Nguyễn
Thị Minh Ngọc
Nguyễn Thị Minh Ngọc
Ngọc của Sài Gòn
1.
Bây
giờ càng dấn sâu vào bối cảnh “Sàigòn 300 năm” để kiếm ra từ đó những gì cần
nói với hôm nay, tôi càng cảm thấy mình làm công việc này chẳng phải vì những
lời kêu gọi vận động sáng tác nữa, mà là mình viết cho mình. Điều này gây cho
tôi cảm giác lạnh lưng và biết sợ... Gặp một số văn, thi, nhạc, họa, nghệ...
sĩ, tôi hỏi giữa hai đứa nói thật đi, những sáng tạo của bạn từ ai, và vì ai?
Câu trả lời 100% tôi nhận được là: “Tôi làm những việc này cho chính tôi!”.
Một
họa sĩ, vừa đi Paris với tôi về thì thêm: “Dĩ nhiên, sau mỗi chuyến đi, mở rộng
tầm mắt, tôi không chối cãi được là có nhiều điều đã thẩm thấu qua tâm hồn tôi,
và hắt trả ít nhiều trong tác phẩm”. Một đạo diễn có tác phẩm bị cấm (đây là
loại người cho tời nay vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao lại sửa tới sửa lui cái
tác phẩm như một tấm lòng thành của mình) cho biết rằng: “Trong tôi dường như
lúc nào cũng có một nhu cầu bức bách cần chia xẻ với những người dân thất thế
bất hạnh chung quanh và sáng tác của tôi dường như có bị ám ảnh bởi nhu cầu
ấy...
2
Câu
hỏi này càng gay go hơn cho những người hoạt động trong lãnh vực sân khấu và
điện ảnh, mà yếu tố khán giả vô cùng quan trọng. Nhiều người khư khư tôi làm
tất cả vì tôi, nhiều người nhún vai tỏ ý bất lực, nhiều người im lặng thở dài.
Có người mạnh bạo hơn: Mỗi đợt tham gia hội diễn, tôi ngạc nhiên không hiểu tại
sao người ta lại có thể “hèn” đều đến như thế, dường như họ không phải sáng tạo
cho chính họ nữa mà đang phấn đấu cho một nền văn hóa văn nghệ lấy ‘Ban Giám
khảo’ làm gốc...”.
Một
nhà văn đứng tuổi, có chỗ đứng khá quan trọng trong văn giới, lắc đầu: “Không
với sân khấu nữa vì không như đọc giả, khán giả của sân khấu thì ‘dã man, sát
thủ’ tức thì”. Ông đã từng len lõi ngồi lẫn vào khán giả để trực tiếp đón nhận
thái độ phủ phàng không chấp nhận vở kịch ông viết của họ. Và có lẽ đó là vở
kịch độc nhất của đời ông.
Có
những phim Việt-Nam tốn kém hàng tỉ đồng, hôm chiếu ra mắt với một công chúng
miễn phí, cũng bị họ tỏ thái độ bằng cách rút lui từ từ để đến khi đèn sáng chỉ
còn vài nhúm khán giả. Dù không bị mất tiền họ vẫn tiếc điều họ đã đang bị đánh
cắp: thì giờ... Nhiều đoàn nghệ thuật xập xệ, đi diễn ở những vùng xa chỉ với
giá rẽ mạt nhưng họ đã không cấm được nhiều khán giả trách chê: “Biết vầy để
mấy đồng đó mua bịch muối ăn cả năm còn có lý hơn nhiều.
