Nguyễn
Thị Ngọc Lan
Bên kia sông. Tranh Đinh Cường
Khi tuổi của năm người anh họ của tôi cộng lại vừa chẵn ba mươi,
là lúc tôi vừa chào đời. Thì là “nhất nam viết hữu”, các anh tôi được cả xóm
yêu quý, vì khôi ngô, đĩnh ngộ, tuấn tú, thông minh … và vì, là con trai. Thì
là “thập nữ viết vô”. Ngày tôi chào đời, ba bỏ đi nhậu để giải khuây, khi nghe
bà mụ nói “con gái”. Không ai quan tâm đến một đứa con gái vừa chào đời, là
tôi. Ngày làm lễ rửa tội, chỉ có cha sở, mẹ, tôi, và hai giọt nước mắt của mẹ.
Nhưng khi vừa lẫm chẫm tập đi, thì tôi là món đồ chơi đắt giá cho cả xóm, kháu
khỉnh bụ bẫm, trắng trẻo, xinh đẹp, cứ nhoẻn miệng cười, mà nụ cười, nghe đồn,
là như hoa, làm mê đắm lòng người, khó cầm lòng để đừng thả vào hai má bầu bĩnh
vài cái hôn, rồi tha đi… Thuở đó, mẹ mới hăm mươi mấy tuổi, nên tôi như là con
búp bê của mẹ, mẹ diện cho tôi như đào hát bóng, nam phụ lão ấu, trong xóm nhỏ,
đều thích ẵm, kể cả năm anh của tôi…
Xóm nhỏ của tôi, ban ngày nhà không cần đóng cửa, người trong xóm
tự nhiên ghé vào nhà nhau, nói dăm ba câu, xin tí muối tí đường, người trong
xóm hầu hết là bà con của nhau, ở với nhau từ đời này đời nọ, rồi lấy nhau, rồi
trở thành bà con xa gần của nhau, lũ con nít chạy chơi mệt, có thể ghé vào nhà
ai đó, múc gáo nước uống, hay đánh một giấc… Buổi chiều, cuối tuần xúm xít nhau
nơi sân nhà thờ, người lớn, vì mê Chúa, người trẻ, vì mê nhau, con nít, vì mê
chơi… Nhà thờ, là một trong những sinh hoạt của xóm nhỏ, sân nhà thờ là sân
chơi của cả xóm. Cha cố đạo thì già nua hiền từ, như một ông lão làng, cha yêu
từng đứa trẻ trong xóm kể cả con gái, la hét xả rác đầy sân nhà thờ, cha mắng lấy
lệ, nhưng chẳng đứa nào sợ…
Khi tôi bắt đầu đi học,
thì các anh cũng đang vào những năm đầu trung học, và tôi, là miếng mồi ngon,
là con gà đẻ trứng vàng của các anh khi cần tiền, mà các anh ấy lúc nào chả kẹt
tiền, những lúc đó, tôi được yêu chiều vô vàn, xúm lại nịnh bợ dỗ dành, đạo diễn
cho tôi đi bắt địa tiền người lớn. Thường thì, chỉ cần nép vào lòng một người lớn
đó, thủ thỉ, vòi vĩnh một chút là có ngay điều tôi muốn, nhưng kẹt vì nhu cầu
các anh tôi hơi nhiều, và tôi cũng có hơi ngu, nên cứ bị các anh ấy dỗ đi diễn
tuồng, xin kiểu nào, khóc kiểu nào… thì ra, từ cổ tới kim, nhan sắc vẫn có giá…
một người đóng tuồng mà tới năm đạo diễn… đôi khi còn có những đạo diễn phụ, rất
nhiều… là các bạn anh từ xóm khác đến. Đạo diễn phụ, cũng rất thản nhiên, đập đập
vào túi tôi, thấy cồm cộm tiền, là mượn, và nói rất hay, mới lấy được tiền của
tôi… có lúc tôi không cho mượn, cẩn thận bỏ tiền vào túi cài kim tây lại theo lời
chỉ đạo của người lớn nhưng vẫn bị các anh tôi lấy cắp rất tài tình.
Mất tiền, tôi khóc lè
nhè bắt đền mẹ, nhưng các anh tôi đã biến mất. Hôm sau lại thản nhiên đến nhà
mượn tiền, tôi túm được, khóc, đòi nợ, các anh tôi giẫy nẩy.
