Thursday, April 16, 2015

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN TÂM THANH ‘Lệnh triệu ban rồi’



Bạn Văn


Tâm Thanh & Khánh Hà

Tác phẩm của Tâm Thanh

Chị Nguyễn Thị Khánh Hà, vợ của nhà văn Tâm Thanh (tức Ngô Thanh Tâm) vừa báo tin anh đã qua đời.
Được biết nhà văn Tâm Thanh phát giác mắc bệnh ung thư từ đầu năm 2013. Sau hai năm chống cự với bệnh trong tinh thần lạc quan của một người có đức tin và minh triết, nhà văn đã nằm xuống vào ngày 9 tháng 4 vừa qua. Anh em văn nghệ ở đây xin chân thành chia buồn cùng chị Khánh Hà và các cháu. Nguyện cầu Linh hồn nhà văn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

    Hơn hai mươi năm qua, nhà văn Tâm Thanh đã đóng góp nhiều sáng tác giá trị cho các tạp chí văn học tại hải ngoại. Anh đã viết được nhiều truyện ngắn hay, sâu sắc. Truyện ngắn anh có kỹ thuật cao, hóm hỉnh và đầy minh trí, nhưng cũng lãng mạn một cách thâm trầm, ý vị.

Tác phẩm đã xuất bản:
   *Thiên Nga Giữa Cõi Người (tập truyện, Văn Học, xuất bản năm 1999, tại Hoa Kỳ.
    *Gỗ Thức Trên Rừng (tập truyện, Văn Mới, xuất bản năm 2001 tại Hoa Kỳ)
   Ngoài ra, mùa thu năm rồi, Tâm Thanh có cho ra đời cuốn Lệnh Triệu Ban Rồi - một trường hợp ung thư. Đây là tác phẩm cuối cùng của Tâm Thanh, như một lời giã biệt bạn bè trước khi ra đi theo lệnh gọi. Trong Lệnh Triệu Ban Rồi có in 23 bài thơ của Khánh Hà đặt dưới tựa đề Vần Cuối Cho Anh. Thơ nói lên tình nghĩa khắng khít của vợ chồng mà Tâm Thanh gọi là cửa vào thiên đàng, ở đây mối tình văn chương và nghĩa tao khang chan hòa thắm thiết.
    Theo ghi nhận của nhà văn Nguyễn Văn Thực thì trong tác phẩm cuối cùng này Tâm Thanh kể một chút về bạn bè, những những mẫu nhân nhân vật anh kể có những tính cách cao đẹp của tình người, tình bạn của một lớp người nay đang hiếm dần. Với những miêu tả như thế, Tâm Thanh vô tình đã tạo được bộ sưu tầm quý giá về nhân văn cho đời sau.

Phần in nghiêng sau đây là trích ở bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Thực ở Na Uy.
   Cuốn sách gồm những mảnh suy tư nhỏ, có những ý lạ về bệnh, hay nói cách khác bệnh cũng có cái hay của nó, quá hay nữa là khác: Bệnh là cây roi của từ phụ.
  - Có bệnh mới dễ thương người khác, hơn khi còn khoẻ, vì tha nhân là đồng hành chung phận. Chung phận với cả loài vật.
  - Nhờ bệnh mà Tâm Thanh mới thấy được nghệ thuật sống tràn đầy, sống trọn cái đời sống quá ngắn ngủi. Đời sống làm bằng những chuỗi khoảnh khắc. Thiên Thu cũng vậy. Sống mà ý thức mình sống trong từng cử chỉ, hành vi. Định tâm vào mỗi hơi thở là bạn nắm được hiện tại. Trì hoãn một giây trước mỗi phản ứng là bạn làm chủ được mình, ví dụ như khi mở thư người mình hằng trông mong, khi mở vòi nước: khoan thai. Tổng cộng những giây phút khoan thai trong một ngày - những “thì chết” - thực ra là những thì sống.
   - Và thấy “Những chân lý như Thượng đế và Phật tính, cứu độ và giải thoát, linh hồn và luân hồi, vv, bề ngoài có vẻ mâu thuẫn loại trừ nhau, ngày nay bạn thấy tất cả được dung hợp, mặc dầu bạn chỉ có thể hành một đạo, Ki-tô giáo… Bạn ước mong làm người lữ hành tới nơi tới chốn một con đường, nhưng bước chân trên một con đường là đi mọi con đường khác về cùng đích.
    - Đau khổ còn có một công dụng cao hơn đó là thanh tẩy và thăng hoa. Tác giả cũng biết đau, nhưng đau đớn làm cho tác giả ý thức được rằng: “Trong sự sống đã cài sẵn mầm chết, sống một phút là chết đi một phút. Ngược lại, chết là tái sinh.”  
    - Nhờ bệnh mà hiểu rõ tình yêu, thấy được tình con cái qua những chăm lo tỉ mỉ của đứa con gái, qua những câu nói hóm hỉnh ý nhị khi giúp ba, nhắc ba.
   
     Phần nói về chòm xóm, bạn văn, đồng môn, các bạn bè thời niên thiếu, các nữ tu, đồng hương ở Na Uy, bạn bè, chiếm một phần khá lớn trong cuốn sách. Xét về mặt nghệ thuật, đây là phần quan trọng, vì Tâm Thanh chỉ với một vài nét đã tài tình phác họa được những mẫu người độc đáo.

     Qua cuốn sách của mình, Tâm Thanh cho thấy anh đã được hưởng đầy đủ tình thương của vợ con, bạn bè, đồng hưong, chòm xóm, của đất nước Na Uy, đã sống thêm 7 năm hơn tuổi thọ trung bình 67 của người Việt: được ngắm, được ngửi 7 mùa hoa nở, được “Con gái đã hôn ba mấy ngàn lần, đã lau mấy tỉ hạt bụi trong nhà, đã mua cho ba mấy chục bộ quần áo. Đã mấy ngàn lần con trai hí  hửng vì được kéo thẻ cho ba hoặc mua được món lạ ba ăn được... Em đã cầm tay anh thêm 7 năm, đắp chung mền Sở Tị Nạn 2555 đêm, đã cùng nhau đi gần cùng khắp trái đất. Đã cùng nhau ngắm sao đêm trên sa mạc, trên đại đương... chúng ta còn tham lam gì nữa?”, và với dự án quan trọng nhất bây giờ là quay về với sơ tâm nhẹ nhàng, hay nói cách khác ý thức mình đã trở thành ”con trẻ”, theo lời dạy của Chúa Giêsu,  với ”mộc mạc, chân phác” của Lão tử, với  ”sơ tâm” của Thiền (Nhật Bản?), đã biết và cảm phục sự ra đi không luyến tiếc của GS triết học Lê Tôn Nghiêm, rồi tâm đắc lập luận của Huệ Tử rằng cái chết của vợ ông ta là lẽ tự nhiên, Tâm Thanh sẵn sàng theo Lời Triệu Ban Rồi lên đường đi vào Cõi Khác.

    Chúng ta tất nhiên vô cùng thương tiếc anh Tâm Thanh nhưng cũng mừng cho anh ra đi thanh thản. Ở anh, trong những giây phút bên bờ sinh tử, có nét gì đó minh triết giống như thi hào Ấn Độ Tagore. Chúng tôi học được ở anh nhiều điều lắm, anh Tâm Thanh ơi.

BẠN VĂN

No comments:

Post a Comment