Tuesday, December 15, 2015

ĐỌC LẠI “TÔI CÙNG GIÓ MÙA” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP



Lương Thư Trung

 

Bìa thi phẩm Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn Xuân Thiệp

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cảm ơn và chia sẻ cùng các cử tọa
về những cảm tưởng của mình trong lần ra mắt sách ở Austin, Texas, năm 2013.

Nhắc đến tác giả Nguyễn Xuân Thiệp là nhắc đến thơ vì ông đã làm thơ từ trước năm 1954 với bút hiệu Châu Liêm và sau này với bút hiệu Nguyễn Xuân Thiệp. Thi phẩm Tôi Cùng Gió Mùa là một gắn liền không thể thiếu với  nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp khi có ai muốn giới thiệu ông với bạn đọc ngoài đời hay trên các diễn đàn văn học nghệ thuật. Thất thế, Tôi Cùng Gió Mùa, thi phẩm mà nhiều người đọc đều biết của ông chính là gia tài rất hiếm hoi của một nhà thơ đã làm thơ hơn sáu mươi năm qua. Thi phẩm này do tạp chí Văn Học (California) xuất bản lần đầu vào năm 1998 và Phố Văn tái bản vào năm 2012.

Bài thơ mở  đầu của tập thơ là bài Nhịp Bước Mùa Thu ông đã sáng tác khá lâu, cách nay tròn 61 năm:

“sáng nay. tôi lắng bước mùa xưa
chim nhỏ. năm nao. rộn khóm dừa
sông chớm đôi bờ thu quạnh quẽ
đường dài. son đỏ. quán lau thưa

nhà ai. phơi áo. ngoài hiên gió
nắng tắt trưa qua. lạnh bến chờ
cây ố. sắc tường. vương phủ ấy
trẻ nghèo. nhặt lá. ngói rơi. hư

nghìn mùa. sương khói. dậy âm vang
lộp bộp. hiên sau. trái rụng vàng
bóng sậu. kêu qua bờ mía dại
xa nhau. mùa thu. mưa trong trăng

em đi. nhịp bước dạo đôi mùa
áo biếc. chìm trong dáng núi xa
trống lẻ. trường bên. hờ hững điểm
hoàng thành vừa chợp giấc mơ trưa

thời đại xây nên lòng quá khứ
tiếng mùa. hốt gió . rắc ly tan
này em. nhìn lại nương cày cũ
mặt đất. âm u. bặt tiếng đàn
(1954) (trang 6)

Bài thơ ra đời vào năm 1954, chắc chắn tác giả lúc ấy còn rất trẻ; và nếu lần dỡ lại những trang đời, có khi tác giả làm bài thơ này là lúc ông còn ngồi nơi ghế nhà trường, như có lần tôi đã đọc được mấy vần thơ rất lãng mạn của ông qua bút hiệu Châu Liêm, lúc tác giả mới 16 tuổi và đang học lớp Đệ Nhị dưới mái trường trung học, bài thơ “Xa cách”:

“Mấy dặm cát vàng duyên nối tiếp
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hận nghìn năm với bến bờ

Đêm ấy người đi sương xuống lạnh
Trăng mùa tiễn biệt sáng mông lung
Tôi đâu dám hẹn ngày tương ngộ
Người khóc đêm nào người nhớ không?

Tuổi mới hai mươi đời xế nửa
Từ nay đâu dám hẹn tương phùng!
Ai tiễn ta qua vài bến nước
Với hai sào gió bốn sào trăng

Ai tiễn ta rơi vài giọt lệ
Lệ chảy đầy trong đôi mắt trong
Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông”
(Xa cách, Châu Liêm)

Nhắc lại bài thơ Xa Cách cũng như bài Nhịp Bước Mùa Thu vừa rồi, ta nghe như trong thơ ông những giã từ đã ươm mầm từ những ngày còn rất trẻ. Hồn thi nhân dường như ấp ủ những “lắng bước mùa xưa”,  “sông chớm đôi bờ “, “bóng sậu”,  “trống lẻ. trường bên. hờ hững điểm” và đặc biệt đoạn thơ cuối mới nói hết cái ý của “nhịp bước mùa thu” quả đã đi qua thật rồi và câu thơ “thời đại xây trên lòng quá khứ”, cả ý lẫn lời đều rất mới lạ và đặc sắc đối với một tác giả còn rất trẻ ở những ngày xa xưa ấy:

