Sunday, June 19, 2016

ĐI THĂM NHÀ THƠ PHẠM NGỌC LƯ


Nguyễn Quang Chơn

  Phạm Ngọc Lư & Nguyễn Quang Chơn

Chân dung Phạm Ngọc Lư. N.Quang Chơn vẽ
khi thăm bạn ở bệnh viện Đà Nẵng

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư sinh 1946 tại Huế, tốt nghiệp ban Hán văn, đại học văn khoa Huế, dạy học tại Tuy Hoà. Ông làm thơ hay và nổi tiếng từ trước 1975. Bài thơ nhiều người biết nhất là "Hành Biên Cương" ông viết năm 1972, đăng đầu tiên trên Văn. Giọng thơ hào sảng, bi hùng, gần gần với Tây tiến của Quang Dũng nên rất được nhiều bạn đọc, thanh niên, lính tráng ưa thích... Sau 1975, anh về ngụ cư Đà nẵng. Anh vẫn làm nhiều bài thơ rất hay về thân phận, bè bạn, quê hương như "Đề thơ trước mộ Thanh Xuân", "Quá giang tự vịnh", "Ngập ngừng trông núi"...

Sau tết Bính thân 2016, anh phát hiện mình đau nhức trong xương và có một khối u nơi cổ. Khi mổ khối u và sinh thiết. Bệnh viện phát hiện anh bị cancer phổi. Vậy là anh phải vào bệnh viện ung bướu ĐN chữa trị, rồi hoá trị....

Tôi yêu quí thơ anh mà chưa gặp anh, và cũng không ngờ rằng anh đang sống ở ĐN. Gần đây nhận email Trần Thị Nguyệt Mai, nói anh PNL bệnh nặng, đang điều trị ĐN, báo để anh đến thăm. Lúc đó mình đang bận việc nơi xa...

Hôm nay chủ nhật. Đà Nẵng trời còn nắng dữ, trốn mình trong phòng vẽ. Chợt nghĩ, không biết lát sẽ tìm thăm PNL từ đâu?!!!... Đang quệt những vệt màu thì nghe phone. "Sư thầy" Đỗ Hồng Ngọc gọi từ SG.

"Alo. Anh Ngọc khoẻ không? Khoẻ. Đang làm gì đó? Dạ vẽ. Dữ hỉ. Kỳ này hứng chi mà chuyển sang tĩnh vật, vẽ nhiều hoa vậy? Dạ, em không có hoa thật nên vẽ hoa tưởng. Anh lúc nào cũng nhiều hoa bên mình nên đâu cần vẽ. Hì hì, mình đang có chuyện muốn nói với Chơn. Phải chuyện anh PNL bị bệnh không? Ủa. Sao tài vậy, đang định báo Chơn đến thăm xem bệnh tình ra sao. Nghe nặng, mình lo? Dạ, em cũng đang định chiều nay đi thăm mà không biết ở bệnh viện Đa khoa hay bệnh viện Ung bướu? Mình có số nhà và số phone đây...."

Đúng là thần giao cách cảm. Đang muốn tìm đường thì có người chỉ đường ngay!

Reng, reng.... "Alo, xin lỗi phải người nhà anh PNL?" Một giọng Huế nhẹ nhàng dễ thương. "Dạ không. Anh nhầm số rồi ạ". Thật đúng như ĐH Ngọc nói, tên Phạm Hà Giao của số phone này là con anh Lư nhưng trai hay gái mình không biết đó nghe. Cái tên PHG ni nghe cũng rất "femal" giống Đỗ Hồng Ngọc lắm!..

Kiểm tra lại thì ra mình bấm nhầm 0935... thành 0930...,và rồi thì cũng gặp Giao, con trai anh, và biết số phòng, rồi đến thăm anh...

Anh Lư vẫn tinh anh lắm mặc dù đã hai lần trải qua hoá trị. Tóc vẫn còn nhiều. Đôi mắt vẫn nhìn sâu vào hồn người. Vóc dáng vẫn sư phạm... Chị Quí, vợ anh vui mừng đón khách. Bệnh viện còn mới, sạch sẽ. Anh chuyện trò hóm hỉnh, thần sắc tươi vui...

Trên đầu giường có hai cuốn Thư Quán Bản Thảo số 70, phát hành tháng 6, 2016. Anh bảo, mấy anh chị bên Mỹ sợ mình đi sớm nên in gấp để mình còn đọc, được đọc trước khi đi cũng vui lắm Chơn! Cái tình văn nghệ anh em xưa thật là đáng quí. Nay từng người lần lượt ra đi. Biết là luật tử sinh sao vẫn bùi ngùi!...

Thấy anh vui, mình mời anh xuống canteen ngồi. Anh uống sữa, mình một lon bia. Ngoài sân, những nhóm thanh niên thiện nguyện làm văn nghệ hát hò cho bệnh nhân vui..., anh lấy bút ký lên TQBT tặng mình, tay hơi run nhưng nét chữ còn đẹp lắm!

Mình bảo, anh tặng Chơn sách thì Chơn tặng lại anh dessin nhé. Rồi thì lấy bút của anh và lật trang bìa cuối ký hoạ nhanh. Anh PNL hiện ra vẫn lắng sâu, bi tráng của một "Biên Cương Hành"...

Mấy người bệnh ngồi xem trầm trồ khen giống. Rồi một anh xin một chân dung. Mình ừ nhưng không có giấy. Anh chạy vào caisser xin được một tờ giấy kẻ ô học trò. Thôi kệ. Mình vẽ, rồi thấy anh cầm bức hoạ rơm rớm nước mắt cảm ơn, nói, sẽ bảo con đóng khung, sau này treo trên bàn thờ làm kỷ niệm! Mình thấy lòng vui mà không khỏi bâng khuâng xao xuyến bồi hồi!...

Chia tay anh Phạm Ngọc Lư. Bốn giờ rồi mà chiều vẫn chưa tắt nắng. Gió phía biển thổi vào mát lạnh. Chụp cùng anh một bức kỷ niệm. Nói với anh. Buồn và vui. Ôi cuộc đời. Buồn và vui bất chợt. Nói với chị Quí, em sẽ còn lên thăm, sẽ còn chơi với anh! Nhiều lần, lâu nữa!...

Nguyễn Quang Chơn
Đà nẵng, ngày của cha 19.6.16

No comments:

Post a Comment