Tuesday, June 23, 2015

BỐN ‘NHAN SẮC’ THƠ SÀI GÒN NÓI VỀ THƠ MÌNH VÀ THƠ THỜI CỦA MÌNH



Trần Lê Sơn Ý. Nguyệt Phạm
Song Phạm. Ngô Thị Hạnh

Những năm gần đây, ở Sài Gòn xuất hiện một loạt các nhà thơ nữ thế hệ 7x, 8x với một nhan sắc thơ, hơi thở thơ mới mẻ, hiện đại và không kém phần quyến rũ.
Đó là Nguyệt Phạm với "Mắt giấy", Song Phạm với "Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ", Trần Lê Sơn Ý  - "Cơn ngạt thở tình cờ", Ngô Thị Hạnh - "Rơi ngược".

Trước đó, nhiều gương mặt thơ nữ đã tạo nên nhan sắc thi ca của phương Nam suốt hơn 20 năm như Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Thanh Nguyên, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Hoàng Anh, Phạm Nguyễn Thường Đoan, Lê Tú Lệ, Ly Hoàng Ly…để lại cảm tình trong lòng người.

Về bốn "nhan sắc" thơ bây giờ, họ như một “tứ bình”, mang những nét riêng, có vẻ đẹp của sự tự tin bản thân, sự chững chạc của ngôn ngữ và ý tưởng, sự mới mẻ của phong cách thể hiện và cả một chút thách thức với những “niêm luật” truyền thống.

- Nguyệt Phạm: Thơ nữ trẻ thế thệ trước, đằm thắm, sâu sắc và rất nữ tính, nếu có nổi loạn thì câu chữ cũng rất kín đáo. Thơ nữ trẻ ngày nay có phần táo bạo hơn, trong thơ họ bề bộn những hình ảnh đời sống.
Tập thơ “Mắt giấy” của tôi phát hành hồi đầu năm nhìn chung được bạn thơ quan tâm, những người đã từng đọc tôi thì dành cho những lời khen và góp ý chân tình, còn những người lần đầu tiên tiếp xúc thì cảm thấy rất lạ nhưng vẫn thiện cảm. Nếu có người chê hoặc “đánh” thơ tôi thì đơn giản chỉ là họ và tôi không cùng “kênh” nên chưa thể hiểu và chia sẻ những điều tôi viết ra.

- Ngô Thị Hạnh: So với " Vang vọng" (2004), " Rơi ngược" vừa xuất bản đã có dư luận, tốt có, xấu có. Độc giả tri âm của tôi vẫn là sinh viên, họ đọc, bỏ công viết thư cho tôi và kể về những cuộc tình của họ, nhưng ước mơ của họ trong tình yêu. 
Vì thơ tôi chủ yếu viết về người phụ nữ, tâm trạng của họ khi hạnh phúc, khi khổ đau, họ đối với bạn bè và chồng con ra sao,… cho nên tôi được nhiều độc giả nữ yêu mến. Có nhiều người chê thơ tôi bi lụy, đúng, nếu nhìn theo góc đó. Tôi cũng sẽ “điều chỉnh” mình để thơ tôi ngày càng mang đến cho độc giả nhiều ý nghĩa trong cuộc sống hơn.
Tôi thích sự dịu dàng, trữ tình và da diết trong thơ Lê Thị Kim, P.N Thường Đoan. Tôi quý trọng cách khai thác hình ảnh của Thanh Nguyên và yêu mến sự dữ dội của người đàn bà trong thơ Phạm Thi Ngọc Liên.
Thế hệ tôi cần biết khai thác những điều cụ thể cho dù có hơi thực dụng một chút, tôi không thích những gì chung chung, nhợt nhạt. Cho nên, tôi nghĩ, thơ nữ thế hệ tôi có sức mạnh của riêng nó, ngay cả sự nổi khùng cũng có chủ đích, không phải nổi khùng chỉ phục vụ... sự nổi khùng (trong thơ).

- Song Phạm: Tập thơ của tôi in hồi năm ngoái, chủ yếu tặng bạn bè nhưng vui là cũng bán được một ít. Và suốt từ bấy đến nay, thi thoảng tôi vẫn nhận được những tin nhắn, ý tâm đắc về một bài, một đoạn, một câu, thậm chí chỉ một tứ nào đó trong cả tập thơ. Nói chung nhờ thơ, tôi đã tìm được khá nhiều “mảnh” Tử Kỳ. Đó là niềm vui lớn. 
Thơ nữ trẻ hôm nay có nhiều sắc thái, cung bậc, thậm chí nhiều tiếng “hét” riêng.
Thơ nữ (vẫn rất trẻ) thế hệ trước, tôi thích đọc các chị Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Thị Vàng Anh. Và không có ý kiến gì.

- Trần Lê Sơn Ý: Tôi nghĩ chuyện phát hành tập thơ, chắc chỉ như một viên cuội nhỏ làm xao mặt hồ một thóang, vậy đã là vui rồi. Tôi cũng không tin lắm về chuyện tri âm. Một chút đồng cảm, với tôi cũng là quá đủ. Còn chuyện chê hay “đánh”, thành thật mà nói, có ai tránh khỏi đâu! Chính xác thì tôi cũng bị nhiều người chê rồi, và chúng tôi gặp nhau vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng.

Bạn Văn
(Ghi theo Hoài Hương @ nguyenhuuhongminh.com)


No comments:

Post a Comment