Tuesday, February 28, 2017

6 BÀI THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU VIẾT VỀ MÙA XUÂN TRÍCH TRONG THANH HIÊN THI TẬP [清軒詩集]


Nguyễn Lương Vỵ phỏng dịch thơ Việt


Trăng nguyên tiêu



Phiên âm:

QUỲNH HẢI NGUYÊN TIÊU

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên.

Dịch nghĩa:

RẰM THÁNG GIÊNG Ở QUỲNH HẢI

Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời,
Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi.
Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui Xuân,
Đêm nay ở đất Quỳnh Châu ngoài vạn dặm [thấy trăng tròn].
Còn ta thì ở quê hương Hồng Lĩnh, không còn nhà cửa, anh em ly tán,
Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau.
Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, còn gặp được [ánh trăng đến thăm],
Đã ba mươi rồi, vẫn còn lưu lạc ở nơi chân trời góc biển.

Chú thích:

. Nguyên tiêu [元宵]: Gọi tắt của "nguyên tiêu tiết" [], đêm rằm tháng Giêng, dân gian Trung Quốc rước đèn, ăn bánh, múa sư tử, chơi trò câu đối. Cũng gọi là "đăng tiết" [], "thượng nguyên tiết" [].
. Thuyền quyên []: Nét đẹp đẽ dễ thương. Nói chung tả về người lẫn vật, nhưng thường nói riêng về phụ nữ. Ở đây chỉ mặt trăng.
. Hồng Lĩnh []:Tên một ngọn núi ở Nghệ Tĩnh.
. Quỳnh Châu [] : Tức Quỳnh Hải, thuộc trấn Sơn Nam xưa, nay là huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ của Nguyễn Du. Năm 1786, sau khi Nguyễn Khản thất lộc, Nguyễn Du lánh nạn về Quỳnh Côi ở nhà anh vợ là Đoàn Nguyên Tuấn ở xã Hải An (lúc này Lê Chiêu Thống chưa chạy sang Trung Quốc).
. Tam thập niên []: Câu này có ng
ười cắt nghĩa là: "Ở nơi góc biển chân trời ba chục năm." Giải nghĩa như thế e không đúng, vì Nguyễn Du lúc đến Quỳnh Châu lánh nạn, tuổi đời mới trên hai mươi (sinh năm 1765, đậu tam trường năm 1784, chạy giặc năm 1786 và lênh đênh nơi quê vợ trên dưới 10 năm). Như vậy, "tam thập niên" hàm nghĩa là ba chục tuổi mới hợp lý.

Phỏng dịch thơ Việt:

RẰM THÁNG GIÊNG Ở QUỲNH HẢI

Nguyên tiêu, sân vắng, trăng đầy trời
Rằm xưa, vẫn còn đẹp rạng ngời
Nhà ai hương sắc Xuân thơm ngát
Đêm ở Quỳnh Châu nguyệt thắm tươi
Hồng Lĩnh không nhà ly tán hết
Bạc đầu càng hận tháng năm trôi
Cùng đường, trăng vẫn còn soi tỏ
Ba chục, trông lên cảm tạ đời.



Phiên âm:

XUÂN NHẬT NGẪU HỨNG

Hoạn khí kinh thì hộ bất khai,
Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.
Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,
Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?
Nam phố thương tâm khan lục thảo,
Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai.
Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu,
Đấu tửu song cam túy bất hồi.

Dịch nghĩa:

NGẪU HỨNG NGÀY XUÂN

Bấy lâu nay khí trời xấu, không mở cửa,
Dùng dằng hết mùa lạnh lại đến mùa nóng.
Chốn tha hương, phải từ biệt người năm cũ,
Chẳng hay Xuân từ đâu đến Quỳnh Hải,
Đau lòng nhìn bãi cỏ xanh bên bờ Nam,
Chúa Xuân để lộ sinh ý trên cánh hoa mai lạnh.
Có ông già hàng xóm, đi về phía miếu đầu thôn,
Uống hết bầu rượu, ăn hai trái cam, đang say, không thấy trở về.

