Wednesday, June 8, 2016

VÔ THƯỜNG



nguyễn trung dũng


 Winter crows. Internet

Vừa mới rạng sáng, mùa hè, nhìn về hướng Đông, mặt trời to và tròn như một cái mâm đồng, đỏ như một quả gấc chín, từ trên đỉnh của những tàng lá của những cây cối già ngoi lên.

Nắng như tấm vải lụa mỏng xòe ra như một giải quạt, từ mầu đỏ nhạt đổi sang mầu vàng, mầu lóng lánh của kim tuyến. Vẫn nom tròn như một cái mâm đồng, cái mâm đựng đầy than đỏ lúc mới rạng đông, lửa của những cục than đó hắt lên bầu trời, từ mầu kim tuyến nhạt dần đổi sang mầu trắng bạc, đấy là lúc cả không gian bao phủ như tấm vải bạt trên thành phố với nắng của buổi mai bắt đầu rạng rỡ chói chang.

Đường phố xe cộ đã tấp nập qua lại. Cây cối ở khu công viên không xa đó đã nghe thấy tiếng hót của những con chim. Cũng vào giờ này là giờ những bà mẹ dẫn con để đưa chúng đến trường. Một ngày chính thức bắt đầu với những sinh hoạt thường nhật ở khu phố có cái tên là Empire.

Thời gian đó cũng là lúc cửa chính của khu chung cư nhà già mở, ngồi trên một cái xe lăn, người ta thấy một ông già xuất hiện. Ông tự điều khiển cái xe hướng về phía đường phố, tới một nơi mà nơi đó ông thường ngồi, thì ngừng. Ông ngừng và ngồi cũng là lúc tai ông nghe thấy tiếng còi tầu hụ. Khi đoàn tầu còn ở xa chưa đến, ở cái ngã tư đường phố, chẳng đợi ai bấm, chuông tự động reo, cũng chẳng cần ai kéo, cái cổng cản ngăn xe cộ lưu thông trên đường cũng tự hạ, thì bốn ngả đổ về cái ngã tư có thiết lộ, các xe đều ngừng lại, cái sau nối đuôi cái trước, đứng một hàng dài. Lại một lần nữa, tiếng còi hực lên, lần này dài và liên hồi, đấy là lúc cái đầu máy to và nặng lù lù xuất hiện, chạy với tốc độ trung bình, kéo theo sau là một dẫy toa tầu. Những toa đó không phải là những toa chở hành khách như thường thấy, mà những toa đó là những cá I “va-gông” chở vật liệu xây cất nặng như  đá, sỏi, ciment, sắt thép, cát và gỗ ván. Cũng còn có những bồn chứa hóa chất, bồn chứa nhiên liệu cái lớn cái nhỏ. Dái với mười mấy toa tầu chở vật liệu nặng như thế, bánh nghiến trên đường ray làm kim khí ma sát, làm mặt đất rùng rùng chấn động, phải đợi đến khi đoàn tầu qua hết dẫy phố, cái yên lặng mời được trả lại nơi khu phố ông ở.

 Vẫn trên cái xe lăn ông già ngồi, mắt ngó trời, ông nhìn những đám mây trắng phau phau như cước, sốp và nhẹ tênh như bông gòn, bay lờ lững. Bay để rồi có đám mây tan ra nhanh chóng biến mất, có đám còn lại vẫn nhẫn nại mải miết trôi theo chiều gió thổi.

