Monday, February 2, 2015

ĐỜI ĂN HỌC



tạp bút Lưu Na


 
Trẻ thơ. Tranh của các em tự vẽ

Tôi ra đời năm 1959.  Tạp chí Bách Khoa số 55 ngày 15 tháng 4 năm 1959 có những bài viết: bàn về đạo Khổng; đức ẩn khuất của Lão giáo và đức khiêm nhu của Ki tô giáo; bàn về chữ Tín và Thành, nghĩ về án tử hình; văn phạm Việt Nam; nhân vật Ngô thời Nhậm, Phùng Khắc Khoan; đọc tạp chí ngoại quốc; vấn đề Lạc Vương hay Hùng Vương; Nhạc sĩ Hoendel; và thơ truyện.  Chỉ có 1 quảng cáo ở bìa trước mặt trong _ rượu dấm nước hoa và si rô của hãng Distilleries de L’Indochine. 

Năm đó cho đến những năm về sau, ba tôi sớm vác ô đi tối vác về với bộ đồ vía kinh niên: áo sơ mi dài tay cháo lòng, quần tây mỏng xanh blơ ma rin, và nón dạ.  Thức uống cũng kinh niên: một chung Vĩnh Tồn Tâm pha vào một ly lớn sô đa đá.  Chỗ ngài ngự thì đổi khác tùy nơi an cư kiết hạ, năm 1964 là những quán cháo lòng ở đường Hồng Thập Tự, nơi chiều chiều Má tôi mang tô ra mua một tô cháo lòng “không” về chan cơm cho các con trong bữa chiều.

Nghề ngỗng của những gia đình Bắc di cư thập niên đầu chắc là đa dạng!  Những hiểu biết về sau cho phép tôi đoán rằng xưởng may của Pháp nơi Ba làm việc trước 54 nay chuyển thành một bộ phận may quân phục của Quân Nhu, nơi ba tiếp tục được lưu dụng như một nhân viên dân sự.  Má thì tội nghiệp hơn.  Má phải làm lao công nhà thương Từ Dủ, về sau là nhà thương Thanh Quan.  Từ Dũ trong trí nhớ của tôi có hình ảnh một bệ gạch hoa vuông vắn xây nổi, cao độ 2 hay 3 tấc trên sàn cũng gạch hoa trắng đỏ.  Cái bệ ấy dùng làm gì tôi không biết, nhưng nó là chỗ ngủ của tôi khi Má phải trực đêm.  Một nơi nào đó trong nhà thương có một bộ xương người ta có chất lân tinh làm nó sáng rực trong đêm tối và nó ngự trong những giấc mơ của tôi cho đến khi vào trung học.

Tôi bắt đầu đi học ở trường Cây Đa cuối ngõ hàng quà.  Cái lớp mẫu giáo ấy chỉ là một phòng nhỏ với 2 dẫy, mỗi dẫy vài cái bàn ghế dài loại dính liền.  Mẫu giáo tiên học lễ, tôi lễ phép nói với ông chạp phô Hòa Phú đầu ngõ: ông bán cho cháu một lít gạo, tối về Má cháu trả tiền.  Một lít gạo hình như là 4 lon sữa bò, gói vào gói giấy báo như 1 cánh bánh ú to.  Tôi bắt đầu đánh vần được tên những tờ báo, hình như Nghị Động/Nghị Luận (?), Tiếng Vang… Tôi tốt nghiệp mẫu giáo với buổi núp xuống gầm bàn tránh đạn pháo kích của Việt Cộng làm cháy xém mái nhà và cái miễu nhỏ dưới gốc cây đa, rồi cả bọn mũi dãi lấm lem áo quần lung tung ùa chạy về nhà ngay trong ngõ đối diện. 

Lâu lâu tôi được ăn cơm tiệm ở quán cơm Hà Nam, đối diện ngõ hàng quà mé bên kia đường Trần Quí Cáp.  Thức ăn bốc khói trong những thau nhôm nơi xe kính, gọi một tô canh chua một dĩa thịt nạc ram và mấy chén cơm, rồi lại mấy chén ăn thêm.  Với tôi ăn như vậy là ngon lắm rồi, nhưng không lạ bằng Quán Cơm Xã Hội mà tôi băng ngang trước khi về đến hẻm Hòa Phú. Hình như mỗi phần cơm đặt trên mâm nhôm có 3 món cơm, canh, món mặn, và ăn xong có dưa hấu hay chuối tráng miệng _ coi bộ Ba Má không mặn mà cơm Xã Hội nên tôi không được thử.

