Tuesday, April 14, 2015

ĐÓA THƠ CHO PHỐ NÚI PLEIKU



Nguyễn Mạnh Trinh



Dã quỳ Pleiku

Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình nắng bụi cao nguyên.   
Mấy ngày hôm nay, buổi sáng nào cũng mù mịt sương. Mùa Thu ở đây như gợi lại một nỗi niềm nào. Lái xe trên đường, trong cái mù mịt của đất trời thấy mình như sống lại một thuở nào, ở không gian thời gian nào tuy thật xa nhưng trong giây phút hiện tại lại thật gần gũi. Cái tâm trạng bềnh bồng, của tiềm thức chơi vơi trong buổi sáng hôm nay như dẫn từng bước chân trở về, thuở xa xưa, ngày vừa trên hai mươi tuổi.
Lớn lên ở Sài Gòn, cả một thơ ấu nghịch phá, cả một khung trời mơ mộng. Những ngã tư, những con hẻm, những cổng trường, những mầu hoa Mùa Hạ, những xao xác lạnh cuối năm, tất cả đã thành kỷ niệm. Của một thành phố mà tưởng như chứa cả một phần đời sống của mình. Rồi tuổi đôi mươi, rời khỏi ghế giảng đường vào lính. Thì một thành phố, tuy heo hút sơn cùng thủy tận, nhưng lại chan chứa những kỷ niệm của những chàng lính trẻ, ngông nghênh vào đời tưởng như nắm cả vũ trụ trong tay. Sống ở đó, để thấy nhớ sài Gòn. Nhưng khi đổi về Biên Hòa gần Sài Gòn thì lại nhớ lại thời gian đã qua. Không nuối tiếc nhưng đầy bâng khuâng, và cái không gian se lạnh, cái đêm khuya mưa dầm, cái buổi sáng mù mịt, tất cả trộn lẫn để thành một phong vị khó tả.
Năm tôi lên phố vừa qua cái tuổi đôi mươi. Hai mươi tuổi, tâm hồn lúc ấy trắng bong, tràn đầy mơ với mộng. Chưa có kinh nghiệm trường đời nên thường phản ứng trước những chướng tai gai mắt và theo suy nghĩ của nhiều vị chỉ huy, tôi là một đứa ba gai cần phải hành hạ để cho vào khuôn phép. Ở đâu cũng xa nhà nên tôi tình nguyện đi biệt đội Pleiku mút mùa lệ thủy và khi ở đây lập không đoàn thì cũng là một trong những người khai sơn phá thạch của đơn vị.
Pleiku là thành phố của lính, lại mang nhiều nét thơ mộng nhất trong đời những người lính xa nhà 
   Thời gian ở thành phố biên trấn này chỉ hơn hai năm mà sao tràn đầy kỷ niệm. Có những lúc, cơm sấy đồ hộp ngày này qua tháng khác mà vẫn vui. Lãnh lương xong, chỉ một vài ngày là sạch nhẵn, thế mà tối nào cũng lang thang ở phố đến nửa đêm mới mò về phi trường. Ở đây, biết bao nhiêu đứa bạn, buổi sáng còn đùa giỡn chọc ghẹo nhau mà vài tiếng đống hồ sau thân xác đã thành sương khói cho những phi vụ không về. Ở đây, có sáng mù sương, thấy đời mệt mỏi như chiếc xe dodge già nua ì ạch leo đầu dốc. Dù rằng tôi lúc ấy chỉ vừa hơn hai mươi tuổi.
Ngày lên Pleiku, có một bài thơ tôi đã làm như tiên đoán được cái không gian của biên tái, của những câu thơ như Lương Châu Từ của Vương Hán thời thịnh Đường xa xưa. Pleiku có khác nào Lương Châu, cũng là quan ải để trấn giữ biên cương. Ngày xưa thì ngăn giặc Hồ, giặc Mông. Ngày nay, thì canh chừng ba biên giới, với những trận đánh ác liệt mùa khô hàng năm tiếp diễn… Bài thơ ấy, làm vào một đêm trước khi sáng mai lên trực thăng vào phố núi.
“Ừ mai tao lên Pleiku
Đêm căm hơi đá ngày mù núi xanh
Uống say quên mộng quẩn quanh
Về nơi gió cát cũng đành cuộc chơi
Ừ mai cánh vỗ ngang trời
Ngóng thiên thu một cõi đời tịnh yên
Máu xương mãi chuyện ưu phiền
Còn đâu tiếng gọi cho em miệt mài
Ừ mai súng khoác lên vai
Ngẩn ngơ phố núi những ngày đao binh
Chắc đâu rượu uống một mình
Trong thân phiêu bạc nhục vinh nửa vời
Ừ mai thương bóng trăng trôi
Chim quên vẫy mỏi cuối trời chiến tranh
Uống đi mai hát quân hành
Nghe trong hơi bốc long lanh mắt người…”
Tuổi trẻ, ngây thơ và bốc đồng. Tưởng rằng, mình như một hiệp sĩ thời xưa đi vào nơi gió cát. Thơ cũng nghênh ngang kiểu “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Tuổi trẻ, ơi những giấc mơ của ngày chân không chấm đất cật chẳng đến giời. Có phải là giấc mơ chung của những người lính trẻ chúng tôi?
NMT   

No comments:

Post a Comment