“Mạ biểu anh mượn tiền
em đi hớt tóc mà, hỏi mạ đi.”
Mạ ừ đại cho khỏi ồn ào.
“Nghe chưa, từ nay gặp
anh không được đòi nợ”
Và lại biến mất… Hôm sau
lại…
Tôi, mặc nhiên như là
tài sản chung… của các anh, vì cái tật thích sưu tầm tiền mới. Tôi mè nheo những
tờ tiền mới, từ người lớn, từ cha cố đạo. Tôi có thể vào nhà Cha vòi tiền bất cứ
lúc nào, dù Cha đang có khách, nhưng cho tôi tiền, là việc phải làm ngay… có tiền,
cất vào cái ví xinh xắn, và rất có nhu cầu khoe… bởi vậy… Và tôi cũng là người
đưa thư tình, nhắn tin rất được việc của các anh, chỉ thỉnh thoảng mới đưa lộn
thư tình của một anh nào đó, cho cô này thay vì cô khác.
Khi tôi vào trung học
thì các anh đã trổ mã, có anh đã có bồ, có anh đã bắt đầu hút thuốc… bây giờ
thì không ăn cắp, ăn cướp tiền của tôi nữa, mà là mượn, và không bao giờ có để
trả, có chút tiền là ra quán ngay. Quán là một hàng cà phê binh dân đầu ngõ,
quán không tên, nhưng các anh tôi gọi là “quán bên đường”. Cô em gái xinh xinh
vẫn được các anh cưng, mỗi ngày vẫn có một anh nào đó, đứng ngoài ngõ réo:
“Hường, ra quán với
anh”.
Tôi chạy ù ra ngoài, ôm
eo anh, hay anh ôm cổ tôi, hai anh em ra quán, ở đó đã có đủ các anh, và đám bạn
bè. Các anh, cũng được ăn theo, đôi khi cũng sai tôi vù vù:
“Hường, đưa lá thơ cho
chị Thu giùm anh” hay là: “Nhắn chị Thảo ra sân nhà thờ anh có chuyện muốn
nói.” Tôi theo các anh ra quán từ nhỏ, và chuyện của các anh, theo diễn tiến
tôi thuộc từ chút, anh nào vừa yêu, anh nào thất tình, anh nào vừa có bài thơ
đăng báo, và mộng mơ của các anh tôi cũng thuộc lòng..
Lên lớp bảy, tôi vào nội
trú, các anh tôi buồn da diết. Cứ vài tháng về thăm nhà, lại thấy vắng một anh,
dạo này tôi lại trầm mình buồn theo các anh tôi, vì chuyện thi cử, đậu, rớt,
lính tráng… Một buổi tối, tôi cho là rực rỡ nhất, một anh từ quân trường về, một
anh học xa, và tôi, cũng thuộc diện học xa về. Sáu anh em xúm lại ở quán, cùng
với đám bạn bè, để ăn uống, một anh vừa thi đậu đại học, hai anh vừa đậu tú tài
hai… Các anh tôi, quá hớn hở cho một tương lai đầy hứa hẹn.
- Tao phải đi không quân, tao phải làm tư lệnh không quân.
- Tao đã ghi danh sư phạm và luật… tao phải làm bộ trưởng bộ giáo
dục.
- Tao học y khoa, tao phải làm bác sĩ.
- Thôi, mi học Nông Lâm Súc đi, mi phải làm bộ trưởng nông nghiệp,
đất nước mình quá nghèo, quá lạc hậu, phải đưa ngành nông nghiệp lên, nông dân
mới đỡ vất vã..
- Tại sao mi chọn bay bổng trên trời, mà biểu tau gằm mặt xuống đất
cả đời.
- Tại tau cao ráo đẹp trai, mi mặt đầy mụn, giống mặt đất nhìn từ
xa.
Các anh tôi rượt nhau chạy quanh quán, vì giành nhau và đẩy cho
nhau một cái “ghế”
Các anh tôi vừa thi đậu tú tài, sắp bước chân vào cuộc đời, cả một
chân trời hứa hẹn, tưởng mình sắp kê vai để gánh vác đất nước.
Nhưng..
Đất nước tôi quá tang thương, không bao nhiêu người con trai đạt
được mơ ước của mình… dù là ước mơ dâng cuộc đời mình để phục vụ người khác..
Mùa hè đỏ lửa, Hạ Lào… Mùa chiến tranh khốc liệt nhất trong một cuộc
chiến triền mien.