Chú thích:

. Thuân tuần []: Dùng dằng, do dự, lưỡng lự, rụt rè.

Phỏng dịch thơ Việt:

NGẪU HỨNG NGÀY XUÂN

Bấy nay thời tiết xấu, then cài
Dùng dằng nóng lạnh chốn trần ai
Tha hương, từ biệt người năm cũ
Quỳnh Hải, hỏi thăm Xuân dặm dài
Đau lòng cỏ biếc bờ Nam gọi
Sinh ý mai vàng cánh gió lay
Lão ông hàng xóm đi về miếu
Rượu cam hết sạch thỏa cơn say.

3.


Phiên âm:

XUÂN DẠ

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long giang thủy,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).

Dịch nghĩa:

ĐÊM XUÂN

Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?
Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.
Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,
Cuộc đời có khác gì vẻ Xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.
Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.
Ở đó, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng lòng sông Long giang
Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ.

Chú thích:

. Long giang []: Tức sông Lam, ở Nghệ Tĩnh. Sông Lam còn có tên là Thanh Long giang.

Phỏng dịch thơ Việt:

ĐÊM XUÂN

Đêm đen Xuân đến biết tìm đâu
Bóng liễu bên song chạnh nỗi sầu
Dừng bước giang hồ, thân ủ bệnh
Xót đời mưa gió, mệnh chìm sâu
Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau
Nam Đài tiếng sóng Long giang gọi
Kim cổ lạnh tràn đưa tiễn nhau.



Phiên âm:

MỘ XUÂN MẠN HỨNG

Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật,
Phao trịch xuân quang thù khả liên.
Phù thế công danh khan điểu quá,
Nhàn đình tiết tự đới oanh thiên.
Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại,
Thiên tuế trường ưu vị tử tiền.
Phù lợi vinh danh chung nhất tán,
Hà như cập tảo học thần tiên ?

Dịch nghĩa:

CHIỀU XUÂN CẢM HỨNG

Một năm có chín mươi ngày xuân,
Để cho cảnh xuân trôi qua, thật đáng tiếc!
Công danh ở đời như cánh chim bay vút qua,
Trước sân vắng, thời tiết cũng theo chim oanh mà thay đổi.
Tấm thân không thể thoát ra khỏi vòng hữu hình,
Chưa chết, cứ lo mãi chuyện nghìn năm.
Danh lợi hão huyền cuối cùng tiêu tan hết,
Sao bằng hãy sớm theo đạo thần tiên!

Phỏng dịch thơ Việt:

CHIỀU XUÂN CẢM HỨNG

Chín mươi ngày, một năm xuân sắc
Cảnh trôi qua, đáng tiếc lắm thay
Công danh hão, chim bay cao vút
Sân trước im, oanh hót hao gầy
Thân hữu hạn, vô minh nào biết
Đời vô thường, sống chết khôn khuây!
Tham luyến một đời tiêu tán hết
Vui Đạo thần tiên thế mới hay.



Phiên âm:

THANH MINH NGẪU HỨNG

Đông phong trú dạ động giang thành,
Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh
Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,
Mạc giao mao thảo cận giai sinh.

Dịch nghĩa:

NGẪU HỨNG TRONG TIẾT THANH MINH

Gió đông thổi qua giang thành bên sông suốt ngày đêm.
Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.
Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa,
Ở góc trời, không có rượu uống trong tiết thanh minh.
Câu hát thôn dã giúp ta hiểu được tiếng nói của kẻ trồng gai, trồng dâu.
Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.
Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,
Chớ nên để cỏ tranh mọc gần thêm!

