Nguyễn
Thị Ngọc Lan
Đóa hướng dương. Nguồn: Internet
Tên
tôi là Hướng Dương, có phải thế không.
Chắc là vậy, vì nghe cô chủ nhỏ gọi tôi như thế.
Tôi
cũng vừa biết tên mình đây thôi. Vừa biết tên mình, là cũng vừa lúc, biết yêu.
Từ
lâu, cứ thắc mắc, tại sao chung quanh, ai cũng có tên, mà tôi lại không có. Nói
đúng ra, không ai nhắc đến, làm sao tôi biết đươc tên mình.
Trong
khu vườn này, mọi thứ, mọi loài, đều có tên.
Tôi biết được, là nhờ lũ trẻ, lão làm vườn, và cô chủ nhỏ, thường nhắc
nhở, và gọi tên chúng.
Sáng
nào cũng vậy. Từ tinh mơ, đã nghe tiếng dép lẹp kẹp, và tiếng ho khàn khàn của
ông lão làm vườn, rồi thì lão xuất hiện. Đốt điếu thuốc, tách cà phê, đi lui đi
tới, dòm ngó khắp cả khu vườn, sờ sờ cây này, đá đá cây kia, cằn nhằn bầy chó
giởn nhau, làm gãy mất cây Mai lão vừa trồng, hay lại lên tiếng mắng đám gà, vì
phá phách, vừa vun gốc, chúng lại bươi ra. Chắc lão cũng biết, la mắng chúng,
cũng như không, nhưng không có ai để nói với, lão mắng yêu, trò chuyện với đám
gà, đám chó suốt ngày.
Rồi
lũ bồ câu, lũ chim, cũng vừa thức dậy. Chúng lao xao nói chuyện, cãi cọ, ran cả
một góc vườn. Nhưng lũ côn trùng thì đã
bắt đầu đi ngủ. Đêm qua, chúng đi kiếm ăn, réo gọi nhau om sòm, cũng có đứa buồn, khóc tỉ tê suốt đêm. Thế mà
trời vừa sáng, chúng im re. Không hiểu
chúng buồn ngủ, rồi đi ngủ, hay đi trốn lũ gà, lũ chim, vì nghe chúng kể lễ với nhau, lũ gà, lũ chim,
là kẻ thù của chúng, trốn sâu dưới đám lá mục, mà bầy gà cũng tìm ra được, mỗ một
cái, thế là xong một đời.
Lũ
sâu thì ngây thơ dại dột hơn, cứ nhởn nhơ bò lượn, không biết trốn tránh nanh
vuốt cuộc đời, hồn nhiên sống. A, cuộc đời, như lũ sâu mà lại hay, không lo lắng,
không sợ sệt, không toan tính, một ngày, thần chết chỉ cho lũ chim chỗ chúng ở,
thế là hồn nhiên qua đời, như đã hồn nhiên sống.
Tôi
cũng thường thắc mắc, lũ tôm, đầu toàn phân, chắc là ngu lắm. Nhưng lũ chim, đầu
nhỏ như ngón chân, óc bé bằng móng tay, sao lại có đủ thông minh đan cho con,
cái tổ đẹp thế kia, ấm áp thế kia. Cái tổ đẹp đến lũ con nít bắt thèm, đến lão
làm vườn tài giỏi, hay cô chủ thông minh, cũng chịu, không làm nỗi.
Nghe
đồn, Thượng Đế không hiện diện cụ thể, nên đã tạo ra mẹ, cho loài người và thú
mà thôi, tôi không có phần.
Buổi
sáng hôm nay, cũng như những buổi sáng đẹp trời khác. Lão làm vườn tươi vui hẳn
ra, nhìn mặt ông rạng rỡ, khi ông nâng niu, chăm bón, tỉa từng đứa lá vô trật tự,
thì biết. Vì lũ hoa bắt đầu nở, có đứa
đã nở toe toét, có đứa còn e ấp, không hiểu tụi nó còn tấm bé, hay chờ anh mặt
trời.
Nghe
tụi nó thì thầm, tâm sự, rằng tụi nó yêu anh mặt trời lắm. Chỉ trừ vài đứa, như
con Dạ Lý Hương, con Quỳnh Hoa, con
Thiên Lý… là tuyên bố, chỉ yêu sự tối tăm. Mặt trời thì đừng hòng thưởng thức
nó.
