Wednesday, December 9, 2015

TỔN THẤT CỦA THƯỜNG DÂN TRONG CHIẾN TRANH VIET NAM QUA THƠ TRẦN HOÀI THƯ



tản mạn Nguyễn Âu Hồng

Bài hai: Đêm Tiếp Cứu Chợ Huyện


Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định - Ảnh Wikimapia
( Doanh trại đơn vị Thám kích của Trần Quí Sách nằm phía sau tháp chính)


Tháp Bánh Ít. Tranh minh họa Đinh Cường


Trong một bài tự thuật kể lại những ngày cầm súng ngủ bờ ngủ bụi ở tỉnh Bình Định, nhà văn Trần Hoài Thư có nêu tên các thi sĩ gốc tỉnh này, nhưng không thấy nói đến hai câu thơ gọi đò nổi tiếng của Quách Tấn  và hai câu thơ về người chị gánh thóc  dọc bờ sông của Hàn Mặc Tử:

Nửa đời khói mây chìm bóng mộng
Gọi đò một tiếng lạnh hư không

Hai câu thơ mà âm vang còn vọng mãi trong thi ca Việt Nam này của thi sĩ Quách Tấn, trong  cảnh chiến tranh ác liệt, đã trở thành huyễn mộng, khi mà:

Lửa cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị ra sông, ơi ới đoạn trường

Gần gũi chăng là hai câu thơ về người chị gánh thóc của Hàn Mặc Tử:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang.

Cho dẫu Trần Hoài Thư không đề cập thì hai câu thơ về người chị “ơi ới đoạn trường” ở bến đò Trường Lưu sông Lại Giang vẫn được xem như là câu trả lời. Trả lời cho cả Quách Tấn lẫn Hàn Mặc Tử.
Nhưng, điều đáng nói ở đây là: người chị nạn nhân chiến cuộc của thi sĩ Trần Hoài Thư và người chị gánh thóc trong thời bình của thi sĩ Hàn Mặc Tử đều là một người phụ nữ Bình Định. Phải chăng đây là cuộc hội ngộ kỳ diệu của định mệnh?

Mà cần gì phải viện đến Quách Tấn, Hàn Mặc Tử. Sao không dẫn chính thơ Trần Hoài Thư. Tiếng kêu đoạn trường của người chị ở bến đò Trường Lưu làm nhớ đến người chị trong “Khi Chị Về” để rồi hai hình ảnh đối lập làm ta đau nhói tâm can:

…Chị có về trăng mười sáu trăng lên
Một giọt sương cũng lạnh mình lóng lánh
Hay giọt lệ của một thời con gái
Hay giọt vui của tuổi chớm hoa xuân
Mười sáu trăng tròn hồn chị bâng khuâng
Đêm ra tắm ngoài bến sông im vắng
Chiếc gáo dừa múc trăng. Trăng động
Dòng suối trăng lai láng cả bình nguyên
Ai khỏa thân lồ lộ cả trăm miền
Chị có thẹn khi trăng nhìn trên lá
Khi chị về gió len bờ khe hạ
Mơn man từng nụ thắm. Mơn man
Khi chị về em quá ngẩn ngơ
Cho em gửi theo vầng trăng kỷ niệm.

Chao ơi, những câu thơ vừa lung linh diễm tuyệt vừa gợi cảm đến mê hồn. Dù là “khỏa thân lồ lộ cả trăm miền” mà vẫn trinh bạch, tinh khiết không chút bợn xác thịt. ( Mượn nhóm từ Bửu Ý - Đỗ Long Vân tặng cho tranh lõa thể của Đinh Cường.)
Đã có thi sĩ nào viết về “bờ khe hạ”, viết về  “nụ thắm” của con gái tuổi chớm xuân mà hồn nhiên, trong sáng và vô vị lợi như Trần Hoài Thư chưa?

Khi chị về gió len bờ khe hạ
Mơn man từng nụ thắm. Mơn man.

Sao gọi là vô vị lợi? Thi sĩ nhà ta cận thị nặng, từ bờ nhìn ra chỉ thấy bao la trăng động, lóng lánh trăng xao, có thấy gì cho rõ đâu? Vô vị lợi vì chỉ là tưởng tượng, không mang tội nhìn trộm con gái tắm truồng! Tưởng tượng thôi đã đủ ngẩn ngơ:

Khi chị về em quá ngẩn ngơ
Cho em gởi theo vầng trăng kỷ niệm.

