Thursday, April 30, 2015

TẶNG ANH



Nguyễn Thị Khánh Minh


Sinh viên Sĩ Quan Thủ Đức

Cùng anh Khải

Tặng anh
Những hạt nước mắt ngày còn bé theo anh chơi ngoài nắng. Em bị đòn. Chúng ta chia nhau cái đau mặn vị trẻ thơ. Hạt lệ em tươi khóc. Nước mắt em giòn cười* chuyện trò chia sẻ. Cây sầu đông nhà bố mẹ trổ hoa theo anh em mình lớn.

Tặng anh. Hạt lệ cười, em mười tám tuổi xúng xính trong bộ quần áo anh mua cho bằng lương tháng lính đầu tiên. Nước mắt reo. Không là núi cao. Không là biển cả. Máu chảy ruột mềm**. Nước mắt buồn ngày anh theo bước quân hành. Em thảng thốt như hồi bé tiễn cha đi xa. Chuỗi xâu hạt lệ những tháng năm anh ngoài biên ải. Em khóc một mình. Mặn vị chia ly. Xin hạt đất, vạt gió, nắng ấm quê nhà chở che anh đường tên mũi đạn.

Tặng anh. Hạt lệ câm. Tặng anh hạt lệ chờ. Con mắt nào nhìn suốt đất trời. Tai nào nghe vạn dặm. Tìm anh. Hỏi anh. Nơi nào biệt tích.
Buổi sáng ấy nắng tràn đập lời chim khách. Mẹ nói ngoài sân có nụ hoa hỷ tín. Chắc sắp có tin thằng Khải… Ôi, ôi, em không tin. Hạt lệ mừng. Nụ cười tức tưởi. Khi anh, -người- tù- binh- bỗng trở về, trở về như hiện ra. Em tặng anh này tiếng vỗ tay em vui buồn ứ lệ. Này bàn tay mẹ gầy thăm hỏi thịt da xưa…

Tặng anh. Nước mắt sẻ chia. Nước mắt ngậm ngùi. Nước mắt nhẫn nhịn trong gian nan khốn khó. Ngày đầu tiên em đi làm bằng chiếc xe đạp anh ráp từ nhặt nhạnh ở những cửa hàng đồ cũ. Em mơ trên phố những vòng quay ấm nắng Sài Gòn…

Mình tặng nhau nước mắt xót. Khi mẹ bới cho chúng ta, những đứa đi làm, lon cơm không phải độn bo bo. Nhưng chúng ta đã đâu đành … Anh em chúng mình. Hạt lệ chia đôi hạt gạo. Nụ cười chung một ly cà-phê-vợt trên vỉa đường. Đêm thành phố người đi như bóng. Ánh mắt đèn dầu. Bóng ngày mai leo lắt. Anh em mình khơi chút lửa ngày xưa. Anh ơi rồi một ngày em sẽ tặng anh bài thơ nói về hạnh phúc.

…Cho dẫu. Bây giờ em không thể, bên những đa đoan của cuộc sống, kéo anh ra vườn chỉ cho anh xem vầng trăng mười sáu. Em không thể đánh thức anh dậy để than rằng em mất ngủ. Khi ánh đèn sáng trong phòng làm việc kia không còn dành chỗ cho em đọc một bài thơ nói về bóng tối. Của niềm cảm thông lặng lẽ.

Ôi rất nặng nên hạt lệ không thể trào ra. Hạt lệ mềm không thể đỡ chúng ta đi… Nhưng anh ơi em vẫn muốn tặng anh nụ cười tinh nghịch như hồi anh là học trò. Em muốn tặng anh mùi áo lính thơm khi em vừa ủi xong như hồi anh là anh tân binh trường Thủ Đức. Em muốn kể cùng anh bằng tiếng thì thầm, bằng hạt lệ dễ rơi như hồi em là cô em nhỏ…

4.2012
NTKM

* thành ngữ ‘Giòn cười tươi khóc’
** Người đời thường nói: Anh em máu chảy ruột mềm


Wednesday, April 29, 2015

CHO NHỮNG NGƯỜI VỪA NẰM XUỐNG CHIỀU QUA



Nhạc sĩ Tuấn Khanh



Tháng 4/1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhục nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.

 Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên... với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.

Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn... Vốn là trung uý ở Nha cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.

Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an khu vực đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là trung uý cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).

Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ y định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều.

Một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt "tụ tập đông người", ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30-4-1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.

Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người cho rằng có thể ông là Việt Cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1973, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt Cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt Cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành.

Không ai có thể hình dung được đời mình và người Cộng sản từ miền Bắc đã gây ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Văn Thiện không bao giờ hình dung được người vợ không hôn thú của mình (bà Ngọc) là thành phần khủng bố ở nội đô. Bà Ngọc đem mìn hẹn giờ đến cài ở nhà hàng Liberty, đường Tự Do, để giết một vài lính Mỹ. Thế rồi bị trục trặc, chính bà cũng bị mìn giết chết tại chỗ, còn chỉ huy của bà là ông Sáu Hỏi (sau 1975 về làm quan chức ngành văn hoá ở quận 5) thì cao chạy xa bay.

Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang... tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân... thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Có miễn cưỡng nhưng chỉ còn đó là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30-4, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.

Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ... Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban tuyên giáo. Trong khi đó, khác với giới biểu diễn của chế độ mới thì được tạo điều kiện để ca tụng, quảng bá lắm lúc trơ trẽn.

Khá nhiều nhạc sĩ trước 30-4 là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng vì đói, vì sợ đòn nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại căm ghét. Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An mới quay lại với âm nhạc, dùng Đời Đá Vàng như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã trải qua.

Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là đại uý cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hòa. Bốn tháng sau ngày 30-4, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của nước Việt.

30-4-1975 là một cột mốc của nhiều điều, mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi buồn gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.

Tuấn Khanh
Sài Gòn 26/04/2015
(Nguồn: từ email của bạn)

NHỚ ĐÊM CON VỀ LẠI TỪ RẠCH GIÁ



Đinh Cường

Những nấm mồ của biển. Tranh Đinh Chinh

Biển đêm gầm. cuối tháng tư
đá xô bờ giạt. cháu giờ nơi nao [1]
má còn mọng đỏ hoa đào
mà nghe như tiếng thét gào lạnh căm

cháu ra tàu nhỏ đêm bầm
bùn loang nước sấp ém cùng toán quen
rừng lau lách nằm lạnh căm
đèn pha tiếng động lại trầm mình thôi

hai hôm sau thấy con về
trong đêm lem luốc. thôi đành bỏ thôi
hơn cả tuần chưa êm xuôi
hơn cả tuần lóng ngóng hoài. mẹ cha

thì thôi. ruột thịt bên ta
lỡ ra mất xác. biển là bão giông…
tháng tư nhớ cuộc ếm lầm
nhớ con về lại mà mừng. đêm khuya…

Virginia, April 28, 2015
Đinh Cường

[1] cùng đi, có con gái người bạn văn bị mất tích trên biển.

Tuesday, April 28, 2015

RĂNG ĐEN MÃ TẤU



Khuất Đẩu

Chân dung thiếu phụ răng đen ngày xưa

Mẹ tôi, nhuộm răng đen. Như cô tôi, bà tôi. Một màu đen như tóc mọc trên đầu, như áo quần họ mặc. Chính hàm răng ấy đã nhai những hạt cơm trắng đầu đời mớm vào miệng tôi. Như chim cánh cụt mớm mồi cho con của nó. Nhớ về mẹ, tôi nhớ nhất hàm răng đen của bà.
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.
Những câu thơ hiền hậu nói trên là của Lưu Trọng Lư, ra đời cùng lúc với con nai vàng ngơ ngác*. Những câu thơ không đẹp như trong bài Tiếng Thu, nhưng hình dáng mẹ trong bài Nắng Mới thì đẹp xiết bao. Nét cười đen nhánh sau tay áo ấy còn được nhà thơ của Lá Diêu Bông làm cho nó trở nên rực rỡ hơn:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Trước đó hơn hai trăm năm, Nguyễn Huệ, không là nhà thơ nên không thấy mùa thu tỏa nắng, nhưng ông thấy hồn dân tộc sáng ngời trong chính  màu đen từ thủa Hùng Vương cho đến đời anh em ông. Và giữ độc lập cũng chính là giữ cái quyền được để răng đen, được ăn trầu và để tóc dài, Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng tri hữu chủ, là để nó biết hữu chủ ngay từ chuyện nhỏ nhặt như thế..
Có thể nói, răng đen là hình ảnh tượng trưng bình dị nhất của dân tộc ta, cho dù chưa được văn minh như người nhưng không thể nói là man rợ. Lại càng không phải là ác độc, tàn bạo, nhất là với chính cha mẹ, anh em, xóm giềng, làng nước.

Vậy mà, sau bốn lăm, cái màu đen ấy bỗng thêm một cái đuôi đáng sợ. Không còn đen nhánh sau tay áo, không còn mùa thu tỏa nắng, mà là răng đen mã tấu!
Tự đâu mà có bốn tiếng xa lạ dường ấy trong tiếng nước tôi, nghe lịch kịch xủng xoẻng như tiếng khảo tra?
Phải trở lại những năm sau cuộc cướp chính quyền, những năm mà xác chết cụt đầu nổi đầy sông. Chính những người cọng sản đầu tiên, thời ấy hãy còn nhuộm răng đen, đêm đêm vác mã tấu đi chặt đầu những ai không cùng đảng với họ, những ai làm việc cho Pháp, Nhật. Chỉ cần gắn cho hai tiếng Việt gian là đi đứt sinh mệnh của một con người. Rồi cũng chính họ, mười năm sau, nhảy lên xác bà Nguyễn Thị Năm đạp cho lọt vào hòm, mở đầu cho những cuộc đấu tố kinh hoàng đến cả mấy chục vạn người chết vì hai tiếng địa chủ.
Bốn tiếng răng đen mã tấu chắc là do thân nhân của những nạn nhân oan ức kia kêu lên trong kinh hoàng và khinh miệt. Nó gọi đúng tên một giai cấp mới, gồm những kẻ mông muội, chỉ biết tin theo Đảng.
Đến nay, họ cũng rơi rụng gần hết theo quy luật thời gian, dăm ba kẻ còn lại thì nghễnh ngãng tuy được tôn là tiền bối cách mạng.
Nhưng con cháu họ, đương nhiên răng trắng bóng, không mặc áo bà ba đen mà veste đen, không xách mã tấu mà xách cặp vi vu bay lượn khắp nơi. Giờ, họ văn minh không thua gì ai, nhưng cái bản năng răng đen mã tấu vẫn còn trong những đạo luật và nghị định mà họ đặt ra, làm chết dần chết mòn một thứ có màu đen muôn thủa là dân đen.

Tháng tư, 2015
Khuất Đẩu

* Sau 75, Lưu Trọng Lư vào thăm chơi miền nam. Có người hỏi ông về con nai vàng trong bài Tiếng Thu, ông bảo nó không còn ngơ ngác nữa vì đã có Đảng lãnh đạo.