Nhà Văn và Thời Gian!
Nhà văn Mai Thảo
Trên vách tường trong căn phòng
nhỏ của Mai Thảo ở hẻm Song Long, Quận Cam, treo một số ảnh. Những bức ảnh của
Mai Thảo thời trẻ. Một bức ảnh do nhiếp
ảnh gia Lê Phúc chụp Mai Thảo mấy năm sau này, trước ngày anh mất sức. Một
khuôn mặt trầm tư, lạnh. Những nếp nhăn
của thời gian ở đuôi mắt. Chiếc khăn quàng cổ dầy. Mái tóc đã thưa nhưng không
có sợi bạc. Đôi mắt ngó xuống, cái nhìn như phóng vào khoảng không. Mai Thảo
vững chắc. Rất đàn ông. Nhiều bức ảnh đời thường của anh rất đẹp. Tôi hiểu vẻ
đẹp ngoại hình của một người đàn ông không nhất thiết phải có khuôn mặt của
Alain Delon, càng không cần cái thân xác vạm vỡ nhưng thiếu bộ óc của Mike
Tyson. Chính cái sần sùi của một làn da
khô nứt, cái dáng cao mà vững, sóng mũi thẳng. cái cằm bạnh, cái lạnh của mắt nhìn, cái say mê khi
nói về chữ nghĩa, cái phong thái sống ung dung, cái tấm lòng ở với bạn bè
đã làm cho Mai Thảo trở thành một người đàn ông quyến rũ.
Một bức ảnh khác – đen trắng
- Mai Thảo chụp với thi sĩ Vũ Hoàng
Chương. Tôi nhớ hình như cả hai ông ngồi trên thềm nhà. Nhiều lần Mai Thảo cho
tôi biết anh rất thích tấm ảnh này. Lẽ ra tôi đã hỏi tại sao. Nhưng tôi đã
không hỏi. Năm 1985, Mai Thảo cho in tập Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ
Việt Nam. Mười lăm chân dung “đã được minh họa từ những chất liệu của kỷ niệm
và trí nhớ” của Mai Thảo, chứ không phải được viết bằng tác phẩm hay tài liệu
văn học. Trong 15 chân dung ấy, Vũ Hoàng Chương là chân dung thứ nhất với tựa
bài “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương.”
Bài viết chiếm gần 40 trang trong tập sách chỉ dày 190 trang. Có thể nói
đó là một bài viết tràn ngập tình bạn và cuồng nộ trước số phận mong manh của
nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong những ngày tháng Năm 1975.
Mai Thảo viết:
“Một buổi tối, đến thăm Vũ
Hoàng Chương, được ông cho coi những thư từ bạn bè ngày trước của ông từ Hà Nội
gửi vào. Thư của Lưu Trọng Lư, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Cầm. Nhưng lá thư ngắn
nhất là của Nguyễn Tuân. Chỉ vỏn vẹn hai câu:
‘Mấy lời hỏi thăm cố nhân. Thư bất tận ngôn.’ Vũ Hoàng Chương cười:
‘Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà
nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ thư bất tận ngôn.’
‘Mày có trả lời bọn họ không?’…”
“Mày có trả lời bọn họ không?”
Đó là câu Mai Thảo hỏi Vũ Hoàng Chương. Tại sao mày tao? Tôi ngạc nhiên cách
xưng hô của Mai Thảo với Vũ Hoàng Chương. Thi sĩ Vũ lớn tuổi hơn Mai Thảo
nhiều. Ông Vũ có thể mày-tao với Mai Thảo, nhưng chẳng lẽ Mai Thảo cũng mày-tao
với họ Vũ?
Tôi đọc lại bài Mai Thảo viết
về Vũ Hoàng Chương thêm một lần nữa. Tôi ngừng lại ở đoạn: “Tôi đến thăm Gác Bút thường ngày [như vậy]
và thường vào buổi chiều. Thường, vì muốn, vì cầu, với tôi. Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam,
được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm
lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm, tôi đã đến
thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần.”
Chẳng hạn đọc lại một thư đề
ngày 12 tháng Bảy, 1995, nhà văn Nguyễn Đình Toàn [lúc đó còn ở Sài Gòn] gửi
cho Mai Thảo, qua Duy Trác, nhân dịp thi sĩ Du Tử Lê tổ chức Đêm Mai Thảo, có
đoạn viết:
“…Ông Lý [Lý Hoàng Phong] vừa
tới chơi. Nghe tao định viết thư cho mày, ổng gửi lời thăm. Vẫn chưa chừa bệnh
văn chương. Ổng bảo viết về Mai Thảo thật khó. Tao có bảo với ổng, coi như mỗi
thằng viết văn có một mãnh đất, chữ nghĩa của nó là cỏ. Hễ nó lấp đầy được mãnh
đất thành một cái bãi xanh cỏ đủ, mặc mẹ những chỗ lồi lõm. Cái hay của Mai
Thảo là nó viết một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng Mai Thảo. Thế là quá đủ
rồi…”
Tôi chợt hiểu.
Và tôi hiểu tại sao Phạm Công
Thiện – suýt soát tuổi tôi, nghĩa là thua Mai Thảo đến một con Giáp – mà cứ
mày-mày-tao-tao với tác giả Sống Chỉ Một Lần, trong khi đó thì tôi lúc nào cũng
cứ anh-anh-tôi-tôi với Mai Thảo. Tôi hiểu tại sao nhà văn Nguyễn Tuân – cùng lứa
tuổi với bố tôi đã nhất định không cho
tôi uống ly rượu ông vừa rót ra cho mọi người. Chỉ vì tôi gọi ông bằng bác.
Phải chăng nhà văn không có
tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian
sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra. Là cái
khả năng thể hiện sáng tạo. Là chính chữ nghĩa từ những trang sách họ mang đến
cho đời sống. [NXH]
No comments:
Post a Comment