Friday, February 10, 2017

CHUYỆN THƠ


Hồ Đình Nghiêm

Tranh Chèo của Bùi Xuân Phái

Hôm qua, bữa kia hay hôm nay, ở cố hương có tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Chẳng rõ ngày ấy có in vào lịch kiểu như 14 tháng 2 là Valentine’s Day? Chắc không đâu nhỉ, bởi xem chừng giới cầm bút vẫn lục đục chả có mấy ai “nhất trí” thuận lòng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Hà Nội) từng nhận định, một cách vô thưởng vô phạt: “Đối với đời sống cơm áo gạo tiền thì thơ ca hoàn toàn vô dụng. Nhưng khi một con người hoang mang không biết họ là ai nữa và không biết phải làm gì thì thơ ca chân chính bước đến và đưa cho họ một chiếc chìa khoá”.

Nhà văn Nguyễn Viện (Sài Gòn) vừa đưa lên facebook hai câu:

“Hôm nay mừng Hội Ngày Thơ
Chị em phụ nữ mang lờ t(r)ẩy hôi” / Chú thích hai chữ cuối là ‘trẩy hội”.

Cũng ở Sài Gòn, cũng nhờ facebook, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết: “Không gì bôi nhọ quá chính xác nhân cách một người bằng cách gọi đấy là NHÀ THƠ”.

Cách phát biểu của ông Đỗ Trung Quân nghe “bức xúc” quá. Có lẽ vì từng nghe ông Bảo Sinh (Hà Nội) phán:

“Ai cũng làm được nhà thơ
Ai cũng có thể “sù cơ” của mình”.

Lôi thôi thật! Và lạ kỳ làm sao khi nhìn thấy phóng ảnh chụp lại trang vở của một em học sinh trung học cơ sở nào đấy. Đề bài: Em hãy viết lại bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Điểm cô cho là 1. Và ô ghi lời phê của giáo viên thì bỏ trống. Sau đây là nguyên văn của trò ấy (viết mực xanh, chữ nắn nót rõ ràng):

“Bước tới đèo Ngang bỗng mất đà
Đập đầu vô đá, máu tung ra
Lom khom dưới núi, tìm y tá
Y tá theo trai, đéo có nhà
Thiếu máu đau đầu, em sắp chết
Khắc lên bia mộ hai dòng chữ
Bước tới đèo Ngang phải lấy đà”.

Trò này chẳng biết có bà con xa láng giềng gần với trò Phạm Quốc Đạt? Đạt học lớp 11 chuyên Toán từng viết một cái đơn xin phép “ăn chơi không sợ mưa rơi”:

“Gửi ban giám hiệu trường ta
Cùng cô chủ nhiệm chính là cô Nhung

Hôm nay em viết đơn này
Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương
Em tuy vẫn nhớ lớp trường
Nhưng mà sức khoẻ khó lường mới nguy
Suốt đêm em sốt ly bì
Trán nay nóng hổi yếu suy quá chừng
Việc học chắc phải tạm ngừng
Để còn điều trị kẻo chừng thăng thiên
Bài ghi em sẽ chép liền
Em xin lỗi đã làm phiền thầy cô!”

Cả hai học sinh trên sẽ đứng về phía đông để thuận lòng cho luận cứ: Dân tộc ta hầu như ai cũng đều chứa máu thi sĩ trong người. Đúng hoặc sai thì nó cũng tựa ánh sáng cuối đường hầm. Phải dò dẫm đi mới biết độ bền của sức chịu đựng, nói theo Nguyễn Quang Thiều, phải “hoang mang, không biết là ai, phải làm gì thì thơ chân chính mới đến trao tay chiếc chìa khoá”. Hãy đốt lên một cây diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Trong vô vàn đốm sáng tôi chợt nhìn ra lung linh một ánh lửa: Hoàng Nhuận Cầm. Tôi đọc thơ anh khá muộn, những năm trước, khi blog Quê Choa còn nhiều sức sống, có đăng bài thơ “Vô Cùng” và cái tên Hoàng Nhuận Cầm đã đi ngay vào trí nhớ tôi:

“tất cả chúng ta thật lòng nói dối
tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi
tất cả chúng ta căn nhà chật chội
giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi

tất cả chúng ta đều bị theo dõi
tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
tất cả chúng ta như bầy chó đói
ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi

tất cả chúng ta đều không vô tội
mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi”.

