Thursday, December 17, 2015

NHÌN LẠI PHONG TRÀO VĂN NGHỆ PHẢN KHÁNG TẠI VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 1989



Trương Vũ


Làm Sao: sơn dầu trên bố, 24" x18"
Trương Vũ  ( 2011)

Bài viết này nguyên là bài thuyết trình cảa tác giả tại Ðại Học George Mason, Virginia, đầu tháng Tư 1995, trong một hội thảo mang đề tài "Ngòi Bút và Bạo Quyền". Hai diễn giả được mời là Trương Vũ và nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Bài viết đã được đăng tải trên tạp chí Hợp Lưu, phát hành trong tháng đó. Với văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay, nhiều vấn đề được trình bày trong bài vẫn còn giá trị thời gian.

Ðối với nhiều người Việt, đặc biệt là với đồng bào miền Bắc, cuộc chiến chấm dứt vào 1975 có thể đã đem lại cho họ một niềm vui về một đất nước thống nhất, về một cơ hội để tái thiết xứ sở, và về một tương lai không còn cảnh huynh đệ tương tàn. Thế nhưng, những biến cố tiếp liền theo đó, xảy ra trong hòa bình và trong khung cảnh của một đất nước thống nhất, đã làm nản lòng rất nhiều người. Quản lý kinh tế sai lầm, tham nhũng ở mọi cấp độ, vi phạm nhân quyền, hàng trăm trại học tập, chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc, cuộc vượt biển ồ ạt và bi thảm v.v... là những động lực đánh thức lại một niềm tin nơi trí thức và văn nghệ sĩ là chủ nghĩa Cộng Sản quả thật là một giải pháp thất bại cho những vấn đề xã hội và con người của đất nước Việt Nam.

Niềm tin này của trí thức và văn nghệ sĩ xuất thân từ miền Nam mãnh liệt như thế nào không là một vấn đề để bàn cãi, nhưng nhận diện và đánh giá nó cho công bình với trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc đòi hỏi nhiều công phu hơn do tính cách phức tạp của xã hội miền Bắc, dù trước hay sau 1975. Trong một thời gian khá lâu, sau kinh nghiệm tàn bạo của vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” vào 1958, trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc không còn muốn dính dự vào những vấn đề chính trị có tính cách tranh cãi. Tuy nhiên, dầu muốn dầu không, sau 1975, họ phải chạm trán với một thực tế hoàn toàn trái ngược với những điều dự đoạn. Những khác biệt quá lớn giữa cái họ thực sự thấy với cái lẽ ra họ nên thấy bắt đầu khiến họ chao đảo. Một số nhà văn và trí thức, trong đó có Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và Nguyên Ngọc, công khai phát biểu sự bất mãn của mình đối với thực trạng của đất nước, đặc biệt trong lãnh vực văn học và nghệ thuật. Với những bài viết vẫn thường được bắt đầu bằng cách biểu lộ lòng biết ơn với Ðảng như lâu nay, họ đặt ra những câu hỏi nhức nhối liên quan đến các sinh hoạt trí thức hiện tại.

Trong một tiểu luận mang tựa đề “Viết Về Chiến Tranh” (Văn Nghệ Quân Ðội, tháng 11 năm 1978). Nguyễn Minh Châu đả kích cách xây dựng tác phẩm của hầu hết những nhà văn thời kỳ đó là họ chỉ viết về những hiện thực ước mơ chớ không phải viết về những hiện thực đang tồn tại. Tán đồng với nhận định của Nguyễn Minh Châu, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến viết một bài nhan đề “Về Một Ðặc Ðiểm Của Văn Học Nghệ Thuật Ở Ta Trong Giai Ðoạn Vừa Qua” trong đó ông đề nghị nên gọi nền văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam là một nền văn học nghệ thuật phải đạo, có nghĩa là, “quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn là tính chân thật”. Cũng trong tháng đó, Nguyên Ngọc trình bầy một đề cương về sáng tác văn học trong đó ông kịch liệt đả kích chất lượng yếu kém của những tác phẩm văn học hiện đại. Ðề cương này mãi chín năm sau mới được phổ biến, nhưng chỉ phổ biến một phần trên tạp chí Langbian ở Ðà Lạt. Trong đề cương đó ông đã viết những câu như sau:

Cũng từ đó đưa tới tình trạng: “Phải chăng lúc này có hiện tượng không ít phổ biến là người viết, vẫn cứ viết mà không thực tin ở điều mình viết ra?” Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người? Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn. (...) Cảm giác “có nhiều sách mà không có tác phẩm” là như thế. Người đọc thờ ơ với chính những quyển sách mình vừa đọc, tuy chẳng có gì để chê bai nó. Có một không khí mệt mỏi, lạnh nhạt giữa người viết và người đọc.”

