thứ lắm
trong đời sống nhiều gian truân này.
Tôi
có chứng kiến nhiều bà mẹ quê đi bên cạnh đứa con thành danh, học cao, hiểu
rộng. Nếu bạn hỏi, làm sao mà tôi chứng kiến được chứ gì? Thì cũng dễ thôi, vì
bạn và thân mẫu bạn đang cùng đặt những bước chân lên mặt tôi đó mà và tôi nghe
thấy rõ nhịp đập từ trái tim của mẹ già và người con còn quá trẻ. Bà mẹ thì cứ
lầm lũi những bước chân mỏi mệt; còn đứa con vì có mẹ quê, nên né tránh, bước
thật xa bóng mẹ già. Tôi không thấy có một ý nghĩa nào mang cái dáng “chính
thống” trong dòng sống này, kể cả mặt đất, mặt bùn. Mọi hình tướng đều là những
pha trộn, thì những cái bên trong hình tướng đó, không thể rặt một màu “chính
thống” được.
Ngay
như trong thiên hạ, lịch sử văn học loài người cũng ít có nhà nào ba đời là kẽ
sĩ, họa hoằn lắm mới có vài ba nhà cha với con cùng nổi danh xuất sắc một thời
như Tư Mã Đàm và Tư Mã Thiên, Sái Ung và Sái Diễm bên Trung Hoa; Phan Huy Ích,
Phan Huy Chú, Phan Huy Ôn ở Việt Nam đời trước; còn thời cận đại có ba anh em
nhà họ Nguyễn Tường là Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân.
Mà ngay như trải qua bảy trăm năm ròng rã suốt đời Đường rồi đời Tống, Trung
Hoa cổ có tám văn hào lớn, gọi là bát đại gia, thì riêng dòng họ Tô(1) đã chiếm
được ba người rồi, đó là Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt. Riêng Tô Thức, tức là Tô
Đông Pha, là một bậc thi bá chói lọi trên văn đàn Trung Hoa, danh vọng cao vòi
vọi mà tính tình rất bình dân; có thời tự cày ruộng lấy, tự cất nhà lấy, và
sống một đời sống giống y một lão nhà nông. Ông không là triết gia nhưng đã
mang triết lý của cả Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo vào thi ca và cùng việc
chăn dân vào thời còn làm quan cứu độ biết bao dân tình. Ai có biết Tô Đông Pha
vào những ngày làm quan, những lúc bị đày và những ngày cày ruộng, rồi sẽ xếp
ông vào “chính thống” nào đây? Xem thế, biết thế nào mà phân biệt được lẽ
“chính thống” hay “không chính thống”được đây? Thành ra, giữa bà mẹ quê chân
lắm tay bùn và đứa con trí thức hiển đạt, ai là “chính thống”, ai “không chính
thống” đây?
Vì
thế, đất không vui khi nhận một bông hồng từ bạn, trong khi bạn không dành bông
hồng ấy cho bà mẹ quê của mình. Và tôi cũng xin thưa với bạn rằng, tôi cũng đã
chứng kiến nhiều lần, những đứa con bất hạnh không còn mẹ thường hay lẫn tránh
những người muốn gắn cho họ một bông hoa màu trắng(2). Bởi vì, chắc chắn hơn ai
hết, họ biết nỗi bất hạnh của họ được người ta làm cho nó mưng mủ trở lại gắp
ngàn lần, khi bạn ban tặng cho họ cái
màu trắng của một nụ hoa tưởng chừng dễ thương ấy!
Tôi
là bùn. Tôi là đất. Bùn là bản thể của tôi lúc tuổi chưa già và đất là hình
tướng của tôi khi bùn bị va chạm vào dòng đời của vũ trụ với những vòng quay
đến chóng mặt. Bạn ơi, dường như đất là nơi chốn để bạn bắt đầu một đời sống và
đất cũng là nơi chốn để bạn trở về sau một đời sống. Cầu chúc bạn luôn luôn có
mùi bùn bên cạnh để bạn không thấy mình xa lạ giữa chốn nhân gian!
Lương Thư Trung
07-5-2005
(1) Theo lời Tựa
trong cuốn Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê(1969)
(2) Theo tục lệ trong
Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh(1965)
Đất là nơi ta sinh....
ReplyDeleteĐỔ MỰC MÁY IN TẠI NHÀ TỪ LIÊM
Sửa máy in tại nhà Hà Nội giá rẻ
Đổ mực máy in tại nhà Hà Nội
Sửa máy tính tại nhà hà nội