Đỗ
Hồng Ngọc
DucPhatThichCa
Có
người cắt tóc lên núi cao tìm cõi Phật. Có người khoác áo nâu sồng vào rừng sâu
tìm cõi Phật. Có người xây chùa to, dựng tượng, đúc chuông lớn tìm cõi Phật...
nhưng cõi Phật làm gì có trên núi cao, trong rừng sâu, trong chùa lớn?
Khi
được hỏi cõi Phật ở đâu? Phật trả lời “Các loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ
tát” (chúng sinh chi loại thị Bồ-tát Phật độ). Thì ra vậy. Thì ra cõi Phật của
Bồ tát không ở đâu xa. Ở nơi các loài chúng sanh thôi. Quanh ta và trong ta
thôi. Đó là những chúng sanh muôn hình vạn trạng, nheo nhóc, khổ đau, chằng chịt,
quấn quít, xà quần sáu nẻo luân hồi bay nhảy không ngừng sáng trưa chiều tối,
kiếp này kiếp khác, quần quật không an. Bồ-tát chỉ cần “thành tựu” chúng sanh
đó, tức thì cõi Phật hiện ra ngay. Không phải tìm kiếm đâu xa. Nhưng thật không
dễ. Chúng sanh ngoan cường, cứng cỏi, lì lợm ở cõi Ta-bà này không dễ mà hàng
phục, không dễ mà trụ lại một chỗ an vui. Nhưng cũng chính nơi cõi Ta-bà đầy
gian khó này mới cần có Bồ-tát, và ngược lại, cũng là nơi Bồ-tát hoàn thiện
chính mình. Không có chúng sanh cũng chẳng cần Bồ-tát! Cho nên khi Bồ-tát
“thành tựu chúng sanh” thì chúng sanh cũng “thành tựu Bồ-tát” vậy.
Ý
dẫn các pháp. Nhất thiết duy tâm tạo (mọi thứ do tâm tạo ra). Tâm tịnh thì Phật
độ tịnh. Tìm kiếm đâu xa. Hãy quay về nương tựa chính mình. Phật đã chẳng
khuyên như vậy từ khởi thủy sao? Cớ sao ta cứ mãi loay hoay, mãi chạy vạy, mãi
tìm kiếm đâu đâu? Mấy ngàn năm trước, đệ tử giải Không hạng nhất của Phật đặt câu hỏi: “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng
phục kỳ tâm?” (An trụ tâm cách nào? hàng phục tâm cách nào?). Phật nói dễ lắm,
dễ lắm, chỉ cần “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (đừng có trụ cái tâm vào đâu cả!)
là xong. Nhưng đâu có dễ mà “vô trụ”. Ta hết trụ thứ này thì trụ thứ kia, hết
trụ người này thì trụ người khác, chỉ quên… trụ vào chính mình. Nghĩa là… trụ
vào cái không của chính mình. Phải. Khi Bồ tát Quán tự tại (tức Quán Thế
Âm) hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa một cách thâm sâu thì bỗng bừng ngộ thấy rõ
ngũ uẩn đều không: “chiếu kiến ngũ uẩn
giai không”, tức khắc “độ nhất thiết khổ ách” nghĩa là đưa tất cả khổ đau ách nạn
đi chỗ khác, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh và như thế cõi Phật đã hiện tiền!
Từ đó mà đã có thể “từ nhãn thị chúng sanh”, nhìn chúng sanh với con mắt đầy
yêu thương, thấu cảm, bởi cõi Phật đó ai cũng sẵn có, chỉ vì không thấy biết mà
“luân hồi sanh tử” mải miết đó thôi!
Buổi
mai hôm đó, Phật vừa rời khỏi tịnh thất sau ba tháng an cư kiết hạ, đưa mắt
nhìn các đệ tử mình nghiêm trang tu tập, người ngồi dưới gốc cây, người ngồi
trên tảng đá, tất cả đều tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, tất cả đều sống một đời
sống đạm bạc, kham nhẫn, tri túc đúng như lời Phật dạy, ngài rất hài lòng. Đa số
các vị này đã là A-la-hán, đã tròn đầy phạm hạnh, đã đặt gánh nặng xuống và đã…
vô sinh, không trở lại cõi Ta-bà ô trược này nữa. Một số vị Bồ-tát lớn thì đang
rày đây mai đó, bươn chãi nơi này nơi kia, thuyết giảng cho chúng sanh con đường
giải thoát còn số Bồ-tát nhỏ mới tu thì đang quét lá, dọn dẹp chỗ trú sau mùa
mưa bão.
