bài của Trần Hữu Dũng
Hư Ngôn. Thi phẩm Nguyễn Phan
Thịnh
Hư Ngôn. Phụ bản Rừng
Nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh với kẻ này vốn là chỗ bè
bạn thân tình. Chúng tôi gặp nhau tại trường Vocatech của Nghiêm Phú Phát khoảng
giữa thập niên 1980 sau khi tôi đi tù cải tạo về lang thang dạy học kiếm miếng
ăn. Kể từ gặp gỡ cùng gắn bó thơ rượu với nhau, thỉnh thoảng có Rừng tham dự,
cho tới ngày tôi bỏ nước ra đi. Dịp ấy, Nguyễn Phan Thịnh tới nhà tôi ở Thanh
Đa uống cùng nhau ly tống biệt, đọc thơ cho tôi và bạn bè nghe, ngoài ra còn
tặng tôi một bức tranh của Rừng. Những năm ở Mỹ thỉnh thoảng tôi có liên lạc
với Thịnh qua bạn bè và nhân đọc bài Tuyết Xưa của Thịnh tôi có viết một bài
tạp bút đăng trên Phố Văn ngày nào để nhớ Thịnh, mở đầu như sau: “Đâu rồi những
áng tuyết xưa… Tuyết Xưa là một bài thơ
đặc sắc của Nguyễn Phan Thịnh.
Ôi, bạn giờ này đang ở đâu? Sáng nay, 12 tháng 11.
2010, bưng ly trà nóng, nhìn tuyết phủ trắng thành phố Amarillo ở bắc Texas,
lại nhớ Tuyết Xưa và nhớ tới bạn…Nhớ một lần, khi gợi lại những kỷ niệm với
Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn đã viết cho bạn: “Bạn Thịnh, nếu tình cờ đọc được
hoặc nghe ai nói tới bài viết này thì xin hãy ngừng công việc trong giây lát,
rót đầy ly rượu rồi uống một nửa còn một nửa tưới lên những ngọn cỏ quê nhà để
gọi là tưởng nhớ tới nhau và những ngày tháng cũ.” Hỡi ôi, nay bạn Thịnh không
còn nữa, lấy ai rót rượu tưới lên cỏ đây? Bạn ra đi đã ngoài ba năm. Ba năm
trôi qua, bài thơ Tuyết Xưa vẫn còn trong trí nhớ của Nguyễn…”
Tưởng niệm Nguyễn Phan Thịnh, hôm nay xin giới
thiệu đến độc giả bài viết chân tình của nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện ở trong
nước.
NXT
Trong giới văn nghệ thành phố, nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh và
họa sĩ Rừng có mối giao tình gắn bó keo sơn từ thuở tuổi trẻ dong ruổi cho đến
khi vào Sài Gòn lập nghiệp vẫn không rời. Truyện ngắn Mùa xuân vĩnh cửu của Kinh Dương Vương (bút hiệu của họa sĩ
Rừng) đăng ở tạp chí Văn năm 1971, ghi lại những kỷ niệm đẹp của họ : “Buổi
sáng cuối thu ở cao nguyên trời lành lạnh…Người bạn vừa từ mặt trận biên giới
Miên Việt về phép, ghé lại ở chơi mấy hôm nay. Chúng tôi dậy sớm, cảnh vật hãy
còn chìm trong màn sương mù trắng đục…Những cánh nước phù du. Và đó thật là một
hình ảnh thơ đẹp. Tôi âu yếm nhìn bạn đang mơ màng. Anh nhìn qua bên kia bờ
sông, khe khẽ ngâm, mắt dịu vợi dõi theo một hình bóng nào : Dakbla nước ngược chia dòng / Lòng em biết mấy ngả hòng anh theo…
(Thơ Nguyễn Phan Thịnh). Đó là tâm sự của anh, theo lời anh kể.”
Nhà thơ Nguyễn
Phan Thịnh, sinh năm 1943, tại Hà Nam, có những ngày tháng phiêu bạt, gian nan
trong thời chiến tranh và cuộc sống ẩn nhẩn của nhà giáo Anh văn lúc đất nước
thống nhất. Năm 26 tuổi nhà thơ cho trình làng tập thơ Hư ngôn, in typo ở Huế năm 1969, lần lượt ra mắt Mơ một sớm mai hồng, in ronéo ở Phan Rang
tháng 1/1975, Tình ca mưa (NXB Thanh Niên)
năm 2002. Ngoài công việc dạy Anh Văn ở Đại học Mở, các Trung tâm Sinh ngữ ở
Thành phố để kiếm sống, anh còn miệt mài dịch thơ, truyện, tiểu luận … đăng các
báo, tạp chí như Thế Giới Mới, Kiến thức Ngày nay, Tri Thức, Văn Nghệ Tp. HCM…
Khi viết báo anh thường dùng các bút hiệu khác là Thăng Trầm, Nguyễn Phan, Sơn
Ca, Quyên Quyên.
Anh viết sớm
nhưng đăng rải rác trên các báo, thất lạc lung tung, nhớ năm 2001, anh được
thân hữu động viên ra mắt tác phẩm mới, bèn tìm đến tôi nhờ đưa đến NXB Thanh
Niên xin giấy phép tập Tình ca mưa.