Má đã dành dụm được tí tiền, mua căn nhà có gác rộng 3 x 4 thước ở hẻm con Tám đối diện Hòa Phú.  Ở hẻm này tôi được đi “thực tế.”  Ngày ngày tôi học làm giò chả (!) ở nhà làm giò chả cái gì Hồng cái gì Hương không nhớ được nơi cuối xóm, rồi học Tam Bộ Nhất Bái của bà nội con Tám với cái bàn thờ Phật có đèn hột vịt đỏ, và học cách tuốt râu bắp mỗi khi xe ba gác đổ hàng núi bắp xuống đường rầy và các bà bạn hàng ra lựa bắp.  Ở đó, tôi còn được học cách “chung sống hòa bình.”  Anh lớn của tôi trở thành vú em, một người vú em cần mẫn và rất có óc sáng tạo.  Anh ra đường rầy chỗ người ta lược bắp non, tuốt râu ria, ôm một mớ bắp non thải về nấu nước mát cho 4 anh em uống, ngọt như có đường.  Tiền quà để dưới mâm ly tách uống nước của các em, đứa 5 cắc đứa mấy xu không nhớ, anh gom lại mua một phong sinh gâm xanh lá cây, chia mỗi đứa một cái và ngắt cái thứ năm ra làm 4 phần rất đều.  Đêm đêm, nghĩa là 8 giờ tối, sau khi ăn cơm, tôi học bài học vệ sinh thường thức là rửa chân đi ngủ, trong khi Ba “thao tác” an ninh nội chính bằng cái đòn gỗ 4 cm vuông gác ngang hai cánh cửa lá sách sau khi đã cài chốt trên chốt dưới và khóa nắm cửa không lấy chìa khóa ra để nếu trộm có dùng chìa khóa giả thọc vào thì chìa bên trong sẽ rớt xuống nền gạch kêu rất thanh trong đêm vắng.  Ba sợ mất trộm cái gì là một bí mật, có lẽ cho đến khi tôi chết, nhưng cái đòn gỗ đó còn là vũ khí trấn áp nội loạn với Má.  Địch đáp trả bằng mâm ly tách bưng lên ngang ngực phòng thủ, nhưng tất cả chỉ là biểu dương lực lượng mà thôi, và nội chiến kết thúc với cái bụng của Má ngày một to.

Gia đình tôi dọn qua hẻm Phan đình Phùng năm 1965. 

Năm đó Má sinh cô em út, tôi bắt đầu lớp năm (lớp 1 sau này) ở trường Bàn Cờ, và Bách Khoa số 58 ngày 1 tháng 6 năm 1965 (*) gồm những bài viết về giáo dục, văn chương, chính trị thế giới, tôn giáo, con người và xã hội, âm nhạc, và thơ văn.  Không có bài nào ca tụng chính phủ, ca tụng lãnh tụ, ca tụng chế độ, hay chửi bới cộng sản.  Quảng cáo giờ đa dạng, bao gồm quảng cáo đường, rượu, thuốc lá, nước ngọt, nước hoa, giấy in, kỹ nghệ điện, dầu hỏa, đồng hồ Timex,  du lịch Ý bằng tàu thủy(cruise bây giờ), xe hơi Gypsy của hãng Austin, hãng vận chuyển tàu thủy, hãng xuất nhập cảng, thư quán, tập san, sách báo, và nhiều nhất là bảo hiểm mọi thứ cùng với nhà băng ngoại quốc. 

Xã hội trong Bách Khoa coi bộ tưng bừng náo nhiệt, đang trên đà phát triển, và êm đềm.  Bên ngoài, việc ăn học của tôi cũng phong phú hơn lên!

Bắt đầu với lớp năm (lớp 1).  Mỗi buổi, khi cô giáo vào lớp và tan lớp, trưởng lớp (thường là đứa bự con và lanh lẹ mà cô chọn trong buổi học đầu tiên) hô “Nghiêm.”  Chúng tôi đồng loạt đứng lên.  Học dốt thì không sao (hơi có sao), chứ nếu không đứng lên chào thầy cô thì sẽ bị phạt rất nặng _ bắt quỳ, gọi bố mẹ đến.  Lớp năm vẫn còn phải tập viết, là chép lại một câu gì đó trên bảng, tập đọc _ đọc theo cô giáo một đoạn ngắn cũng viết sẵn trên bảng, và học đếm bằng bó đũa. 

Lên lớp tư, bắt đầu học đức dục _ là những bài học về lễ phép, bổn phận học trò, công cha nghĩa mẹ, và vệ sinh thường thức.  Bên cạnh, học trò bắt đầu học viết chính tả, trả bài học thuộc lòng, và học toán cộng toán trừ hàng đơn vị (một số).

Lớp ba, tập đọc đã có những bài ngụ ngôn văn vắn, hay những bài văn tả quê hương và tình yêu đất nước con người.  Toán đố bây giờ là số thập phân có nhớ (9 cộng 4 là 13 viết 3 nhớ 1 để lên đầu con số bên trái!)  với bảng cửu chương.  Lớp ba còn có một sinh hoạt lạ nữa, là giờ ra chơi xếp hàng đi uống sữa ăn bánh mì.  Những cốc sữa trắng tươi dường như loãng hơn sữa bò, và nó nguội lạnh.  Tôi thường chờ đến bể nước bên mé phải của sân trường từ cổng chính ngó vào để đổ sữa xuống cống, nhưng khúc bánh mì không thì giữ lại bẻ ăn từ từ cho dù không thú vị gì lắm (cái gì có chữ “không” đều khó nuốt).  Đầu năm lớp ba, một buổi thèm tu ti tôi chun xuống gầm bàn.  Tôi mở gói giấy ở cái túi áo trước bụng lấy ra cái nấm vú cao su, mút chụt chụt vài cái cho đỡ ghiền.  Ngay lúc đó cô giáo điểm danh gọi đến tên tôi.  Tôi vội vàng túm cái nấm vú vào gói giấy mềm nhét trở lại túi và thò đầu lên.  Tôi đập đầu vào bàn rõ kêu, và cũng nhờ vậy cô tha không hỏi tới cái nguyên nhân chun xuống gầm bàn ấy.  Về nhà tôi tuyên bố với Má không ngậm tu ti nữa.  Chấm dứt cái nghi lễ mỗi buổi _ đi học về tôi hò “đổ nước sôi cho em ngâm nấm vú,” và mỗi sáng trước khi đi học thì lấy nấm vú ra lau khô, gói vào giấy mềm _ loại giấy lau mặt trong hộp của Mỹ_ đút vào túi trước ngực.  Không biết hệ quả hay tình cờ mà áo học sinh của tôi luôn có túi.  Đó là một “bước ngoặt cách mạng.”

