Lưu
Na
Áo mới
ngày Tết. Tranh Mai Thứ
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ
dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi
nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó
một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng
ta thường gợi nhắc.
Với tôi, hương Tết bắt đầu từ mùi khói củi của bếp nhà hàng
xóm nấu bánh chưng. Mượn cái tường nhà lân cận, chỗ nhà thụt ra thụt vào thành
góc, má thằng Lù sẽ đặt nồi nấu bánh chưng.
Kê cái thùng phi đã được chế biến thêm 2 quai lên 3 chồng gạch, xếp bánh
chưng vào, đổ nước và nổi lửa. Nhúm một
bếp củi không phải là dễ, củi ướt: không cháy, củi có mắt: không cháy, củi gỗ:
mau tàn, hay gẫy. Nhưng má thằng Lù là
người đàn bà đảm đang, chỉ một loáng là lửa đã cháy ngỏn ngoẻn. Thằng Lù phe phẩy đứng bên, chờ Bố với Má sai
canh chừng nồi bánh thì kể như trúng mánh được thức đêm, nhưng má nó đã xua tay
đuổi nó vào nhà. Cái mối canh bánh chưng
là của anh Hùng tôi cùng lũ bạn nhân dân tự vệ như Ba Gà, anh Ngọc, Khánh băng,
Thắng Đinh tiệm (tôi quên chưa bao giờ hỏi anh ý nghĩa cái tên này). Khi lửa đã cháy ngọt, nồi bánh bắt đầu sôi,
má thằng Lù coi đồng hồ và giao lại cho anh tôi dặn dò cách châm thêm nước. Bên cạnh cái bếp to đùng đó phải có một bếp
nhỏ nấu nước sôi sẵn, để khi nồi bánh chưng cạn nước thì châm thêm vào.
Anh Hùng bắt đầu dạo đàn.
“Tôi thường đi đó đây…” anh
hát một lèo 3, 4 bài nhạc lính, hát rất ngọt và giọng rất chuẩn, anh vẫn còn
nói được tiếng Bắc chứ không lai căng như lũ em. Bây giờ đàn chuyển qua tay anh Ngọc, anh Hùng
ngồi hút thuốc. Anh Ngọc thường thích
hát những bài nhạc tình nhẹ nhàng, “tôi
đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm…” Anh nói tiếng Nam nhưng gốc Bắc và cũng hát rất
êm. Lửa bùng tỏa hơi ấm, đã bắt đầu có
than, anh Hùng sai Khánh băng đi mua bắp và khoai lang về lùi vào đống than để
ăn chơi cho thơm râu! Đám trẻ ham vui từ
từ kéo vây quanh để nghe hát, để hóng mấy anh lớn cợt đùa. Thằng Lù đứng trên ban công ngó xuống thèm
thuồng, nhưng Bố nó canh nó dữ lắm, sợ nó lêu lổng nên không cho đàn đúm bao
giờ (kết quả: vừa hết lớp 12 má nó phải lật đật đem trầu cau tới hỏi cô nữ sinh
chung lớp vì nàng đã có bầu).
Đã qua một đợt củi, một đợt châm nước. Bây giờ nhà nào cũng đã gọi con về đóng cửa
tắt đèn, ban văn nghệ bánh chưng phải hạ đàn sợ bà con chửi. Các anh bắt đầu thay phiên nhau đứng lên đi
đây đi kia, đi mua cà phê thuốc lá, về qua nhà cho ông bà bô thấy mặt,
v.v… riêng anh Hùng tôi ngồi nguyên chỗ,
vì nhà tôi sát vách nhà thằng Lù, ngay sau lưng nồi bánh chưng.
Tôi cũng phải vào nhà giắt mùng đi ngủ, nhưng không ngủ
được. Tiếng củi lách tách, tiếng các anh
nói lao xao nhỏ nhỏ trong đêm vắng như một tiếng gọi, như một khoảng trời, một
đời sống mà tôi không biết nên ước ao.
Mà bé như vậy thì biết cái gì là cái gì mà ước ao. Tôi ngủ ngon lành trong cái ấm áp của khói
củi, và dường như một lúc nào đó trong đêm vắng tôi thức giấc vì mùi thơm của
lá tỏa ấm áp quanh xóm nhỏ.
Sáng dậy, tôi chạy liền ra cửa. Trong hơi sương sớm, khói củi chỉ còn vương
nơi những tấm cạc tông che bếp, nhưng mùi lá nồng ấm trong gió thoảng. Cả xóm như hớn hở dù bánh là của nhà thằng Lù
chứ đâu phải của chung. Mấy anh lấy một
cái đòn xiên qua 2 cái quai ở miệng thùng phi để khiêng thùng bánh ra gần nắp
cống chắt bớt nước và để dẹp bếp. Má
thằng Lù bắt đầu lùa 8 đứa con ra để sai vặt, nói cho đúng chỉ có 4 đứa lớn sai
được, còn thì lấn quấn một lát bị đuổi vào hết.
