Wednesday, February 11, 2015

QUÊ HƯƠNG TAN NÁT



viết ngắn của Huyền Chiêu


Đất nước

Dân tộc tôi là một dân tộc yêu cuộc sống thanh bình. Nếu dân Mông Cổ cần phải biết cửi ngựa cho hay, bắn cung cho giỏi để có thể sống đời du mục, thì ông cha của chúng tôi quanh năm suốt tháng chỉ biết  quanh quẩn  với  mảnh  ruộng trước nhà, lủy tre đầu ngỏ. Con trâu, con bò của người Việt cũng bước đi chậm rãi. Người Việt không quen với tốc độ,  cuộc sống của chúng tôi từng trôi đi như ánh nắng dịu êm của buổi chiều:

“Chiều ơi lúc chiềuvề rợp bóng nương khoai
Trâu bò về dục mỏ xa xôi ơi chiều”
(PD)

Vác cuốc trên vai, thong dong bước đi trên cánh đồng thơm mùi lúa chín, cuộc sống của chúng tôi  tan vào màu xanh của đất trời từ hàng ngàn năm rồi.
Không có gì khó hiểu khi người Việt yêu thi ca , trọng văn khinh võ.
Ngày xưa người học giỏi là người làm thơ hay. Làm thơ hay sẽ thi đậu và được làm quan.
Thuở nhỏ tôi cũng thích môn học thuộc lòng hơn môn khoa học thường thức.
Tôi thích suy nghĩ đến nước  như một “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” còn nước là H20 thì chán quá. Với tôi,  mặt trăng gợi bao xúc động, thương cảm  khi nó là nơi chốn cô đơn của hai kẻ lưu đầy    chú cuội, chị Hằng. Và tôi đã xiết bao  thất vọng  khi các nước hùng mạnh, văn minh nhất đã bỏ công sức tiền của ra để tranh nhau đưa phi thuyền bay tới mặt trăng để rồi  khám phá ra mặt trăng là một hòn đá lớn khô khan và rỗ mặt.
Hởi  ôi!:

“Từ ngày có vệ tinh bay
Bay có ba ngày đã tới mặt trăng
ố tang tình tang
ố tang tình tình
Cuội đành mang chị Hằng Nga
Viễn xứ xa nhà chẳng biết ở đâu
Ố tang tình tang ố tang tình tình”
                           (PD)

Không có gì ngạc nhiên khi người Việt chúng tôi rất yêu các nhà thơ.
Chúng tôi yêu và biết nhiều về Nguyễn Du , Hán mặc Tử, Tagore, Gibran… chứ không nhớ tên các  nhà toán học .
Chúng tôi thích chậm rãi đi sau cái cày. Chúng tôi thích thú tát nước bằng gàu sòng rồi ngâm nga:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc anh trăng vàng đổ đi”.

Nếu mọi dân tộc đều sống như dân Việt thì trái đất mãi xanh, tầng ozon không thủng,
Nếu mọi chính phủ  đều cho các nhà thơ làm quan như  nước  tôi thì làm gì có xe tăng, tàu ngầm, máy bay rải thảm, bom nguyên tử…
Nhưng trời không thương dân tộc tôi.
Trong khi  dân Tahiti yêu cuộc sống thanh bình,  được suốt ngày ca hát bên bờ  biển  thì  dân Việt hiền lành, dịu dàng  không được sống yên lành bên bờ ruộng.
Vì sao chúng tôi lại bị chọn là  dân tộc phải  hứng chịu tang tóc, đau thương  nhất thế kỷ  với gần sáu triệu người chết vì  đói năm Ất Dậu, chết vì Cải Cách Ruộng Đất, chết vì chống Pháp, Chống Mỹ, vì Điện Biên Phủ, Mậu Thân …
Sử của Việt Nam hiện nay làm lơ với tổn thất nhân mạng sau hai cuộc chiến gọi là chống Pháp, chống Mỹ Nhưng tôi tin rằng hậu thế sẽ vẫn  biết được sự thật qua câu hát:

“Gia tài của mẹ
Một rừng xương khô
Gia tài của mẹ
Một núi đầy mồ”
                    (TCS)

Tại sao chủ nghĩa thuộc địa chọn quê hương tôi? Tại sao  Mỹ và Cộng Sản  Liên Xô, Cộng Sản Trung Quốc  chọn đất nước tôi làm bãi chiến trường cho máu chảy thành sông, xương chất đầy đồng?
Tại vì nước tôi quá đẹp, tôi nghĩ vậy.  Không những đẹp vì rừng  núi chập chùng, sông  ngậm đầy  phù sa, biển  nhìn ra Thái Bình Dương bát ngát, nước tôi đep vì đứng ở vị trí  mặt tiền. Cô  gái vừa đẹp vừa  có của hồi môn  đã trở thành miếng mồi ngon cho nhiều tên  cường hào, ác bá.
Thế sự thay đổi, nhưng lòng tham và cái ác  không thay đổi.
Bốn mươi năm im tiếng súng, người dân quê tôi chờ mãi, chờ mãi chỉ thấy quê hương  ngày càng kiệt sức như con bệnh ung thư máu.
Không chết vì súng đạn, mỗi năm hơn mười ngàn người  đã chết vì tai nạn giao thông
Biết bao dân nghèo đã chết vì không có tiền đi bệnh viên.
Biết bao cánh đồng đã chết  cho chương trình “công nghiệp hóa , hiện đại hóa “
chỉ mang lại ô nhiễm cho đất nước.
Biết bao cánh rừng đã tan hoang, biết bao mỏ than, mỏ sắt , mỏ  vàng… đã thành bình địa
Biết bao người con gái Việt Nam da vàng đi bán mình ở Đài Loan, Hàn Quốc. Trung Quốc…
Biết bao nhiêu thanh niên  Việt Nam bị vắt kiệt  sức với đồng lương chết đói ở các khu công nghiệp.
Biết bao dòng sông đã qua đời vì thủy điện tràn lan.
Và đau lòng nhất vẫn là cái chết tập thể của những trái tim Việt  dưới một nền văn hóa giáo dục nô dịch  không tính nhân bản.
Buồn xiết bao khi nhìn thấy hầu hết  tuổi trẻ Việt Nam  mất dần nhuệ khí,  không còn nhớ gì đến quá khứ đau thương, sống bé nhỏ như bầy kiến trong chén đường  mang tên Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dải đất hình chữ S vẫn còn nhưng người Việt có còn là người Việt?
Ở đất nước này người  dân Việt , thực chất là những nông dân từ ngàn đời,  rất cần được sống hạnh phúc yên lành với mảnh đất  thân yêu đang không còn chậm rãi:
“lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi” nữa
(PD)

Bị bóp nghet trong bầu không khí  thiếu tự do , dân chủ, mọi người đang hối hả lấn lướt , chà đạp lên nhau mà thở chút oxy còn lại..
Và đất nước “Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui” của chúng tôi  đang dần tàn lụi như ngọn nến đạng leo lét trong  cái ly úp ngược..

Lời ai điếu cho đất nước tang thương !.

Huyền Chiêu
Mùa Xuân 2015

No comments:

Post a Comment