“thời đại xây trên lòng quá khứ
tiếng mùa. hốt gió . rắc ly tan
này em. nhìn lại nương cày cũ
mặt đất. âm u. bặt tiếng đàn”

Thi nhân nghe được “tiếng mùa” là một hòa hợp giữa thiên nhiên và con người và đó cũng chính là một hòa hợp tất nhiên của vũ trụ. Bởi lẽ con người sống là nhờ có thiên nhiên và thiên nhiên có mặt là do con người biết tên gọi những“tiếng mùa”, tức là biết nhớ những nắng, những mưa như nhớ những gì thân ái của chính mình:

“tôi nhãn chín. nhớ chim mùa cũ
tôi đường dài. nhớ những hạt mưa thưa
tôi bông sứ. nhớ nắng hương. vàng lụa
tôi trưa hè. ai tiếng võng đưa.”
 (Nhãn chín nhớ chim mùa cũ, trang 12)

Là một người mê cây cỏ ruộng vườn, cùng mùa màng ngày cũ, với tôi những chữ dùng rất thơ  như “tôi nhãn chín; tôi đường dài; tôi bông sứ,; tôi trưa hè”, “chim mùa cũ”, “hạt mưa thưa”, “nắng hương, vàng lụa”… trong bài thơ với nhiều hoán dụ này tôi nghĩ dây là những chữ dùng chẳng những rất thơ mà còn rất đặc sắc của tác giả.

Tâm hồn nhà thơ nào dường như cũng lãng mạn và thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp không là ngoại lệ. và tôi mường tượng thấy ở ông dường như nhịp tim càng lúc càng đập nhanh thêm theo những năm tháng lớn dần . Từ những năm 1954, 1956 rồi 1962, 1972, 1973, 1974 … hồn thơ ông ngoài cái cốt cách lãng mạn vốn có trong hồn, ông còn chạm khắc lại những gì mà thời gian đã để lại trong ông những dấu tích qua mỗi thời kỳ. Chẳng hạn người đọc bắt gặp ở ông lòng trăn trở với biết bao mảnh đời hiu quạnh bên mình:

“ơi em bé. hái búp sen mùa hạ
sen thì hồng. mà tay nhỏ xanh xao
em hái sen. chiều nay ra chợ bán
hương hạ nồng. cùng sợi khói nhà sau”
 (Hỏi thăm giọt mưa và nói giùm tôi, trang 24)

Hoặc nỗi băn khoăn ở tiếng hỏi thầm, nhiều lúc thi nhân làm cho ta nhoi nhói trong tim và tự trách mình đôi lúc cũng hờ hững, hoặc lãng quên đời:

“xin hỏi đất. và hỏi thăm hoa cỏ
hỏi giọt mưa. đã rớt xuống khu vườn
trong gỗ mục.  có chồi lên đọt lá
trong tim người. có tiếng nói nào không.”
 (Hỏi thăm giọt mưa và nói giùm tôi, trang 26)

Đăc biệt có những bài thơ được tác giả sáng tác trong những ngày lao lung  nơi đất Bắc, chẳng hạn như bài Ánh Trăng, người đọc mới thấy cái hồn thơ ở ông không chỉ đơn thuần là yêu với mộng bình thường, mà là một tiếng kêu, một tiếng gọi tha thiết giữa bốn bề gió cát:

“trăng lên. ồ. môt vầng hư tưởng
tuổi nhỏ. cười nhô mặt nước xanh
đâu đó.  sông lam chừng trở giấc
rào rào muôn lượn sáng xô nhanh
gió như chim ngủ trong tầng lá
 phút chốc xôn xao dậy lá cành.
trăng sáng. bạn đường ai đó thức
nhìn trăng. có nhớ một mùa xuân.”
(Ánh trăng, trang 88)

