Nguyễn Xuân Thiệp
chiều
rơi. trên phố
có người con gái.
tên marguerite
khi xa sài gòn
nhớ mãi. mùi thơm hoa nhài
của bầu trời. nhiệt
đới
Tôi đọc lại thơ tôi. Những
ngày này tháng tư về gợi bao điều để nghĩ và để nhớ. Một cuốn sách, một bóng
nắng, một mùi hương hay khúc nhạc có thể làm sống dậy những mảnh đời ở đâu đó
trên thành phố một thời trẻ tuổi.
“Ở một góc thành phố West Hollywood, nơi
tôi đến ở một tuần, với ngọn đồi Hollywood ở phía đông, những con đường lúc nào
cũng đông người đi bộ, các tiệm buôn, những tòa nhà cao ốc với những ngọn đèn
neon đầy màu sắc gợi đến một góc Sài Gòn. Trên đường Santa Monica và Melrose,
các quầy sách báo bày trên lề đường gợi về những ngày tháng lang thang trên
đường Lê Lợi với những quầy sách trước nhà sách Khai Trí của một thời say mê
sách vở.”
Đoạn văn trên, đọc thấy trong cuốn tạp bút
“Từ Bàn Viết Houston”* của Việt Nguyên, đã gợi cho Nguyễn nghĩ tới những năm
tháng thanh xuân với phố xá, sách vở và bạn bè và những cây bông sứ cây ngọc
lan và hoa nhài trong đêm tỏa mùi hương nồng ngát. Kết thúc bài văn, Việt
Nguyên viết: “Nhà báo Bernard Weinraub rời SG nhớ mãi một SG huyền nhiệm với
mùi thơm hoa lài. Thành phố West Hollywood với những giàn hoa giấy đỏ thắm trên
đường Fair Fax và Santa Monica, giống như SG của tôi nhưng thiếu một mùi hương
dạ lý.”
Quả là một khúc văn đặc sắc. Nội dung toàn
bài trình bày một cái nhìn khác với trước đây của báo chí, sách vở và dư luận
Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam và chế độ VNCH. Chẳng hạn tờ New York Times và
Los Angeles Times kể từ năm 2005 đã thay đổi bộ mặt và giọng điệu: không còn
những cỗ xe tăng và đại pháo của quân Bắc Việt trên đường phố Sài Gòn mà thay
vào đó là hình ảnh các công nhân làm việc trong các siêu thị với những chiếc xe
mua hàng treo đầy bong bóng màu… Tất cả rực rỡ trên trang nhất với hàng “tít”
lớn “Chủ Nghĩa Tư Bản Đến Sau 30 Năm” cùng với hình ảnh các thiếu nữ mang dấu
hiệu các công ty lớn của Mỹ. Trong khi đó, những bài xã luận không còn giọng
điệu thân Cộng nữa mà đứng về phía VNCH. Ký giả Stephen J. Morris viết về chiến
tranh VN với lời khẳng quyết “một trận chiến chúng ta có thể thắng”. Trong khi
đó, các nhà báo cánh tả Hoa Kỳ sau 30 năm cũng đã thức tỉnh nhìn lại để thấy
rằng họ đã sai lầm. Các nhân vật cao cấp của quân đội như tướng Westmoreland và
tướng Abrams Creighton cho đến TT Nixon (những năm cuối đời), tất cả cũng đã
đồng thanh công nhận quân lực VNCH đủ sức chiến đấu nhưng bị thua vì giới
truyền thông cánh tả, đám phản chiến và quốc hội Hoa Kỳ. Nhà văn Phạm Thị Hoài,
tác giả Thiên Sứ, thời ấy cũng đã để rơi những giọt nước mắt, “không phải những
giọt nước mắt mừng chiến thắng mà là những giọt nước mắt giã từ”. Giã từ… Giã từ những giấc mộng, những ảo
tưởng trước hiện thực vô nhân, tàn bạo đang bày ra trên đất nước…
Trang sử 30 tháng Tư khép lại. Nghĩ về Sài
Gòn trong bóng chiều tan ở một thành phố nước Mỹ hôm nay vẫn còn thoang thoảng
trong ký ức của Nguyễn mùi hương hoa nhài, hoa sứ…
Nguyễn đã đọc bài tạp bút của Việt Nguyên
với những cảm xúc và suy nghĩ như trên. Ngoài ra, trong cuốn tạp bút vừa nói,
Nguyễn cũng gặp một bài khác của Việt Nguyên viết về cuốn truyện The Kite
Runner (Kẻ Săn Diều) của nhà văn A Phú Hãn
(Afghanistan) Khaled Hosseini.