Lớp nhì bắt đầu cuộc chạy đua âm thầm mà lũ trẻ chúng tôi không hề ý thức.  Toán đố đã đến chỗ nhân chia và bài chính tả đã dài nửa trang vở, bài học thuộc lòng đổi bằng những bài sử ký địa lý đơn giản.  Chúng tôi bắt đầu tập viết luận văn với những bài luận ngây ngô – mở bài “nhà em có nuôi một ông nội,” kết luận “em rất yêu quí ông nội vì ông nội rất có ích;” hoặc “nhà em có nuôi một con mèo lông màu đỏ…”  Chuyện uống sữa ăn bánh mì bị dẹp, không biết có phải vì lao công nhà trường khiếu nại chỗ sữa đọng quanh bể nước?  Lũ học trò con gái, vốn chúng tôi chung trường nhưng nam sinh và nữ sinh tách riêng hai khu, bắt đầu học nữ công với thêu mũi xương cá, mũi đột khít, mũi đột thưa, mũi tới. 

Lớp nhất, tập vở lem mực sẽ bị trừ điểm.  Những cuốn vở cho đến lúc đó vẫn kẻ dòng ngang màu xanh nhạt hợp với những sọc dọc màu xám mờ thành những ô vuông, và lề kẻ mực đỏ.  Bìa trước luôn có hình 3 cô gái mặc áo dài, và bìa sau là bài thơ “ngọc kia không dũa không mài, cũng thành vô dụng ngọc thời vất đi.”  Học trò bây giờ rất nghiêm trang, xếp hàng hai xuống sân tập thể dục nhẩy chim cò.  Toán đố đã sang toán vận tốc và vòi nước, sử ký mấy lần nô lệ chống giặc Tầu, địa lý ba miền tên tỉnh thành thủ đô, địa danh. Tôi bắt đầu dở trò rắn mắt đánh lộn (chỉ hù miệng mà thôi), và bắt đầu bắt nạt mấy đứa mít ướt.  Tôi bị cô giáo bắt nằm xuống bàn đầu đánh mấy thước, nhưng vẫn lãnh phần thưởng hạng ba cuối năm.  Máu ngang cũng trổ ra.  Khi cô giáo cho thi nữ công với tấm vải tê tơ rông 10x15 cm thì tôi không chịu làm giống mấy đứa khác, gập góc lại rua cho thành tấm khăn tay bé tí.  Tôi gấp một cạnh dài lại, làm góc, và rút chỉ để rua.  Bên trên cạnh khăn ấy tôi bắt chỉ làm hai cái khuyết, chung quanh dùng kéo cắt răng cưa _ cũng vẫn đủ những đòi hỏi: rua, làm góc, làm khuyết.  Được 10 điểm tôi sướng hơn lãnh phần thưởng.  Nhưng ăn quà rong trước hoặc sau cổng trường thì sướng hơn tất cả.

Quà rong gồm một loạt những gánh xôi, gánh khoai đủ loại.  Bên cạnh đó là bánh mì chiên tôm, chuối nấu, bánh da lợn, bánh cuốn, mì xào giá hẹ trứng đậu phộng rang nước mắm, và bánh tằm.  Bánh tằm quà rong không phải là bánh tằm bì nước mắm nước cốt dừa.  Đó là những cọng bánh bột deo dẻo bằng cỡ 1/3 chiếc đũa, làm bằng khoai mì chế biến, được nhuộm màu xanh hồng vàng trắng và áo bằng dừa khô bào vụn.  Gắp một nhúm bánh tằm cho vào miếng giấy lót lá chuối, gói một đầu lại bằng cách gấp chéo hai góc giấy gập xuống, rồi rắc chút muối mè đường lên trên, gấp chéo hai góc giấy còn lại, gập xuống, xong.  Học trò vừa đi vừa bốc ăn, cái cặp táp cặp vào nách.  Hôm nào có vài cắc thì lúc ra về xà vào ông bán kẹo kéo xem phim hoạt họa.  Năm cắc, được áp mắt vào cái thùng thiếc 4 mặt, mỗi mặt 2 lỗ kính vừa mắt.  Ông bán kẹo quay tay nắm, dây sên chuyển động trên líp như ở xe đạp, rồi bên trong thùng một đoạn phim rè rè vàng ố bắt đầu sáng trên màn ảnh to cỡ cuốn vở học trò.  Chắc phim dài 1 phút, hay vài phút?  Chỉ biết ngắn lắm, tiếc lắm, nhưng được đền bù bằng một đoạn kẹo kéo.

Những buổi trưa về học muộn khi giờ học bị đổi thành 11 giờ đến 1 giờ, tôi đã biết ăn cơm gà mên mà anh tôi mua ở chợ Vườn Chuối để phần cho tôi.  Cơm gà mên một mình _ tuổi biết buồn đến hơi sớm, nhưng những ngày học Bàn Cờ thực ra là một chuỗi ngày vàng son.