3
Khi
trả lời những câu hỏi đó, có thể các bạn tôi đã không nói dối, nhưng có vẻ như
họ đã nói lên ước muốn của mình hơn là cái hiện tại đang có. Nhiều nghệ sĩ cải
lương khi được xem một tác phẩm “sạch sẽ” với một công chúng tương đối lý tưởng
đã nói rất thật lòng (nhưng hình như chị thật lòng được trong giây phút đó):
“Ôi! được diễn trong môi trường này, chết cũng thỏa. Tiền chẳng là cái đinh gì
đối với chúng tôi!”. - Bởi vì, thử đôi lần nhập cuộc với nhau, có đêm thất thu,
xin bớt chút đỉnh thù lao là mặt lạnh như tiền. không bớt được đâu mấy đứa à,
còn đợt diễn sắp tới chắc kẹt về quê giỗ chạp...
Một
đạo diễn sân khấu học vị cao, đã có nhiều tác phẩm có giá trị, cho hay trong
bối cảnh nhiễu nhương hậu bao cấp, tiền cơ chế thị trường của sân khấu, ông đã
chọn thái độ nói không với mọi lời mời mọc, yêu cầu ông phải bớt phần nghệ
thuật nghiêm túc đi để vở diễn có công chúng rộng rãi hơn. Một đạo diễn sân
khấu có nhiều tác phẩm đàng hoàng khác cũng truyền một kinh nghiệm máu xương
thời ông ta còn trẻ: “Hiếm có một kịch bản Việt Nam nào có thể cầm lấy làm
ngay. Nếu cảm được hạt nhân xúc cảm của vở và nhắm nó trên trung bình một chút
thì hãy đổ máu trút xương vào mà sửa...”.
Nhưng
chúng tôi, những người làm nghề không còn trẻ nữa, cũng nhắc với nhau, từ đây
đến cuối đời, liệu còn cầm được bao nhiêu vở trung bình khá trong tay để chúng
tôi có thể trút hết máu xương...
4
Trong
những lần tiếp xúc với độc giả, khán giả, chúng tôi du bị chất vấn: “Sao chương
trình sân khấu của cơ quan X tệ vậy?” - “Sao kịch bản ông T. hay ghê lại chẳng
thấy ai làm?”. - “Sao chẳng thấy vở kịch Việt Nam nào coi được từ khi ông V.
mất?”.
Làm
sao nói cho người ngoài hiểu đây, nếu những điều đó khiến độc giả, khán giả của
chúng tôi buồn một thì chúng tôi, những người trong cuộc đau đến gấp mười... Ai
cũng biết, cho đến giờ, vẫn không dễ gì mua được vé xem vở “Dạ cổ hoài lang”.
Hiện tượng này lẽ ra khuyến khích được nhiều kịch tác gia thì lại khiến họ
chùng tay, bởi sau khi tổng hợp các phân tích, anh em được yêu cầu phải sáng
tác bằng hoặc hơn một tác phẩm đã đạt đỉnh cao của ba mặt: “Nghệ thuật để chinh
phục khán giả, doanh thu để yên tâm tái sản xuất và bù đắp thêm cho những tiết
mục kém hơn và cuối cùng, phản ánh đúng đường lối, chủ trương chính sách để các
cấp lãnh đạo đều nhất trí ủng hộ hoan nghênh...”.
Tiếc
rằng đa số các người viết kịch sau đó đều nhận ra mình đức mỏng, tài hèn...
phấn đấu tối đa cũng chỉ đạt được hai trong ba yêu cầu đó; nên lòng tự trọng đã
khiến họ cất giữ tác phẩm của mình trong ngăn kéo hoặc đi bán đổ bán tháo ở
những chỗ vừa bán thuận mua để độ nhật mưu sinh.
5.
Nếu
ví người nghệ sĩ sáng tác như “chàng tuổi trẻ gan dạ trên BA chiếc đu bay” như
vậy thì trong lúc nôn nả tìm cách đưa tác phẩm ra công chúng, nhiều người trong
chúng tôi ưa quên rằng dưới ba chiếc đu quay ấy không có lưới an toàn. Nhiều
đạo diễn cho rằng loại kịch tôi viết rất khó bán vé và khó được lòng nhiều
người nhưng thôi, lối nhỏ, tuy không an toàn, vẫn là lối của ta. Tôi lại nghĩ
khác, cứ làm hết sức mình, khán giả sẽ không bỏ ta và lãnh đạo nào nỡ dẹp đi
một tác phẩm không vi phạm luật pháp, lại được công chúng đồng tình.