Cái lúc mắt đăm chiêu nhìn những đám mây trắng bay phơ phất trên bầu trời, cũng đúng là lúc ông nghĩ đến thân phận con người như ông. Sinh ra và lớn lên, suốt một chiều dài của cuộc đợi, có lúc ông ngồi một mình suy nghĩ, cái chiều dài của quá khứ ông đã đi qua, cái vui cũng có đó nhưng ít, cái buồn thì lại quá nhiều. “Đời là bể khổ”, câu nói trong giáo lý sách nhà Phật quả là đúng. Vậy mà người ta cứ sinh con đẻ cái, rồi ném con cái vào cái bể khổ cho nó khổ thì thấy lạ kỳ. Lại trong thơ văn cũng có câu: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe. Đời có vui sao chẳng cười khì”. Nhiều lúc trong căn phòng vắng lặng, ông ngồi một mình cứ hết nghĩ cái này rồi nghĩ đến cái kia. Cái triết lý nhân sinh về cuộc đời và con người, ông thấy riết rồi nó chẳng ra làm sao cả. Đấy cũng chính là lúc ông than thân trách phận khi nghĩ về thân phận mình. Nghĩ rồi tình cảm mất thăng bằng, tinh thần không trụ vững, ông đâm ra tủi thân. Từ đó, ông sinh ra tính ít nói. Mà nói với ai. Nói với bốn bức vách và đống sách vở vô tri vô giác à. Nói với bạn bè thì bạn bè là những người vô tâm vô cảm và hời hợt. Tại sao lại phải trách tha nhân. Có đôi lúc đầu óc bình tĩnh và tỉnh táo trở lại, ông tự mắng ông là người nhiễu sự, mua việc phiền muộn cho mình.

Những lúc ngồi một mình như lúc này, nếu có tự than thân trách phận, có nói cũng chỉ nói một mình cho mình ông nghe. Ông nói cái gì. Ông nói “Sống ở tuổi về già chẳng còn gì để đáng sống nữa. Nhưng chết, muốn chết cũng không có cách nào chết được. Tự tử bằng thuốc độc ư. Thắt cổ bằng dây thừng treo trên cây đà ngang của cái trần nhà ư. Dùng dao sắc cắt mạch máu ở cổ tay mình ư. Đâm vào ngực nơi trái tim mình đang thở bằng vật sắt thép nhọn ư. Chẳng cái nào trong bốn cái đó mình đủ cam đảm dùng nó để kết liễu đời mình được. Vậy thì phải lê lết kéo cái sống lây lất theo chiều dài của nó một cách khiên cưỡng. Vậy thì …”.  Khi đã dùng đến hai chữ “vậy thì” thì cũng là lúc ông biết ông đã đứng trước và đụng mặt vào bức tường, đã nhận được cái bế tắc tận cùng của vấn đề như đi vào đường ngõ cụt không có lối ra.

Buổi sáng với cái xe lăn thay cho đôi chân, ông vẫn ngồi ở đó nơi mà ông hay ra ngồi. Một chỗ có bóng mát và sạch sẽ bên cạnh một lối đi lát gạch thẻ. Ông ngồi với thói quen tự nói một mình để một mình mình nghe và để than thân trách phận. Ở vỉa hè gần cái xe của ông, có một cây thụ già. Không có gió nhưng những cái lá trên cành bỗng đưa qua đưa lại khi nghe ông già nói thế. Và cũng là lúc tai ông già nghe cái cây nhìn và nói với ông:

 “Tôi cảm thông nỗi buồn của ông vì nỗi buồn đó cũng chính là nỗi buồn của tôi. Ông hãy nhìn tôi và ông sẽ thấy những tế bào trong thân thể tôi đang bắt đầu từ từ phân hủy. Lớp vỏ là da tôi đấy đã sần sùi ghẻ lác, đã chai cứng nứt nẻ, đã đóng vẩy sẹo là thời kỳ báo trước căn bệnh xâm nhập xâu vào cơ thể tôi, đã phá hủy từng phần trong nội tạng tôi. Rồi đến cả cành và lá trên người tôi, ông không thấy chúng đã từ từ bị hủy diệt, từ từ bị vàng úa rồi héo khô để đến thời kỳ chúng bắt đầu rơi rụng. Còn nữa, rễ dưới chân tôi là nguồn dẫn nước lên thân thể tôi nay đã sơ cứng không còn khả năng nuôi con người tôi đủ dinh dưỡng để sống còn. Tôi cũng như ông đang ở tuổi về già và đang chờ cái chết. Nếu tôi chết, họ là những con người sẽ chẳng muốn thấy tôi đứng ở đây với cái xác khô như thế để làm gì. Và rồi họ sẽ đem xe tới với dụng cụ như búa, cưa, xẻng và xe cần cẩu để xẻ thân tôi ra, cẩu gốc rễ tôi lên, cột tôi ném bỏ vào xe, và cuối cùng họ mang thân thể tôi đi.

