Saturday, June 6, 2015

BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA, MỘT TẤM LÒNG



Kiệt Tấn        

         
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa

Trương Văn Dân & Kiệt Tấn

       *Đọc t.t. Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa của Trương Văn Dân

Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thau hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi
                                    Phạm Thiên Thư

Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.

Người đàn bà cúi đầu lủi thủi dưới mưa trời, lòng ướt dầm trĩu nặng. “Mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Tay trái dắt con, tay phải đưa lên che đầu. Nhưng bàn tay bé nhỏ của tôi không che nổi trời, những hạt mưa vẫn tưới xuống những sợi tóc ướt, xoắn thành lọn…nước nhỏ thành giọt lạnh xuống đôi vai”

Cuộc hôn nhân đầu đời gãy đổ, lòng thất vọng ê chề.

Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày

Nhưng ngọn lửa yêu đương trong lòng vẫn còn nhen nhúm, nàng lại đi tìm kiếm. Rồi lại gãy đổ. Lại não nề.

Tôi làm con gái
Bao nhiêu tuổi đầy
Bấy lần ngây dại
Buồn không ai hay

Hai cuộc hôn nhân, hai lần tan tác. Còn tin tưởng được gì ở cuộc đời này nữa chăng? Có còn đủ can đảm để mò mẫm đi tìm kiếm tình yêu nữa chăng? Những ý nghĩ chán chường, đen tối, không ngăn cản được lấn chiếm đầu óc nàng.

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét...

Và bàn tay nhỏ lại trở về, trở về như một ám ảnh không thể bứt rời.
            “Trong cuộc sống, tôi biết từ đây và mãi mãi về sau, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể giật nẩy mình về những cơn hồi tỉnh bất ngờ của ký ức, và tôi lại thấy bóng dáng người đàn bà mảnh mai, một tay dắt con đi dưới cơn mưa lất phất, bàn tay còn lại đưa lên che những giọt nước từ trời rơi xuống. Nhưng bàn tay quá bé nhỏ nên không sao ngăn nổi định mệnh của đất trời.”

            Và nàng buông thả mình, bập bềnh trong dòng đời, hồn tê dại, sống như để giản dị là có mặt đó. Tình yêu, món quà hằng mơ ước, đã vĩnh viễn trôi tuột khỏi tầm tay.

Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười...

Gấm, người đàn bà mảnh mai có bàn tay bé nhỏ, không che được mưa ướt, không ngăn được định mệnh của đất trời, đã gặp gỡ nhiều bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân khi bắt đầu chập chững bước vào đời. Nhưng ngay cả trước đó, từ trong gia đình, nàng cũng chẳng được cuộc đời nồng hậu gì cho lắm. Ba đi cải tạo hơn mười năm từ miền Bắc trở về, thể xác lẫn tinh thần tan tác. Chẳng bao lâu giã từ cuộc đời nghiệt ngã và đất nước bị chiến tranh tàn phá. Má xô đám con dại ra đường, hăm hở bỏ đi lấy chồng giàu để thụ hưởng một mình. Gấm đến ăn nhờ ở đậu bà con, bị nhục nhằn xỉ vả. Đến tuổi yêu đương, hôn nhân gãy đổ hai lần. Thì còn lòng dạ nào mà mơ ước tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

Ấy vậy, cũng bởi bàn tay bé nhỏ không che nổi định mệnh đất trời nên định mệnh đã ưu ái “giáng xuống” cho nàng môt món quà vô cùng tuyệt diệu và bất ngờ: một tình yêu kỳ diệu đến từ một người đàn ông kỳ diệu. (Truyện Bàn tay nhỏ dưới mưa được viết dưới dạng thức nhật ký của Gấm).

Lần gặp gỡ đầu tiên: “Và thật bất ngờ. Sau một hồi chuyện trò, chúng tôi khám phá cả hai đều có nhận thức giống nhau về cuộc đời và nghệ thuật / Kiến thức anh uyên bác, giọng anh sang sảng / Anh vô tư và tự nhiên / Một tình cảm nảy nở trong tôi từ sau vài lần gặp gỡ người đàn ông mới quen. Tôi chưa biết nhiều về anh. Chỉ biết anh là cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ ”

Giữa ngã ba đường tay hờ gối mỏi
Tôi cầu xin đời ban phép lạ tương lai

Nhưng Gấm không cầu xin mà phép lạ vẫn hiển linh. Chàng đã tới! Và, tuy “chưa biết nhiều về anh” nhưng tình yêu giữa hai người ý hợp tâm đồng cứ tự nhiên tới thôi. Làm sao mà cản cho nổi. Rồi mọi việc dồn dập đưa tới rất nhanh.

“Mới ba tháng quen anh mà tôi như người lột xác (lột là rất phải!) / Càng gặp anh tôi càng yêu hơn, bởi vì anh luôn phong độ. Luôn luôn tinh tế. Nhẹ nhàng. Và đầy trí tuệ. Anh là tất cả những gì tôi tìm kiếm.”
Gặp được “người trong mộng” thì nàng rất phấn chấn và rộng lượng. Có khen túi bụi “phò mã tốt áo” thì cũng là điều hết sức tự nhiên và cũng đâu có sao. “No star where!”. Yêu mà. Cứ khen tiếp thử xem, để coi có còn cái gì “le lói” hơn nữa chăng?
“Anh xem nghệ thuật là cái nuôi dưỡng tam hồn anh trong cuộc đời (nghệ thuật trên hết!) / Anh khuyên tôi đọc sách / Chính anh là người đã mở mắt cho tôi nhìn thấy trong con người còn có sự vĩ đại và đẹp đẽ trong khát vọng mưu cầu điều nhân ái và tốt lành”.