Những bài viết nói trên đã gây phản ứng mạnh từ phía những người bảo thủ và thành phần cốt cán của chế độ. Chẳng hạn, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật (Tháng Giêng 1980), Kiều Vân biểu lộ một cách khá hằn học, dùng trường hợp của Lucas để ngụ ý là những người này đã “đòi hỏi một kiểu tự do vô lối trong sáng tác, vu khống xuyên tạc đối với xã hội xã hội chủ nghĩa, tấn công một cách kiên trì vào nền văn học mang tính đảng và tính có khuynh hướng”. Thế nhưng, từ phía đông đảo nhà văn, nghệ sĩ và trí thực, có một sự yên lặng đáng ngạc nhiên, không giống như vào thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đa số đã nhảy vào đánh hùa theo với Ðảng. Có thể là đa số đã đồng ý với những nhận định của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, nhưng thời điểm đó còn quá sớm để họ dám chấp nhận hiểm nguy nói lên sự đồng tình của mình. Dầu thế nào đi nữa, một số tác phẩm biểu lộ sự bất mãn và mất niềm tin bắt đầu hình thành trong giai đoạn đầu của thập niên 80, đáng kể nhất là thơ của Nguyễn Duy và các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.

Tháng 8 năm 1987, khoảng hơn một năm trước khi mất, Nguyễn Minh Châu viết một tiểu luận để đời: “Hãy Ðọc Lời Ai Ðiếu Cho Một Giai Ðoạn Văn Nghệ Minh Họa”. Trong đó, ông thú nhận là cho đến bấy giờ, vì sợ sệt, nhà văn đã trở nên hèn nhát và hành động thậm thụt như những gian phi. Ông kêu gọi các đồng nghiệp hãy chôn đi một nền văn nghệ như đã có trong quá khứ và dồn mọi nỗ lực để chuẩn bị một không khí sáng tác lành mạnh hơn cho những tài năng của thế hệ tới. Ông viết: “(...) Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà không thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. (...) Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ có sẵn, cho chữ nghĩa những văn bản vốn đã có sẵn mà chúng ta quy cho đây đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ tuyên huấn truyền đạt đường lối, chính sách bằng hình tượng văn học sinh động. (...) Tài năng, nhất là những thiên tài, bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tị với họ, đừng làm họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.”

Hai tháng sau, dưới áp lực của chính sách đổi mới ở Liên Sô và Ðông Âu. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố sẽ đổi mới chính sách của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Tháng 12 năm 1987, nghị quyết số 5 về đổi mới trong văn học và nghệ thuật được ban hành. Chính sách đổi mới này đã làm cho sự nhận diện thật giả về tính phản kháng trong văn nghệ trở nên phức tạp hơn, nhất là từ phía đồng bào ở hải ngoại.

Dầu sao, chính sách đổi mới, thường được gọi nôm na là “chính sách cởi trói”, đã giúp tạo nên một cơ hội làm bùng dậy một phong trào văn nghệ sinh động ở trong nước, đúng ra là ở miền Bắc. Phong trào văn nghệ này bao gồm nhiều cây viết tên tuổi. Về phê bình lý luận, có Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà. Về kịch, có Lưu Quang Vũ, Tất Ðạt. Về điện ảnh, có Trần Văn Thủy, Việt Linh. Về thơ, có Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao. Sôi động nhất là về sáng tác văn chương với những tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh v.v... Hầu hết trong số này chỉ được biết đến hoặc thành danh sau 1975. Những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, những bất mãn mà họ cố kềm giữ lâu nay, được dịp nổ bùng lên. Do đó, tác phẩm của họ mang những sắc thái chính sau đây: phản kháng sự áp đặt quyền lãnh đạo của Ðảng lên trên quyền sáng tác của nhà văn; phủ nhận “công lao” của chủ nghĩa cộng sản trong hai cuộc chiến; quy kết cho xã hội chủ nghĩa về tình trạng nghèo đói, phân hóa, bất công, và chậm tiến; đòi quyền của cá nhân được lựa chọn cách sống của mình; lên án sự lạm quyền của cán bộ cao cấp đã tàn phá xã hội và con người; công kích sự tôn sùng thần tượng; v.v...