Tôi bắt đầu được vỗ béo với ly sữa bò nước sôi có đập một lòng đỏ trứng gà mỗi sáng để bù cho những bình nước cháo khuấy đường lúc tôi sinh ra.  Về sau tôi không bao giờ uống sữa bò hoặc ăn thứ gì có mùi sữa bò.  Gia đình tôi giờ đông hơn, với dì Ba làm vú em, chị Bảy sửa soạn nghỉ việc nên đem chị Sáu (không phải chị em ruột đâu) đến ở thế trước một tháng cho chị dạy việc nhà.  Còn chị Tư Huế thì vì mang cái bụng bầu to quá không ai cho ở nên Má cho ở tạm vài tháng chờ về quê sanh nở.  Còn đông hơn nữa là những buổi tối với trẻ con hàng xóm tụ tập trên gác xem ti vi ké, cái ti vi đen trắng với đài truyền hình số 9.  Chợ phải dẹp lúc 9 giờ tối dù còn hay hết chương trình, vì dưới nhà Ba đã bỏ màn đi ngủ.  Dường như súng nổ nhiều hơn và đều hơn hằng đêm với cuộc sống lên xuống rất nhanh của mỗi gia đình trong xóm.

Khi tôi bắt đầu học luyện thi đệ thất, cuộc chạy đua cho những đứa trẻ 10, 11 tuổi như tôi thật khốc liệt mà chúng tôi vẫn nhơn nhơn.  Tôi mò mẫm lên trường Gia Long nộp đơn thi, đánh dấu chọn sinh ngữ Anh.  Trường Gia Long và Trưng Vương là hai trường nữ trung học công lập lớn, bên cạnh những trường nam sinh khác như Petrus Ký, Võ Trường Toản, Chu Văn An, để được vào học phải qua kỳ thi tuyển.  Có thể học/thi sớm hay trễ 1 tuổi, nhưng con Thảo hàng xóm sau này khai ra, chỉ được thi 3 lần là thôi _ bởi nó đã rớt 3 lần.  Năm đó trường Gia Long có 10 ngàn thí sinh, và 900 em đậu.  Dẫu lười học, tôi được hồng phúc của ông bà nên đậu hạng tám trăm mấy.  Ở xóm nghèo mà thi đậu vào trường công thường được đội mũ đút lót, tôi biết cái câu “mình biết lấy mình” cũng lại hơi sớm. 

Và, ở đời cái gì cũng có thể xảy ra, nhưng ngó lại một chút sẽ thấy đôi điều lý thú. 

Bậc tiểu học, chỉ những gia đình có tiền và muốn con hơn người mới cho con học trường tư.  Tiểu học tư thục phòng ốc sạch sẽ ngăn nắp, chương trình Pháp, kỷ luật rất nghiêm ngặt.  Đến khi phải vào trung học, chính những gia đình có tiền càng nhất quyết cho con thi vào trường công, rước thêm thầy về kèm cập hoặc cho con học luyện thi đệ thất.  Không phải họ không có tiền cho con học trung học tư thục, nhưng trung học công lập mới có chương trình học đại khái toàn vẹn, và kỷ luật cũng hàng đầu.  Có con thi đậu vào những trường lớn là một niềm hãnh diện mà nếu lấy tiền để mua thì chắc không mấy vui, và việc đút lót nếu thường tình thì đã không có Gia Long đêm cho những em học khá nhưng bị lọt sổ.  Như bạn Gia Long ngồi cùng bàn của tôi _ đậu hạng 49, có ba là đại tá bộ binh, ở biệt thự, ngày ngày đi học  có xe díp đưa đón.   Gia đình nó nếu không giàu thì cũng dư, lại chức phận, việc đút lót để con được vào trường uy tín đâu phải chuyện biển trời gì, nhưng hai chị của nó phải học Gia Long đêm  vì thi không đủ điểm. 

Đó là năm 1970, tôi không có Bách Khoa để biết ngoài kia cuộc đời có gì.

Tôi bước vào trường Gia Long, dẫu muốn hoang đàng chi địa cũng không có nước.  Mỗi ngày khi trống điểm, ba cổng ở ba mặt đường mở ra cho chúng tôi dắt xe vào, mỗi cổng sẽ có giám thị đứng dòm.  Đồng phục áo dài trắng phải có áo lá bên trong (một dạng áo thung ba lỗ của con gái), không được mặc đồ lót có mầu, không được má hồng môi son đánh mi kẻ mắt.  Cái dạng xắn quần móng lợn hay cột 2 tà áo dài vào nhau để chơi u mà giám thị thấy thì ô hô, mà guốc cao gót hay bạn trai đưa đón ở cổng trường cũng sẽ được Tổng Giám Thị chiếu cố.  Đi trễ phải vào cổng chính, đến phòng giám hiệu xin phép vào lớp, và nếu muốn về sớm cha mẹ cũng phải đến phòng giám hiệu xin phép.  Khó làm loạn.

Ngày đầu của lớp Sáu, một lũ lau nhau 11, 12 tuổi im bặt khi giáo sư hướng dẫn vào lớp.  Cô/thầy cho chép thời khóa biểu, giới thiệu mình sẽ dạy môn gì, và bắt đầu tổ chức lớp học.  Mỗi lớp chọn trưởng lớp một cách.  Lớp bạn, cô hỏi đứa nào đậu hạng cao nhất.  Bọn trẻ nhìn nhau rụt rè sửa soạn dơ tay khai thứ hạng thì một con nhỏ dơ tay cao: em.  Em đậu hạng mấy?  Dạ hạng nhất.  Vậy em làm trưởng lớp, cài nơ đỏ trên ngực áo, phó lớp nơ vàng, trưởng ban trật tự nơ xanh lá cây.  Lớp tôi, trưởng lớp cũng cao nhưng là cao giò, chả biết nó hạng mấy và chúng tôi không ai phản đối.