“Nửa đêm nằm thấy ông tiên / Đem cho chén thuốc mắt liền sáng ra!”. Đúng là phép màu trong truyện Lục Vân Tiên. Mở mắt rồi thì Gấm nhìn thấy được tình yêu rực rỡ thì cũng đâu có gì là lạ.
“Lúc yêu và được anh yêu những tế bào từ trong sâu thẳm bỗng dưng chuyển động, nhựa rạo rực trong thân, lá đâm chồi, nẩy lộc, rồi những cánh nhỏ như từ một thế giới vô hình nào đó lặng lẽ đơm hoa: Nó thầm lặng mà hương thơm ngào ngạt tỏa khắp đất trời”.
Điệu này là thơm tho nức mũi! Và ngứa ngáy khắp cả châu thân. Rồi thì dĩ nhiên, việc gì đến phải đến.
“Tích tắc, lớp vỏ băng giá rã tan, phơi lồ lộ một khối than hồng” (Úi chà! Nóng! Nóng!)
Vậy thì còn chờ gì nữa? Hãy thắp sáng lên ngọn nến tình yêu và khơi cao lửa hồng cho đời thêm rạng rỡ.

Ngọn nào đưa lối bình yên
Cho tôi vài giọt về trên tuổi trời

“Mây mưa mấy giọt chung tình”. Cụ Tiên Điền rất lấy làm thích thú! Một khi Gấm đã thắp nến hồng cho tình yêu rồi thì sá gì đêm dài bất tận. Và “đưa lối bình yên” làm sao nổi mà đưa?
“Dần dà, khi biết những bí ẩn cơ thể của nhau, con đường dẫn đến đỉnh cao cảm xúc ngắn dần, nên những lần đắm mình trong say mê tuyệt đỉnh càng dày”
“Thôi anh! Đừng anh!...chết em! ”. Trong tình yêu nóng sốt hừng hực thì nhục cảm là chất keo gắn liền hai thân thể đang lên cơn sốt, càng thắt chặt thêm sợi dây dâm luyến trần tục. Phải, rất là trần tục!
“Tôi ngắm nhìn nó hiền hòa và mềm mại, không hiểu sao mà khi tỉnh thức chỉ cần khẽ chạm là sinh lực cứ bừng lên, hối hả. Từ một khối mềm nó vụt cứng cáp, hăm hở trao nguồn sống dạt dào.” (Ấy, coi chừng nó…cắn!).
Các bà đã đỏ mặt chưa? Và che miệng rủa thầm: “ Cái anh chàng này…” “Cái ngủ mầy ngủ cho ngoan”… Thôi, ngủ ngoan đi nhé! Bởi một khi trót dại dột phá giấc ngủ và làm cho nó “tỉnh thức” rồi là nó sẽ “quậy” tới bến! Mệt! Mệt ngất ngư! “Thôi anh!...” Chịu hết nổi rồi anh!” …
“Tôi run lên, nhìn anh làm đứa bé tham lam háu đói. Hai núm vú như đông đặc khi anh đặt môi vào. Hai bầu vú tôi rạo rực căng tràn sức sống. Cảm giác trào dâng / Anh thường gọi phút giây cháy bỏng đó là hòa quyện… Và với tôi, làm bất kỳ cái gì với anh cũng đều là thiêng liêng hết.”

“Đều thiêng liêng hết? Thiệt vậy chăng? Kể cả…?” Cũng đâu có sao? Nghĩ thiêng liêng là nó thiêng liêng. Nghĩ trần tục thì nó trần tục. Nhưng không có chưn núi thì làm sao có đỉnh núi? Tuy nhiên, tự nó, núi vẫn chỉ là một. “Chưn / đỉnh” là do con người phân chia và bịa đặt. Tại trí tuệ con người nó thích vẽ vời đấy thôi. Thích đặt tên. Dán nhãn hiệu “thiêng liêng / trần tục”. Mọi sự tự nó, vốn là như vậy. “Hoa hòe, hoa sói” là để cho vui vậy mà. Khi yêu nhau hết mình thì mọi cử chỉ, mọi động tác, mọi mơn trớn đều là tự nhiên hết. Có lẽ tác giả định nói như vậy chăng? Chớ gặp điều “thiêng liêng” thì chỉ có nước sụp lạy chứ dám đâu ở đó mà “quậy!”. Bảo đảm “teo” là cái chắc!

Giờ đây đối với Gấm, bếp lửa tình yêu tỏa nóng khắp nơi, thắp sáng con tim khát khao, sưởi ấm chiếu chăn và ái ân cuồng nhiệt. Xa rồi vết tích của những lần đổ vỡ. Xa rồi ám ảnh của bàn tay bé nhỏ xòe ra lạnh buốt dưới mưa trời. Đã xa rồi, xa hết rồi cái thuở…

Thôi tình ái hãy về theo ảo mộng
Ta lỡ đi xa hết nửa đời rồi…
Không hiểu về đâu để cầu sám hối
Tôi đốt lỡ lầm theo với tuổi thanh xuân

     Nhưng giờ đây Gấm không còn “thiêu đốt lỡ lầm” nữa. Mà nàng bốc cháy trong tình yêu cứu độ và ái ân ngùn ngụt đến từ người đàn ông nàng rất ngưỡng mộ và hết dạ yêu chìu. Như một tín đồ phàm tục và hệ lụy. Rồi từ trên bục tình yêu đó mà vói tay nắm bắt hạnh phúc thì nó vừa khít tầm tay thôi – khỏi cần phải nhón gót.

Quan niệm hạnh phúc của Gấm được chàng bổ khuyết thường xuyên.

“Dần dà tôi hiểu hạnh phúc không phải là điều gì to lớn mà nó đến từ những điều đơn giản (Chỉ cần bốn mắt “nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời”) / Em biết không, hạnh phúc và bình an là hai điều mà ai cũng cần nhưng không phải ai cũng có. Để được hạnh phúc và bình an cần phải có một tâm hồn, biết chấp nhận cái mình có và thích nghi với điều chưa có. Có khi vì cái “tôi” quá lớn, trình độ càng cao, bi kịch càng khốc liệt. / Nếu giàu sang và quyền thế mà không có hạnh phúc thì giàu có và quyền thế để làm gì? ”

Phải, để làm cái khỉ mốc gì? Nếu quyền uy ngất ngưởng và tiền chất đầy kho mà vợ vẫn ngoại tình và con vẫn thi rớt đều đều thì chỉ có nước thắt họng. Há người xưa đã chẳng từng răn đe : “Tiền bạc không làm nên hạnh phúc” hay sao? Tuy nhiên,tưởng cũng cần cập nhựt và bổ túc: “Tiền bạc không làm nên hạnh phúc của những ai… không có tiền”. Giả dụ như đang bị nợ đòi mà mà bỗng dưng trúng số độc đắc (nhờ chó dắt!) thì gẫm ra cũng là đỡ khổ lắm lắm! Nhưng đó là chuyện bên lề, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Bởi lẽ trong giây phút này, Gấm đang nằm trong đám mây hồng, nhẹ hẩng, lâng lâng, bay hoài không chạm mặt đất.

“Tôi sung sướng lắm. Thế mà trong đêm khi giật mình thức giấc, mắt tôi bỗng rưng rưng. Tôi khóc. Tình yêu của anh làm tôi khao khát cuộc sống biết bao! Tôi muốn hét to cho mọi người biết là tôi đang hạnh phúc!”

“Ấy ấy! Xin quý vị vui lòng vặn nghe nhỏ bớt, để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi” : Rồi từ niềm sung sướng vô biên và khao khát sống vô độ, Gấm suy gẫm về hạnh phúc, về con người, về định mệnh đời mình.

“Nhưng định mệnh đã chọn tôi về nhà đúng vào phút giây lịch sử (để gặp gỡ chàng). Xin cảm ơn đời, vì chỉ một phút thôi đã làm thay đổi số phận của cả một đời người”.

Ôi, thiêng liêng thay khúc quanh lịch sử! Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, khi ngó lại, chắc ai cũng chiêm nghiệm ra những phút giây kỳ diệu, những duyên cớ nhỏ nhặt, chỉ một tình tiết bất ngờ, mà rồi cả đời mình hoàn toàn rẽ hẳn sang một ngõ khác. “Nếu như, nếu như…”.Phải, nếu như… Làm sao mà giải thích? Chỉ còn biết đổ thừa cho “định mệnh”. Nhưng nếu mạng số khiến xui hạnh ngộ thì sống chung lại không phải là điều dễ dàng chút nào.

“Tôi “ngộ” ra rằng chung sống, hạnh phúc chỉ bắt nguồn từ sự thích hợp. Thích hợp và chia sẻ là điều căn bản, nếu thiếu nó thì không có vẫn hơn”.

Nên hiểu là “thà đừng sống chung vẫn hơn”. Giây phút “ngộ” ra được chân lý này, chắc là đỉnh đầu Gấm phựt sáng rạng ngời (le lói!). Suy gẫm này không có gì mới lạ, nhưng nó vẫn đúng. Lại càng đúng hơn với Gấm và chàng giờ đây. Nhờ vậy, hai người đã đồng thuận, cùng nắm tay nhau mà vượt qua hết mọi chướng ngại.

“Trong thời gian chung sống, chúng tôi cùng cười trong khổ đau,khóc trong sung sướng,hay quằn quại trong nỗi đam mê tột cùng mà người ngoài cuộc không dễ gì hiểu được. Bởi yêu một lúc rất dễ,yêu trọn đời lại không dễ chút nào.”

Tưởng dễ ợt à? “Đừng có tưởng bở mà giỡn mặt!”. Ngã té dài dài và ly dị rụp rụp. Chứng cớ, Gấm đã ly dị hai lần. Và ngó quanh, thiên hạ đua nhau xé toẹt tờ giá thú đều đều, bất kể sang hèn, bất kể trình độ, bất kể cấp bằng, bất kể ngu muội hay thông minh! Kéo nhau ra tòa xé cái rột rồi là “bái bai!” “Anh đi đường anh, tui đường tui / Tình nghĩa đôi ta nó tối thui!” Chung đụng lâu dài với người tình, Gấm cũng “ngộ” (chóa lòa!) thêm rằng hạnh phúc nằm trong sự chấp nhận : Chấp nhận cuộc đời, chấp nhận kẻ khác, chấp nhận người mình yêu với tính tốt lẫn tật xấu của chàng. Như một anh bạn làm thơ đã khuyên nhủ :

“Khi đã chấp nhận chia sẻ với nhà văn, em phải chuẩn bị tâm lý vị tha, độ lượng và chịu đựng. Và cũng nên biết rằng chịu đựng một anh nhà văn thật khó. Tính khí của họ vừa người lớn, vừa trẻ con, có lúc họ cực kỳ tinh tế, cũng có lúc hồn nhiên đến vô tình.”

“Nhà văn” nói đây cũng có thể là chính tác giả: Trương Văn Dân! (Phải chăng?) Cho nên mới đi guốc trong bụng thiên hạ như vậy. Nhà văn càng “nhớn” thì khó khăn càng “nhớn”. Thêm nữa chàng lại còn hay “quậy” tơi bời. Thiệt là chịu đời không thấu! Ấy vậy mà Gấm chấp nhận được hết. “Thương nhau cởi áo cho nhau” (rồi tới gì nữa?) thì sá gì những cái “zở hơi” của nhà văn với lại nhà vẽ.

Một khi đã lụy vì chàng đứt đuôi con nòng nọc thì đôi lúc lại càng thấy những cái “zở hơi” của nhà văn vui vui và tràn ngập duyên ngầm. Chàng lại vốn có dòng máu “con nít” trong người nên chỉ cần “chìu anh tí”, rồi bỏ lên võng vừa lắc lắc vừa ru nhè nhẹ là xong ngay. Không tin cứ thử đi thì biết. Nhà văn TVD đã quá rành sáu câu! À, dặn hờ là nếu gặp nhà văn nhớn thì ru nhớn hơn một tí, còn nhà văn nhỏ thì chỉ cần ru khe khẽ thôi, cũng đủ, “À ơi..cái ngủ mày ngủ cho ngoan…”

Nhân nói về nhà văn, đây là quan niệm và cách viết của người tình của Gấm và cũng có thể là của chính tác giả (hết chối?).
“Đọc anh để thấy rằng giữa cuộc sống thật giả lẫn lộn hôm nay, đâu đó còn có những con người hồn nhiên, sống đơn giản, nhưng say mê đi tìm cái đẹp để viết những trang văn chứa đầy cảm xúc. Những trang viết của anh không sa đà vào cái tủn mủn, tung hô cá nhân hay ca tụng cái riêng tư không đại diện cho bất kỳ ai. Anh viết như dâng tặng tấm lòng mình cho người đọc, như chia sẻ tâm tư, như giải bày tâm sự hay mời gọi mọi người cùng suy ngẫm”.
Người đọc nhận ra phong cách viết này trong suốt tiểu thuyết BTNDM của TVD – ngoại trừ những trang phơi bày các “vấn nạn” thời sự. Điểm son cho môt ngòi bút có tấm lòng.

Cuộc chung sống giữa Gấm và người tình trôi qua đằm thắm. Rồi năm tháng qua mau, tiết thời thay đổi, trời đất chuyển mùa…
Và lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đầy niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần…

Và một lần nữa, bàn tay định mệnh lại đến gõ cửa trái tim nàng. Nhưng lần này để báo một tin dữ: Gấm bị ung thư !
“Bác sĩ bảo phải chụp X quang. Xét nghiệm sinh thiết: Ung thư phổi. Tình trạng không thể dùng phẩu thuật để cắt bỏ! / Dường như cánh cửa nhân sinh vừa khép. Như nắp quan tài vừa ập xuống. Cả thế giới tối sầm.”
Cánh dơi đen mun của định mệnh vừa úp chup xuống cuộc tình đang lên men nồng thắm. Gấm sẽ nhắm mắt, sẽ ra đi vĩnh viễn, bỏ lại người tình bên bờ tử sinh, bơ vơ một mình.
“Tôi vô cùng hoảng hốt / Toàn bộ thần kinh sẽ không còn hoạt động. Thể xác tôi sẽ biến thành một khối thịt xương vô cảm và thế giới hữu hình này sẽ vĩnh viễn khép lại/ Một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi khẽ rùng mình. Mình sắp phải chết ư?”
Trong cơn trốt của ung thư tàn độc và hốt hoảng cực cùng, đầu óc Gấm quay cuồng với những hình ảnh và ý định dầy đặc bụi mù:
“Linh tính cho tôi biết người đàn ông dù rất yêu tôi, nhưng cũng phải sợ hãi khi chạm phải hình thù móp méo. Cơn mê tình đã chấm dứt / Phải đi ngay, đi ngay! Thà chết dần chết mòn ở một xó xỉnh nào đó còn hơn để những người thân yêu phải sợ hãi / Ý nghĩ giải thoát ấy ám ảnh tôi suốt mấy ngày liền. Trong mấy ngày ròng rã ấy, không có ngày nào mà tôi không nghĩ tới chuyện quyên sinh”.

Nhưng chính trong những lúc chìm xuống tận cùng đáy tuyệt vọng, người ta bỗng chợt ngó lại đời mình, đặt câu hỏi về cuộc đời, về cái chết, về kiếp người, và tìm lời giải thích.
“Căn bệnh này là dấu mốc để mình nhìn lại mọi việc. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời / Hãy chấp nhân cả cái được, cái mất, và trân trọng những gì mình hiện có / Vì dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần hai kẻ yêu nhau cũng đủ làm nên kỳ diệu / Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí. Ý nghĩ đó làm tôi chợt nhận ra cuộc đời còn rất đẹp.”
Trong cuộc sống hằng ngày ít ai để ý tới những điều rất tầm thường đang xảy ra quanh mình, như một sự lập lại nhàm chán. Nhưng khi biết mình sắp rời bỏ tất cả để ra đi vĩnh viễn, những cái tầm thường và nhỏ nhặt đó bõng nhiên trở nên mầu nhiệm lạ thường. Bởi lẽ, chính những cái nhỏ nhặt tầm thường hằng ngày đó mới làm nên đời sống. Còn những thứ mà người ta cho là quan trọng và đeo đuổi, thường khi chỉ là vọng chấp viễn vông. Tác giả đã tinh tế cảm nhận được điều này qua giác quan bén nhạy của Gấm đang lúc cận kề cái chết.
“Trong giây phút đó, mọi việc sáng tỏ hơn bao giờ hết. Tôi dụi mắt nhìn dòng sông, cái nhìn mở rộng đến những hàng cây dọc hai bên bờ,những mái nhà lô nhô cạnh những con lạch uốn quanh gần đó và những tia khói màu xám trên những mái nhà, tôi còn nghe tiếng gà táo tác đùa với con trong ổ. Tất cả, tất cả đểu vươn lên một sức sống kỳ diệu / Chỉ trong giây lát mọi nỗi đau khổ bỗng nhẹ nhàng hơn / Tôi lấy lại bình tĩnh. Và cười khan. Ừ, bệnh. Ung thư thì đã sao?”

Chẳng có gì là bí mật. Mọi việc vốn sẵn có đó từ đời đời kiếp kiếp. Chỉ cần để ý một chút ta sẽ nhận thấy. Và mầu nhiệm sáng tỏ ngời ngời. Như trẻ con khám phá và phát hiện từng điều mới, từng việc mới mổi ngày. Rồi thích thú cười vang lên mừng rỡ, ánh mắt rực sáng rạng ngời. Tiếc thay, khi lớn lên mỗi người chúng ta dần dần làm nhạt phai, rồi cuối cùng đánh mất đi “tấm lòng con nít!” - nhưng cũng không hề hay biết là mình đã đánh mất thiên đường tuổi nhỏ.