“Nầy cây già, nếu đúng như điều ngươi vừa nói, thì ta với ngươi cùng chung một cảnh ngộ. Sống, ngươi đã làm gì để giúp ích cho đời chưa”.

“Giúp ích à. Có chứ. Tôi đã giúp cho con phố này vào mùa hoa nớ có những bông hoa đẹp, có bóng mát cho xe đậu dưới những đám lá của cành nhánh tôi mang, và ở chỗ tôi cũng là nơi những con chim bay đến đậu rồi líu lo hót. Ngần ấy thứ cũng đủ để cho tôi hãnh diện là tôi đâu phải là cái cây vô dụng. Vậy còn ông …”

“Còn ta hả. Ta ở tuổi trung niên, vào thời chiến tranh do giặc miền Bắc đem quân xâm lấn miền Nam, ta được động viên vào quân đội. Vào quân đội ngươi có biết để làm gì không. Để cầm súng ra mặt trận ngăn chặn lằn sóng của quân thù. Mục đích là để bảo vệ đất nước, để giữ gìn an ninh cho nhân dân, và để mọi người an vui với cuộc sống”.

“Vậy ông cũng như tôi đã làm hết bổn phận và trách nhiệm của mình, thì giờ đây, đứng trước cái chết gần kề, tại sao ta lại phải buồn nhỉ”.

“Ngươi nghĩ cũng đúng đấy. Phải, tại sao ta lại phải buồn. Sinh và tử là lẽ bình thường của loài người và muôn vật. Kể cả các loại thảo mộc là giống nòi của ngươi cũng không được miễn trừ. Đã là luật định của Trời Đất bất biến từ muôn ngàn năm thì luật đó đến nay vẫn chỉ là một. Vì thế, chẳng một ai có quyền năng để có thể cải đổi được”.

“Chân tôi bị què. Sọ tôi bị nứt. Đau quá. Tôi chẳng còn muốn sống nữa”.

Lời nói vừa nói đó ông nghe được, không phải là cái cây nói với ông. Mắt nhìn xuống thảm cỏ ở trước mặt, ông già thìn thấy một con sóc nhỏ.

“Lại thêm một kẻ chán đời muốn chết”.
“Vâng, thưa ông, ông đừng ngạc nhiên nghe tôi nói thế. Sống ở cõi đời này tôi thấy chẳng còn gì hứng thú để đáng sống nữa”.
“Không hứng thú thì phải tạo ra hứng thú chứ”.
“Ông chẳng nên tự dối lòng ông để nói ra những lời nói như vậy. Tôi biết rõ trong đầu ông đang nghĩ những gì rồi. Ông vừa than thở với cái cây  là ông muốn chết mà”.
“Ờ, ta nhận là ta có nói thế. Nhưng muốn là một chuyện, chết lại là một chuyện không phải dễ dàng mà thực hiện được. Này, chúng ta hãy nhìn cây hoa ở cạnh chỗ ta ngồi chúng đang từ từ vỡ cánh. Những cái cánh của những bông hồng mới nở nom đẹp đẽ biết bao. Nhìn chúng hân hoan hớn hở đủ rõ chúng rất yêu đời và rất cám ơn đấng Tạo hóa đã sinh ra chúng”.
“Ông già lầm rồi”.

Những bông hồng vừa cười vừa nhìn ông rồi nói:
Hôm nay ông ngồi đây ông thấy chúng tôi nở cánh chào đời. Nhưng vài ngày ông lại đến đây ngồi ông sẽ thấy chúng tôi đều tả tơi úa héo. Rồi có khi cả một đóa hoa, có khi từng cái cánh một, ông sẽ thấy dưới gốc cây chúng tôi là những cái xác chết nằm la liệt. Đấy là lúc chúng tôi hóa thân. Cuộc đời quá ngắn ngủi và đáng nguyền rủa có phải không ông”.
Đúng”

Chỉ một câu ngắn và cụt, ông già trả lời. Vừa lúc đó,một con sáo đen chân què nhẩy từng bước khó khăn trên bãi cỏ đến gần chỗ ông già.

