elena pucillo truong
Phạm Cao Hoàng. Người luôn đội mũ. Đinh Cường vẽ
Buổi
sáng hôm ấy chúng tôi rất mệt sau một chuyến đi dài, từ Los Angeles đến
Washington.
Chúng tôi ngủ rất ít vì trên chuyến bay nội địa của American
Airline ngồi hay nằm đều không thoải mái. Ở các sân bay, từ San José đến Los
Angeles chúng tôi phải đi bộ qua nhiều chặng dài, kéo theo hành lý và lên xuống
rất nhiều cầu thang. Chỉ sau khi liên lạc được với người bạn đến đón thì chúng
tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Bầu trời màu xanh dương không một gợn mây trên đầu thủ đô
nước Mỹ chào đón chúng tôi. Không khí se lạnh khi chúng tôi bước ra ngoài bãi đậu
xe và đưa mắt kiếm tìm người bạn. Đây rồi, một dáng người dong dỏng cao đang từ
bãi xe đi tới. Chiếc mũ beret trên đầu, mắt kính trắng và trên người anh có chiếc
áo khoát màu nâu nhạt để che cái lạnh đầu thu.
Dù xung quanh không khí se lạnh nhưng trên khuôn mặt của
Phạm Cao Hoàng đang nở một nụ cười thật nồng ấm. Gặp nhau rồi, mừng quá! Thật
không thể nào vui hơn khi thấy Nguyên Minh như biến mất trong vòng tay ấm áp và
thân thương của Phạm Cao Hoàng.
Đó chắc chắn là lời chào mừng ấm áp và tuyệt vời nhất!
Bao nhiêu điều cần phải kể cho nhau nghe về những cuộc phiêu lưu mới xảy ra của
Nguyên Minh: Một nhân viên hải quan Mỹ thấy anh nhỏ con mà kéo theo chiếc va ly
khá nặng nên sinh nghi và chặn lại. Buộc anh phải mở ra và đứng nép qua một
bên.
Tôi phải vào cuộc để can thiệp, giải thích là trong đó chỉ
có sách, mà...văn hóa thì nặng lắm. Tất cả đoàn chúng tôi chỉ
mang theo một ít quần áo còn toàn bộ là những số Quán văn đem từ VN qua
tặng bạn bè vùng Washington. Giờ nhớ đến đôi mắt tròn xoe, mồm ha hốc của anh
nhân viên hải quan Mỹ, chúng tôi vẫn còn cười.
Ngồi trên xe chúng tôi liền hỏi thăm các bạn và muốn biết
khi nào thì có thể gặp nhau.
Những
người bạn đó là Nguyễn Minh Nữu vì theo chương trình thì cả đoàn sẽ tạm ngụ tại
nhà anh. Và họa sĩ Đinh Cường, người anh lớn mà chúng tôi đã từng gặp nhiều lần
qua các buổi triển lãm tranh ở Huế và Đà Lạt.
Trong những
ngày lưu lại ở Virginia, Phạm Cao Hoàng và Nguyễn Minh Nữu chính là hai thiên
thần hộ mạng của chúng tôi. Cả hai đều quan tâm đến từng chi tiết để chúng tôi
có thể thoải mái và có những ngày vui trọn vẹn, biết và hiểu nhiều về nước Mỹ.
Xe đưa chúng tôi đến nhà PCH trước và tất cả được chị Cúc
Hoa và cháu Thiên Kim chào đón bằng một nụ cười. Sáng hôm đó cả nhà đã chuẩn bị
bữa điểm tâm thật chu đáo cho những bạn từ xa đến, mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ như đang thấy trước mặt:
bánh patechaud, kem crem caramel và ly cà phê bốc khói thơm ngon mà chúng tôi
đang rất cần sau chuyến đi dài. Chiều, chuyển về nhà Nguyễn Minh Nữu, chúng tôi
còn được chị Mai vui mừng chào đón với một nồi phở ấm áp đượm tình bè bạn. Thật
không thể có một sự chào đón nào có thể chu đáo và thân tình hơn.