Các anh tôi đều bị động viên, xóm nhỏ tiêu điều, chiến tranh chết
chóc lãng vãng trên những mái nhà… trên sân nhà thờ. Ngày xưa, mỗi buổi lễ chiều,
sân nhà thờ rộn rã tiếng cười của những người không yêu mến Chúa, là những đứa
con trai nhỏ, chơi banh đánh đáo, trên sân nhà thờ, những người con trai vừa lớn,
như các anh tôi, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày đi lễ, làm sao bỏ lễ cho được,
khi cô con gái mình yêu mỗi chiều tha thướt áo dài guốc mộc đi xem lễ.. tình
yêu chỉ tới đó, là những đôi mắt trao nhau mỗi chiều, một khoảnh khắc rất
nhẹ… nhưng là dư âm cho một ngày, hay một đời…
Các dì, các bác níu lấy tôi, rồi những người đàn bà xóm khác níu lấy
tôi, khóc vật vã:
- “Con tìm cách hỏi thăm giùm dì, coi anh con có mệnh hệ gì không,
anh đang dự trận bên Hạ Lào, nghe nói, lính mình chết gần hết.”
- “Cô có đi tìm anh, cho bà đi theo, thằng út của bà cũng đang ở Hạ
Lào.”
Chị Lành, người đàn bà giúp việc cho mẹ ngày xưa cũng tìm tới rủ
đi tìm tin tức chồng chị. Tôi đạp xe đi hỏi lòng vòng những người lính quen biết,
ai cũng nói cứ chờ, chết thì sẽ có tin, sẽ đem xác về tận nhà, nhưng không ai
chịu ngồi nhà chờ tin chết, nên cứ giục giã tôi vào nhà xác tìm, họ lý luận rằng
chết đâu mất thẻ bài, rồi không tìm được thân nhân đến nhận xác.
Tôi, bà dì, chị Lành, và vài người hàng xóm có thân nhân đang dự
trận Hạ Lào, vào nhà xác tìm người thân, cổng nhà xác hôm đó đông nghẹt và thê
lương, người ta chen chúc nhau tìm xác người thân, như chen nhau đi lãnh hàng
quân tiếp vụ, có điều, lãnh hàng quân tiếp vu thì chắc chắn sẽ được lãnh, còn
bây giờ, họ van vái đừng được lãnh.Người lính gác cổng nhà xác nói:
- Các bà về đi, nếu các ông có hy sinh thật thì chỉ trong mấy hôm
sẽ có tin, sẽ có người đưa xác về nhà, chứ chờ đợi ở đây làm chi cho cực.
- Đã nghi ngờ chồng mình chết thì làm sao ở nhà cho yên.
Có một bà nhào tới:
- Ông làm ơn coi có người nào tên Trần Văn X. không?
Mấy bà khác, cũng mỗi người hỏi một câu:
- Ông coi giùm có Trần Văn T. không?
- Nhờ ông coi giùm có…
- Ông cho tui vô tìm con tui, chứ không tui chết mất.
- Mấy người có danh sách đàng hoàng, tui đã đọc, còn vài người
không có thẻ bài làm sao tui biết tên.
- Tui thấy có hai xe Hồng Thập Tự nữa mới vào nhờ ông coi lại, ông
làm ơn.
Có một chiếc xe lam vừa đỗ xuống, lại có mấy bà nhào tới khóc lóc,
đòi mở cho được cổng nhà xác vào tìm chồng. Người gác cổng lại phải dỗ dành can
gián:
- Ai cũng đòi vào rồi làm loạn lên trong nhà xác, đâu có được.
Tiếng khóc lóc, tiếng thở dài, những khuôn mặt hớt hải lo âu, tiếng
van nài xin năn nỉ, quang cảnh não nề thê lương… Có một xe Hồng Thập Tự vừa chạy
vào, những tiếng khóc, tiếng than van cùng ngừng hẳn, và cùng hướng về chiếc xe
đang dừng lại chờ mở cổng, các bà nhào tới từng khe hở, tìm coi có xác của chồng
không. Xe chạy vào, tiếng lao xao lại nổi lên:
- Nhờ ông coi giùm có tên Nguyễn Y, Trần Văn T. không?
