Cam
Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Asian teapot and daffodils. Source: Internet
1
Tôi ngỡ ngàng. Đứa con trai đẩy chiếc xe
lăn tới trước mặt tôi. Dù con đã nói trước, cũng như bác sĩ đã nói trước, rằng
từ nay tôi phải sử dụng xe lăn, tôi vẫn cảm thấy mình choáng váng khi nhìn thấy
nó. Người bạn của tôi từ nay về
sau là đây ư? Tôi như người bước hụt chân trong giấc mơ.
“Ba, con đỡ Ba ngồi vô nghen!”
Như là nghe một thứ tiếng lạ nào. Tuy vậy,
tôi vẫn rướn người đứng dậy. Không thể. Đôi chân tôi đã yếu quá rồi! Tôi đành để
con trai đỡ tôi ngồi vào xe lăn. Thì cũng như một chiếc ghế dựa thôi mà! Còn êm
ái nữa là khác! Hãy làm quen với nó!
Thật khó khăn. Tôi tự an ủi trong ý
nghĩ rằng nào phải mình chưa biết mùi ngồi xe lăn. Đôi ba lần trong đời nhà
binh, bị thương, nằm bệnh viện, ngồi xe lăn, chờ vết thương lành hẳn. Mới đây
thôi, những lần đi máy bay, ngồi xe lăn cho nhân viên phi trường đẩy đi cho mau
vì mình không còn là trai trẻ. Vậy có khác gì? Rồi tôi giật mình. Khác chứ!
Khác rất nhiều. Những trường hợp kia là tạm thời, vì sau đó tôi vẫn đứng lên được,
đi đứng bình thường. Nhưng lần này là mãi mãi. Ôi Trời Phật ơi! Đôi chân tội
nghiệp của tôi đã không buồn cử động. Đúng ra là có, nhưng rất ít, rất yếu,
không đủ để tôi đứng dậy, không đủ để tôi nâng bước. Tôi đã chịu thua. Bây giờ
có tập vật lý trị liệu cũng chỉ để làm dáng cho vui. Tôi phải chấp nhận.
Và đó là cảm giác của tôi trong ngày đầu…
Bây giờ thì tôi bước sang một trạng
thái khác. Tôi không còn thấy xa lạ với chiếc xe lăn. Nhưng cảm giác không giống
như cảm giác đối với cái “walker”. Lúc trước, với cái “walker”, tôi hy vọng rằng
có ngày chân tôi khỏe lại, tôi sẽ nói lời từ giã nó. Còn bây giờ, tôi thấy chua
chát. Dù muốn hay không, tôi đành phải “gắn bó” với người bạn này.
Bỗng nhiên tôi muốn co rút lại, giống
như một đứa bé thích chui vào một tấm chăn để đừng ai thấy mình và mình cũng chẳng
thấy ai.
Nhà có hai tầng. Tôi chọn rút về tầng
hầm. Không chọn cũng không được, vì từ cửa sau của tầng hầm có đường dốc thoai
thoải, tiện lợi để đẩy xe lăn. Còn nếu đi ra bằng cửa trước thì chỉ có các bậc
tam cấp, khó khăn hơn. Tôi thích cái không gian yên tĩnh này. Một đôi lần có họp
mặt bà con ở tầng trên, con trai phải bồng bế tôi lên. Những lúc đó tôi la hét
vì chịu cái cảm giác đau đớn như xé hai chân. Là bởi vì tôi đã ráng lết đi. Tôi
tưởng mình có thể lên được những bậc thang. Nhưng không có phép lạ. Thật hết chịu
nổi! Tôi muốn khóc.
Sau những buổi như vậy tôi trở nên cáu
kỉnh hơn. Tôi ngồi hàng giờ nhìn đôi chân. Chân tôi vẫn còn cảm giác, vẫn có thể
cử động. Nhưng chúng đã vô dụng. Tôi không còn sức. Tôi muốn ngủ một giấc thật
dài để đừng nghĩ ngợi, để quên hết mọi chuyện.
Nhưng sao lúc này tôi lại sáng suốt
không ngờ. Tôi lặng nhìn ra khoảng không, thấy như hai cánh cổng của một khu vườn
mở ra, chan hòa ánh nắng…
Ngày mùa xuân thật ấm. Tôi được về
phép. Cả nhà như rộn ràng hẳn lên. Tôi dẫn vợ con đi chợ Tết. Tôi không dám nhắc
đến trận mạc mình mới từ đó trở về. Nó như không có thật. Ở đó là máu lửa, là
chết chóc. Còn ở thành phố này, trái ngược hẳn, là một chốn bình yên. Có chăng
là những đêm vắng nghe tiếng đại bác xa xa vọng về không đủ làm trẻ nhỏ giật
mình. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là thực tế của cuộc đời chúng tôi. Đó cũng
là lý do để chúng tôi cầm súng ra trận.