Sau lần nhận thức sự kỳ diệu trong những thứ hết sức tầm thường, tâm lý Gấm biến chuyển rõ rệt.
“Tâm trí tôi thời gian này có những ý nghĩ mâu thuẫn. Biết cuộc đời đang bị rút ngắn, nhưng tôi lại thấy xung quanh mình cái gì cũng sáng sủa tươi đẹp.Tất cả chỉ gợi trong tôi lòng ham sống chứ không sợ hãi.Những lúc soi gương, tôi ngạc nhiên trước vẻ mặt bình thản của chính mình.Tôi không sợ chết! / Cảm nhận về cái chết đã đến với tôi từ rất nhiều ngày. Có lẽ là vì thế mà từ lâu, tôi cảm nhận là bên cạnh mình, bên trong mình, luôn có một sự hiện diện vô hình”.
“Cái gì cũng sáng sủa tươi đẹp”. Tâm trạng này khiến chúng ta tự hỏi: “Có phải đến lúc đứng bên bờ tử sinh, Gấm mới tìm lại được “tấm lòng con nít?” Như thế là nàng chưa kịp chết đi mà đã tái sinh với đôi mắt đầu đời hồn nhiên, trong trẻo, chưa bị trí tuệ và đời sống làm cho mịt mờ, ô nhiễm.
Lành thay! Lành thay !
Với Gấm, sống chết gần như không có lằn ranh rõ rệt. Trạng thái “Bất sinh, bất diệt”, không sinh ra cũng không chết đi. Từ cái sống nẩy mầm cái chết. Từ cái chết xuất hiện tái sinh. Một dòng liên tục, không khởi đầu, không chấm dứt, trong đó chỉ có sự biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Rồi hóa thân. Một cách khác, nhà Phật gọi đó là luân hồi. Nỗi khiếp sợ cái chết phát sinh từ mê muội. Một khi đã tỉnh thức và hiểu ra rồi…
Tuy nhiên, những giây phút tươi đẹp đó chỉ là những tia lóe chớp (mà Gấm gọi là “ngộ”?) trong tâm lý mình. Khi cơn đau đớn ngất trời của ung thư kéo về hành hạ, lúc nhìn bàn tay mình đang khô héo dần, tóc hết sinh khí rụng rơi tan tác…Gấm không khói hồi tưởng và thương tiếc những ngày tháng êm đềm nàng tắm gội trong bình yên và hạnh phúc.
Tôi làm con gái
Một lần qua đây
Rồi không trở lại
Ôi mùa xuân này!
Người đàn ông kỳ diệu đã cứu thoát nàng khỏi ngục tù của hai lần thất bại cay đắng đầu đời và đưa nàng về nôi hạnh phúc của tình yêu.
“Anh đã giải thoát tôi khỏi những mặc cảm, xóa bỏ mọi ức chế tâm lý và đẩy cảm xúc thăng hoa / Anh đã đến chẳng những chỉ lối mà còn nắm tay tôi dắt lên cõi thiên đường, đóng lại cánh cửa thông ra địa ngục. Đó không phải là điều vĩ đại mà một người đàn ông có thể làm cho người yêu của mình sao?”
 Giờ đây, sự đau đớn thể xác và phai tàn nhan sắc không khiến cho Gấm cảm thấy mình càng lúc càng tách xa người tình. Trái lại, Gấm càng lúc càng tha thiết, càng lúc càng luyến lụy chàng hơn.
Tôi làm con gái
Một lần yêu người
Một lần mãi mãi
Bây giờ chưa thôi
Dĩ nhiên, trong cơn bịnh ngặt nghèo, tâm lý Gấm không thể nào ổn định. Cũng dễ hiểu: Nàng sa mình vào trầm cảm,đầu óc không ngừng dao động chập chờn từ cái chết sang cái sống, từ cái sống sang cái chết. Nàng muốn hiểu. Muốn nắm bắt một chân lý nào đó trong cuộc tử sinh. “Sống để làm gì? Chết rồi sẽ ra sao? Tại sao mọi việc phải là như thế ? Có bí ẩn gì ở đằng sau cái sống, cái chết?”. Sự dằn vặt trí tuệ đưa Gấm đến những nhận định có tính cách triết lý về đời sống và cái chết – những nhận định phảng phất hương vị thiền môn và hoa thơm đất Phật. Tất nhiên, những suy tưởng của Gấm cũng phản ảnh gần như trung thực cái nhìn về đời sống thế tục và tâm linh của tác giả - của Trương Văn Dân. Tác giả đôi khi còn lên tiếng hộ cho người tình, xen lẫn những suy tưởng riêng tư của Gấm.
“Em nên nhớ rằng đời sống không phải là một cuộc chạy đua. Nó là một cuộc hành trình mà chúng ta cần biết sống cho hiện tại, tận hưởng và khám phá. Điều quan trọng là suốt cuộc hành trình là chúng ta luôn có hạnh phúc.”
“Lúc thức dậy, tôi thấy mình nằm tong vòng tay anh.Tôi có cảm giác mình sẽ không thể chết. Bởi tình yêu mầu nhiệm có thể chữa lành mọi thứ, có thể cản ngăn những tế bào phát triển. Kể cả ung thư.” (Hơi quá lạc quan đấy! Tuy nhiên, nàng đang bay bổng trong tình yêu mà!).

Cũng có những bận tư tưởng Gấm chợt thăng hoa và bay bổng lên như thế. Những lần đứng trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, kỳ tuyệt, ngắm nhìn màu sắc lộng lẫy biến hóa khôn lường, cảnh tượng bày ra rồi xóa đi chậm chạp, như tuân theo một nghi lễ trịnh trọng, trang nghiêm, thần bí, trong đầu Gấm đột hiện lên những chiêm nghiệm bất ngờ.
“Tất cả những cảnh tượng đó chợt làm tôi thấy rõ sự sụp đổ, như sự tan vỡ của ảo tưởng. Và ngộ ra sự trần trụi của phù du. (Đỉnh đầu Gấm lại phựt sáng!) / Mọi phiền muộn lo toan trong đời đều điên rồ vô nghĩa. Tình yêu, khổ đau, bệnh tật, hạnh phúc, tử sinh chỉ là hư ảo”.