Bây giờ lập các ban, mỗi em tùy thích ghi tên vào một ban: ban Học Tập, ban Khánh Tiết, ban Trật tự, ban Xã hội, ban Văn nghệ, ban Báo chí, ban Thể thao.  Suy nghĩ mơ màng hay thực sự có khiếu thì mỗi đứa nhỏ đều chọn một ban, và rồi chúng trông mặt nhau mà bầu trưởng ban.  Học được một thời gian, khi đến lúc phải bầu Ban Chấp Hành của trường thì các trưởng ban của mỗi lớp các cấp sẽ đi họp bầu Trưởng Khối, thường lọt vào tay các chị đệ nhị cấp.  Mỗi khi có bầu cử như vậy, chúng tôi đều háo hức coi bích chương quảng cáo và chờ các chị đến từng lớp vận động tranh cử cho liên danh của mình vào chức vụ trưởng, phó, và thư ký Ban Chấp Hành trường.  Chị nào ăn nói lưu loát và xinh đẹp thường được chúng tôi bầu. 

Còn một thủ tục phải làm: thẻ xanh.  Đó là tấm bìa cứng màu xanh da trời đậm, ghi tên học sinh, những chi tiết cá nhân, tên và chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ.  Thẻ xanh sau khi có chữ ký nộp lại trường, từ đây cho đến cuối năm mỗi khi nghỉ học phải có giấy xin phép của người ký trên thẻ xanh nộp vào trường.

Bây nhiêu đó cái nhiêu khê đủ tạm thời trấn áp bọn trẻ con sửa soạn thành những mầm mống phản loạn và tạm thời trấn an các bậc cha mẹ vốn đã nhiều lo âu khốn khó với cuộc sống.

Chúng tôi vào học trung học đệ nhất cấp với những môn: Toán (Đại số, Hình học, Lượng giác), Vật Lý, Hóa Học (có giờ xuống phòng thí nghiệm), Vạn Vật, Sử Địa, Công Dân Giáo Dục, Việt Văn (gồm 2 giờ riêng – Kim văn và Cổ văn), Anh/Pháp Văn (Grammar, Vocabulary, Dictation/Reading).  Thời khóa biểu còn có những môn phụ là Nữ công, Hội Họa, Âm Nhạc, Thể thao.  Mỗi tuần 3 ngày học 4 tiếng, 3 ngày học 5 tiếng.  Hình như mỗi môn phụ mỗi tuần 1 giờ, còn lại là các môn chính lấp đầy thời khóa biểu. 

Lớp Sáu tôi còn ở trong 10 hạng đầu, còn được bảng danh dự.  Càng về sau càng tụt hạng chả còn nhớ hay biết mình hạng mấy, cứ miễn được lên lớp (vì chỉ được ở lại lớp 1 lần, và hình như chưa có ai mỗi lớp mỗi học đúp), và học bạ còn đủ 20 điểm hạnh kiểm.  Nội dung các môn học khó lên theo với thời gian, lớp Bảy chúng tôi đã phải chia nhóm làm thuyết trình trong giờ Việt văn – đó là chọn một tác phẩm rồi mỗi đứa trong nhóm sẽ phải phụ trách nói một phần về tác phẩm ấy như là giới thiệu, nội dung, hình thức, phê bình, kết luận. 

Lười học, tôi chỉ còn nhớ những cô giáo dạy Công dân Giáo dục, như cô Đặng Tống Tịnh Nhơn giọng Huế mặt buồn buồn, dạy chúng tôi hình như là tổ chức hành chánh quốc gia (không nhớ rõ nữa), và bổn phận công dân.  Nhớ đặc biệt cô Kim Phượng vợ thầy Cao thanh Tùng.  Cô đã nói đến thái độ của ông Ngô đình Diệm trong quan hệ với người Mỹ, một thái độ cô cho là đúng đắn với sĩ diện quốc gia, với tư cách một người lãnh đạo.  Điều cô nói cùng với nhiệt huyết trong giọng nói của cô theo tôi mãi về sau, khi đã có trí khôn và đã đọc nhiều về nhân vật Ngô đình Diệm.  Tôi cho rằng dẫu đồng ý hay không với những điều cô nói, cái cách cô nói với học trò làm tôi muốn học, làm tôi chú ý chủ đề, ý thức một vấn đề, và khơi trong lòng tôi sự thắc mắc cần thiết cho việc học hỏi.  Và tôi cũng vẫn hơi ngang.  Một bữa giờ Cổ văn tôi bị cô giáo gọi đứng lên bình đoạn thơ về Hoạn Thư.  Tôi không làm bài ở nhà, lúc đó mới dở sách ra đọc đoạn thơ ấy.  Tôi bèn liều nói ngay rằng mình không thích cái cách của Hoạn Thư, dẫu rằng đàn bà ai cũng ghen nhưng Thúy Kiều đã thành kẻ dưới tay mà còn đối xử ác thì không đáng mặt anh hùng.  Cả lớp im lặng, cô giáo im lặng.  Cho tới giờ phút đó, bình văn/thơ chỉ là nói cái ý chính, rồi lập lại những ý kiến khuôn mẫu là hay hay dở vân vân…  Cô Phương Nghi cho tôi 7 điểm và cũng không xét vở.  Điểm ngày học thường là điểm trên 10, chỉ khi thi Lục cá nguyệt mới dùng điểm trên 20, cô đã rộng tay với đứa học trò ngang.