Tôi đã từng là một người lính.
Rồi cái khu vườn mùa xuân đó bỗng tối
sầm lại. Tiếng hai cánh cổng rít lên rồi đóng rầm nhức óc. Tất cả chỉ còn là một
vùng đen lặng thinh.
2
“Mình ngủ quên hồi nào? Để tôi đưa
mình vào giường.”
Tôi nằm mơ nữa chăng? Gương mặt này
quen thuộc quá, thân yêu quá! Vậy mà đã có một thời gian tôi không nhận ra, dễ
cũng mất mấy tháng trời, sau cái trận gọi là “tai biến” đó. Tôi không nhớ một
ai, đến khi tưởng là nhớ được thì lại nhầm lẫn lung tung. Có khi tôi nói lộn
tên mấy đứa con, chúng được dịp cười bò lăn. Chúng cười là muốn làm cho tôi vui
thôi. Chúng tôi nói năng một cách khôi hài với nhau. Tôi nhớ nhớ quên quên, ý tứ lộn xộn như
trong một mớ chỉ rối. Vậy mà tôi đã tập được. Bác sĩ bảo con trai giúp tôi tập.
Con trai thường gợi ý cho tôi nhớ lại chuyện xưa. Nó hầu như “ra lệnh” cho tôi.
Và tôi tuân theo nó như tuân lệnh một cấp chỉ huy. Ấy thế mà tôi đã phá được
cái vùng đen lặng thinh. Tôi nhìn thấy tôi trong những khu trại gồm những căn
nhà lụp xụp. Đi đâu cũng có người canh gác. Chúng tôi làm việc trên những khu rẫy
trồng khoai sắn. Tôi nhìn thấy tôi những khi bụng đói chân run. Tôi nhìn thấy
tôi đang nghe những bài thuyết giảng xoáy sâu nhức óc. Có khi tôi ôm lấy đầu
như đang sống thực trong khoảng thời gian đó. Con trai bảo tôi kể đi, kể cho
trí nhớ phục hồi. Tôi kể. Có lúc tôi bật khóc. Tôi như kẻ đang bị tra tấn. Tôi
nghe đau đớn trong từng tế bào não… Nhưng khi cơn đau qua đi, tôi thấy tôi đã
khá hơn.
Và tôi không còn nhầm lẫn nữa. Nhất là
với người này, vợ tôi.
Tôi
hỏi:
“Con đâu?”
“Nó còn ngồi máy trên nhà. Để tôi đỡ
mình.”
“Không, phải gọi con thôi! Mình không
đỡ tôi nổi đâu!”
“Tôi làm được mà!”
“Mình cũng như tôi, xấp xỉ tám mươi rồi,
không phải thanh niên nữa.”
Đôi
mắt kia bỗng long lanh giọt lệ. Vợ tôi vẫn nhu mì, đa cảm như thế đó. Ôi, tôi ước
gì chúng tôi được trẻ lại để có thể tay trong tay chạy băng qua những cánh đồng
đầy hoa cỏ mùa xuân…
Gần sáng, tôi thức dậy. Chiếc ghế sofa
đặt thẳng góc với giường tôi trống trơn. Có tiếng tụng kinh văng vẳng từ nhà
trên vọng xuống. Tôi không rõ từ lúc nào vợ tôi đã chăm chỉ kinh kệ mỗi ngày.
Điều này trở nên quen thuộc đến nỗi tôi không thắc mắc. Tôi tự trả lời rằng có
lẽ là từ ngày tôi bị “stroke” vợ tôi đã cầu khấn Ơn Trên ban sự bình an cho
tôi. Bà ấy đã chẳng bao giờ kể lể.
Tôi ngồi dậy, đưa tay định bấm vào cái
nút gắn ở đầu giường như thường lệ. Con trai sẽ nghe tiếng chuông và chạy xuống
đỡ tôi vào xe, giúp tôi vào nhà tắm. Nhưng tôi ngừng lại. Tôi tự bảo hãy thử
làm một mình. Tôi nắm một tay lên tay vịn của chiếc xe, tay còn lại chống lên
giường. Tôi chỉ có thể cử động phần trên. Lấy hết sức lực, tôi như quăng mình
lên đệm xe. Chiếc xe lắc mạnh, và Trời ơi, nó… không ngã. Tôi nghe đau buốt hai
chân. Nhưng một cảm giác chiến thắng òa đến. Tôi vui lắm! Và tôi dùng hai bàn
tay lăn bánh xe đi khắp phòng. Tôi bắt đầu dọn dẹp những vật dụng trên bàn,
trong tủ, nơi nào tôi có thể vói đến. Đồ đạc trong phòng khá nhiều, con trai bảo
có nhiều đồ đạc thì căn phòng sẽ ấm hơn. Nhưng bề bộn, lôi thôi quá! Tôi phải sắp xếp
lại cho đúng ý. Đây rồi, những khung ảnh của ngày xưa, thời niên thiếu, thời tuổi
trẻ của tôi. Những hình ảnh khi tôi đã qua đây, chụp cùng các chiến hữu trong
những buổi họp mặt. Giờ đây kẻ còn người mất. Tôi nao lòng. Nhớ quá, đồng đội
ơi!