Nguyễn Huy Thiệp được xem như tài năng hàng đầu của phong trào này. Ông viết với đau đớn và tàn bạo. Ông nhìn xoáy vào từng điểm đen tối nhất của đời sống. Ông lôi ra ánh sáng để đùa bỡn với những khúc mắc ghê rợn của một xã hội trong đó ông sống và làm việc. Phong cách này được nhìn thấy rõ nhất trong các truyện ngắn như “Tướng Hồi Hưu” và “Không Có Vua” (sau này ông chuyển sang thành kịch). Nói chung, ông là một nhà văn viết ngay thẳng nhưng sâu sắc, có nét riêng của mình, và là một nhà văn nổi giận. Sự nổi giận của ông bộc lộ tận cùng khi ông viết “Tội Ác Và Hình Phạt”. Có những câu như: “Tội ác cứ nhân thêm. Và đến lúc nào đấy, trên cái mảnh đất khốn nạn này, trên cái mảnh đất yêu dấu của chúng ta sẽ bốc lửa. Sự trừng phạt đến. Sẽ đến ngày phán xử cuối cùng.

Khác với tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, truyện dài Những Thiên Ðường Mù của Dương Thu Hương bao phủ một không khí hoài niệm, tăm tối, sầu thảm. Cái thiên đường mà Dương Thu Hương ngụ ý ở đây chỉ là một thiên đường của những kẻ đã đánh mất nhân tính hay của những kẻ bị chà đạp, bị lóc lột, bị xem khinh. Một thứ thiên đường chỉ có nghèo đói, lạnh lẽo, và cô đơn. Một thứ thiên đường mù lòa. Một trong những nhân vật chính trong truyện là cậu Chính, một cán bộ tuyệt đối trung kiên với Ðảng. Trong truyện, Dương Thu Hương đã cho một chàng tuổi trẻ đầy tính người, nói về cậu Chính như sau: “Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của   họ lại không đủ hiểu thiên đường ấy ra sao và con đường nào đưa tới nó. (...) Vì thế, khi biết công việc ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy. Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào... Họ, là tấn thảm kịch cho chính họ, là tấn thảm kịch cho thế hệ chúng ta.” Trong một bài trả lời phỏng vấn, Dương Thu Hương đã phê phán việc du nhập chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam như sau: “Việc chúng ta quy chụp cuộc đấu tranh giai cấp vào đất nước ta (với các điều kiện thực tiễn hoàn toàn không phù hợp) đã tiêu hủy một trữ năng tinh thần của dân tộc. Chúng ta đã tự tận diệt lẫn nhau, nồi da xáo thịt, đã để lại những vết thương lịch sử nặng nề, khiến cho lòng người ly tán, thù hận, đã phân tán sức mạnh tự thân của người Việt. (...)  Lẽ ra chúng ta có thể tránh khỏi những sự trả giá lịch sử không cần thiết. (...) Nhưng giờ đây tôi xin nhắc lại lần nữa, việc giãi ão, việc công khai hóa đời sống tinh thần, việc dũng cảm từ bỏ đời sống quá khứ... tất cả đang là những gánh nặng mà người trí thức không thể nào lẩn trốn. (...)

Trong một bài thơ đã gây nhiều phản ứng sôi nổi, Nguyễn Duy biểu lộ một thái độ khinh miệt tận cùng về việc xây dựng thần tượng mà ông coi như chẳng khác gì xào nấu các món ăn, trong bài thơ tựa đề “Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc”:

Thần tượng giã xèo xèo phi hành mỡ
Ợ lên thum thủm cả tim gan

Và, ông cũng biểu lộ sự hoài nghi về thiện chí đổi mới của Ðảng qua sự hoài nghi về chính bản chất của Ðảng:

Ðổi mới thật chăng hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?

