Lưu
Na
Sài Gòn
Noel trước 1975. Nguồn:Internet
Tân
thương mến
Nhận
lá thư nhỏ của mày tao vui lắm. Chỉ mấy
hàng chữ, nhưng nó gợi tao nhớ thuở mình mới vào đời, vào đại học với
nhau. Bạn bè gần trong gang tấc mà có những
lúc phải viết thư cho nhau bởi lẽ gia đình mỗi đứa ở mỗi nơi, phần nhiều xa Sài
gòn, những khi gặp nhau nơi giảng đường không mấy so với những lúc vắng nhau thấy
rất dài, và cũng chỉ qua hàng chữ mới nói được với nhau những điều mà khi gặp mặt
dường chẳng thể phân bày. Những năm đó
thèm viết cho nhau và thèm đọc ké thư của nhau, đứa viết như trút bớt được những
cảm xúc bồng bột ứa đầy trong tâm khảm, đứa đọc tưởng như mở được một cánh cửa
bí mật, thấy được một con người sau một con người… Những đứa trẻ học làm người lớn không biết trong cái buồn bã rất nghiêm trang của mình
chứa biết bao là ấu trĩ dại khờ.
Thư
mày còn gợi tao nhớ xa hơn, về một mùa Giáng sinh của tuổi mười lăm. Cái tuổi bồn chồn háo hức, thèm điên cuồng một
cái gì đó rất mơ hồ không thể gọi tên.
Năm đó, trong cái rộn ràng của ngày lễ Nô-en, tao rủ chị Chi ngồi sau xe
để tao chở ra phố. Đi đâu, mình đâu có
quen ai biết ai, có mục gì có hẹn hò gì đâu.
Chỉ là không thể ngồi yên bởi gió bởi hơi lạnh bởi người người rộn ràng
nhắc ngày lễ trọng. Và Sài gòn, ôi Sài
gòn lễ hội ngựa xe như nước áo quần như
nêm, mày có tưởng được không những con phố chính xe nghẹt lối đi phải nhích
từng chút một. Sài gòn 1974 chỉ chừng ba
triệu, có bao người mừng lễ Giáng Sinh mà đến nỗi vậy… Mà, tao vẫn hớn hở lao vào dòng xe cộ tắc nghẽn,
để được thấy mình hòa với đám đông!!! Buồn
cười, có vụng về ngây dại của tuổi trẻ nào mà chẳng buồn cười, chính tao cũng
thấy mình lố bịch trong cái bồn chồn ray rứt của tuổi mười lăm mà không thể
ghìm được cái ước muốn vô hình như mỗi lúc mỗi trương phình.
Tao
kềm tay lái xe honda cho chặt vì các xe khác, mọi xe chung quanh ai cũng lấn
cũng lách để tiến lên. Chị Chi ngồi im
sau xe _ chị nghĩ gì, cảm gì, không thể biết, nhưng tao cho rằng chính chị cũng
nôn nao cũng bồi hồi một cách lặng thầm, và chị vui lòng để tao kéo theo vì chính
chị không dám làm một điều gì đó cho mình.
Tao
lái vòng theo ngả qua Vương Cung Thánh Đường, ước sao mình có đạo để được đi lễ
nữa đêm, để được giống một ai đó, chung lòng với một ai đó. Tao thèm được mời dự một pạc ty, dù biết mình
quê mùa làm gì có áo quần để ăn diện, cũng không biết nhảy nhót hay xã giao bặt
thiệp gì mà mong kết bạn “chịu chơi.” Chịu
chơi, ha, cái tiếng nghe nửa như đay nghiến nửa như thán phục, chả có chuẩn mực
gì để định, cũng phải tùy theo hoàn cảnh mà mang nghĩa khen tặng hay chê bôi,
nhưng tuổi mười lăm có cần biết chi những điều đó phải không. Sài gòn rực sáng, Sài gòn tấp nập, mà sao thấy
trong cái tấp nập chen lấn lấp lóa đèn giăng ấy một nỗi êm đềm, tao lái theo
dòng xe chả định hướng, chỉ thầm thỏa lòng vì dù nghèo nàn lẻ loi vẫn có thể
vui ké bằng cách ngắm phố phường.
“Ngày mai lại về Kontum, thăm mẹ già và để hưởng
không khí Noel phố núi, lặng lẽ và bình yên, chứ ở Sài gòn chán chết được. Sắp
Giáng sinh rồi mà chẳng thấy chút hơi lạnh nào cả, người người cứ tất bật, hối
hả kiếm tiền, nhìn chóng mặt,” tao đọc hàng chữ mà lòng thấy bồi hồi, bởi
tao nhớ ra đó là Giáng sinh cuối cùng của Sài gòn, mùa lễ êm đềm cuối cùng của
tuổi thơ, và mọi thứ đã xóa nhòa sau đó.
Sống
ở Mỹ, mười năm đầu rất vất vả vì cái lạnh.
Người Á châu sinh trưởng trong cái nóng, bước vào trời sương và gió rét
của đất này thấy xương cốt mình như đóng băng, cơ thể mình như co quắp quằn quại
không lúc nào đứng thẳng được. Và những
Giáng sinh xa nhà, phải nói là vĩnh biệt, thì nỗi đau đớn trong tâm khảm trở
thành gánh nặng khôn kham. Quê nhà và tuổi
mười lăm, biệt mù tăm. Nhắm mắt mà đã mấy
mươi năm sống ở đất này, giờ đâm lạ với cả khí hậu nóng ẩm của quê nhà, và những
dày dạn của cuộc đời cũng không cho mình nhớ nữa những gì đã một lần chạm vào
đáy lòng trong trắng. Bất chợt nghe mày
nhắc hơi lạnh đêm đông mà lòng cảm kích, bởi chỉ trong tịch mịch an tĩnh mà người
ta hòa được cái ấm lạnh của cuộc đời với cái ấm lạnh của đất trời. Thiếu một làn sương một hơi giá rét là thiếu
đi một mùa lễ Đông, tựa như ngày Xuân không cánh mai vàng không còn là Tết, cái
tinh tế này chắc những người sinh trưởng ở phố
núi cao phố núi đầy sương mới cảm được, người phố thị chen chúc như tao đã
phải qua mấy mươi năm qua mấy chặng đường tới gần cuối đời mới cảm ra, và phải
đến khi mày buông lời mới thấy lòng thầm muốn tạ ơn trời đã ban cho sự sống. Giáng sinh, cảm ơn một hơi lạnh, một đêm
trong, một tình bạn êm đềm sâu lắng. Nếu
có một điều ước thì tao ước có lần được về miền phố núi cùng mày đón lễ Nô-en
trong tịch lặng.
Merry
Christmas,
Lưu Na
12212015
No comments:
Post a Comment