Và đây rồi! Mấy quyển sách nhạc. Tôi
mở ra. Từ lúc nào tôi đã không hát lại những bản nhạc này. Một thời gian trí nhớ
như mù sương khiến tôi quên bẵng chúng. Tôi lẩm nhẩm hát lại. Và rồi không cần
nhìn vào trang sách nữa, tôi hát như từ trong tim. Tôi nhắm nghiền đôi mắt, hát
say sưa.
3
Sắp bước sang xuân, trời ấm dần. Con
trai thường đưa tôi “đi phơi nắng”. Bác sĩ bảo người già cũng như em bé, cần có
ánh nắng. Trừ những lúc đẩy xe lăn cho tôi được thưởng thức cái không khí
thoáng mát trên đường hay trong công viên, còn một nơi con trai cũng thích đưa
tôi đến: tiệm cà phê Starbucks. Chúng tôi không vào bên trong mà chọn ngồi phía
ngoài. Tôi ngồi phơi nắng và thưởng thức ly cà phê nóng hổi. Hai cha con yên lặng
nhìn người qua kẻ lại.
Có một lúc tôi thôi nhìn thiên hạ, mà
nhìn qua con trai. Tôi se lòng khi chợt thấy vài sợi tóc bạc trên đầu của con.
Con trai mình không còn trẻ nữa! Nó là con trai đầu lòng. Các em đã có gia đình,
có con cái. Con trai cả vẫn ở độc thân. Nhiều lần chúng tôi bảo nó lấy vợ đi,
nó cự nự.
Bỗng dưng tôi thốt lên:
“ Con nè, ai đó đã nói rằng trong một
gia đình đông con thì thế nào cũng có một đứa ở vậy chăm sóc cha mẹ già. Điều
đó Ba đã thấy đúng ở một số gia đình của bạn bè và… cả gia đình của mình nữa.
Có phải đó là một sự thiệt thòi cho đứa con ấy không?”
Con trai cười thành tiếng:
“ Ba lại sắp “ca bài con cá” với con nữa?
Khi nào con gặp được người vừa ý thì con sẽ hối Ba Mẹ chạy không kịp đó!”
“Ba cũng mong như vậy. Thời nay cha mẹ
đâu có phải lo nhiều, các con đủ sức lo cho mình. Ba chỉ thấy con hy sinh cho
Ba nhiều quá! Con vừa phải đi làm, vừa lo chăm sóc Ba…”
“Con thấy vui mà ba!”
Hai cha con cùng im lặng. Tôi nghĩ thà cứ
ngô nghê như hồi mới bị bệnh mà hay. Càng phục hồi trí nhớ, càng hiểu về những
việc xung quanh, càng thấy khổ tâm.
Trên lề đường trước tiệm cà phê, có vài
người già chống gậy đi ngang. Họ cũng có cái thú đi uống cà phê buổi sáng. Tôi
nhìn lại mình và chiếc xe lăn, không nén được tiếng thở dài. Con trai chợt nắm
chặt bàn tay tôi, nói vội:
“Ba, Ba uống cà phê đi kẻo thành cà phê
đá.”
“Ừ, để Ba uống. Trời lạnh…”
Tôi không muốn giấu giếm cảm xúc của mình
lâu. Tôi nói như trút nỗi niềm với con:
“ Con muốn Ba đừng ái ngại cho con, thì
Ba cũng muốn con đừng lo âu cho Ba. Thật sự thì có những lúc Ba xuống tinh thần
lắm. Ba bị trầm cảm con à! Cho đến cái ngày Ba tình cờ nhìn thấy quyển sách con
để trong tủ, lúc Ba lục đục sắp xếp, dọn dẹp vào sáng sớm. Ba thấy lạ, quyển
sách này Ba chưa hề thấy bao giờ. Ba tưởng mình quên, nên Ba giở ra. Là quyển
sách do Sullenberger viết…”
Con trai hoảng hốt:
“Ba đã đọc?”