Ấy! Tuy là phù du hư ảo mà cái đám nhân loại khốn khổ vẫn không ngớt rên la chói lói lâm ly trên cõi trần gian ô trọc này vì ba cái lăng nhăng đó - khiến cho đức Quán Thế Âm bận lòng không dứt. “Thì rên la chơi cho vui vậy mà? Bộ hổng được sao?”. Coi ba cái lăng nhăng và hệ lụy và khổ đau của nó là hư ảo, thì giải thoát khỏi ba cái lăng nhăng và khổ đau hư ảo đó, gẫm ra, cũng chỉ là hư ảo mà thôi. Có ai dám mơ tưởng giải thoát mây trời? Hoặc giải thoát hình bóng mình dưới đáy nước? Vậy mà vẫn có! “Thì giải thoát chơi cho vui vậy mà! Bộ hổng được sao?” Biết ngộ ra cái gì đây cho nó le lói?

Nào ta mơ ước thiên đường
Niết bàn giải thoát mười phương bồ đề
Kiếp người thuyền quẫn bến mê
Thì ta lạc Sở sang Tề sá chi (*)

Cũng có những lần khác đứng một mình trước cảnh vật bị xóa nhòa dần đi trong bóng tối, Gấm buông thả mình trôi nổi bềnh bồng trong dòng tưởng miên man về cái chết sắp tới của mình.
“Mắt tôi nhắm nghiền… Lúc ấy cuộc chơi trần thế sẽ không còn nữa. Đất sẽ mở ra và khép lại. Đưa tôi về với cội nguồn. Thân xác sẽ chuyển hóa và chẳng còn gì nữa. Nhưng nghĩ cho cùng, trước khi mình sinh ra thì hình hài này chẳng có. Còn linh hồn?”
Nói tới linh hồn là nói tới sự vĩnh viễn ra đi, và sau đó. Ung thư là cái chết trước mắt. Gấm đang bị ung thư, chết đi là điều hiển nhiên. Không tránh né được thì thử đối diện nó xem sao?
“Bởi chết thật vô cùng đơn giản. Chết là đi tới đích cuộc đời, không còn tường thành giam hãm. Phía bên kia, trật tự này là ảo ảnh. Dục vọng mê cuồng bí ẩn vô biên. / Cái chết đáng sợ, nhưng nghĩ cho cùng thì bản thân cái chết không đáng sợ bằng nỗi ám ảnh của nó. Và có lẽ sự sợ hãi sẽ mất đi khi ý niệm về bản ngã không còn. Hiểu được tấm thân tứ đại “còn duyên thì hợp, hết duyên sẽ lìa” thì cái chết là một điều tất yếu”.

 Lời nói nghe qua như là của môt người đã “ngộ”. Bèn khều tác giả lại mà hỏi lẩm cẩm: “Này ông tác giả ơi! Cái bản ngã không còn thì lấy cái chi mà luân hồi đây?” Ừ, còn tấm thân tứ đại và cơ duyên nó vòng vo ra làm sao? Có gì phải quan ngại lắm chăng?
Ngại gì sắc sắc không không
Vòng vo không sắc sắc không luân hồi
Gẫm ra chìm nổi cuộc chơi
Gieo theo ngũ uẩn biển khơi đắm chìm(*)

Gấm suy gẫm như vậy về cái chết, nhưng còn hiện hữu thì sao?
“Sự hiện hữu,thật ra chỉ là một màn luân vũ của tử sinh,một cuộc nhảy múa của vô thường. Hợp tan, tan hợp. Và những gì sinh ra đều phải chết đi và chí có chết mới được tái sinh. Cái mới nhờ đó mà liên tục. Tiếp nối vô thường. Chằng chịt. Trùng trùng.”
Hiện hữu là một điệu luân vũ? Thì còn chi bằng! “Music, please!”. “Một dòng sông xanh xanh… Tập tập xình… tập tập xình.”..Xin mời nàng hãy cùng ta dìu bước theo điệu luân vũ mà quay cuồng trong dòng tử sinh, chết rồi lại sống, sống rồi lại chết…không bao giờ ngừng nghỉ. Có đó rồi không. Không đó rồi có. Tiếp nối hoài hoài, Không ngừng. Bất tận..
Lăn trôi triệu cát sông Hằng
Pháp Hoa xuất thế nhập Lăng Nghiêm vào
Thân ta bụi cát trời sao
Chân không diệu hữu vẫy chào tịch nhiên…(*)

 Sống – Chết? Chết – Sống? Nghĩ tới nghĩ lui. Nghĩ xuôi nghĩ ngược. Thóat ra được chăng? Bỏ chết chọn sống? Bỏ sống chọn chết? Cách chọn lựa nào không tạo ra khổ đau? Gấm đi tới (lại “ngộ”?) một kết luận xem ra rất là… “ba phải” : Anh phải, em phải và tui cũng phải!
“Cuộc đời luôn pha trộn điều may lẫn cái rủi. Xấu tốt đan xen nhau. Mình có muốn trốn tránh hay lựa chọn cũng không thể được. Chỉ có duy nhất một cách là chấp nhận tất cả mà thôi.”

Tuy nhiên, đó là do ý thức rồi mà nói lên như vậy: “Chấp nhận tất cả”. Nói “đón nhận tất cả” có lẽ dễ hơn và đúng hơn là “chấp nhận tất cả”. Bởi lẽ, thông thường đón nhận không có tuyển chọn, nhưng chấp nhận thì có tuyển chọn. Trừ phi “chấp nhận” có nghĩa là “nhìn nhận” mọi việc vốn nó “như vậy” và hiện tại nó có đó. Bắt buộc phải “nhìn nhận” nó như một điều “hiển nhiên” không thể chối bỏ. Chớ thành thật “chấp nhận tất cả” tự trong thâm tâm mình và luôn cả ngoài đời là điều thiên nan vạn nan! Mấy ai làm được? Chúa chăng? Phật chăng? Nếu chấp nhân tất cả, kể cả “tham, sân, si” thì mong cầu giải thoát để làm gì? Có lẽ “ngộ” ra điều này (lại phựt sáng!) nên trong đoạn kết của Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa tác giả đã thay lời Gấm mà kết thúc như một sự đón nhận và chấp nhận hòa giải với đời sống và kiếp người không thể khước từ :

“Chúng tôi tin rằng không có nơi đâu đẹp đẽ não nùng và đáng yêu bằng cuộc sống trên Trái Đất / “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này ( Hermann Hesse)”.

Chủ quan? Lạc quan? Dĩ nhiên, người Trái đất thì yêu thương Trái Đất. Còn người Hỏa Tinh thì yêu thương Hỏa Tinh. Đâu có nơi nào đẹp hơn nơi nào. Thì làm sao có nơi nào đẹp nhứt. Chẳng qua “sống đâu thì quen đó” vậy thôi. Nhưng cũng đâu có sao!” No stars where!”. Đều là cây nhà lá vườn hết cả.Và đáng thiết tha lắm lắm! Rất tốt và rất phải. Rất là đáng để ta yêu. “Cho hun một chút coi!”

 Nhưng trước khi kết thúc, phải giải quyết cuộc tình giữa Gấm và người tình như thế nào đây? Cuộc tình đã trót quá nồng nàn khắn khít thì phải kết thúc sao cho có hậu, rực rỡ muôn màu.“Phải chơi cho đẹp!” Và tác giả đã tận tình thu xếp cho đôi uyên ương một màn “cụp lạc” đầy hương vị ngọt ngào và lửa yêu hừng hực.
 Trên lộ trình miên man dẫn đến ngày cuối, thời gian nhỏ xuống từng giọt. Gấm lơ mơ lặn hụp trong ao hồ kỷ niệm, khi phơi phới hân hoan, lúc tuyệt vọng cực cùng. Xen lẫn những cơn đau đớn thể xác và thức tỉnh tâm thần, Gấm buông thả mình bồng bềnh êm trôi về những tháng ngày ân ái mặn nồng kề cận bên người tình. Ôi ! những tháng ngày yêu dấu!
Chợt tiếng buồn xưa đọng bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân giày

Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may…
Vẫn bàn tay đó, bàn tay nhỏ dưới mưa thuở nào. Bàn tay không che nổi định mạng của đất trời giờ đang sắp buông xuôi vĩnh viễn, không ocèn năm tháng, không còn thời gian.
 Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
 Đêm chìm trong tiếng khóc tương lai
 Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
 Tôi mất thời gian lỡ nụ cười…
 “Đời sống ôi buồn như cỏ khô / này anh, em cũng tợ sương mù…” Tất cả sẽ khô héo dần, nhựa sống từ từ giã biệt. Gấm sẽ trở về với lòng đất, với cỏ may, héo úa, tàn tạ, lòng vẫn còn ân hận, nuối tiếc… “Không! không !’’. Gấm phải lưu lại cho người tình một vết tích cuối cùng đẹp đẽ, cháy bỏng sâu đậm. Để mai sau khi tưởng nhớ đến nàng, hình ảnh đẹp đẽ nồng nàn đó sẽ hiện lên trong ký ức người ở lại. Gấm phải lấy lại niềm kiêu hãnh để đối đầu với nghịch cảnh mà định mệnh đã an bài, không thể nào lẫn tránh. Phải chấp nhận. Nên chấp nhận. Hãy lấy lại niềm tự hào của kẻ tha thiết với cuộc đời này mà sống nốt những giây phút cuối cùng của đời mình. “Em nên điểm phấn tô son lại / Ngạo với nhân gian một nụ cười (TC)”

Với niềm tự hào đó, Gấm sẽ thiết tha dâng hiến trọn vẹn hồn xác mình để lưu lại cho người yêu dấu một ấn tượng tuyệt vời trong tâm tưởng. Để mai sau, biết đâu đôi khi ngồi hiu hắt một mình bên ly rượu vơi đầy, chàng bỗng giật mình, bàng hoàng tê điếng …“Thoáng hiện em về trong đáy cốc / Nói cười như chuyện một đêm mơ../ Xa lắm rồi em người mỗi ngã …(QD)”

            Sẽ trọn vẹn hiến dâng chàng một đêm cuối vô vàn mê đắm
            Chỉ một đêm thôi.

 Mây vắng trời trong đêm thủy tinh
 Lung linh bóng sáng bỗng rung mình…(XD)

 “Ánh trăng mờ ảo tỏa khắp phòng khách. Tưởng gió, tôi đang định ra khép cửa thì…kinh ngạc vạn lần: Gấm đang đứng trước mặt tôi, hai tay dang rộng”.

            Kể từ giây phút này, tác giả thay thế người tình, trở thành người trong cuộc, chủ động mọi động tác yêu đương. Và mọi chuyện trong đêm cuối cùng diễn ra trong sáng tối mập mờ, huyễn hoặc, nửa mộng nửa thực.
 “Ánh trăng như một làn sóng xanh tràn qua song, thả xuống nửa giường một vầng sáng. Những luồng sáng uốn lượn theo từng đường cong trên người Gấm. Thân thể nàng hiện lên như một vũ trụ, có đủ thảo nguyên bát ngát. Đồi núi ngút ngàn. Hương cỏ thơm tho”.
            Rồi sự ôm ấp diễn ra. Vuốt ve. Mơn trớn. Âu yếm. Siết ghì…
            “Người tôi như bềnh bồng trôi giữa ánh trăng. Tôi ngậm lấy bầu vú của nàng theo bản năng của đứa bé thời thơ ấu vẫn thạo vú mẹ mình / Trong cảm xúc ngút ngàn, Gấm cưỡi lên người tôi. Nữa ngồi nửa quỳ trong một tư thế đặc biệt, cơ thể nàng nhẹ nhàng như bông. Thân hình nàng chuyển động nhịp nhàng trong một vũ khúc cực kỳ mê đắm.”
            “Tôi ôm lấy Gấm, cả hai tận hưởng dư vị trái cấm trong cảm giác say sưa. Rã rời và buông thả. Hình hài quằn quại như đớn đau, nhưng hoan lạc vươn lên đỉnh điểm/ Bởi phút giao cảm đó là sự tái hợp hai-phần-người bị tách đôi, mãi mãi kiếm tìm nửa phần còn lại của mình”.