- Thôi được, tui sẽ làm hết lòng cho các bà yên tâm mà về, còn lại
sáu xác không có thẻ bài, tui sẽ cắt mỗi xác một miếng vãi quần đùi, các bà phải
biết vãi quần đùi của chồng mình chứ hả?
Người gác cổng quay vô, rồi trở ra với miếng vải bông loang máu,
miếng vải vừa đưa lên, chưa kịp lên tiếng, thì đã có một bà chồm lên, giật lấy,
cầm cứng trong tay rồi khóc ngất:
- Đúng của ảnh rồi, quần này chính tay tui mua vải, tui cắt may
cho ảnh đây mà, anh ôi, anh ôi…
Thế là có một bà vừa nhận được xác chồng. Người gác cổng, lại quay
vào rồi trở ra với mảnh vải màu xanh kaki, có mấy bà chồm tới giật lấy, khóc
lóc, một bà bình tĩnh hơn:
- Quần này là hàng quân nhu phát, thiếu chi người mặc, biết chồng
ai mà giành.
- Nhờ ông coi, có hai cái răng vàng hàm trên không?
- Nhờ ông coi, giùm có nút ruồi son ở cổ không?
- Nhờ ông coi, giùm có…
Tui xin lỗi, chịu thôi, xác này chắc trúng nguyên quả mìn chỉ còn
một nửa…
Xóm nhỏ, ngày xưa, mỗi lần có xe hơi vào xóm, lũ con trai nhỏ bỏ tất
cả trò chơi, để chạy theo, đu vào đuôi xe, cười rạng rỡ. Chiều nay, có chiếc xe
nhà binh vào xóm, mọi người, lớn nhỏ, ngừng ăn, ngừng uống, ngừng nói, ngừng thở
dõi theo chiếc xe… Chiếc xe nhà binh chở quan tài… Đó là xe chở xác anh tôi…
Anh tử trận tại chiến trường Hạ Lào, hai mươi mấy tuổi, chưa lập gia đình, mới
có người yêu…
Đám tang anh xong, tôi trở về trường nội trú, với nửa linh hồn…
Lòng bơi theo những người anh còn lại, ở những chiến trường khác nhau, và những
người con trai đang chờ chết ở Hạ Lào, An Lộc, Bình Giã, Đồng Xoài… Chiều nội
trú, buồn, mưa lất phất. Phòng ngủ, lầu ba, phía dưới là đường Yên Bái, có
“hàng cây lá, xanh gần với nhau”, có những đôi nhân tình che chung chiếc dù,
cho tôi chợt lạnh, đến vô cùng… Có những người hôn nhau dưới những hàng hiên vắng…
cho lòng xôn xao nhớ… nhớ người tôi sẽ yêu, nhớ người yêu tôi… Nắng sắp tắt, những
bóng đèn đường, vàng hiu hắt… những đường mưa cắt nghiêng vũng sáng vàng vọt dưới
những cột đèn, và, những vũng sáng, không vàng vọt, mà ấm áp trong vuông cửa sổ
nhà ai, ở trong đó, hình như có những đôi nhân tình, yêu nhau. Không có phần,
cho tôi, không có phần, cho những người anh tôi, không có phần, cho người lính
trẻ đang bước đi nghiêng ngã xiêu vẹo dưới kia… Và trời ạ! Người lính trẻ đó là
anh tôi, vừa từ chiến trường về, vào trường nội trú mượn tôi sợi dây chuyền, lần
thứ bảy, thứ tám gì đó anh vào trường mượn tôi sợi dây chuyền vàng. Mẹ, người
lo xa, kinh nghiệm của mẹ từ lần chạy giặc tết Mậu Thân, của người khác từ những
lần chạy giặc bất ngờ, mẹ bắt mỗi đứa con đeo một tí vàng, lỡ có chạy giặc, bán
mà ăn. Những anh tôi, suốt đời nợ nần tôi, cứ vào, mượn, rồi không trả, và đi
luôn vào lòng đất, có anh mượn, để uống rượu sau những lần hành quân, đi tìm những
cơn say, để thả trôi linh hồn theo bạn bè đã chết…
Tháng mười hai, tôi lại nhận được điện tín “Anh Tú chết, về gấp”.