“Phải, Ba đã đọc, “Highest Duty: My
Search for What Really Matters,” tâm sự của người phi công anh hùng trên dòng
sông Hudson. Sully cứu được mạng sống của cả trăm con người nhưng rất đau khổ
vì ngày xưa đã không cứu được cha mình. Ba biết con đã đọc kỹ quyển sách này,
Ba hiểu tâm trạng của con. Con hãy nhớ một điều: cái ý chí muốn sống phải là do
chính người ấy quyết định. Cha của Sully đã không muốn sống…”
Thốt được bấy nhiêu lời, tôi nghe lạnh cả
người. Đôi mắt con trai đỏ lên. Thằng bé từ nhỏ đến lớn hầu như chẳng bao giờ
khóc. Nó là đứa kiên cường nhất nhà. Khi tôi khăn gói vào trại tù cộng sản thì
nó là đứa khăn gói lên vai buôn bán tảo tần cùng mẹ lo cho đàn em. Không, con
ơi, Ba thề sẽ không bao giờ để lại cho con một gánh nặng tâm hồn như Sully.
Nét mặt của con trai như giãn ra. Nó có
vẻ thoải mái. Dường như nó đã dẹp được một tảng đá đè nặng trong lòng.
Bỗng nhiên tôi muốn ca hát. Mấy hôm nay
tôi nhớ lại khá nhiều bài nhạc ngày xưa tôi vẫn thường hát. Tôi tưởng tượng những
buổi văn nghệ trong trại lính sau ngày hành quân. Ôi sao mà thuở đó mình hát
như thuộc lòng. Bây giờ có những đoạn tôi nhớ không nổi. Con trai nói sẽ tìm
trong internet và in ra cho tôi hát. Tôi bảo tôi sẽ nhắc nó… nếu nó quên.
Tôi cất tiếng hát một bản ruột. Bản “
Tâm Sự Người Lính Trẻ.” Tôi nhắm mắt lại. Hình như khi nhắm mắt người ta sẽ chú
tâm nhiều hơn, nhớ nhiều hơn, và cũng lắng nghe nhiều hơn. Tôi lắng nghe tiếng
lòng của mình. Tôi biết có một anh bạn, sau khi bị “stroke”, nói năng lắp bắp
không rõ lời, nhưng khi hát lại rất trôi chảy. Bác sĩ bảo hãy cứ hát. Âm nhạc
là một phương thuốc quý giá. Dần dần trí nhớ của anh phục hồi được một phần, mà
nói năng cũng rõ ràng hơn.
Tôi để tiếng lòng mình lan tỏa. Tôi hát
không cần đàn, không cần có bản nhạc trước mặt. Hát xong một bài, tôi cười vang
sung sướng rồi bắt qua một bài khác. Hình như có vài người khách vừa uống cà
phê vừa lắng nghe. Tôi như bắt được một nhịp thông cảm. Một lát, có một người
phụ nữ da trắng từ trong tiệm đi ra, đứng lại bên tôi và lắng nghe. Khi tôi dứt
bài hát, bà nói:
“Ông hát hay quá! Tôi thích giọng hát của
ông,”
“Cám ơn bà.”
Người phụ nữ ngập ngừng:
“Cha tôi cũng đã từng hát như thế, trước
tiệm cà phê này...”
“Cha của bà…?”
“Vâng. Cha của tôi đã qua đời cách nay
vài năm. Ông vốn rất thích hát. Khi giải ngũ trở về ông đã mất hết cả hai chân.
Nhưng ông sống rất lạc quan. Ông thích ngồi ngay chỗ này để phơi nắng, uống cà
phê, ngắm người qua kẻ lại. Và ông hát cho mọi người nghe… “Where Have All The
Flowers Gone?” và nhiều bài nhạc thời chiến tranh. Cha tôi đã từng là một người
lính.”
“Cám ơn bà đã chia sẻ câu chuyện. Tôi,
tôi cũng đã từng là một người lính.”
“Thế ư? Thật hay quá!”
“Cám ơn bà.”
“Ông có biết không, những người đến uống
cà phê ở tiệm này sẽ thưởng thức những bài hát của ông, dù có thể họ không hiểu
lời bài hát. Nhưng ông hát như một cách đem mùa xuân đến cho họ. Biết đâu trong
số đó cũng có những người như tôi. Họ sẽ cảm thấy được an ủi. Tôi cám ơn ông
nhiều lắm!”
Và
như thế, tôi đã trở thành người “ca sĩ” thường xuyên mỗi cuối tuần trước tiệm
cà phê Starbucks này.
Cam
Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Xuân Đinh Dậu 2017
No comments:
Post a Comment