Những gì xẩy ra vài năm sau đó chứng tỏ sự hoài nghi của Nguyễn Duy quả thật có cơ sở. Ðến khoảng cuối năm 1989, phong trào Văn Nghệ Phản Kháng bắt đầu gặp phản ứng mạnh từ phía
cầm quyền và từ phía một số văn nghệ sĩ thuộc cấp lãnh đạo chính trị, kể cả một số người lúc đầu có cảm tình với phong trào này. Ðảng bắt đầu thắt chặt sự kiểm soát của họ về xuất bản và đẩy những phần tử “nguy hiểm” ra khỏi các chức vụ quan trọng trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Ðáng kể nhất là việc cách chức Nguyên Ngọc khỏi chức vụ Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ vào tháng 12 năm 1989. Vì tình trạng chính trị trên thế giới vào thời điểm này đã đổi khác, phản ứng của đảng CSVN khôn ngoan hơn, không tàn bạo trên mặt nổi giống như cách họ áp dụng với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm vào 1958 và sau đó, thế nhưng nó vẫn hữu hiệu. Ðến cuối năm 1990, phong trào này mất hẳn khí thế của nó. Thêm vào đó, những đổi thay về kinh tế trên đất nước Việt Nam cũng đồng thời làm mờ đi ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội và con người. Ngày nay, thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện một số tác phẩm mang nội dung phản kháng, như trường hợp truyện ngắn “Linh Nghiệm”. Thế nhưng, cái phản kháng trong văn chương chúng ta đã thấy như một phong trào lớn mạnh vào thời điểm từ 1986 đến 1989, thật sự không còn nữa.

Giờ đây, nhìn lại, chúng ta thấy thành công đáng kể nhất của họ là sự can đảm nhìn thẳng vào mình, vào những công trình của chính mình, và kích động niềm đam mê của người cầm viết được sống thật, viết thật với điều mình tin, điều mình thấy. Thế nhưng nếu sự vùng dậy của văn chương vào thời kỳ đó có một số điểm mạnh về các vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, và con người thì về mặt văn nghệ, phong trào đó còn rất nhiều hạn chế. Ngoài Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, không có nhiều nỗ lực lớn để làm mới văn học nghệ thuật trên căn bản nghệ thuật thuần túy. Và, cái điểm đáng chê trách nhất đối với phong trào này, là với con số gần 80 người làm nghệ thuật có tài năng, họ vẫn còn giới hạn cái nhìn của họ về một đất nước như thể vẫn còn bị chia đôi như trước 75. Trong tác phẩm của họ, người đọc rất khó tìm thấy hình ảnh của những con người ở phần đất phía Nam. Càng rất khó tìm thấy những hình ảnh trung thực, ngoại trừ trong “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh. Và, những đau đớn, những nghiệt ngã của người dân Việt Nam mà họ cảm nhận được để mang vào tác phẩm, cũng chỉ là những đau đớn, những nghiệt ngã của người dân Việt Nam ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Cho đến nay, hai mươi năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, hiện tượng này vẫn không thay đổi bao nhiêu. Dầu sao đi nữa, chỉ riêng về phương diện can đảm của người cầm bút chống lại những áp lực của người cầm quyền, những bất công trong xã hội mà họ sống, thì quả thật, chúng ta phải dành cho họ một sự kính trọng đặc biệt, và phải dành cho họ một nhận diện và đánh giá công bình.

Nếu phong trào Văn Nghệ Phản Kháng ở miền Bắc làm cho ta liên tưởng, một cách đơn giản, đến tương quan giữa Ngòi Bút và Bạo Quyền, thì trên một nghĩa nào đó, Bạo Quyền đã thắng. Có thể nó chỉ thắng tạm thời, và không có mấy ai nói trước được những gì sẽ thực sự xẩy ra trên quê hương trong những ngày tới. Thế nhưng, có tạm thời hay không thì điều đó tùy thuộc rất nhiều vào cái cách mà thế hệ chúng ta, ở cả trong lẫn ngoài nước, và những thế hệ mai sau đương đầu với nó. Trong sự đương đầu đó đóng góp của người Việt ở hải ngoại có thể không nhỏ, với điều kiện là chúng ta chịu nhìn lại một cách thẳng thắn về những gì chúng ta đang có ở hải ngoại, để đương đầu với Bạo Quyền hay Bạo Lực nói chung, để thắng Bạo Lực. Nhìn lại những gì xẩy ra vào thời kỳ Văn Nghệ Phản Kháng, nhận diện, đánh giá, khen chê... là những điều nên làm. Tuy nhiên, những điều này sẽ chẳng có nghĩa lý gì hơn là một nghiên cứu trí thức, nếu chúng ta không nhìn lại chính mình để biết mình muốn gì và đâu là khả năng thật sự của mình. Phải nhìn một cách thẳng thắn, không phải nhìn một cách phải đạo, có nghĩa là không phải nhìn bằng cái cách mà mười lăm năm trước đây ở trong nước, dưới Bạo Lực,
Nguyễn Minh Châu đã lên tiếng đề nghị mọi người nên chôn nó đi, bởi vì nó hủy hoại nghệ thuật, hủy hoại cái phần trí thức của con người, và dĩ nhiên nó sẽ làm cho đời sống thiếu hẳn chất lượng.