Ngày đám tang anh, tôi cảm nhận được nỗi đau, bằng vật lý, ruột đau đến nỗi phải
ngồi xuống, cho dịu cơn đau, rồi mới bước đi nổi, theo quan tài, bác điên loạn,
bác lăn lóc, rựt tóc, xé áo. Bác tôi chết chồng năm hăm lăm tuổi, chỉ có một
người con, là anh, bác không lập gia đình lại, không hiểu vì bác không có nhan
sắc, hay cái nhãn hiệu “tiết hạnh khả phong” treo mơ hồ khắp xóm nhỏ, mà bác
không lấy chồng lại, sống hiu hắt, cô đơn mấy mươi năm, và sẽ cô đơn hơn… cho đến
ngày cuối. Cha cố đạo đã từng làm lễ rửa tội cho mỗi anh tôi lúc còn bé, sân
nhà thờ đầy dấu tích phá phách của đám con trai nhỏ, ngày xưa. Tiếng cười đùa
còn đọng trong không gian, cỏ cây hoa lá… ngày đó, cứ năm giờ, giờ lễ chiều,
các anh tôi và đám con trai nhỏ, bỏ ăn, bỏ chơi, chạy thục mạng đến tháp chuông,
đứa nào nhanh nhất thì được giật chuông nhà thờ, kêu boong boong vọng cả mấy
xóm. Có khi giành nhau giật chuông, mà thụi nhau, đánh nhau, kiện nhau, cha phải
xử, đúng hơn là cha phải đền, cho đứa bị đánh và cả đứa đánh người ta. Có khi,
chạy vấp toác chân, cha ẵm vào nhà thờ, vừa xức thuốc, vừa mắng, vừa đau lòng…
Cha cũng là con gà đẻ trứng vàng của đám con trai láu lỉnh, như
các anh tôi:
- Cha, con khiêng sách cho cha, cha cho con một đồng nghe.
- Ừ.
Đứa kia nhanh tay hơn giật thùng sách, đứa khác giật lại, đứa
khóc.
- “Cả ba đứa khiêng từ từ thôi, kẻo té.”
Ba đứa ì ạch khiêng thùng sách chừng năm cuốn, được ba đồng… Lần
khác thì xin đấm lưng cho cha, rồi xin tưới cây, cha có chừng chục cây bonsai,
mà suốt ngày ngồi không yên, vì hết đứa này đến đứa khác đến xin tưới cây mướn,
chỉ khổ ông Từ coi nhà thờ, cứ phải lau nước đám trẻ đỗ vung vãi đầy sân nhà
cha… Giờ không đứa nào giật chuông nữa, vì đứa còn ngoài mặt trận, đứa chết nằm
đó, đứa mất tay mất chân… Ông Từ giật chuông báo tử, tiếng chuông ngân vang,
không rộn ràng giòn giã mà trầm buồn, thấm vào từng viên sỏi ngọn lá ngoài sân
nhà thờ… Cha cố đạo, giờ già cằn cỗi như cây bonsai trong sân nhà cha, lom khom
làm phép xác cho từng đứa con trai, mà cha đã yêu chiều từ tấm bé… Giờ cả xóm đạo
rưng rưng thương cái thằng con trai mà họ đã bồng ẵm hôn hít hồi xưa, đã móc hầu
bao cho nó vài chục bạc, khi nó thi đậu tiểu học, trung học, đại học…
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Anh Luân, con dì tôi bị thương
nặng, cũng trận Hạ Lào, anh bị mất một tay, một chân, mặt anh nát đi vì sẹo, gặp
anh tôi chỉ khóc, anh cứ nói mãi một câu: “Chết như thằng Tú, thằng Hòa mà
hơn.” Người yêu của anh, chị Phượng, vẫn đòi làm vợ anh, anh yêu chị, nên dày
xéo, gây gỗ, dữ dằn với chị, để chị bỏ anh, cho đời chị sáng sủa hơn, nhưng chị
Phượng kiên trì, nên anh tôi may mắn có vợ là hoa khôi của xóm. Những năm sau gặp
lại, chị khô héo, xanh xao… Tôi rủ chị đi ăn, chị nói, hay là thôi, chị không
ăn, cho chị vài đồng mua cho thằng út lon gạo nấu cháo, cả nhà ăn khoai, nó mới
có mấy tháng tuổi, không chịu nhai khoai, đói, khóc lè nhè cả đêm. Trong cái rủi
lại có cái may, anh tôi bị thương nặng nên khỏi bị đi học tập cải tạo. Anh tôi
hào sảng, hào hoa là thế, anh tôi đẹp trai là thế, anh tôi ngày xưa chưa nói đã
cười, duyên dáng, dí dỏm…bây giờ anh ngồi héo hắt ôm con cho vợ đi kiếm gạo, cả
hai cha con xanh xao ốm o, như người ốm nặng. Đứa con vừa biết bò, anh tôi mất
một chân, không có tiền mua xe lăn, nên cũng bò như con. Chị Phượng, ngày xưa
thanh cảnh, dáng mềm, đẹp như thơ, chị bước một bước, có mấy đôi mắt dõi theo,
chị hất mái tóc, có vài trái tim nghiêng xuống, giờ chị bán chợ trời, mặt mày hốc
hác, áo vá muôn màu… Tôi nói: ”Anh ở nhà đi, để em làm thêm giờ nuôi anh”.