Má thằng Lù dọn trống cái hè trước, trải giấy báo thật dầy, rồi bắt đầu
xếp bánh ra thành 2 dẫy dài. Bà đậy một
cánh cửa lên rồi sai thằng Lù và em nó xếp mấy khối gạch vuông lên tấm cửa đế
ép bánh chưng cho ra hết nước. Đến
chiều, chị Thảo chị Hương ra gỡ giây lạt sũng nước từ những chiếc bánh mới luộc
xong. Bây giờ tới phiên bà Thảo “lao
động.” Bà lấy mớ giây lạt đã cắt sẵn và
ngâm mềm cột mỗi cái bánh bốn sợi dây trông tươi mới và vuông vức như một bàn
cờ tí hon; bánh chưng thoắt chốc như có tấm áo mới, mỗi cái bánh hoàn tất để
qua một bên đều như là một đóa hoa mai nở trong mắt tôi. Tôi ước ao nhà mình cũng gói bánh nấu bánh
như nhà thằng Lù, trong khi nó thì dành môi ra vẻ ngao ngán.
Nó chẳng ngao ngán được lâu, tôi chẳng bao giờ được thỏa
nguyện, vì chỉ qua một năm là qua một chặng khốc liệt của chiến tranh. Nhà nào cũng lo lắng bị pháo kích phải tản cư
thì còn ai đâu để gói bánh. Tôi chẳng
còn được ngửi mùi khói củi, mùi lá nấu chín, mùi nồng ấm của bếp lửa trong đêm
khuya…
Nhưng đang tuổi lớn người ta chóng quên vì có quá nhiều thứ
mở ra trước mắt, tôi đã bước vào trung học và đã biết săm soi rộn ràng ngày Tết
được sắm quần áo mới. Má dắt lũ chúng
tôi đi mua vải ở chợ Bến Thành. Giá cả
đắt đỏ, má kỳ kèo so đo trả giá từ chút, đi từ sáng 10 giờ đến trưa vẫn chưa
mua được một món hàng, vì khi mua là phải mua cho cả 2 đứa con gái giống nhau,
2 đứa con trai giống nhau; một thói quen đáng yêu (nhưng tôi không thích mấy) của
mấy ông bà già xưa là cho con ăn mặc đồng loạt _ không biết vì mua nhiều tiết
kiệm được chút ít hay vì thích “cúc vạn thọ” ?
Mua xong được vải may quần áo thì tôi đã ngửi được mùi chiếc
áo mới còn đang nằm ở tiệm may!!! Ngày
ngày đi học về tôi đều phải lượn qua nhà may Thành đầu chợ Vườn Chuối chỉ để
ngó vào tiệm dõi xem bà chủ hay các cô thợ may có ai đang cầm đang cắt tấm áo má
đã gửi may cho chúng tôi; nhưng tôi luôn thất vọng, năm này qua năm khác, chả
bao giờ bắt gặp được món quà Tết của mình đang lúc thành hình. Đến ngày thử áo, tôi ngõm ngọi đợi chờ, mong
sau chóng xong bữa cơm chiều để nhắc má dẫn ra tiệm lấy áo. Đi bên má tôi thầm cầu sao má hài lòng không
bắt thợ sửa đi sửa lại, để tôi được ôm về tấm áo mới mà hít hà.
Tấm áo mới, riêng với mũi tôi vẫn còn mang hương vải mới
chưa một lần giặt, và dường như thoảng chút mùi phấn vạch, dù tôi vẫn cho rằng
phấn thợ may chả có mùi gì. Tôi sung
sướng đặt gói áo bên cạnh lúc ngủ, vì ngày mai má sẽ bảo giặt đi cho hết lằn
phấn, sem vải có rút không vân vân… Khi
tấm áo đã ủi xong chờ ngày mùng một Tết mới được mặc, dù lòng tôi vẫn rộn ràng
nô nức, mùi hương Tết bỗng đã có chút lạt phai.
Mỗi năm qua đi mỗi lạt lẽo.
Bây giờ ở đây, cây trái to dòn ngon mắt mà hương vị chả như xưa, bánh
mứt đủ đầy mà hương Tết dường chỉ là hơi gió lạnh, tôi thèm ước sao cái mùi khói cay nồng năm cũ,
tôi thèm mùi vải của tấm áo mới hàng năm.
Hương kỷ niệm hình như chỉ là thứ hương vô hương trong lòng.
Lưu Na
No comments:
Post a Comment