“Chân mày làm sao vậy. Mày bị què hả”.
“Vâng”.
”Tại sao lại bị què”.
“Chân tôi vướng vào mảnh sắt sắc như dao. Lưỡi của nó bén đã cứa vào chân tôi làn gân chân tôi bị đứt. Què cho nên tôi phải bước đi cà nhắc. Một con sáo đi cà nhắc như tôi, tôi nghĩ nếu chết được thì chết quách còn hơn sống để làm gì”.

Ngồi, với mắt nhắm, ông ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Giấc ngủ ngắn  nhưng cũng đủ để hồn nhập vào những sư việc ông vừa mới thấy. Ông thấy mình nói chuyện với cây cổ thụ già, với con sáo đen, với con sóc và những bông hoa vừa mới vỡ cánh nở.

Mắt đã mở, ông nhận ra mặt trời lúc đó lên gần tới đỉnh đầu. Đấy là thời gian chuẩn bị bước vào buổi giữa trưa. Đấy cũng là thời gian ông phải tự điều khiển cái xe để trở về khu phòng ăn tập thể và dùng bữa ăn như thường lệ mỗi ngày. Khi đã vào trong căn phòng ẩm thực, ông ngồi ở cái bàn mọi khi ông thường ngồi. Ông đưa cái thẻ lãnh phần ăn cho một bà phục vụ thì sau ít phúc, bà ta với cái khay đựng thức ăn bưng bằng hai tay, bà để cái khay xuống bàn trước mặt ông. Bữa nay khẩu phần ăn gồm những món: BBQ Chicken, Baby Bob Choy, Carrots, Rice và Orange. Ngoài ra cũng còn một món tráng miệng là món “Icream” nữa. Vừa ăn ông vừa đưa mắt nhìn những người cùng ở chung cư với ông. Họ thuộc nhiều sắc dân như người Lào, người Phi, người Ấn Độ. Những người Lào người Phi ăn mặc không khác ông. Những người Ấn Độ đàn ông cầm để râu, đầu đội khăn cuốn tròn, đàn bà thường phủ ngoài bằng một lớp vải để che  áo và quần mặc bên trong. Rồi bữa ăn cũng xong khi người ta từ từ rời khỏi bàn và đứng dậy rời khỏi phòng ẩm thực. Lại vẫn thói quen như thường bữa, ông tự điều khiển cái xe lăn để ra ngoài hành lang, từ hành lang dẫn đến nơi có cầu thang máy, ông trở về phòng mình ở lầu 3.  Một thân một mình, một căn “studio” với một phòng khách rộng rãi, phòng ngủ là một khoảng trống không có ngăn vách nhưng đủ kê một cái giường, ngày qua ngày, ông cho thế là đủ. Rồi một lúc  nào đó, và lúc đó chắc cũng không xa đây, mọi cái ông sẽ buông. Ông buông hay nó buông ông cũng vậy. Đi. Một chuyến đi rất xa và không biết rõ nơi đó là nơi nào. Nhưng đi, chuyến đi đó sẽ đưa ông về đâu đó, một nơi mà trong một giấc mơ về đêm, ông ngủ và ông thấy mình như một con diều bay bập bềnh trong gió, một cái thuyền giấy trong thơ của ông Tagor thả trôi lặc lờ trên dòng nước khi đêm tối, tôi úp mặt vào cánh tay, và mơ thấy thuyền của tôi, đang trôi trôi mãi, dưới những vầng sao khuya

Cuộc đời của ông bây giờ nó cũng vô nghĩa như một cỗ xe thổ mộ bánh đã xút. Cỗ xe vô dụng bị người chủ bỏ rơi đằng sau khu vườn cây um tùm cỏ dại. Ông thường mang ý nghĩ như thế không biết nó có đúng không. Với người khác sẽ cho là không đúng. Nhưng, với ông, mỗi khi nghĩ về ông, ông cho là đúng vì bây giờ, ông chỉ là một kẻ vô dụng, một kẻ sống thừa thãi và vô tích sự còn hiện hữu ở thế gian này.