Tôi mua cho anh chiếc xe lăn, đứa con đầu đẩy anh đi loanh qoanh,
cũng đỡ buồn và đỡ nhục, vì phải lê lết dưới đất. Anh rủ tôi đi thăm vài bạn bè
cũng tàn phế như anh, buổi trưa không có ai ở nhà, vì phải đi kiếm ăn… Nhà của
bạn anh, cũng không thể gọi là nhà, đó là một vài miếng tôn, dựng dựa vào một bờ
tường nhà người ta, chung quanh nhà, che thưng bằng đủ thứ, giấy bìa, ni lông,
vải… đám dân lao động sống lang thang, phóng uế bừa bãi, quanh chỗ ở, ruồi nhặng
hôi hám… Nhà người bạn khác của anh, cũng là một cái chòi trên một rãnh nước,
có thể nhìn thấy những chuột chết, thức ăn, rác, phân… trôi qua dưới tấm ván ọp
ẹp, gọi là sàn nhà, mùi cống rãnh bốc lên, thối nhức óc…
-“Đó là căn nhà mơ ước, của những đứa thương phế binh ngoài Huế đó
em, tụi nó chỉ mơ ước được vào Sài Gòn, dù có đi xin ăn, cũng còn có người cho,
buôn bán vớ vẩn cũng còn sống được tàm tạm… Ngoài Huế, bọn lính tráng tụi anh,
có đủ tay chân, còn khó kiếm ăn, huống là thiếu tay, thiếu chân, thiếu vốn… Mấy
đứa này, học trung học Thiên Hựu với anh hồi xưa, tụi nó ở ngoài Huế, đi xin ăn
thì xấu hổ, vì đi đâu cũng gặp người quen, vả lại, Huế nghèo quá, xin ăn cũng
chẳng mấy ai cho, đi làm, thiếu tay thiếu chân không ai mướn, anh xúi tụi nó
vào đại, cứ dựng lều ở bừa, tới đâu thì tới.”
Tôi nói với anh:
- “Đường lầy lội, đá sỏi lởm chởm, em đẩy xe lăn cho anh mà suýt
té mấy lần, làm sao họ tự lăn xe lăn cho họ được anh,”
Anh trợn mắt nhìn, như tôi là người trên trời rơi xuống:
- Chiếc xe lăn, bốn triệu rưởi, không có đêm nào tụi nó ngủ, mà dư
được đồng bạc trong túi, xoay xở không đủ ăn, đời nào mới mua được xe lăn, nói
đúng, cũng có đứa lanh, xoay xở đủ ăn, còn dư chút chút, thì phải nuôi đứa
không biết cách kiếm tiền, chiếc xe lăn của anh đây, cũng ba đứa xài chung, anh
có của được quyền ngồi nguyên ngày chẵn, tụi nó chia nhau, ngồi ngày lẻ…
- Vậy họ di chuyển bằng cách nào?
- Lết, cắt vỏ xe hơi, cột vào mông, rồi lết, bằng cái mông và hai
bàn tay.
- Rồi tiền đâu họ sống?
- Bán vé số, bán báo, bán thuốc lá lẻ… có đứa mua được cái cân, ai
đứng lên cân thì trả tiền.
- Tới đây anh chỉ cho coi, còn nhiều đứa thảm hơn nữa.
Anh dẫn tôi tới một góc chợ, chỉ cho tôi:
- Đó, trung úy bộ binh, bị thương năm bảy ba, học một lớp với anh,
nhưng nó học Bình Linh.