Hình Thiên Kim chụp tại nhà PCH
sau một chuyến bay dài. Scibilia, 21.8.2015
Căn
nhà của anh chị Nữu-Mai rất sinh động nhờ
sự hiện diện của các cháu nội ngoại, nhất là Emily, một cháu bé chỉ hai tuổi rưỡi
nhưng đầy năng lượng.Trước mắt tôi giờ này như vẫn còn đang thấy tấm lưng nhỏ
bé và hai cái mông đáng ghét của Emily đang lúc lắc đi giật lùi hay bước vội xuống
cầu thang để chạy ào tới nằm gọn trong vòng ôm của Nữu. Tai tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng mắng yêu của anh “ Emily phá quá!!”
Mỗi buối sáng chồng tôi đều mở trang blog Phạm
Cao Hoàng để đọc những bài thơ nhật ký và những ý nghĩ của họa sĩ Đinh Cường. Trong
thời gian lưu lại Virginia anh Phạm Cao Hoàng giữ một vai trò rất đặc biệt, anh
thường xuyên cập nhật về tình trạng sức khỏe của họa sĩ Đinh Cường và cũng hay
nhắc về những kỷ niệm thân thương với Đinh Cường mà anh xem như một người anh.
Điều này làm tôi rất xúc động.
Gần như để chuẩn bị tinh thần cho chúng tôi, cả anh và Nữu
đều nói là anh Đinh Cường không được khỏe lắm nên tất cả sẽ cùng đi thăm và gặp
tại nhà anh.
Buổi sáng hôm đó khi gặp lại Đinh Cường trong tôi có một điều gì khác với mọi lần, như thể có một quầng
sáng kỳ diệu và thấu cảm, như rằng anh đã hiểu vì lý do gì mà tôi đã đến đây,
hiện diện ở nơi chốn xa xôi này... để sống
những phút giây không bao giờ lập lại. Hình như anh Đinh Cường cũng đã bắt gặp
được phút giây kỳ diệu đó nên những ngày bên nhau anh đã tạo một không khí đầy
thân thương và sâu sắc giữa hai người. Mỗi ngày, anh đều viết bằng thơ những suy
nghĩ ngắn về tình anh em, ghi lại những phút giây ấm cúng bên nhau hay phác họa chân dung tôi.
PCH với sự kiên nhẫn
và bằng tất cả sự nhạy cảm của một nhà thơ-blogger, đã đảm nhiệm một vai trò
như một “phát ngôn viên” về tình cảm và tâm trạng của anh Đinh Cường trong những
ngày cuối cùng. Một sự trợ giúp quý báu cả tinh thần lẫn thể xác, thật vô cùng
xúc động khi tôi nhìn thấy anh dìu DC lúc bước lên xe hơi ngày gặp gỡ cuối cùng
trước cổng nhà anh lúc tiễn chúng tôi lên sân bay về lại VN
Chuyến qua Mỹ...nhóm Quán Văn chúng tôi đã gặp rất nhiều
bạn văn...chúng tôi đã trải qua nhiều giờ vui vẻ bên nhau. Ở tại nhà hoặc ở những
quán ăn rất đẹp và thơ mộng. Nhưng điều thú vị nhất là chúng tôi được ôm chầm lấy
nhau và mỗi ngày ai cũng đều tìm một cái cớ, bất ngờ, không dự kiến, để được ngồi
gần nhau. Dĩ nhiên nơi chốn có thể rất đẹp, nhưng chỉ có những con người mới có
thể mang lại cho nó một không khí thân tình và ấm áp.
Vì tất cả những cảm nhận ấy mà cuộc gặp gỡ PCH
ở VN lần này đối với tôi là một niềm vui lớn và trong lúc ôm chầm lấy anh, tôi nhìn anh qua làn nước
mắt vì chợt nhớ đến một người bạn chung của chúng tôi, mà với tôi là một người
anh cả, giờ không còn nữa. Tôi xin cảm ơn anh, vì nhờ có lòng quý mến và kính trọng
của anh với người họa sĩ tài hoa ấy, mà chúng tôi được biết và lưu giữ trong
tim mình những ý nghĩ và những vần thơ viết từ trái tim anh trong những ngày cuối
cùng.
ELENA
Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý “ Il tesoriere dell’affetto”
Sài Gòn tháng 9- 2016
No comments:
Post a Comment