Đọc bài của Việt Nguyên, Nguyễn vội vàng vào Barnes & Noble ở phố
Firewheel mua ngay cuốn “The Kite Runner”. Kỳ lạ thay, được khơi gợi, Nguyễn
bỗng thấy mình trở lại Sài Gòn với mùi hoa sứ, hoa nhài trên sân nhà, ở bến Bạch
Đằng và những khu vườn dọc theo con đường có trường Gia Long ngày trước. A, văn
chương có mãnh lực huyền diệu, Nguyễn
thấy mình được sống lại với những người bạn thời trẻ trong quán sách
hoặc lang thang trên đường phố, ngồi trong các quán nước, rạp xi nê. Cuốn sách có những cảnh thơ mộng,
những tình cảm ngọt ngào xen lẫn những đoạn bạo liệt. Còn nhớ, cuốn sách và bài
văn của Việt Nguyên đã gợi cảm hứng cho Nguyễn viết một loạt bài về những cánh
diều trên bờ biển Galveston, bờ biển Destin và trên cánh đồng làng Lại Thế,
cũng như những thân diều chết treo lơ lửng trên những hàng dây điện của đường
phố Sài Gòn như Bình Nguyên Lộc đã tả. Cũng trên dòng tự sự của Khaled Hosseini
trong “Kẻ Săn Diều”, Nguyễn thấy lại Sài Gòn thời đổi chủ và cuộc sống ở nước Mỹ
sau nhiều năm trôi giạt. Cũng như Amir chạy đuổi theo cánh diều ở Fremont,
Nguyễn tìm thấy hạnh phúc bình yên trên những cánh diều ở bãi biển Galveston và
Destin. Nghĩa là bài viết của Việt Nguyên và cuốn sách đã giúp Nguyễn tìm lại
được hình ảnh của mình và những bầu trời thân quen. Sau đây là một đoạn văn rất
đẹp và cảm động của Việt Nguyên trong bài viết về “The Kite Runner”: “Giấc mơ
của Hassan, mơ thấy những đóa hoa Lawla sẽ nở lại trên những đường phố, nhạc
Rahab sẽ trỗi lên nhộn nhịp trong mỗi căn nhà và những cánh diều sẽ bay trên
nền trời Kabul trong khi chờ đợi người
bạn thơ ấu trở về. Amir, Sohrab và vợ Soraya tìm lại được hạnh phúc trong một
buổi chiều trên cánh đồng Fremont. Amir chạy theo cánh diều trên quê hương mới,
tưởng như sống lại thời trẻ”*…
Ôi, mùi hoa lawla và nhạc Rahab trên đường
phố… Giấc mơ của Hassan là như thế. Còn tôi và bạn có giấc mơ nào không? Ôi,
Sài Gòn của ta. Nếu có thể, xin cho
Nguyễn được trở về đứng lặng yên nghe lại điệu blues từ phòng trà Tự Do vọng
ra, nhìn những cột buồm lảo đảo ngoài bến Bạch Đằng, ngửi thấy mùi hoa nhài hoa
sứ đâu đây khi “chim én vẫn bay đấy trời chiều đường phố Sài Gòn” (TTT), để
thấy hồn mình biến thành ánh chiều màu đỏ thẫm rơi, rơi…Và xin bạn bè cho phép
Nguyễn được mơ:
em ơi
đất ấy như lòng ta
sân gạch hồng
những cây bàng lá đỏ
và hoa nhài
hoa nhài
thơm những lu nước mưa. trăng
như mắt em
nhìn trời
trời thì cao. trong. mà đất đầy bóng tối
anh yêu em
như yêu hoa nhài
nhớ không
những bông nhài thuở ấy
kết thành chuỗi. treo trên cánh tay khẳng khiu của những
em bé ngoài bến cảng
trong khách sạn majestic
ở mái hiên. bia và cà phê. continental
từ tiếng khóc lầm than. tới giấc mơ trong đêm nhiệt đới
bình minh. không mặt trời
em ơi
chính là hận thù. sự nghèo đói. và mơ mộng của thi sĩ. làm
nở những bông hoa nhài
*“Từ Bàn Viết Houston”, Người
Việt xuất bản 2008
NXT
No comments:
Post a Comment