Năm lớp 6 hay lớp 7 tôi không còn nhớ, đến phiên Việt Nam Cộng Hòa tổ chức Á Vận Hội, chúng tôi được chọn để tham dự buổi lễ khai mạc.  Học sinh được lấy đại theo thứ tự: từ lớp 6/1 đến lớp 6/10, Gia Long có 600 em, và Trưng Vương 300 em, dường như chỉ một vài bạn từ chối tham dự và rất nhiều những bạn ở lớp khác tiếc mình không có cơ hội.  Ngoài giờ thể dục hàng tuần, chúng tôi có thêm giờ để huấn luyện viên dạy những động tác sẽ được thực hiện khi vào đội hình trên sân, như một dạng múa thể dục thẩm mỹ.

Những ngày tổng dợt là những ngày hội của trẻ con như tôi.  Xe nhà binh GMC đến cổng trường đón chúng tôi lên sân vận động Cộng Hòa.  Trước đó, nơi trường mình chúng tôi đã được phát áo đồng phục là những áo thun màu vàng hay màu đỏ, mặc với quần phùng (quần xà lỏn màu xanh dương có thun ở hai ống nên phùng ra), tùy theo chỗ đứng đã được tính toán.  Chúng tôi thực tập xếp hàng như đã định, di chuyển vào sân cỏ, thành lập đội hình, chuyển động cho thành 5 vòng tròn biểu tượng của Á vận hội, múa những động tác đã tập dợt từ trước theo nhạc, chuyển dạng cho thành cái hình gì đó quên rồi, cúi chào kết thúc và rời khỏi sân theo mẫu hình dường như là cờ Việt Nam Cộng Hòa.  Ham vui, tôi không nhớ mình có được ăn uống gì không, nhưng bây giờ nếu có ai nói “có” thì tôi tin ngay, vì rõ ràng có sự điều động của chính phủ.  Đi từ giờ học đầu đến quá trưa xe mới đưa chúng tôi về lại trường, dẫu mệt nhưng quá đã.

Và rồi, đầu óc tôi vẫn chỉ chăm chú chuyện trời ơi: chị số 13 đội bóng rổ tên Điệp có cú thảy banh nghiêng _ hễ chị đứng trước rổ thì banh ra ngoài, xoài tượng ăn với mắm ruốc ngon hơn với muối ớt, hoặc ông bột chiên góc đường có cách chiên bột rất quý phái.  Trong nóc cái xe đẩy tay hình chữ nhật có một hàng kệ đựng những cục bột to gói trong bao vải thô.  Bên dưới kệ, chảo chiên là một mâm gang phẳng chiếm nửa xe, nửa còn lại để xì dầu, tương ớt, lọ xiên (những cái xiên nhôm có 2 chạc) và những thứ lặt vặt gì đó.  Mỗi khi có khách hàng (mà thường là có), ông khều một mớ bột đã cắt sẵn thành từng thỏi gạch tí hon bằng đốt tay nơi góc chảo vào giữa, lấy cái xẻng nhúng vào liễn mỡ rảy lên rồi chân đạp bình ga cho lửa lớn hơn.  Khi bột se mặt, ông lại dùng cái xẻng nhúng vào hũ nước màu rưới lên đám bột.  Lâu lâu có người ăn sang thì đập một cái trứng gà vào đám bột ấy, lật qua lật lại, khi bột cháy xém dúm một dúm hành lá ném lên trên, xúc ra đĩa, xịt xì dầu dấm, cho chút tương ớt, ngéo cái xiên nhôm cắm vào dĩa thẩy ra thì tay ai đó đón liền. 

Hình như tôi chỉ ăn quà đến lớp Chín.  Lớp Chín các bạn tôi có đứa đã vào đội thể thao của trường (bóng rổ, bóng bàn, chạy đua, bơi lội), có đứa đã bắt đầu nói đến học cho đủ tín chỉ (units) cần thiết để lên đại học.  Một số đã học thêm lớp Anh văn trường ngoài như London school, Hội Việt Mỹ sau giờ học ở trường, và tôi bắt đầu mắc cở  với bộ vó hủ lô của mình.

Tôi đã đuối sức học vì lười biếng và chỉ ỷ vào trí thông minh không được dùi mài.  Không thích học thuộc lòng nhiều không thể đi ban A vạn vật.  Dốt sinh ngữ không thể theo ban C văn chương.  Ban D Sử địa là cái gì không biết.  Vậy theo ban B, toán.  Khi điền giấy chọn ban, chúng tôi cũng bắt đầu làm Lưu Bút Ngày Xanh ép đủ thứ hoa bướm và những câu thơ cải lương:

Là đây kỷ niệm đơn sơ
Ngày xanh thu ngắn tuổi thơ mau tàn
Là đây điệu nhạc cung đàn
Tiếng tơ chấp nối thời gian qua rồi..

… hình như xuất hiện trong mỗi cuốn lưu bút. 

Vào đệ nhị cấp bắt đầu thấy nguy nan.  Ban Toán thì giờ Toán nhiều, 6 giờ mỗi tuần.  Chúng tôi bắt đầu học Tân Toán Học với biểu đồ Venn, tập hợp giao tập hợp hội, và Tam đoạn luận.  Giải phương trình bậc hai giờ có thêm thông số m, bắt đầu học phương trình bậc 3, phương trình 2 ẩn số… và giải hàm số lượng giác.  Không còn môn Hội họa, Âm Nhạc, và Công Dân Giáo Dục, nhưng có thêm sinh ngữ phụ là Pháp văn (cho những lớp sinh ngữ chính là Anh văn và ngược lại).  Sử Địa có thêm Thế giới sử, Nữ công đã sang chỗ may áo dài hoặc cách xếp bàn ăn với dao muỗng nĩa, Thể thao đã lên đến ném tạ, chạy 100 mét, bơi lội, nhảy xa có đà v.v…  Tôi không biết những môn đó gọi chung là điền kinh. 