Với cái xe lăn thay cho đôi chân ông để ông di chuyển mỗi khi ra ngoài đường, với cái gậy chống khi đã trở lại căn phòng ông dùng chống thân thì với cái phòng khách không quá lớn, ông có thể dùng cây gậy thay cho cái xe lăn mỗi khi đi lại.
Bây giờ, nhiều lúc ngồi thẫn thờ nghĩ về thân phận mình, ông tự ví mình như một con dế đá gẫy cẳng, một con chim có cánh nhưng cánh cụt, đi lại khó, bay không được.

Theo thói quen, buổi trưa, ông nằm ở cái ghế  “sofa” kê ở phòng khách, rồi ngủ lúc nào không hay. Thức, lúc mở mắt nhìn ánh nắng chiếu trên bức tường trong căn phòng, chẳng cần ngó tới cái đồng hồ treo trên vách, ông cũng biết giờ này  đã xế chiều. Trở dậy, ông ra ngồi ở cái ghế kê sát gần cửa sổ. Qua kính cửa sổ, mắt ông có thể ngó ra bên ngoài. Ông nhìn thấy gì. Ông nhìn thấy mấy người công nhân đang làm việc. Ông nghe thấy âm thanh của cái máy cưa và nghe thấy tiếng xèn xẹt của lưỡi cưa chạm vào những tầu lá cọ. Mấy người Mễ với xe và dụng cụ mang theo đang làm nhiệm vụ cắt tỉa cành lá của những cây cối trồng trên vỉa hè đường. Và với một cái thùng vừa đủ cho một người đứng được một cái cần trục đưa lên cao, điều khiển bởi người ngồi trong cái thùng đó để chỉnh độ cao độ thấp, đưa qua bên trái, đảo sang bên phải, mỗi khi muốn cưa hay cắt những tầu lá cọ. Những tầu lá cọ bị lưỡi của cái cưa chạm tới, ông nghe thấy âm thanh phát ra từ cái cưa, tiếng kêu thất thanh đau đớn của những tầu lá bị cắt rớt xuống, và mắt ông cũng còn nhìn thấy những cái cây đứng gần đó, đám lá trên ngọn của chúng ngả qua ngả lại bởi gió hay bởi chúng đang ở trong tình trạng hãi sợ. Ông không biết cái nào là đúng, nhưng cảm giác giúp ông thấy được điều mà ông nghĩ, nó là như vậy. Vẫn đứng trong một cái thùng sắt, vẫn điều khiển cái máy cho cái thùng đưa qua đưa lại, lên cao hay xuống thấp, người đàn ông gốc Mễ cầm cái cưa máy khi thì đến cái cành này, khi thì qua cái cành khác, với âm thanh của cái máy kêu, hết cành này rớt xuống đến cành kia lao theo, rơi  trên vỉa hè đường.

Mắt thì lơ đãng nhìn, đầu thì nghĩ vẩn nghĩ vơ đến khối chuyện. Ông đang nghĩ gì. Nghĩ về ông bạn già của ông đã chết không lâu nay. Ở cái nhà quàn mang những hình ảnh ảm đạm và không khí lạnh lẽo đó, ở bên trong cỗ quan tài nắ[ mở có xác ông bạn già nằm đó, lần ông đến viếng và đứng lặng lẽ trước xác bạn với lời khấn nguyện cho bạn ông ra đi được về cõi an lạc. Dù biết bạn ông nay đã rời cõi thế, đứng với tay khoanh trưóc ngực, ông vẫn muốn nghĩ về những ngày đưa tiễn bạn ông ra xe đò, trước khi bạn bắt tay bước lên xe, lời mà miệng ông thường quen nói là bốn chữ “thượng lộ bình an”. Bây giờ, thay vì  “thượng lộ bình an” , câu mà ông phải dùng đến là “sớm siêu thoát về miền cực lạc.