Ngòi Bút và Bạo Lực là hai thứ không thể cùng sống chung với nhau mà không làm biến thái hoặc triệt tiêu nhau. Ngòi Bút thật mạnh thì Bạo Lực triệt tiêu, Ngòi Bút mạnh vừa phải thì Bạo Lực chỉ biến thái và ngược lai.

Nói về tương quan giữa Ngòi Bút và Bạo Lực, cái mà chúng ta đang có ở hải ngoại là cái gì? Về một phương diện nào đó, chúng ta cách xa quê hương nên không bị chi phối bởi Bạo Lực theo cái cách mà đồng bào chúng ta trong nước phải chịu. Chúng ta tự do hơn, chúng ta an toàn hơn. Nhưng đồng thời, về một phương diện khác, do ảnh hưởng của thời đại bùng nổ truyền thông, do liên hệ tình cảm cố hữu của người Việt với quê hương, do những đi lại thường xuyên giữa hải ngoại và trong nước (180 ngàn người Việt ở hải ngoại về thăm đất nước trong năm 1994), trên một nghĩa nào đó, cộng đồng Việt Nam hải ngoại rất gần với quê hương. Ảnh hưởng của cộng đồng để tạo nên những đổi thay trên quê hương không thể nào nhỏ được, dù là ảnh hưởng cộng hay ảnh hưởng trừ, tôi muốn nói, ảnh hưởng tốt hay ảnh hưởng xấu. Thế nhưng trí nhớ của người Việt cũng quá tốt và do đó, cái ám ảnh từ kinh nghiệm chua chát, xót xa, nghiệt ngã và những mất mát liên quan đến biến cố 75 không phai nhạt trên các sinh hoạt của ngòi bút. Cho nên, hai mươi năm qua, dù thật sự tâm tình của người Việt đã thay đổi
như thế nào, dù đại bộ phận của dân tộc là những người chỉ đã trưởng thành sau 75, dù thế giới đã đổi thay như thế nào, chúng ta vẫn có khuynh hướng nhìn những tranh chấp trên quê hương nó đơn giản như cả thế giới chẳng có gì đổi thay cả. Và rồi qua ngòi bút, qua báo chí, qua sách vở, qua tuyên ngôn, qua thông cáo, chúng ta tiếp tục tạo nên những hận thù giả tạo giữa chính chúng ta với những tranh chấp rất thật ở chính nơi đây, tưởng chừng như chúng ta còn sống trong cái không gian cũ, vào cái thời gian mà chúng la còn đang lao đao, vùng vẫy, chống cự, quay cuồng trong khuôn khổ một cuộc nội chiến, với máu đổ hằng ngày, với một lằn ranh bạn thù rõ nét, song song với lằn ranh lớn của một thế giới lưỡng cực trong Chiến Tranh Lạnh. Ngày nay, thế giới lưỡng cực chỉ còn là đề tài của những nhà viết sử, nhưng chỉ riêng một sự kiện “trong số mười người cầm bút bị sát hại trên nước Mỹ, năm người thuộc cộng đồng Việt Nam hải ngoại”* cũng phải khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái tương quan giữa Ngòi Bút với Bạo Lực ở chính nơi đây. Ở đây thật sự chúng ta có Tự Do. Bạo Lực thật ra ở rất xa, nhưng cái ám ảnh về Bạo Lực đã khiến chúng ta kéo nó lại gần, không giết được nó, chng ta giết lẫn nhau, chúng ta hành hạ lẫn nhau, chúng ta chụp nón cối cho nhau. Không khéo, chính chúng ta, chớ không ai khác, chẳng phải Bạo Quyền hay Bạo Lực nào cả, sẽ làm mất cái Tự Do mà chúng ta theo đuổi cả cuộc đời và cuối cùng có được với một giá đắt vô cùng.

