Saturday, December 5, 2015

NGOÀI SÁU MƯƠI, ĐỌC THƠ NGƯỜI CÙNG TUỔI



Lương Thư Trung


Nhà thơ Luân Hoán

Chân dung thơ Luân Hoán

           Không biết từ lúc nào, dòng sống một đời người thường hạn định ở tuổi trăm năm. Nguyễn Du thời “trăm năm trong cõi người ta”; Nguyễn Công Trứ lại có “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”; và người đời lại chỉ chúc đôi trẻ “trăm năm hạnh phúc”, sao không chúc nhiều trăm năm...? Cho chí đến thời cận đại, nhà nghệ sĩ lại sáng tác nhạc phẩm “sáu mươi năm cuộc đời”(1), làm cho cái thời gian được sống lại bị ngắn mất bốn mươi năm!
Nhưng đặc biệt, khi bàn về tuổi sáu mươi, Khổng Tử viết: “lục thập nhi nhĩ thuận” qua kinh nghiệm chính đời mình, trong lời bậc thánh hiền đã để lại mà ai ai cũng đều biết: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ.”(2)

           “Lục thập nhi nhĩ thuận” là tuổi sáu mươi đã biết tuân theo mệnh trời. Đó là nói với người biết nhận ra dòng đời có giới hạn. Cái vô cùng không ở bền với cái hữu hạn của kiếp người. Người ta rồi ra, đa phần ai cũng phải một lần bước qua cái tuổi “lục thập”, nếu biết mình còn sức sống dài hơi. Nhưng những ngày tháng sáu mươi năm hơn đo,ù là những ngày cơ thể con người đã biết đau theo cái nóng hầm của cơn nắng lạ, đã biết mỏi nhừ xương khi trái gió trở trời, đã biết rêm mình khi mưa dậy nước dâng và biết chắc tháng ngày vui không còn mấy hiệp...Ở tuổi ngoài sáu mươi là cái lúc nhánh cành cây đã cằn theo ngày tháng tuổi, không thêm hoa và cũng chẳng vui mọc thêm chồi. Hoặc là đã thành cội cây già hay mục ruỗng tự bấy lâu. Ngày tháng ấy nếu lỗi lầm là đánh mất! Mệnh trời đất sẵn dành, biết theo trời là sướng nhất. Hợp thiên nhiên mà lại hợp vận tuần hoàn.
 Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến thi sĩ Luân Hoán, một tên tuổi tài hoa được các giới văn học biết đến như một thi sĩ đã góp mặt với văn thơ có hơn bốn mươi năm , kể từ những ngày đầu thập niên 1960 tới nay(3), đã nghĩ gì khi tuổi trời bước qua những ngày đáo tuế, hầu tìm ra ở người nghệ sĩ về một nhân sinh quan đặc thù cùng cái lẽ biến thiên của trời đất đối với một đời thơ.

Với một thiên phú trời cho, với một tâm hồn đầy trữ tình và lãng mạn, thế nhưng vừa mấp mé ở bìa tuổi sáu mươi, tức vào năm 59 tuổi, thi sĩ Luân Hoán đã mẫn cảm nhận ra mình mỗi ngày qua thay vì cọng thêm một ngày tuổi, trái lại thi sĩ của chúng ta lại man mác nghĩ là dòng đời bị “trừ thêm một ngày”:
  “tảng sáng nghe chim hót
  xế trưa nhìn mây bay
  sẩm chiều gác chân đợi
  trừ đời thêm một ngày.”
                       (59, tôi) (4)
Và dường như thi nhân cũng nghe được cái tuổi sáu mươi dù chưa bò qua, nhưng cũng nhận ra cái lẽ thuận mệnh trời như Khổng Tử đã để lại qua chính kinh nghiệm sống của thánh hiền, mà rồi Luân Hoán coi cuộc sống này không rẻ rề cũng không mắc đắng, không thiếu cũng không đủ, đôi lúc là một “đời thừa”:
        “không nặng như đá tảng
         chẳng nhẹ như lông hồng
         thỉnh thoảng nghe gió lọt
         qua lòng chút bềnh bồng

        có lẽ vào buổi sáng
        không chừng vào buổi trưa
        biết đâu vào chạng vạng
        kết thúc đời dư thừa.”
                        (59, tôi)