Rõ ràng chỉ là trăng gió mông lung, đến kỷ niệm cũng mơ hồ.
Mà nào chỉ riêng một mình thi sĩ ngẩn ngơ. Đã nói “trăng nhìn trên lá” thì cây cỏ cũng ngẩn ngơ. Biết đâu chừng chim đêm cũng ngừng bay, cá sông ngừng lội, chim te te im tiếng, bìm bịp ngưng kêu dù con nước đương ròng, vì tất cả đều ngẩn ngơ. Hãy cứ ngẩn ngơ mà bồi đắp niềm đam mê cho thêm phong phú tâm hồn.
Tiện đây lan man một chút. Không biết Trần Hoài Thư và Lưu Nguyễn có quen nhau không, nhưng thấy hai thi sĩ có những mối rung cảm gần như trùng hợp: 

Muốn là gió len qua từng sợi tóc
Nhè nhẹ mơn man phiến má hồng
(Lưu Nguyễn - Bài Thơ Cho Em)

Khi chị về gió len bờ khe hạ
Mơn man từng nụ thắm. Mơn man.
(Trần Hoài Thư - Khi Chị Về)

Biết đâu chẳng có mối quan hệ nào mà chỉ là sự gặp gỡ của hai tâm hồn mẫn cảm  để cùng cống hiến cho thi ca Việt Nam những câu thơ trữ tình ướt át và mê đắm.
Nhưng, đau thương xiết bao khi những nhan sắc mà các thi sĩ ngưỡng mộ đã hoặc đang đứng trước nguy cơ bị chiến tranh và bạo lực bức hại. Không riêng gì người chị “gánh thóc” của Hàn Mặc Tử, người chị tắm sông trong đêm trăng huyễn hoặc của Trần Hoài Thư hay người em với “phiến má hồng” của Lưu Nguyễn mà biết bao người phụ nữ xinh đẹp nhưng yếu đuối đều rất dễ bị đẩy vào cảnh ngộ thương tâm của người chị trong “Cây Đa Bên Cầu”:

Lửa cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị ra sông, ơi ới đoạn trường

Phải gấp lên. Phải dóng lên tiếng nói cảnh báo bằng những dòng thơ vừa mượt mà nhan sắc phụ nữ vừa thấm đẫm tình người, những dòng thơ tuy không phải là lá chắn che chở trực tiếp những người chị, người em yếu đuối, nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, nhưng là một trong những cách thế phòng vệ từ xa, là tiếng chuông đánh động lương tâm nhân loại.
Phải gấp lên, đừng để thảm cảnh ở Chợ Huyện xảy ra lần thứ hai:

Ta đã về nhìn bầy chim nhỏ cút côi
Chúng ủ rũ, như lòng ta ủ rũ
Lũ bé quỳ bên xác người cô trẻ
Đặt chùm hoa, mếu máo gọi cô về
Cô không về, cô bỏ dạy, cô đi
Cô bỏ chúng con cô về xứ khác
Ta cắn bầm môi, em ơi, ta khóc
Em không về em cũng bỏ thanh xuân
Em bé quê ơi, cho ta nhành bông
Một nhành bông quỳ vàng như màu áo
Ta đặt lên em. Trống trường ảo não
Như những hồi mặc niệm em tôi
Ta đã về, và đã trễ, em ơi…
(Đêm tiếp cứu chợ Huyện - Ô CỬA, Thi tuyển toàn tập - Thư Ấn Quán tái bản 2011)

Chưa từng có bài thơ nào mà khi đọc tim tôi nhói đau, lòng tôi quặn thắt như bài thơ đẫm nước mắt này của Trần Hoài Thư. Khi biết cô giáo trẻ chết thảm ấy là một nữ giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn về huyện Tuy Phước - Bình Định thực tập, ngủ nhờ trong khuôn viên quận đường và bị bức hại, tôi cũng “cắn bầm môi” và tôi nhận được thông điệp toát ra từ nội dung bài thơ. Thông điệp khá rành mạch: đừng để bị trễ. Đừng chậm trễ! Hãy cứu lấy những cô gái, cô giáo trinh trắng, những em bé và những thường dân không có khả năng tự vệ. Đừng để bị chậm trễ!
Làm sao để không phải thốt lên tiếng kêu tuyệt vọng: “Ta đã về, và đã trễ, em ơi!”.
May 2013 - Feb 2015
Nguyễn Âu Hồng

No comments:

Post a Comment