Ngòi Bút và Bạo Lực! Nếu Ngòi Bút đủ mạnh để làm thăng hoa cuộc đời thì Bạo Lực tự nó sẽ đi ra khỏi cuộc đời. “Mạnh” ở đây không phải với cái nghĩa “trong thơ có thép  mà với cái nghĩa có nghệ thuật, có sáng tạo, có sức thu hút, có thuyết phục, có tình người... Sức mạnh của Ngòi Bút chúng ta ở hải ngoại như thế nào? Về lượng chắc là nhiều lắm. Về phẩm, văn chương của chúng ta có mới không, nội dung của nó có chứa đựng được những bức xúc, những trăn trở, những khúc mắc, những suy tư của thời đại chúng ta, có khai mở cái thẩm mỹ, cái tầm nhìn về tương lai cho chính chúng ta và những thế hệ sau này? Hay, có phải đa số sách vở của chúng ta cũng chỉ là những lặp lại, bằng những sự kiện khác nhau, theo cái lối phải đạo, minh họa của chúng ta, mặc dầu nó có thể khác với cái lối phải đạo, minh họa của văn chương trong nước? Trong điều kiện phức tạp, khó khăn như hiện nay, văn học và nghệ thuật Việt Nam hải ngoại đã luôn có những nổ lực vượt bực. Tuy nhiên, khi nghĩ đến văn học nghệ thuật, chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn, những mức đến xa và không nên tự hài lòng với một so sánh nào đó. Những vấn đề này cần luôn được thảo luận thẳng thắn, trong tinh thần xây dựng.

Điều trình bày trên liên quan đến người viết. Trước khi dứt lời, tôi xin nói đôi điều liên quan đến người đọc. Ở hải ngoại, sống hết lòng với văn chương khó lắm. Người đọc cũng nên dành cho những nhà văn chân chính một sự cảm thông tối thiểu. Văn chương thuần túy nhắm đến những cái thật cao đẹp, nhưng người viết văn vẫn có những đòi hỏi, những nhu cầu rất bình thường, hay tầm thường. Người viết cần độc giả cũng như ca sĩ cần thính giả. Văn chương hay đòi hỏi người đọc sách nghiêm chỉnh, ngược lại, người đọc sách nghiêm chỉnh đòi hỏi văn chương phải hay, phải mới. Nhưng để được vậy, người đọc phải có chút nỗ lực mới tìm được từ trong đống sách vở ngổn ngang những gì gọi là văn chương. Thêm vào đó, người đọc cũng nên giúp cho các sinh hoạt văn học nghệ thuật được khích lệ, được sinh động hơn, bằng những yểm trợ rất nhỏ nhoi, rất tầm thường, như bỏ tiền ra mua sách. Hiện thời, tiền ở hải ngoại không thiếu nhưng tiền để mua sách thì không nhiều.

Khi nói về Ngòi Bút và Bạo Quyền, hay Bạo Lực, điều mà tôi nghĩ đến và mong rằng chúng ta sẽ không để cho xẩy ra ở hải ngoại, lại là một tình trạng mà trước đây ở trong nước Nguyên Ngọc có nói đến. Ðó là: một thái độ thờ ơ, mệt mỏi trước sách vở. Tôi muốn nói: sách vở của văn học nghệ thuật Việt Nam. Thái độ đó, thưa quý vị, có khả năng bẻ  gãy Ngòi Bút còn mạnh hơn cả Bạo Lực.

Trương Vũ
Maryland, tháng 4 năm 1995


*Trong vòng 11 năm, từ 1981 dến 1992, có 10 ký giả bị ám sát tại Hoa Kỳ, tất cả đều thuộc các cộng đồng thiểu số. Trong số này, có năm người Việt Nam (Dương Trọng Lâm, 1981; Nguyễn Đạm Phong, 1982; Phạm Văn Tập, 1987; Đỗ Trọng Nhân, 1989; Lê Triết, 1990), một người Do Thái (Alan Berg, 1984), một người Đài Loan (Henry Liu, 1984), hai người Haiiti (Jean-Claude Olivier, 1991; Fritz d'Or, 1991), và một người Colombia (Manuel de Dios Unanue, 1992).



No comments:

Post a Comment