Khúc ca trường thiên Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị dài 88 câu, nguyên niên hiệu Nguyên Hòa đời vua Đường Hiến Tông, vì tính cương trực, họ Bạch bị trích biếm ra làm quan Tư Mã quận Cửu Giang, một hôm gặp người kỹ nữ ở Bến Tầm Dương sau khi nghe nàng gãy đàn xong, rồi nghe nàng tâm sự về những nỗi vui buồn trong kiếp cầm ca cùng sự chán nản não nề khi nhan sắc mỗi ngày mỗi phai tàn, quan Tư Mã họ Bạch mới sực nhớ lại hoàn cảnh bị trích biếm của mình mà nhận ra đây quả là cơ duyên gặp được người tri kỹ cùng hội cùng thuyền và làm ra khúc ca bất hủ ấy. Còn bài thơ Ánh Trăng khá dài, với 193 câu, gồm 6 hồi, giống như một khúc trường ca của Nguyễn Xuân Thiệp, tác giả ghi nơi sáng tác Nghệ Tĩnh, năm 1980 ứng với những ngày ông còn trong trại tù ngoài miền Bắc với nỗi khổ nhục của người tù “cải tạo”, làm người đọc có tuổi khá già như tôi dễ cảm thông được nỗi niềm của tác giả qua những vần thơ khá u ẩn nhưng cũng chứa đầy hy vọng ở những ngày mùa lao lung khốn khổ biết bao nhiêu:

“trăng khuất. nhưng mùa sau lại mọc
loài người ơi. nghe tiếng võng đưa
lên cao. thấy một vầng trăng ngọc
xuống thấp. còn trong giấc ngủ mơ
soi bóng thời gian. hồ nước tịnh
đông phương này. đêm ủ mật hoa.”
 (Ánh Trăng, trang 106)

Viết về trăng tác giả Tôi Cùng Gió Mùa còn có các bài thơ Mảnh Trăng tặng Nguyễn Xuân Hoàng, Cổ Nguyệt… là những lần trăng về gõ cửa tâm hồn thi sĩ:
“hồn cổ nguyệt. thức . hiên khuya
thức trăng. rụng đầy hoa gạo
hương cây. tóc buông dài.
trở gối. nằm chờ trống điểm
lưng trời. cánh vạc bay”
 ( Cổ Nguyệt, trang 141)

Trong thi phẩm này còn nhiều bài thơ chan chứa biết bao nỗi niềm của tác giả như “Giả sử mai ta về”, “Bếp chiều”, “Những buổi chiều qua đời tôi”, “Thu sang hốt lá trong vườn”…, nhiều lắm, không kể xiết. Nhưng đọc lại thi phẩm“Tôi Cùng Gió Mùa” mà không nhắc gì đến bài thơ làm tựa cho toàn tập thì có chút gì chưa đủ.  Thật vậy, bài thơ Tôi Cùng Gió Mùa được tác giả sáng tác năm 1974, những năm chiến tranh chưa tàn nhưng người đọc bắt gặp trong thơ tác giả gió mùa dồn dập thổi qua hồn như chưa bao giờ dồn dập, tha thiết đến thế. Những tiếng gọi “tôi cùng gió mùa, tôi cùng gió mùa ; gặp lại nhau, gặp lại nhau; hỡi gió mùa, hỡi gió mùa, hỡi gió mùa; gió mùa, gió mùa; thổi qua, thổi qua” được lập đi lập lại như những điệp khúc ấy, chính là tiếng kêu không chỉ để cất tiếng kêu cho riêng mình mà còn thầm cầu mong cho quê hương, cho mọi người và niềm hy vọng được mở ra cùng khắp:

“hỡi gió mùa
đã đến quê hương ta chiều nay
để thêm một lần gặp lại
xin hẹn cùng ta
xin hẹn cùng người
một mùa đông ấm lửa”
 (Tôi cùng gió mùa, trang 43)

Xưa nay và ở đâu cũng vậy, các bậc văn nhân thi sĩ thường mượn cảnh gởi ý tình của mình vào những trang văn thơ ấy. Riêng về gió, thì có lẽ ai ai cũng biết qua cuốn tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” của nhà văn Margaret Mitchell, viết lại cuộc chiến tranh Nam Bắc theo cách nhìn của bà, một người miền Nam nước Mỹ. Rồi trong văn chương xưa của Việt Nam với Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn cũng mô tả tình cảnh của người vợ tiễn chồng cùng những cơn gió bụi:
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.”
hoặc:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.”

hoặc:
“Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao ?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu.

Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.

Và còn nhiều lắm; nhà thơ  Nguyễn Xuân Thiệp cũng không ngoại lệ. Ông cũng gởi gắm hồn mình qua gió, qua trăng. Và thật thú vị biết bao khi chúng tôi đã tìm được hoàn cảnh bài thơ Tôi Cùng Gió Mùa ra đời qua lời tự thuật của chính tác giả: “Buổi sáng, uống cà phê xong, nằm trên chiếc giường nhà binh có trải tấm poncho light, nhìn ra cửa sổ, thấy một cây vông chỉ còn mươi chiếc lá màu vàng mỏng manh. Sáng hôm sau, chỉ còn hai chiếc đong đưa đầu cành. Không, tôi không bị ám ảnh vì tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng của nhà văn Mỹ kia đâu, mà là điều có thực ở những ngày mênh mang ấy. Lại sáng hôm sau nữa, không còn một chiếc lá nào trên cây. Nhưng , ô kìa, một đóa vông đỏ thắm hiện ra như một ảo tưởng của thời chợt khóc chợt cười. Một đóa vông đỏ dưới thời chiến tranh. Từ nốt nhạc dạo đầu ấy là cả rừng vông nở rộ trong nắng dội Pleiku. Và gió mùa thổi về. Tôi thấy lòng mình bỗng mở rộng, không giới hạn nữa. Tôi bắt đầu viết “Tôi Cùng Gió Mùa” trong khung cảnh này.”(*)

Qua cảm hứng từ sự bừng khai của cả rừng vông cùng nở những cánh hoa màu đỏ thắm ấy khi gió mùa về, ta mới thấy hết hồn thơ của người nghệ sĩ hòa cùng thiên nhiên nhưng không quên những bè bạn quanh mình. Con người vừa yêu thiên nhiên vừa yêu người, nghĩ cho cùng, là người đọc, chúng ta không thể vô tình mà quên đi nét nhân bản ấy ở người nghệ sĩ được!

“tôi làm thơ
cho bạn bè. cho những người cùng khổ
cho sấm dội. cho đổ vỡ. cho mây xa
tôi làm thơ
và con chim màu đỏ
hót một mình. dưới trời mưa thưa.”
 (Con chim màu đỏ hót dưới trời mưa thưa, trang 178)

Tóm lại, sau 17 năm, kể từ lần xuất bản lần thứ nhứt, nay đọc lại “Tôi Cùng Gió Mùa” với 188 trang thơ không lời Tựa, không lời Bạt của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, tôi mới nhận ra thi phẩm này có cái nét đặc sắc của nó qua tài chọn chữ, gieo vần cùng chất lãng mạn trong một tâm hồn rất nghệ sĩ ở tác giả và cho dù đã trải qua 61 năm, kể từ lúc còn ngồi ghế nhà trường cho đến hôm nay, mà nay ngồi đọc lại những vần thơ cũ tôi vẫn thấy hồn mình man mác những buồn vui cùng gió, cùng trăng và xúc động cùng những vui buồn của tác giả. Quả thật cái tài của thi nhân là đã mang đến cho người đọc những vần thơ chan chứa biết bao những nỗi niềm đã đành, mà thời gian dù có đi qua nhưng thơ ông vẫn còn ở lại, ít nữa cho tới bây giờ và hy vọng mãi mãi sau này, cho đời sau và cho nhiều thế hệ sau nữa! Mong lắm thay!

Lương Thư Trung
Houston, ngày 10-12-2015

No comments:

Post a Comment