Chính vì cái “dư thừa” là cái không cần thiết lắm, nên chi nó cứ là một sự đeo đẳng dằng dai , dây dưa như một món nợ đời vô hạn định. Nhiều lúc nó có nghĩa, và nhiều lúc nó trở nên vô nghĩa lạ kỳ. Nhưng khi miên man nhận cái “già cỗi” nó bám theo mình, Luân Hoán tiếc cho đời còn nhiều người mình chưa kịp yêu, còn nhiều ý thơ chưa kịp viết nên vần, và tự hỏi tại sao ta lại sắp dời cư đến một miền đất khác? ; và rồi mai đây, biết có còn sinh sinh diệt diệt nữa không ?:

“những người, chưa kịp yêu
những thơ, chưa kịp viết
còn quá nhiều trong ta
sao mon men cáo biệt ?

“lòng người thơm núi sông
đất trời thơm da thịt
cõi cư ngụ sắp dời
có còn được sinh diệt.”
                        (xin)

Kể ra, người nghệ sĩ cũng không cầu dòng đời kết thúc quá sớm, nhưng thời gian trôi sao ai có thể vặn ngược lại kim đồng hồ. Nhưng cho dù thế nào chăng nữa, cả một đời đam mê với thơ, Luân Hoán chỉ xin có một điều nhỏ nhoi mà sao thiết tha biết dường nào, nếu phải mai kia mốt nọ thuận mệnh trời  dành cho mình :
          “sống, chết cũng vui thôi
          miễn sao đừng quằn quại
          xin cho khi hấp hối
          làm được vài câu thơ.”
                                (xin)

Dường như, lúc nào và có dịp để giãi bày chút lòng riêng của mình, tức khắc cái ý tưởng đời mình không cần cho đời này là cái ý tưởng làm cho thi sĩ an nhiên nhất, bởi lẽ nhận ra cái ý tưởng ấy, ngầm hiểu một điều là cái tôi của một người chỉ là cái thừa của một phần xã hội, và cuộc sống chỉ là một cuộc rong chơi, không hơn không kém :

            “người đời
            sống để chơi
            không phải chơi để sống?
            riêng tôi thì ngược lại
            cứ (rong) chơi cầm hơi.”
                             (căn bản)

        Mấy câu thơ trên như một khẳng định về nhân sinh quan của mình, Luân Hoán, khi bước vào tuổi sáu mươi, lại cứ theo cái con đường mình mà “rong chơi cầm hơi” để tìm lại chính mình:

           “tìm đến bạn là tìm về mình, có lẽ
           nửa đêm thừa-ngủ, thức vẫn là tôi.”
                                        (nửa đêm)

Mừng tuổi sáu mươi, tức là mừng mạng trời đã ban cho mình tuổi thọ, bởi lẽ theo tập tục Việt Nam, đến tuổi sáu mươi trở lên mới được gọi là thọ. Luân Hoán biết cái thọ là biết chuyện trăm năm, nhưng thi nhân như vờ chẳng biết Tết về mà hóa ra trong lòng vẫn có chút gì gờn gợn tựa hồ cái tuổi trời mỗi ngày thêm mòn mỏi, cằn khô:

            “hôm nay, Tết lại đến nhà
            giả lơ mà vẫn nghe già mấy phân
            câu thơ khai bút nhắc thầm:
            xa thêm chút nữa sân trần gian chơi...”
                                (bút khai xuân tình)

Ở vào những lúc đáng lo, và cần sợ thì trái lại thi nhân có thể dặm vào câu thơ chút dí dỏm, chút hóm hỉnh hoặc chút trào lộng chính mình như tảng lờ cho nỗi lòng sớm dịu lại mà xem chừng cũng có cái gì tê tái lắm. Người nghệ sĩ có cái hơn người là vậy:

“em mê thơ, chẳng tò mò ?
 hay là em chỉ giả đò vậy thôi ?”
                        (hỏi thật)

Nhưng cái tự trào ấy không che nổi cái châu thân mềm đang chờ giờ giao thừa pháo nổ ngoài trời đất hay chính trong từng thớ thịt da mình. Và tất cả đã được chuẩn bị cho tuổi trời ở lúc sáu mươi, không phải lo lắng gì, cứ “bồng bềnh bay” về bất cứ chốn nào theo thiên mệnh đã định:

        “tay dìu nét chữ lâng lâng
         pháo giao thừa khắp châu thân nổ dồn
         trầm hương dự trữ trong lòng
         sáu mươi năm sổ cánh bồng bềnh bay.”
                                (cùng xuân làm... thơ)

        Mùa xuân đến, rồi xuân lại qua, sáu mươi mùa xuân rồi cũng không ai làm mới hơn cái vận hành của đất trời có mùa, có tiết vậy. Nhưng khi mùa hè sang, người nghệ sĩ bỗng thấy đời mình bừng khai giữa cái nắng ấm một đời vui lo lẫn lộn:
      

         “thế là hoa lẫn vào hoa
          và tôi trẻ lẫn tôi già vươn vai..(...)

         “mùa hè nhỏ nhẹ bước thầm
           có cho tôi kịp giáp vòng chiêm bao?”
                                (hạ thi)

        Luân Hoán không đi ra ngoài cái vòng nhớ cố hương như bao nhà nghệ sĩ khác; nhưng có lẽ cái làm cho người nghệ sĩ đa cảm như ông không sao quên được cái mảnh đất Quảng Ngãi ngày xưa, nơi mà mãi hoài ông sẽ nhớ cho đến ngày thôi hết nhớ. Đó chính là cái nơi ông đã để lại một đoạn chân lìa. Nhưng cái tài của tác giả là đã làm cho người thưởng ngoạn thơ ông bắt gặp chút gì là lạ mà cảm động biết dường nào! Đó là khi nằm mơ thấy mình về lại Quảng Ngãi, Trà Bồng, Thạch Bích, đoạn chân ngày xưa ấy đã đi tìm thăm người lính cũ thay vì người lính cũ nhớ phần thịt xương mình nơi cố thổ :

         “tôi gặp tôi qua núi rừng
          Trà Bồng, Thạch Bích cõng trên lưng
          đêm qua tôi mới về Quảng Ngãi
          một đoạn chân lìa xưa đến thăm...”
          (về lại những địa danh nằm lòng)

        Cùng với muôn loài trong trời đất, dường như cái thiên mệnh cũng có linh hồn, nên cứ bám riết vào tâm tư nhà nghệ sĩ như một cuộc sát hạch trong trường văn trận bút, hầu xem ra cho rõ cái thiên tài. Chính vì thế mà Luân Hoán không rời nghĩ về cái mệnh trời ấy. Nói quanh co, lòng vòng năm ba bài thơ tương tư đầy tình tự một đời nghệ sĩ, thi nhân lại không quên nhắc lại chút gì cái kiếp này, và cái kiếp sau nó sẽ bàn giao như thế nào trên chính thân xác đời mình:

          “bắt đầu đã mấy năm nay
          tôi rình tôi thoát kiếp này ra sao.”
                                (một sớm mai)

Cái độc đáo nhất ở trong hai câu thơ trên mà người đọc chúng tôi mê nhất là nhóm chữ “tôi rình tôi”, vừa trào lộng, vừa vui vui, mà có chút cay cay trong lòng khi nghĩ về một lần đổi dời, hoá kiếp.

        Những ngày tháng đánh dấu sáu mươi năm cuộc đời của thi sĩ, chính là một lần bệnh nặng khó quên. Cách nào đó, đã làm chùng lại bước “rong chơi” cho dù chỉ để “cầm hơi” cho qua ngày:

          “thơ đã tắt rồi ? thơ đã chết ?
          máu chừng chảy vội để lạc thơ
          ta nghe đâu đó trong da thịt
          khởi kết vòng hoa, dựng nấm mồ.”
                   (viết trong đầu tại hôpital général de motréal ngày giáp tết Nhâm Ngọ)

        Với bạn tình chung giữa cảnh đời nhiều rủi ít may ấy, bao nhiêu trang chữ đầy, mấy ngàn vần thơ ươm mộng đẹp, lúc bấy giờ đã hoá ra những gì vô ích nhất. Nó chẳng giúp được gì cho chính thi nhân và cũng chẳng ban phát được chút gì cho bạn tình chung đang “thất thần lo lắng”:

        “nhìn em đứng thất thần trong lo lắng
         xốn như gai ai chích khắp thân mình
         không dám nghĩ ngày mai em ở lại
         nuốt hương, trầm lặng lẽ giữa tràng kinh.”
        (viết trong đầu....ngày giáp tết Nhâm Ngọ)

Nhà thi sĩ một đời lãng đãng như mơ ấy cũng chính là chàng trai giàu cảm lụy mà rất chung tình. Luân Hoán, ông đã làm cho tôi cảm động đến xót xa. Ngoài sáu mươi tuổi, chúng tôi có những nỗi lòng không khác gì thi sĩ, nhưng vì mình bất tài, không nói lên được chút gì về cái thiên mệnh đã choàng vai mình từ bấy lâu nay. Nay sực nhớ khi may mắn vờn vờn qua những vần thơ của bậc tài hoa mà lòng chợt dưng bàng hoàng với chính mình. Thì ra, nghệ sĩ với người đời thường khác nhau là vậy. Nó có niềm riêng mà rất chung, có nét đặc thù riêng mà rất gần gũi, cận kề tưởng quá quen nhau. Cảm thơ là dễ cảm nhất nếu ở cùng lớp tuổi, cùng cái mệnh trời dành. Nhận ra cái hay là nhận được cái mà mình chỉ nghĩ nhưng nhà thi sĩ diễn ra được những gì nó nằm tận trong lòng, trong tim, trong máu thịt mình mà mình thì đành chịu chết, không nói được chút gì.

Dù các nhà kinh điển, chỉ cho người đọc có quyền đọc sách để giải trí, mà không cho người đọc cái quyền được xác định thế nào là một tác phẩm văn học, mặc dù sau đó, có người còn rộng lượng ban cho việc đọc sách là “cụ thể hoá một tác phẩm, là biến một văn bản thành một tác phẩm, cuối cùng, là làm cho một tác phẩm thành một tác phẩm văn học.”(5). Nhưng ở đây chúng tôi không muốn bàn qua vấn đề này, mà là người đọc, chúng tôi không thể không nói với người nghệ sĩ, là nhờ các vần thơ mang tính văn học và nhân sinh quan của Luân Hoán, mà chúng tôi thấy cái bóng hoàng hôn của tuổi trời ngoài sáu mươi này dường như vui hơn nhiều, và rồi “chợt ao ước nếu được là thi sĩ...” như nhà thơ có một lần ao ước:

“chợt ao ước nếu được là thi sĩ
 tôi trải thơ lót gót bạn về thăm.”
(Xem ảnh)

Boston, ngày 01-03-2004

Hai Trầu - Lương Thư Trung
(trích từ  cuốn“Người Đọc & Người Viết”)

Chú thích:

1/ Nhạc sĩ Y-Vân
2/Theo Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê, do nhà Văn Nghệ (hoa Kỳ) xuất bản, năm  1994, dịch: Khổng Tử nói:”Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học(đạo); ba mươi tuổi biết tự lập(tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm); bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa (tức có đức trí, nên hiểu được ba đức nhân, nghĩa, lễ); năm mươi tuổi biết được mệnh trời (biết được việc nào sức người làm được, việc nào không làm được); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời ( chữ nhĩ ở đây không có nghĩa là tai, mà có nghĩa là “dĩ”= đã); bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.(Không phải suy nghĩ, gắng sức mà hành động tự nhiên hợp đạo lý).
(Nhĩ thuận, hầu hết các sách đều giảng là: tai thuận, tức nghe ai nói thì hiểu được ngay người đó nghĩ gì; muốn nói gì, có ý gì.) (Ghi thêm của nhà văn Nguyễn Hiến Lê).
         3/ Theo bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, phần Thơ, mục Luân Hoán, trang 2906, nhà Văn Nghệ xuất bản (Hoa Kỳ), 1999.
       4/ Tất cả các thơ dẫn trong bài viết này đều trích trong thi tập “Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ” của Luân Hoán, do Thơ xuất bản, (Hoa Kỳ), năm 2002, kỷ niệm năm tác giả tròn 60 tuổi.
       5/ Trích trong bài viết: “Người đọc, vinh quang và trách niệm” của Nguyễn Hưng Quốc, trên tạp chí Văn Học (Hoa Kỳ), số 165&166, tháng 1&2 năm 2000, xuân Canh Thìn, trang 68 .


No comments:

Post a Comment