Thực
tế thì không vậy. Không phải tôi mà bạn bè tôi. Vở đang ăn khách lại phải bị
ngưng. Khi nghe thắc mắc tại sao cũng kịch bản đó, tác giả đó, diễn viên đó mà
địa phương khác vẫn sản xuất băng vidéo phát hành toàn quốc, chúng tôi
được một vị quản lý văn hóa hắt trả “Bộ
thấy người ta đi ăn cướp, làm đĩ rồi bắt chước theo sao?”. - “Có những vở ông
khen tràn cung mây thì chúng tôi, những người làm nó lại vô cùng xấu hổ (nhưng
không hoang mang). Có khi ông nói giọng tâm sự: “Mai mốt anh nghĩ hưu rồi tụi
em mới thấy thiệt thòi và nghĩ lại thương anh. Hiếm có người liêm khiết, trấn
thanh long đao nơi cửa ải mà không để lọt lưới bọn “diễn tiến hòa bình” trong
sân khấu chúng ta!”. Mỗi lần gặp ông tôi cứ nhớ câu chuyện về một vị linh mục
cứ hùng hục làm những chuyện phản đạo mà cứ ngỡ mình đang bảo vệ đạo. Khi ông
quỳ xuống tượng chúa kể công, trong câu chuyện hài hước ấy, chúa nói rất tiếc
là chân ta đã bị đóng đinh, không thì ta sẽ đá cho con không còn ở làng này mà
phá đạo”.
6
Nếu
không có gì thay đổi, bạn tôi, Geoff Gillham, đạo diễn và tác giả người Anh sau
hai năm ròng rã thủ tục giấy tờ, sẽ đến Việt Nam để dựng và diễn vở “Bone
Cage”. Tôi đã được xem vở này trong đợt hội thảo về “Sân khấu giáo dục cho
thiếu nhi”. Một cô bé bị nhốt trong chiếc lồng để làm những trò vặt, mưu
sinh... Cuối cùng, khi cánh cửa được mở rộng rồi, như sống đã quen, cô không có
nhu cầu bước ra ngoài lồng sắt nữa... Geoff sống du mục như một nhà hoạt động
sân khấu tình nguyện, khi Jordani, khi Kenya, đã từng ở trong những nhà hát lớn
và đã từng bỏ hết mà đi... Geoff kêu đã chán rồi những “Miss Sàigòn”, những
“Con ma nhà hát Opera” và cả những Shakespear hoành tráng, mỹ lệ... Anh chỉ
muốn làm sân khấu cho những người chân đất, không có tiền đến những nhà hát
sang trọng mà xem, dù anh biết, anh sẽ rất dễ dàng xin được tiền của Hội đồng
Anh nếu anh chọn những đề tài màø Hội đồng Anh ưa chuộng.
7.
Đợt
đó, Geoff mời miền Nam sang 5 người. Tôi chuẩn bị vở “Người lãng mạn cuối cùng”
kể chuyện một nhà hát rệu rã, đến giờ đi phục vụ chỉ còn năm người nên chuẩn bị
làm một trích đoạn năm ngưởi. Bất trắc lại đến 5 còn 4, còn 3, rồi còn 2, còn
1... Cái người còn sót lại ấy vẫn cố diễn những trích đoạn một mình vì không nỡ
phụ lòng mong đợi của những khán giả của một vùng sâu đang mõi mòn trông đợi.