Lớp Mười, học trò phá phách hết chỗ chê, mà chững chạc cũng đáng nể.  Có lũ “ghét” ông thầy Anh văn hay ngó ra hồ bơi bèn mang búa đinh lén đóng chặt cửa sổ, bị thầy gọi trưởng lớp điệu lên phòng tổng giám thị, mà cũng có những đứa ráng học Anh văn để đại diện trường đi thi hùng biện Anh ngữ.  Những đứa tài hoa văn nghệ có đứa chơi trống, chơi piano, guitar cho ban văn nghệ trường, có đứa nộp bài cho báo Xuân hằng năm, có đứa vẽ thiệp Xuân cho trường.  Nhiều đứa vào lớp chuồn xuống bàn cuối, nhét một cuốn sách vào hộc bàn mắt đỏ lòm miệng lầm bầm.  Hỏi, nó nói chiều nay phải thi bằng Proficiency, hình như lớp 12 hội Việt Mỹ.  Con nhỏ ngồi cùng bàn cuối với tôi oách hơn.  Nó hơi thấp, chuyên môn đi guốc cả tấc.  Tôi hỏi nó bộ giám thị không bắt à thì nó chỉ tôi cái chiêu né.  Đó là quần dài phết đất:

_đâu có ai thô bỉ đến nỗi kéo quần mày lên coi đâu!
_Tại mày chưa gặp Cắc kè bông (cô giám thị hay mặc áo dài bông, đeo kính cận vành đen), hay là Ác phụ áo đen (cô giám thị có tang chồng luôn mặc áo dài đen với mảnh vải trắng nơi hò).
_Ông ngu chi mà đi trước mặt mấy bả.

Nó còn dạy tôi, đi học bằng xe trường (phải đóng tiền) thì ít bị để ý.  Hôm nào có bồ đón thì ra tận góc đường mới gặp, khỏi sợ giám thị bắt.  Khi tôi khoe bạn tôi đậu hạng 49, nó dương cặp mắt như hai cái hồ Than thở nhìn tôi, chút nghi ngờ chút thương hại.

_Thị Nở, mày biết ông thi đậu hạng mấy không?
_???
_Hạng nhì.
_Trời đất, vậy mày làm…
_Trưởng lớp 6/…

Lớp 10, tôi đã thấy ngày tàn của mình vì lười học.  Cao điểm là ngày thi Lục cá nguyệt môn Anh văn.  Năm ấy không biết sao trường tổ chức thi theo kiểu thi Tú tài: học trò 2 lớp khác nhau phải ngồi xen kẽ với nhau.  Tôi ngồi kế ngay nhỏ em của bạn cùng lớp.  Nhỏ này học Anh văn rất giỏi, thường vặn đài radio FM gì đó để nghe chương trình tiếng Anh luyện khả năng.  Tôi bí một chữ bèn làm liều hỏi nó, nó khẽ đáp ngắn gọn rồi im sợ giám thị phòng thi bắt gặp.  Hết tuần thi, tôi thành trò cười của nhỏ bạn.  Tôi xấu hổ và lo mình sẽ không thi đậu Tú tài.  Nhưng…

Khi có tiếng nổ và cả lũ chạy ra sân xem khói bốc lên phía Dinh Độc Lập, con nhỏ phá phách đóng đinh cửa sổ lớp đã khóc ròng, vì ba nó làm trong Dinh Độc Lập.  Cả trường xao xác, chả còn ai thiết học hành gì, và cũng chỉ vài ngày sau (hay vài tuần sau?) thì hết, tất cả đều hết, cho dù chúng tôi chưa học xong lớp 10.


***

Chúng tôi trở lại trường bắt đầu mùa học năm lớp 11.  Các thầy cô giáo dường nghiêm và buồn hơn xưa.  Những môn học thông thường như Toán Lý Hóa thì vẫn vậy.  Anh văn không còn học quyển English For Today mà học bài do cô tìm soạn.  Vạn vật bây giờ học Thuyết Tiến Hóa của Darwin, còn những gì nữa, tôi không nhớ được.  Sự học và tất cả mọi sự khác trong đời sống dường hết quan trọng, chúng phải đứng sau những tai ương không tên, những chuyện vô lý hết biết mà học trò cũng như mọi người dân đã biết sẵn chờ.

Cả một hệ thống chương trình học _ bao nhiêu lớp đàn chị đã qua, bao nhiêu khóa đàn em sẽ bước tới, coi như xóa bỏ.  Chương trình học về sau có thể có vài phần trùng lắp, nhưng nó không còn cái căn bản đào luyện toàn diện về trí thức, tư cách và ý thức công dân, cũng như tinh thần dân chủ.