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, anh là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Bài thơ “Vô Cùng” như một quyến rũ ban đầu, tôi tìm thêm những bài khác và hôm nay xin chép lại ba (3) bài mà tôi yêu của một nhà thơ từng là bộ đội tham chiến ở cổ thành Quảng Trị mùa tang tóc 1972. Để thấy “gà cùng một mẹ” đã có tiếng “gáy” khác nhau giữa rạch ròi Bắc-Nam. Tôi tin, với những gì Hoàng Nhuận Cầm trải lòng, hẳn anh sẽ có chỗ đứng tách biệt với cái gọi là “ngày hội thơ”.

TÍNH NHẨM

21 tuổi hồn nhiên như vậy đó
3 bài thơ nhân với 7 hẹn hò
khi rượu cạn, hoa tàn, tim tắt nến
thỏi son hồng ra ngõ đứng co ro.

SÔNG THƯƠNG TÓC DÀI

mai đành xa sông Thương, thật thương
muôn kiếp tình thương anh gửi lại
sông ơi sông, sao sông trôi chảy mãi
Hạ chưa về, nhưng nắng đã Côn Sơn

mai đành xa sông Thương, thật thương
mắt nhớ một người, nước in một bóng
mây trôi một chiều, chin kêu một giọng
anh một mình náo động, một mình anh.

VIÊN XÚC XẮC MÙA THU

tình yêu đến trong đời không báo động
trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ
viên xúc xắc mùa thu trong cỏ
mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng

anh đi qua những thành phố bọc vàng
những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ
qua ánh nắng bảy màu, qua ngọn đèn hạt đỗ
qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh

anh đi qua những đôi mắt lặng thinh
những đôi mắt nhìn anh như họng súng
anh đi qua tổ chim non mới dựng
qua tro tàn thành quách mấy triệu năm

anh đi qua tất cả mối tình câm
mối tình nói, rồi mối tình bỏ dở
đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ
đất nước đau buồn chưa hết, Mỵ Châu ơi!

lông ngỗng bay như số phận giữa trời
Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ
vệt lông ngỗng con đường tình trắng xoá
có ai hay thăm thẳm giếng không cùng

nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng
khi mở mắt Mỵ Châu
em ngồi đó
toa thứ ba ôm cặp ai nức nở
suốt đời anh mang tội với con tàu

sẽ tan đi những thành phố bảy màu
đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ
những giọt mực thứ ba
em ơi không thể lỡ
xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi

giọt mực em thong thả đến trong đời
không giấu được trong lòng tay nhỏ bé
viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé
sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.

Cám ơn Hoàng Nhuận Cầm. Thơ anh giàu có những hình ảnh đẹp. Cái đẹp khởi đi từ nỗi buồn sâu lắng, sầu khổ như một tự nguyện mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi. Phải mồ côi, phải viết một tờ đơn xin phép nghỉ học, như vậy khi lỡ qua đèo Ngang sẽ không bị đập đầu vô đá, máu tung ra. Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, điều đó chưa hẳn là cả một sự tuyệt vọng, bởi vì thiếu bóng tối, bạn chẳng tài nào trông thấy những vì sao.

Dante từng nói: “Par l’amour qui meut le soleil et les autres étoiles”. Tình yêu trong cụm chữ này chỉ có nhà thơ chân chính mới thông tình đạt lý. Saint-Valentin thì nên ghi vào lịch nhắc nhở. Ngày hội nhà thơ thì nên để cho mấy ông quen “sù cơ” sum vầy tán chuyện với nhau!

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment