viết
ngắn của Khuất Đẩu
Trẻ em thời chiến
Thủa ấy, thế
hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ!. Cái thế kỷ mà chúng tôi ngán
ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, rồi chiến
tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.
Kêu trong
chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà. Chỉ có
một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên bình. Có nghĩa
rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người vẫn hơn là không được
sinh ra.
Khác hẳn với
những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế hệ. Chúng
không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?
Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.
Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.
Chạy từ cầu
Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải Vân.
Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim thủ đô Sài
Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay chen lấn nhau đến
nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc chạy Marathon dài nhất
trong lịch sử.
Và rồi mẹ
sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ
mát tay để mẹ tròn con vuông.
Mà sinh, có
thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.
Cũng có thể
là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường lỗ chỗ
dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng hơn là không
còn hơi sức đâu mà rặn.
Có thể trong
thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.
Có thể trên
con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người sắp
chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn bà chửa)
Có thể trong
khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua ghế ngồi
khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.
Có thể mọi
lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
Ngay cả phút
cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong
mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.
Mẹ sinh,
không có cha bên cạnh.
Có thể cha
đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị
thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường dân đói
khát trên quốc lộ số 1
Người ta đi
biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Mẹ sinh con
ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
Mẹ sinh con
ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
Không biết
để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
Giữa chốn
đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm hơi, mẹ
cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy qua miệng con
vẫn thành màu trắng thơm tho.
Và kỳ diệu
làm sao, con vẫn sống được.
Nghĩa là con
vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi xăng,
mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm, tiếng A.K cọc cọc,
tiếng xe tăng rít trên mặt đường.
Con sống,
nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không biết
đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.
Sau cùng, mẹ
cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa nước
đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con phố, căn
nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.
Mẹ bị đuổi
về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để cấy, gặt.
Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra khoai đầy kho đụn,
nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón cối hưởng, nên con vẫn đói
khát, bủng beo.
Mẹ bị hốt
trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải sống
chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ măng rừng, hái
nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết. Cả con và mẹ đều bị sốt
rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.
Chịu hết
xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên, lộn chợ
dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn hơn mã tà. Một
đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ, chỉ còn cái vốn trời
cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu
teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.
Cũng may,
lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra. Cha con
còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa vợ, mẹ cha cũng
gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà rem, mẹ lượm lon nhặt
giấy vụn trong bãi rác.
Con được
(hay bị) dạy thành cháu ngoan Bác Hồ.
Rồi con cũng
học đến lớp 12.
Nhưng tới đó
thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.
Con bị ném
vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
Con sống lây
lất cho đến hôm nay.
Hôm nay,
những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc.
Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để tiếc thương,
không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không sắc màu, không mùi
vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.
Trong gia
đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng thừa biết
họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu không muốn nói là
đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh, tháng sinh nhưng ở nửa nước
bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía bên này đang được cơ cấu vào những
chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.
Thế nên, đến
chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói khổ và
suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!
Khuất Đẩu
No comments:
Post a Comment