Khi tôi học đến thơ văn của Đặng Thái Mai, Nguyễn đình Thi, Ngục trung Nhật ký, thơ Tố Hữu v.v… tôi không khỏi nghĩ đến những cái ngang của tôi những năm trước _ lúc thi nữ công lớp nhất (lớp 5), lúc bình thơ lớp đệ ngũ (lớp 8).  Dẫu tôi làm khác, nói khác với khuôn mẫu đã được dạy, tôi vẫn được điểm, vẫn không hề bị phàn nàn.  Bây giờ, tôi và 900 đứa cùng lứa, 900 chị còn lại của lứa trước, và nhiều những 900 em của những lứa sau, thích hay không mặc dầu, tất cả đều biết để không nói ngược với những gì được dạy.  Thơ “bác Hồ” thì cả cha mẹ giòng tộc mày cũng không được chê.  Nhưng tôi có thực muốn làm vậy?  Nói về con người, Hồ Chí Minh là lãnh tụ của người dân miền Bắc, trong hoàn cảnh giao tiếp bình thường, giáo dục gia đình và giáo dục học đường không cho phép chúng tôi bất kính với những gì thiêng liêng của người khác.  Nói đến chữ nghĩa, dẫu khen chê cũng không thể dùng lời thiếu nhã nhặn.  Khi đi học, cho dù Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà cũng không có sách vở hay bất cứ ai dám gọi là “thằng,” chữ “bọn” hiếm khi (có thể có mà tôi chưa thấy) lọt vào sách giáo khoa hay trong lúc giảng dạy, dù đó là giặc Pháp, hay giặc Cờ Đen… ngoại trừ chữ “bọn thổ phỉ.” 

Tôi thi ra trường với các môn Toán Lý Hóa, Văn, và Anh văn.  Khi làm bài thi Việt Văn tôi chọn đề thơ Tố Hữu thay vì bình thơ “bác Hồ.”  Khỏi cần nói chúng tôi đều biết chỉ có 2 đề đó, và tôi thà học thơ Tố Hữu dù cũng không dám chê cái câu khóc Sít Ta Lin.  Cả xã hội cắm đầu học Tố Hữu, suốt những năm đó có ai dám thở một hơi ngắn hơn hay dài hơn ai đâu mà mình liều mạng?

Tố Hữu có bài thơ đại khái:

Nó chết rồi con chim của tôi
Con chim se sẻ mới ra đời
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam đã chết rồi

Tôi muốn cô đơn vợi bớt sầu
Nên tôi yêu nó, có gì đâu
Tình thương vô ý gây nên tội
Tôi đã tù sao bắt nó tù…

Tôi nghĩ bài thơ đó không hay, cũng không dở, nhưng nó có lời chân thật.  Những năm về sau đã xa nhà, đọc nhiều, tôi vẫn không quên câu thơ ấy. 


***

Khi tới Mỹ, sau khi lo chỗ ăn ở, học lái xe, học Anh Văn cho người tỵ nạn (ESL), và tìm việc làm, tôi thi lấy bằng trung học tương đương GED.  Khi đó mới hay, dù học dốt, trình độ Toán -  Khoa Học - Văn phạm Anh văn lớp 10 thời Việt Nam Cộng Hòa đã giúp tôi dư điểm bù cho những môn dĩ nhiên kém vì là người mới định cư, như là Social studies, Reading.  Căn bản lớp 10 ban Toán cũng giúp tôi vượt qua được một số môn học sơ đẳng bắt buộc ở đại học cộng đồng như Calculus, basic Philosophy (vốn là Tân toán học với tam đoạn luận và tập hợp, biểu đồ Venn…), và Pháp văn sơ đẳng (là sinh ngữ phụ đã học qua). 

Nhìn lại, quãng đời ăn học cũ của tôi bị đứt đoạn từ tháng 4 năm 1975 đã chắp nối được với sự học mới trên đất mới, trong khi những gì học sau 1975 chỉ là vết mực lem trên vở học trò.



Lưu Na
01252015


* Bách Khoa số 58 có những bài khá thú vị, cho thấy một sinh hoạt văn học rất phong phú và trình độ khá cao:

Bích Quang _ Một nền giáo dục nhân bản: Một nền giáo dục toàn diện à Một nền giáo dục nhân bản phải có chù đích làm nẩy nở cho tới mức hoàn toàn tất cả những khả năng nơi con người.
Nguyễn Hiến Lê _ Văn thế nào là ba-lan? à bàn về một lối văn.
Phạm Hoàng _ Tội chung? Trách nhiệm chung à vấn đề và thái độ của chúng ta trong xã hội
Hoàng Minh Tuynh _ Cuộc khởi nghĩa Tây Tạng à chính trị, sự kiện trong thế giới
Đoàn thêm _ Sinh con đẻ cái à vấn đền dân số và tình trạng phát triển đất nước
Trần Hà _ Trần Huyền Trang và chuyến thỉnh kinh lịch sử à Phật học
Song-An _ Bá-linh, ngã tư quốc tế à phân tích chính trị
B.S. Nguyễn Trần Huân _ Bàn qua về vấn đề “Thụ thai theo ý muốn”
Trần văn Khê _ Nhạc sĩ Joseph Haydn
Nguyễn Ngu Í _ Một cuộc phỏng vấn văn nghệ của Báck Khoa à Truyện ngắn Việt và ngoại quốc, truyện nào xứng đáng đại diện cho nước Việt
Nguyễn văn Xuân _ Điểm sách à Đò Dọc của Bình Nguyên Lộc
Trần Nguyễn Anh-Ca _ Tôi đóng phim bên Anh
Nguyễn Ngu Í _ Ba sắc hoa à thơ
Lan-Đình _ Màu vàng à thơ
Nguyễn _ Bà Mẹ Già à dịch truyện Pearl Buck
Vũ-Thùy-Lam _ Mai anh về à thơ
Minh-Hữu _ Ngày lại sáng à truyện
Vi-Huyền-Đắc _ Khói lửa kinh thành à kịch

No comments:

Post a Comment