Nhìn lên vách bức tường, nhìn đến những giá gỗ có chân đứng, ở đó, kìa là những vòng hoa cái lớn cái nhỏ. Những vòng hoa đó mang những tấm băng xanh với những chữ: “Thành Kính Phân Ưu”, “Cầu Chúc Sớm Tiêu Diêu Về Miền Cực Lạc”, “Thành Kính Phân Ưu” để biểu lộ lòng chia buồn với tang gia quyến thuộc. “Cầu Chúc Sớm Tiêu Diêu Miền Cực Lạc” là để cho người quá vãng sớm siêu thoát được về cõi nước Phật. ”Thành Kính Phân Ưu” theo ông còn được. “Tiêu Diêu Về Miền Cực Lạc” thì ông cho đó là quá mơ hồ và không cụ thể để có thể lý giải một cách dễ dàng như người ta tưởng. Vậy thì chỉ có niềm tin mới thật sự hiểu cái cõi “Cực Lạc” đó nó có thực ở một nơi mà người ta không thể nhìn bằng mắt để thấy được. Cũng nhiều lúc ông ngồi nghĩ ngợi rồi tự đặt ra câu hòi có tính cách siêu hình là người ta có linh hồn không. Theo ông, câu trả lời là có. Dựa vào đâu mà ông trả lời là có. Dựa vào lần ông bị té rồi ngất xỉu. Cú ngất xỉu lần đó không bình thường mà trái lại nó rất trầm trọng. Đấy là bởi ông thấy hồn ông xuất khỏi xác. Hồn bay vòng vòng trên cái xác nằm bất động của ông rồi chừng không lâu sau, như một người vừa ra khỏi cửa rồi lại quay về nhà, hồn ông như một con chuồn chuồn ngô lại bay về ngọn cây sậy đậu. Cây sậy hay cái xác của ông lúc bấy giờ. Người ta không thể nhìn hay sờ thấy hồn của mình cũng như mắt người ta không thể nhìn lên bầu trời để thấy một cái máy bay đang bay trên những đám mây. Nếu lúc đó có ai hỏi một người khác anh có thấy cái máy bay đang bay trên bầu trời không thì người đó sẽ trả lời không thấy cái máy bay đang đó không. Không thấy bởi vì cái máy bay bay  trên mây thì thấy thì chỉ thấy mây mà thôi. Điều lý giải của ông xem ra không có chân đứng để trụ. Nhưng những lúc ngồi tư lự một mình trong căn phòng vắng vẻ, đầu óc ông vẫn cứ vẽ vời ra những điều suy tư như thế để rồi ông giống như một miếng mảnh sành ném lướt trên mặt ao, miếng mảnh sành nhẩy nhẩy trên nước rồi cuối cùng cũng chìm xuống đáy hồ.

Khi đã tự tin về điều ông cho là có linh hồn, ông yên tâm về điều đó và kết luận rằng, một mai ông chết đi, linh hồn ông sẽ về nơi ông đã ở để …. Không có câu trả lời vì chính ông, ông cũng không biết phải trả lời câu trả lời đó như thế nào nữa.

Khi đã chẳng còn gì để phải nghĩ ngợi, thì, mắt ông lại tiếp tục nhìn xuống phía dưới của con đường. Những cái xe và người cắt tỉa cây xanh của thành phố đã không còn ở nơi mà trước đây họ đã làm. Cũng chẳng còn nghe thấy tiếng của cái cưa máy và tiếng động cơ phát ra từ cái xe vận tải làm ồn khu phố nơi ông đang ở.

Và lúc đó là lúc nắng của buổi chiều đã bắt đầu tàn tạ. Nhìn về hướng Tây, mặt trời đang từ từ lặn và thoi thóp như một quả bóng đang xì hơi. Trong lúc ông già ngồi nhìn mặt trời thì mặt trời cũng đang nhìn ông. Bỗng ông thấy tim trong ngực mình đập bất bình thường rồi tiếp đó là cơn đau quặn. Ông đang bị chứng máu nhồi.. Mặt trời đang hấp hối. Còn ông già, hồn như miếng mảnh sành được thia lia trên mặt nước, rồi sau đó, miếng mảnh sành chìm sâu xuống đáy lòng hồ.

NGUYỄN TRUNG DŨNG   

No comments:

Post a Comment