Dáng cao gầy gò khắc khổ, ăn nói nhỏ nhẹ mực thước, anh chậm rãi bảo : “Mỗi bạn
góp một ít tiền đưa cho, nay phải cố tập hợp lại in một tập, Dũng cố gắng giúp
mình…”. Thật ra là bạn vong niên văn nghệ, anh lớn hơn tôi hẳn một con giáp,
nên tôi chỉ loáng thoáng biết qua cuộc
sống gia đình, những ngày anh lang bạt, hẩm hiu khốn khó của anh ở miền Trung
trong năm tháng chiến tranh. Nhiều lần có dịp gặp nhau trong buổi tiệc, góc
quán cà phê vắng bàn chuyện văn chương, anh lặng lẽ ngồi nghe, uống chậm từng
ngụm rượu, có cái cười vô ưu đến nao lòng. Gánh vác một gia đình có đến
“ngũ long công chúa”, anh miệt mài dạy
học, cày cả ngày lẫn đêm để mong tạo dựng một mái ấm đàng hoàng cho các con.
Đến lúc cuộc sống tạm ổn, mấy đứa con lớn lập gia đình ra riêng, có công việc
đàng hoàng, anh Nguyễn Phan Thịnh hớn hở báo tin vui, bảo rằng năm tới xin nghỉ
dạy dồn sức vào việc viết lách, dịch thuật, hưởng chút nhàn nhã cuộc đời, hương
vị văn chương! Nào ngờ giai đoạn này anh lại vướng vào bệnh ung thư gan, loét
bao tử nặng nằm bẹp dí ở bệnh viện Trưng Vương nửa tháng rồi chuyển sang bệnh
viện Chợ Rẩy. Thời gian nầy tôi thường nhờ anh dịch thơ truyện, thơ của Dana,
R. Frost…đăng báo Văn Nghệ Tp. HCM nên liên lạc trao đổi thường xuyên, cách 5
ngày trước khi anh mất, anh nhắn tin qua điện thoại : “Đau quá, nó hành suốt ngày. Xin lỗi không
gửi tiếp bài cho bạn được”. Vội vã tôi nhắn lại : “Cố gắng sống, yêu đời đi.
Còn nhiều việc phải làm lắm…”. Không ngờ sáng chủ nhật ngày 27.05 anh Ngô
Nguyên Nghiễm gọi điện thoại báo tin: “Anh Nguyễn Phan Thịnh mất lúc 7 giờ 15’
ngày 27/05/2007. Lễ động quan an táng tại Bình Hưng Hòa lúc 7giờ 30’ ngày
30/05/2007, Dũng nhớ báo tin cho các anh chị em khác đến viếng, chia buồn cùng
gia đình”.
Lận đận kiếm
sống, chăm lo gia đình, anh Nguyễn Phan Thịnh không bao giờ nguôi ngoai trăn
trở với văn chương. Hết sức ủng hộ họa sĩ Rừng “tái xuất giang hồ” sau bao năm
cầm cọ với triển lãm “Bình Minh Mới”, gây tiếng vang khá tốt trong giới mỹ
thuật Tp., lo kiếm phụ bản tranh cho tập thơ Tổ Ấm của Ngô Nguyên Nghiễm…Các
buổi tiệc thân hữu khi có các anh Lâm Chương, Phạm Nhã Dự ở Mỹ về thăm quê nhà,
anh luôn có mặt vui vẻ đọc thơ, bàn luận sôi nổi, làm một chiếc cầu nối tình
nghĩa giữa các thế hệ làm văn nghệ.
Lúc đến thắp
nhang viếng anh lần cuối, chị Thịnh có đưa cho tôi xem bài thơ Tuyết Xưa, do
một thân hữu lục đăng lại trên tờ Phố Văn, bảo rằng trước đây anh từng đi tu
nghiệp ở Oklahoma, có làm bài thơ tình này:
Xưa lắm rồi, bên cầu gỗ ở Indian Park
Chúng ta
rình xem đàn vịt trời
Bỡ ngỡ
quang quác dưới mưa tuyết
Và trên
lưng ngựa cười lãnh lót không thôi
…
Quê tôi
nắng gắt và quê em tuyết rơi
Nhưng đã
có lần em hát với tôi, xưa lắm rồi
(Tuyết Xưa)
Bây giờ nhà thơ
Nguyễn Phan Thịnh đi xa, độc hành lặng lẽ, bỏ cả xứ sở nắng ấm chứa chan miền
Nam, lẫn những cánh rừng phong lá đỏ xa xôi với những kỷ niệm tình yêu trong
sáng, bao nhiêu dự tính dở dang trong đời. Đâu đó câu thơ anh nhắc nhớ : “Em
mong sinh con ra đời / Như bài thơ anh ao ước viết xong /Sau những ngày đêm
chúng mình cưu mang trăn trở / Có ngọn đèn của Prô-mê-tê soi cho chúng ta sống
làm người” (Ngọn lửa Prô-mê-tê, 1982).
Anh Nguyễn Phan
Thịnh ở cõi vĩnh hằng nào khác, chắc hẳn anh vẫn làm thơ ? Tôi vẫn tin như thế!
TRẦN HỮU DŨNG
No comments:
Post a Comment