Nguyễn
Quang Chơn
Yên Tử
Trời
Cali chợt nắng chợt mưa. Hôm nay, sau một weekend dài, các con cũng đã đi làm.
Căn nhà thênh thang lặng lẽ, và mưa, nhặt khoan từng hồi, lạnh...
Đọc
lại tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các tác phẩm của người. Cảm kích làm
sao về một con người tài đức vẹn toàn, trí tâm siêu việt. TNT là một vị vua anh
minh. Một nhà thơ, nhà văn hoá. Khi làm vua ông răn dạy những điều tốt đẹp cho
dân. Khi nước biến ông uy nghi điều binh khiển tướng, dẹp giặc yên dân. Khi xã
tắc an bình, ông xa lánh bụi trần tu theo pháp Phật, thành một trưởng lão của một
thiền phái đầy bản sắc Việt Nam...
Đọc
ông giữa trời xa xứ. Lòng cảm khái u hoài. Và hãnh diện tự hào mình là con dân
Việt...
Mưa
ngoài trời đã tạnh. Lòng mang mang nhớ bè bạn quê hương. Chợt nhớ và liên tưởng
đến một người. Một ông anh. Một bác sĩ. Vốn đã nổi tiếng. Hiện đang nổi tiếng.
Và bỗng cười vui. Cười khi nhớ những lần gặp anh. Đọc anh. Nghe thiên hạ nói về
anh, liên tưởng đến Điều Ngự Giác Hoàng. Anh là Đỗ Hồng Ngọc. Cười vì mình liên
tưởng lạ lùng. Nhà vua TNT là thái tử Trần Khâm. Ngài sinh ra và lớn lên trên
nhung lụa, được dạy dỗ văn thơ hội hoạ, thập bát ban võ nghệ. ĐHN thì thuở nhỏ
đã lên chùa nương náu. Vất vả gian nan tìm cái chữ. Trần Khâm thì thoắt cái lên
ngôi báu. ĐHN là Đỗ Nghê thì cày bừa vất vả để lấy cái tiến sĩ y khoa. Rồi cuộc
đời trôi đi. Trần Nhân Tông thì làm vua trị vì thiên hạ, rồi hai lần đánh đuổi
bọn Nguyên Mông, rồi bỏ ngôi vua thành thái thượng hoàng, rồi lên Yên tử tu hành
thành đức Giác Hoàng Điều Ngự. ĐHN thì thành ông bác sĩ cộng đồng, ông GĐ trung
tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, học Phật, viết văn, làm thơ, vẽ sketch...
Cười, mình cười tủm tỉm cho sự liên tưởng nhưng thật ra đâu có chi sai!...
Xin
thưa. Các anh chị, ai đã từng vào bệnh viện mới thấy bác sĩ oai phong lắm, đặc
biệt là trong phòng mổ. BS như một vị tướng. Các y sĩ, y tá, các bác sĩ phụ mổ
nhất nhất theo lệnh ông, hiểu ý ông. Ông giơ tay là đưa pince. Ông xoè tay là
đưa kéo, đưa dao, đưa kim chỉ... Ông cứu người trị bịnh, ra toa thuốc, sai một
chút là tàn một đời, ví như "đau bụng phục nhân sâm, tắc tử". Có khác
chi ông tướng, vị vua đánh giặc. Tướng chỉ một lần bố trận nhầm, bài binh sai,
là mất nước. Trong cuộc xâm lấn của Bắc phương, TNT đã hai lần đánh thắng quân
Nguyên. Trên cương vị trưởng khoa cấp cứu nhi, ĐHN đã bao lần cứu sống những
sinh linh bé bỏng???
TNT
làm thơ khi còn là thái tử. ĐHN mới thực tập bác sĩ đã nổi danh với "thư
cho bé sơ sinh" khuyên bé yên tâm lạc bước vào đời. TNT đánh giặc Nguyên
xong thoái vị giao quyền cho Anh Tông, tu học và dạy dân làm việc thiện. ĐHN
làm trưởng khoa một thời gian thì đi làm giáo dục y tế cộng đồng, rồi GĐ trung
tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, khuyên người phòng bệnh hơn chữa bệnh. TNT
tìm lên Yên Tử nghiên cứu Phật pháp, lập Trúc Lâm thiền hành, khuyên mọi người
"...gia trung hữu bảo hưu tầm mích, đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền...".
ĐHN thì đến với Tâm Kinh, đến Kim Cang, đến với Duy Ma Cật sở thuyết kinh, rồi
cũng đến với thiền, hướng dẫn bạn bè "thả lỏng toàn thân, thả lỏng
chưa?". TNT thì đi hoằng hoá chúng sinh. ĐHN thì viết sách...cà tửng
và...nói chuyện..."tào lao" giúp đời người tâm thân an lạc. Sách ĐHN
in đâu bán đấy, người người yêu mến, tự nguyện làm fan, ĐHN đăng đàn thì già trẻ
gái trai vui vẻ lắng nghe, có kẻ tà đạo NQC cố tình phá đám cũng đành phải bất
lực chịu thua! Cũng như thiền phái Trúc Lâm của Đầu Đà Điều Ngự đã qui tụ thống
nhất cả ba trường phái thiền lúc đó làm một...
Vậy
đó. Nghĩ cho cùng. Ở Cali nghe mưa đọc Trần Nhân Tông mà nghĩ về Đỗ Hồng Ngọc.
Nào có khác chi lên Yên Tử nghe tiếng kinh mà nhớ về Mũi Né qua giọng hát Thu
Vàng, rồi man man "đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với
tôi..." (TCS)
Rồi
thả lỏng. Rồi vui!...
NGUYỄN
QUANG CHƠN
San Jose, CA, 21.02.17
Thân kính tặng anh
ĐHN, anh Lữ Quỳnh
* ĐHN đọc và complain
quá trời mà kệ. Đây là suy nghĩ của cá nhân.
No comments:
Post a Comment