Tôi đưa tay ôm mặt để đừng nhìn thấy, nhưng đã lỡ thấy:
- Chân tay anh còn nguyên, nhưng không hiểu sao, hai chân anh mềm
nhũn nhỏ xíu như hai con rắn, anh nằm sấp và lết, lết, lết… đi xin ăn trên con
đường lầy lội.
Hai anh còn lại, bị đi học tập cải tạo. Tôi vào thăm nuôi anh nói:
- Ngày hai miếng khoai mì mốc nhỏ xíu, còn chịu được, nhưng lạnh tới
xương, kinh quá… em cởi cái áo lạnh cho anh.
Tôi khóc nhìn anh tơi tả, chỉ còn da với xương trong bộ áo quần
may bằng vải bao cát…
Charles Chaplin có một phim diễu chua chát về chiến tranh. Ông
lãnh tụ, đùa với quả địa cầu nhựa, bằng đầu, bằng tay, bằng chân, bàn tọa của
ông… Người ta cũng đùa với anh tôi, đàn anh, đàn em của anh tôi. Họ để anh tôi
và đồng đội lên bàn cờ, sống chết như một chiếc lá rơi… Cả một thế hệ mất nụ cười…
Nếu đó là bàn tay lông lá, thì đành… Những bàn tay lông lá, đã đày đọa, những
đàn anh của anh tôi đã quá nhiều và đã quá lâu… Nhưng gà chung một mẹ, sao
không thương nhau, đày đọa nhau mà chi… niềm đau riêng của mỗi người đã đủ cho
người đó…
Đi cải tạo về, tôi lại cùng anh ra quán, quán bên đường, vẫn còn
đó, trông tiêu điều hơn, bên cạnh những căn phố lộng lẫy mới cất, quán xập xệ,
không tương xứng với cái bảng hiệu đẹp đẽ chói lọi. Cô chủ quán là con bà chủ
quán ngày xưa, đã chết, reo vui khi gặp anh em tôi… Cô huyên thuyên nói:
- Mạ chết rồi, trước khi mạ lẫn, cứ biểu tụi em làm bảng hiệu thật
lớn, quán bên đường là tên anh Tú đặt, mạ thương anh Tú nhất, biểu làm bảng hiệu
cho ảnh vui… mớ bàn ghế cũ, tụi em đòi thay, mạ không cho, lâu lâu lại để một
ly cà phê đá, góc bàn anh Tú ngồi, rủ rê anh, “Về uống đi con, bác đãi…”
Cô mở những bản nhạc cũ, thời các anh thường nghe... Con đường
tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé… Năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng… Trả
lại em yêu, con đường học trò… Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ
lau sậy này… bây giờ anh ở đâu…
Nước mắt thì không nghĩa lý gì với niềm đau của anh tôi… dĩ vãng mất
hết… em út chưa nếm đủ mùi đời đã chết, bạn bè bỏ vợ bỏ con, chết… anh lớn nhất,
cụt tay, cụt chân… bản thân anh, biết làm gì để sống, sau những ngày tù tội…
tương lai mờ mịt… anh ngồi lặng người như tượng đá trong nghĩa trang quân đội…
Tôi đi loanh quanh sờ từng góc bàn, đầy những dấu khắc tên anh tôi và người
tình… Tú + Phương, Tú + Hoa, Tú + Thúy… yêu ai, anh cứ ngây thơ tin là thiên
thu… nhưng sự ra đi của anh mới là thiên thu… Chiều, tôi rủ anh đi thăm mộ cha
sở, cha đã qua đời, ông Từ, khiêng hết cây Bonsai của cha ra phần mộ cha, anh
tôi cười, nụ cười héo hắt:
- Những cây Bonsai này, quá đắt giá, cha tốn biết bao nhiêu là tiền,
cho tụi anh, mà lạ, Bonsai đâu thể sống mà lúc nào cũng ướt đẫm những nước, thế
mà vẫn sống, êm mình lại chết yểu…
Anh tôi xin ông Từ một cây, biết cha yêu anh, biết anh thương cha
như thương một phần trong thân thể anh, biết anh sẽ yêu cây Bonsai như yêu xóm
nhỏ này, như yêu kỷ niệm… ông cho anh.
Anh về, ôm cây Bonsai trên đôi tay, kính cẩn, nâng niu, thương
yêu. Tôi rùng mình, đau quặn, như lần ôm cái tiểu đựng xương anh tôi, ngày dời
mộ.
NTNL
(trích Quán Bên Đường)
No comments:
Post a Comment