Giờ
chót, Geoff báo chỉ xin được đủ tiền cho một người. Tôi đành phải chuyển tập
mấy tiết mục rối que, dây, kết hợp rối người như anh Văn Hợp vẫn làm. Và đem
theo một số băng hình ca nhạc cổ tích cho thiếu nhi. Trong đó có vở “Những đứa
trẻ lạc loài” của tôi mà Hoa Hạ đạo diễn và đài truyền hình vẫn phát trong
những ngày 1/6. Xem đến đoạn cô giáo và anh công an khu vực cùng góp tay lo lớp
học tình thương cho lũ trẻ bụi, một bạn người Việt đã tỏ ý không tin chi tiết
này có thật. Thật ra trong nguyên tắc, tôi đã không nhấn mạnh điểm này nhưng
phải sống trong những ngóc ngách Sàigòn mới thấy tinh thần từ thiện của thành
phố này khá cao với số lượng thầy cô tự nguyện chăm lo cho lớp học tình thương
như vậy đã nhiều ngoài sức tưởng tượng của những người sống ở những địa phương
khác.
8.
Lại
nhớ chuyện tôi đưa học sinh mình đi diễn ở những điểm đóng quân của Thanh niên
Xung phong, đốt đuốc lồ ồ hay pha đèn xe hơi đề có ánh sáng, vạt giường cài hoa
phong lan làm tạm cánh gà... Bài ký của tôi chỉ phác vài nét nhỏ về những
chuyến đi lãng mạn ấy. Báo Tuổi Trẻ đã đăng cách đây hơn mười năm nhưng báo một
địa phương khác thì đã không đăng với lý do rằng tôi đã tưởng tượng ra điều
không có trong sự thật.
Như
thế, người yêu của chúng tôi đâu? Cái sự thật nào phải bóp méo đi để tác phẩm
được ra đời? Và cái giả nào cần tô vẽ để chìu lòng ai đó, không phải ta... Và
khi đó, có còn nữa không, cái gọi là phẩm tiết của người nghệ sĩ? Khi những
người rao giảng, chưng bằng “tiết hạnh khả phong” lại chính là những người đạp
lên phẩm hạnh chính mình và người khác.
9.
Bước
chân ra ngoài, ai cũng có vẻ ghen tỵ với những chất liệu sống ngồn ngộn mà chỉ
những người Việt Nam, bấu chân, luồn rễ vào đất nước này mới chiêm nghiệm được.
Còn mình lại so bì sự thoải mái sáng tạo của những bạn cùng nghế! Ai may mắn
hơn ai? Tôi chỉ biết mình đã hạnh phúc biết bao trong những giây phút được chia
xẻ với những đọc giả, khán giả sống cùng thời với mình dù trong hay ngoài nước.
Và
dù cũng đã lắm lúc trơ lì mặt đá khi ở trong nước bị dán tem “có sạn trong đầu,
không chính chuyên lắm về chính trị” và khi ra khỏi nước thì bạn cũ khước từ,
nhắn với “Xin đừng đến nhà tôi, đồ Việt cộng con!”
10.
Và như thế: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Đến để làm gì? Và
khi xong tất cả mọi chuyện thì tôi sẽ về đâu?”.
Viết, diễn hay dựng, dạy chi rồi cũng để cho tôi tìm cách
tự trả lời những câu hỏi ấy. Đó cũng là nội dung một bài học tôi đã được học
cách đây đâu cũng 25 năm.
Bây giờ, nói với những người bằng tuổi tôi lúc ấy, biết
đâu họ sẽ nói: “Chuyện xưa quá rồi, Diễm ơi” hay “Quên đi, bà ngoại!”. Thì đây
cũng như chúng tôi xưa, cứ “sức mấy mà buồn, bỏ đi Tám!”.
Nhưng bây giờ sắp là mùa Xuân mà, tôi có buồn không, trên
con đường tìm hoài không gặp?.
Và phải chăng, Tám đó chính là tôi!..
NTMN
(trích Ngọc Của Sài Gòn)
No comments:
Post a Comment