Nơi
Phật an cư kiết hạ mùa này không xa thành Tỳ-da-ly dưới kia, một thành phố lớn,
một đô thị giàu có, dân cư đông đúc, nơi chúng sanh người thì nheo nhóc lặn ngụp
trong bao nỗi lo toan, sợ hãi, ốm đau, già nua bệnh hoạn…, người thì trọc
phú huênh hoang, nứt đố đổ vách, lặn ngụp
trong cảnh xa hoa, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, bên cạnh là các vương
tôn công tử áo gấm quần hoa ăn chơi trác táng, tửu điếm trà đình, và rất nhiều
thanh lâu sang trọng với những cô kỹ nữ khuynh thành đón người cửa trước rước
người cửa sau và rượu, và thuốc gây nghiện tràn lan; bên cạnh đó là những bậc
trí giả ngày đêm tranh luận không ngừng về những triết thuyết cao siêu huyền
bí, giải thích mọi hiện tượng của vũ trụ và loài người, ai cũng cho mình đúng
nhất hay nhất. Nơi thành Tỳ-da-ly đó không ít kẻ vì tranh ngôi đoạt vị mà tay
không ngần ngại nhúng máu nhúng chàm, gây oán chuốc thù, chiếm đất giành dân
không ngớt…
Thành
Tỳ-da-ly rực rỡ ánh đèn dưới kia khiến Phật thấy đã đến lúc phải thay đổi cách
tiếp cận mới mong giải thoát được chúng sinh. Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị
Bồ-tát đạo cao đức trọng đã xuất gia theo Phật bấy nay đang tĩnh tọa xung quanh
Phật bây giờ lại có thể tiếp cận được với các bậc vương tôn công tử, với các
quan chức, với các nhà buôn dưới kia? Làm sao mà các vị A-la-hán, các vị Bồ-tát
đạo cao đức trọng đã xuất gia theo Phật bấy nay tiếp cận được với các cô nàng kỹ
nữ nhan sắc kiêu kỳ ở các thanh lâu trà đình tửu điếm dưới kia? Làm sao mà các
vị A-la-hán, các vị Bồ-tát đạo cao đức trọng lại có thể vào tận các ổ mại dâm,
động ma túy sa đọa dưới kia để thuyết giảng lời Phật? Nhớ lại có lần một đệ tử
đi khất thực suýt nữa thì rơi vào tay một kỹ nữ, Phật không khỏi băn khoăn. Ai
đây có thể tiếp cận được? Cách nào đây có thể tiếp cận được? Ai đây sẵn lòng
xâm nhập vào chốn bùn nhơ mà đủ năng lực giúp đỡ, hỗ trợ người khác vượt qua,
không chỉ với những lời khuyên suông, lý thuyết trên mây, cao ngạo và xa cách,
mà từ những thực tế của cuộc sống vì Phật đạo không xa cách thế gian, Phật đạo ở
ngay trong lòng thế gian. Làm sao cho những cánh sen xanh biếc mọc lên từ chốn
bùn nhơ?
Phật
là một nhà sư phạm tuyệt vời, thường dùng phương pháp giáo dục chủ động, dựa
vào đối tượng đích mà thuyết giảng, thế mà cũng có lúc hằng mấy ngàn thính
chúng đã bỏ đi vì không thể tin, không thể
hiểu được điều Phật dạy. Người ta không dễ tin có viên ngọc trong chéo
áo kẻ bần cùng, không thể tin Đề-bà-đạt-đa, một người phạm tội vô gián như thế
được Phật thọ ký thành Phật mai sau.
Cách
tốt nhất để tiếp cận ở đây là phương pháp “tiếp cận dựa vào cộng đồng” (Community-based
approach). Cộng đồng Tỳ-da-ly có những đặc thù của nó, phải tiếp cận dựa vào
nó, tự trong nó. Không thể đưa các vị A-la-hán đạo cao đức trọng, phạm hạnh
tròn đầy, đến thuyết phục được các bậc vương tôn công tử, doanh nhân thành đạt,
các cô kỹ nữ lầu xanh... Không thể đưa các vị Bồ-tát trí huệ thâm sâu đến thuyết
phục các bậc vương tôn công tử, doanh nhân thành đạt, các cô kỹ nữ lầu xanh...
về nhất thiết duy tâm, vô thường vô ngã, thực tướng vô tướng…! Phải có người tại
chỗ. Phải từ bùn mà sen mọc lên. Có lần các vị Bồ-tát phương xa đến cõi Ta-bà
tình nguyện giúp Phật một tay, Phật từ chối và ngay lúc đó đã có vô số các Bồ-tát
“tùng điạ dũng xuất”, tại chỗ, từ đất vọt lên, sẵn sàng lãnh trách nhiệm.
Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng này đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng
đồng (community involvement), và có kỹ thuật học thích hợp (appropriate
technology)… mới thành công. Không có sự tham gia của cộng đồng, không sử dụng
kỹ thuật học thích hợp… thì các phương pháp dù hay cách mấy mà áp đặt, xa lạ,
cũng trở nên vô ích, thui chột vì không hợp “thổ ngơi”!
Đối
tượng đích (target population) lần này là năm trăm con nhà trưởng giả, trẻ tuổi,
vương tôn công tử, đại gia, doanh nhân, trí thức của thành Tỳ-da-ly. Tất cả họ
đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác) … nhưng chưa biết cách phải thực hành thế nào vì họ không thể xuất gia
như các vị Bồ-tát kia.
Vấn
đề là làm thế nào để các vị trưởng giả trẻ tuổi, doanh nhân, trí thức… này có
thể trở thành Bồ-tát ngay tại cộng đồng của họ mà không cần phải cắt tóc, đầu
tròn áo vuông của một vị sa môn?
Thực
ra buổi thuyết giảng đặc biệt hôm nay của Phật tại Vườn Xoài không chỉ dành cho
“đối tượng đích” nói trên mà chủ yếu còn dành cho tất cả các vị A-la-hán, Bồ-tát
cùng các đệ tử gần xa của Phật, để chính họ tự nhìn lại chính mình và cũng phải
tự thay đổi. Bởi thay đổi “cái nhìn” vốn là một sự thay đổi không hề dễ dàng!
Phật muốn giới thiệu một phương pháp tiếp cận mới, tiếp cận dựa vào cộng đồng
qua một “mô hình” Bồ-tát mới, “Bồ tát tại gia”, qua hình tượng một nhân vật kiệt
xuất Duy-ma-cật ở ngay trong thành Tỳ-Da-Ly vậy.
Cho
nên lần này đến Vườn Xoài của Am-ba-pa-li có đến tám ngàn Đại Tỳ-kheo, ba mươi
hai ngàn vị Bồ-tát, mười ngàn Phạm Thiên Vương, mười hai ngàn vị thiên đế, chư
thiên, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già,
thảy đều đến ngồi nơi pháp hội. Có đủ các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
“Trong thành Tỳ-da-ly
có một chàng con nhà trưởng giả, tên là Bảo Tích, cùng năm trăm chàng con nhà
trưởng giả khác, thảy đều cầm những lọng bảy báu, đến nơi Phật ngự, đầu và mặt làm lễ sát chân
Phật. Mỗi chàng đều đem lọng của mình mà cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến
cho các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất, che trùm cả thế giới tam
thiên đại thiên.”
Năm
trăm vị vương tôn công tử, trí thức, doanh nhân… của Tỳ-da-ly đến diện kiến Phật,
ai nấy đều trình bày cái hay cái giỏi của mình, cái “logo” với cờ xí oai hùng của
mình nhưng Phật đã tức khắc “khiến cho
các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất”. Bởi không có gì chia chẽ ở đây.
Bình đẳng tuyệt đối. Buổi thuyết giảng này là về một mô hình mới: Bồ-tát tại
gia Duy-ma-cật với Pháp môn Bất Nhị, Bất khả tư nghì!
Bảo Tích thưa: ”Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh tịnh độ của chư Bồ Tát.”
Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ-tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết.”
“Các
loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ-tát. Tại sao vậy? Bồ-tát tùy theo chỗ giáo
hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy
cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ
lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ-tát
mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ-tát giữ lấy cõi nước thanh tịnh là vì muốn
làm lợi ích cho chúng sinh. Nhưng nếu muốn
xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ-tát cũng vậy, vì muốn giúp cho
chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Việc nguyện giữ lấy
cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.”.
“Bảo Tích! Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng (trực
tâm) mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững (thâm tâm). Tùy lòng
sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng
như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy
chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh
được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh.
Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh. Tùy chỗ thuyết pháp thanh tịnh
mà trí huệ được thanh tịnh. Tùy trí huệ thanh tịnh mà tâm được thanh tịnh. Tùy
tâm được thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh. Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ-tát
muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt
cõi Phật thanh tịnh”.
“Muốn được
cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật
thanh tịnh”.
Cho
nên, cõi Phật đâu xa đó vậy!
Đỗ Hồng Ngọc
(4.2015)
No comments:
Post a Comment