Nhưng
tôi thì khác, yêu anh mặt trời say đắm. Thực ra, từ trước đến nay, tôi chưa biết
thế nào là yêu. Là thế đó, hướng về anh, về anh… đắm đuối nhìn nhau, tôi và anh mặt trời. Nhìn
nhau, ấm áp lòng ,ngay từ phút đầu, khi vừa hé nở nụ tình, và cũng là ngày mà
tôi biết được tên mình.
Vì
cô chủ nhỏ, vừa cúi xuống nhìn tôi, ôi hồi hộp biết mấy, đã có loài người nhìn
đến, nhưng lại lo sợ, không biết cô chủ nhỏ có hạ lệnh chặt bỏ không, vì tôi chỉ
là một loài cây hoang trong bờ bụi thôi mà,
nhưng cô chủ nhỏ reo lên “Hướng Dương, Hướng Dương, ông à, lâu nay con tưởng cây hoang”.
A,
tên tôi là Hướng Dương.
Rồi
nắng lên cao, nghe như có một sức đẩy nhiệm mầu từ trong thân, dâng lên trên những
nụ hoa, vươn mình một cái, và nụ hoa, là tôi, hé nở. Anh phủ kín hồn tôi, anh
huy hoàng quá, anh sáng láng quá, anh đã làm thức dậy những mầm sống đã ngủ yên
từ lâu, trong tôi.
Khi
nụ tình chưa đủ nhân tố để nở hoa, tôi không nhìn thấy anh, để hướng về, tưởng
là đã yêu sương, và gió, vì luôn kề cận nhau.
Thì
thế, lũ hoa kiểng, Dạ Hương, Thiên Lý, Quỳnh Hoa… được ông chủ cho uống nước mỗi
ngày, nhưng lũ hoa dại, và tôi, thì đành chờ sương xuống, hưởng chút lộc, sống
cầm chừng, chờ mưa. Vì tụi hoa dại, đâu có ai trồng, và tôi thì chỉ tình cờ mọc
lên, bên bụi tre. Không phải cho cô chủ bỏ tiền ra mua về, và cũng không phải
do ông lão ươm hột (con người ta, đo, đong, đếm, bằng tiền, chỉ thế, nên tôi trở
thành vô vị, với nhiều hạng người, nhưng không sao. Có một anh họa sĩ yêu tôi
biết mấy, tên anh là Vangod)
Tôi
chỉ là một hạt giống lạc loài, do anh gió cuốn lên từ bụi đất, bay mãi, bãy
mãi, cũng mệt, và rơi xuống trong khu vườn này, nằm ngủ mãi, một ngày gặp mưa,
tôi nẩy mầm, và sống lai rai lẽ loi một mình bên bụi tre, không ai hay biết.
Cô độc, kẻ lạc quan thì buồn ít, kẻ bi quan,
thì chìm đắm trong u uất. Tôi là kẻ thứ ba, không cần sở hữu, lũ chim là của
ai, không hiểu, nhưng cứ thản nhiên đánh bạn, chúng líu lo hát, tôi mơ màng thưởng
thức. Đám bầu bí, là của ông lão, trồng để ăn, nhưng chúng khoe sắc, trước khi
tàn lụi, tôi mê mẫn ngắm. Căn nhà của cô chủ, bốn đời người trải qua ở đó, những con người, sinh ra, lớn lên từng ngày,
hỉ, nộ, ái, ố. Ba trăm năm, mấy trăm linh hồn, mấy trăm kiếp người, cư ngụ ở
đó. Đó là tôi nghe kể. Có kẻ được yêu,
có người đau khổ, có người hiền, kẻ ác. Nhưng đã trôi đi, trôi đi… không còn ai
nhắc đến, chỉ còn lại, thời khắc hiện tại, là một khu vườn diễm ảo, có nét cổ
kính, âm u, bí ẩn… tôi cũng cư ngụ ở đây, nên cầm bằng như, đây là nhà của tôi.
Và trái núi hùng vĩ kia, cũng là của tôi, vì tôi đã mãi mê ngắm nó, chính tôi,
chứ không ai khác, vì họ bận mua bán đổi chác, bận khoe tài, khoe sắc, (ờ, có một
anh phi công, Saint Exupéry, hình như có bay qua vòm trời này, trăm năm trước,
và có một trái núi nào đó, cũng là của anh, phải chi máy bay anh đừng rơi bên
anh hoàng tử nhỏ, mà rơi bên cạnh tôi, tôi sẽ tình nguyện yêu anh say đắm, phải
chi, trái núi của anh, mọc bên cạnh, trái núi của tôi, tôi sẽ sang trò chuyện
cùng anh mỗi ngày.