 Cuộc ái ân hoan lạc kéo dài … Còn nữa, còn nữa, và còn nhiều lắm…Rất nhiều động tác. Rất nhiều cảm giác. Đôi khi như lập lại. Nhưng vẫn chưa đủ. Chưa hết. Chưa chịu kết thúc…

Thường trong một lễ hội lớn đều có màn pháo bông ở cuối mục. Và trước khi chấm dứt, sẽ bừng lên một chùm pháo bông tột điểm, lấp lánh muôn màu, chóa lòa rực rỡ, nhằm tạo ấn tượng tột bậc huy hoàng. Rồi phụt tắt : “Le bouquet!”. Đỉnh này vô cùng vang động rầm rộ, lóe chớp muôn vạn sắc màu. Nhưng cực ngắn. Hầu tăng sắc độ của hồi kết thúc.

Đoán chừng tác giả cũng có ý định cống hiến một màn pháo bông huy hoàng rực rỡ để bế mạc “Lễ hội tình yêu”. Tác giả muốn viết rốt ráo, viết cho đầy đủ hết mọi sắc diện của trận cuồng mê cuối cùng. Màn pháo bông kéo dài trang này qua trang khác.. Bởi lẽ đó, làm loãng đi nồng độ của đỉnh pháo kết thúc : Đỉnh cuối cùng rầm rộ chóa lòa. Nhưng phải cực ngắn! Ấn tượng ghi lại trong lòng người đọc thoáng chớp, mà sâu đậm. Và mênh mang luyến tiếc. Như một tia chớp dữ đột ngột xé trời. Chưa kịp ngắm nhìn. Mà đã hết !

            Đọc suốt tiểu thuyết BTNDM, cảm nhận TVD là người có tấm lòng. Nhất là đối với Gấm. Có cảm tưởng nàng là người tình của tác giả. Bởi lẽ đó tác giả có kéo dài màn pháo bông vì Gấm nhiều trang, người đọc cũng cố gắng theo dõi suốt cuộc ái ân cuối cùng trong đêm trăng sáng.
 Có cần nói thêm gì về diễn tiến trong tập truyện nữa chăng?

 BTNDM là truyện dài phân ra làm 4 chương, mỗi chương mang một tựa riêng – chủ ý của tác giả. Điều này khiến cho độc giả lầm tưởng BTNDM là tập truyện gồm 4 truyện ngắn khi xem mục lục. Phải chờ đến lúc đọc hết sách mới rõ ra đây là một truyện dài liên tục.
Xen kẽ với những trang thực sự viết về cuộc tình của Gấm. tác giả trình bày những vấn nạn cấp bách, thời sự. Như chiến tranh, ô nhiễm, khí hậu, thời tiết, phá hoại môi sinh, cải biến sinh lý, đe dọa diệt vong của nhân loại….Những đoạn này có tính cách nhận định và tham luận. Nếu tác giả tách nó ra và tập trung ở một bài viết khác cũng không làm phương hại đến truyện tình. Đưa vào BTNDM làm ngăn trở dòng chảy liên tục của câu truyện chính mà TVD muốn kể lại với người đọc. Khiến cho người đọc không tập trung được tâm trí mình để theo dõi các diễn biến trong cuộc đời Gấm.

            Tuy nhiên đoán chừng tác giả hết sức bận tâm tự bấy lâu nay vì các vấn nạn thời sự cấp bách đó. Không nói ra thì ấm ức. Đành phóng bút phơi bày tất tật, hầu mong sao độc giả ý thức và chia sẻ những dằn vật trong lòng mình. Tác giả hết sức bận tâm về tương lai của trái đất và nhân loại. Trong đời sống hôm nay, mọi người nhắm mắt ùn ùn hùa theo cuộc chạy đua kiếm tiền và phục vụ quyền lợi riêng tư của mình. Gặp được một người có tấm lòng như TVD không dễ. Hiếm. Rất hiếm!

            Đọc BTNDM, độc giả sẽ tìm thêm về những vấn đề thời sự cấp bách, cùng những tư tưởng tốt lành của một ngòi bút mới có giá trị nhân bản.

 Trở lại đêm trăng nồng nàn cuối cùng của cuộc đời Gấm…
“Nhưng chậm thế nào rồi cũng chia tay”. Cuộc từ ly đến hồi kết thúc.
 “Tôi bất chợt ưu tư khi thấy bàn tay nàng lạnh giá. Tôi ôm nàng, hốt hoảng khi thấy hòn than trước đó bây giờ tắt ngúm / Tôi chưa kịp nói gì thì nàng đã tiếp:“ Em mãi mãi yêu anh”: Rồi hai tay nới lỏng vòng ôm. Buông xuôi. Như cành cây bị gãy”.
 “Nàng đã ra đi. Đã đoạn tuyệt vòng đời chật hẹp./ Gấm đã chết!”
Bàn tay nhỏ dưới mưa đã thôi che hứng định mệnh đất trời. Và buông xuôi vĩnh viễn để trở về với cát bụi…

Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến Hoặc bờ Mê … ( VHC)

Kiệt Tấn
Bagnolet, ngoại ô Paris
Đêm rằm trăng sáng /10,2013

· Thơ trong bài này mượn của Nhã Ca.
· * Thơ Kiệt Tấn
· Tên các thi sĩ viết tắt : Thái Can, Quang Dũng, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương.
Kiệt Tấn

No comments:

Post a Comment