Chú thích:

. Giang thành []: Có thể là một địa danh nào đó mà Nguyễn Du thường nhắc đến trong thơ mình.
. Chiến phạt thanh []: Dấu tích chiến tranh giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn.
. Mạc giao mao thảo cận giai sinh [](Chớ nên để cỏ tranh mọc gần thêm): Ngụ ý câu thơ nầy, tác giả tự nhủ mình không nên gần gũi đám quần thần nhà Nguyễn, dẫu mình đã miễn cưỡng ra làm quan.

Phỏng dịch thơ Việt:

NGẪU HỨNG TRONG TIẾT THANH MINH

Đêm đông gió thổi buốt giang thành
Người vẫn sầu bi, cỏ vẫn xanh
Ngày Xuân, tuổi trẻ không buồn nhắc
Góc trời, vắng rượu tiết thanh minh
Thôn ca, thấm đượm tình dân dã
Ai khóc, u trầm thuở chiến chinh
Khách lữ ngậm sầu khôn xiết kể
Chớ có mong gì đám cỏ tranh.



Phiên âm:

XUÂN TIÊU LỮ THỨ

Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần,
Ám lý thiên kinh vật hậu tân.
Trì thảo vị lan thiên lý mộng,
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân.
Anh hùng tâm sự hoang trì sính,
Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần.
Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo,
Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân.

Dịch nghĩa:

ĐÊM XUÂN LỮ THỨ

Mái tóc bạc phơ, cứ phải phong trần mãi,
Thấy thời tiết, cảnh vật đổi thay, lòng riêng những kinh sợ.
Ngoài nghìn dặm chưa tan giấc mộng "cỏ bờ ao",
Trước sân, cây mai lại qua một mùa xuân nữa.
Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,
Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười.
Người thì tiều tụy, nhưng xuân vẫn chứ đẹp,
Đứng dưới Đoàn Thành, nước mắt đẫm khăn.

Chú thích:

. Trì thảo [] : Lấy từ câu thơ: "Trì đương sinh xuân thảo" (Bờ ao sinh cỏ Xuân). Vào đời Tấn bên Tàu, Tạ Huệ Liên là em họ nhà thơ Tạ Linh Vận, mười tuổi đã biết làm thơ. Linh Vận thường khen ngợi và nói với Huệ Liên: "Thế nào làm thơ cũng tìm được câu thơ hay." Một hôm, Linh Vận ngồi ở bờ ao làm thơ, không nghĩ ra câu nào, về nhà nằm ngũ, chiêm bao thấy Huệ Liên, bỗng viết được câu thơ trên, lấy làm đắc ý. Câu thơ ngụ ý nhớ anh em ở nhà.
. Đoàn Thành []: Tức tỉnh thành Lạng Sơn. Có sách nói sở dĩ thành nầy có tên như vậy vì góc Tây Bắc của thành hình vòng tròn. Bài nầy Nguyễn Du làm từ mùa Xuân năm Giáp Tý (1805) khi nhà thơ đi đón sứ thần nhà Thanh. Nguyễn Du lên Lạng Sơn vào mùa Đông năm Quý Hợi (1804)  nên mới có câu: "Đình mai dĩ hoán nhất niên Xuân" (Trước sân, cây mai lại qua một mùa Xuân nữa).

Phỏng dịch thơ Việt:

ĐÊM XUÂN LỮ THỨ

Trắng phau mái tóc mãi phong trần
Đời vần xoay, kinh hãi phù vân
Cỏ biếc chưa tan ngàn nẻo mộng
Mai vàng đã nở một mùa xuân
Tâm sự anh hùng không nhắc nữa
Khóc cười danh lợi hãy quên dần
Thân dẫu già nua, Xuân vẫn đẹp
Đứng đưới Đoàn Thành, lệ ướt khăn.
NLV

_____________

Nguồn: Trích từ sách THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU, NXB Văn Học & Công ty sách Thời Đại, 2012 (in lại theo bản 1965). Có tham khảo thêm sách NGUYỄN DU TOÀN TẬP, NXB Văn Học, 2015.