Có kẻ, bỏ mất một cuộc đời, quên hưởng thụ, những
thứ tuyệt vời chung quanh, mà cứ cúi đầu,
vắt hết tâm tư đi tìm danh và lợi, những đồng tiền chất đống, rồi chết, tiếc.
Anh
cổ thụ kia, chắc anh biết nhiều, về kiếp nhân sinh, nhưng anh lại mới tự tử đêm
qua, một cái chết không nhẹ nhàng, anh đánh rầm xuống, làm sửng sốt, rung động
cả lũ cây cối trong vườn, và làm tôi băn khoăn không ít.
Khi
tôi chào đời, anh đã ở đó, có những ngày gió, anh cất tiếng réo rắt, làm cả lũ
cây, lũ hoa lặng đi vì buồn, tôi cũng thế. Đó là một anh chàng lập dị, thân anh
cao vút, thẳng tắp, nhưng cứng cỏi quá, nếu anh mềm mại như tre trúc, để ngã
theo chiều gió, biết đâu, anh vẫn còn tồn tại. Cành vươn ra ngạo nghễ, anh chẳng
tự hào, chẳng kiêu ngạo là đã che chở cho biết bao kiếp hoa bé nhỏ, cứ thản
nhiên làm việc thiện, như đám gai, cứ hồn nhiên làm điều ác. Kiếp đã mãn, hay
già nua tuổi tác. Anh tự tử, hay Thượng Đế gọi anh về, tôi không biết, nhưng
anh đã ra đi, khoảng trống chênh vênh còn lại…
Đã
mất rồi, một bóng mát trong cuộc đời, nhưng phải sống thôi.
Phải
tìm một tình bạn khác, tôi trở lại với gió.
Luôn luôn kề cận, không phải là thứ hoàn hảo. Gió, có lúc ác, lúc hiền,
lúc lãng mạn, lúc du dương…
Nhưng
quen thuộc lắm, nhưng cần thiết lắm, có khi, tưởng là tình yêu, cần thiết và
tình yêu, dễ bị lẫn lộn.
Gió,
thì vô tình, mà sự vô tình, đôi khi cũng đốt cháy cả khu rừng, hoặc làm tàn phế
hết lũ cây cối trong vườn, và bị thương nặng nhất là tôi, vì đã có lúc lầm lẫn,
thần tượng anh.
Gió,
còn nhiều sự vô tâm khác nữa, như là đong đưa, những ngọn lá tre, sắc nhọn, cứa
lên thân, rướm máu, nhưng cũng quen đi,
vì lúc nào chẳng có gió, may mắn thì heo may, bất hạnh thì bão táp. Và món quà
lớn nhất của Thượng Đế, là sự, quen thuộc, và lãng quên. Quen thuộc với nỗi
đau, lãng quên một bất hạnh, với thời gian.
Nhưng
cũng có lúc, đau, ngây ngất, là lúc những đứa trẻ, chặt tre làm diều. chúng đạp vào người, kéo xềnh
xệch, từng cành, từng thân tre sắc lẽm, cứa vào thân, tưởng chết.
Lũ
hoa kiểng, thì ít khi một mình, thường xúm xít với nhau, lại được chăm sóc,
nâng niu, hoan hỉ sinh sôi nẩy nở, nên có nhiều bà con, thân thuộc.
Nhưng
riêng tôi, chỉ có một đám hoa dại bên cạnh, cứ chực, ngã vào, nương tựa. Nhưng
thôi, cho là nhận, một cách nào đó.
Và
nỗi buồn, biết đâu chừng, lại làm thăng hoa đời sống. Biết đâu, lại làm sự vật
có một màu sắc đằm thắm hơn, hiền hòa hơn, chỉ có sự lặng lẽ trong linh hồn, mới
cảm được sự thâm thúy, diệu kỳ, qua những bản hòa tấu của vũ trụ, qua điệu đàn
của mỗi loại lá, gió thối mạnh, lá reo vi vút, gió thổi nhẹ, lá réo lao xao. Và
những bài hát của lũ chim, tiếng rên rỉ muộn phiền của côn trùng.
Biết
đâu chừng, chỉ có tôi nghe được.
Đã
nói, tôi là một đứa lạc quan mà.
Nguyễn Thị Ngọc Lan
(trích Quán Bên Đường)
No comments:
Post a Comment