Wednesday, February 18, 2015

CUNG CHÚC TÂN XUÂN



Hoàng Nga



Lĩnh kể hồi nhỏ, mỗi bận theo ba đi mua thiệp chúc Tết, cứ hễ nhìn thấy những tấm có hàng chữ Cung Chúc Tân Xuân, nhất là loại viết tay, là Lĩnh lại rộn ràng, xôn xao. Lĩnh nói thêm, mà không chỉ xôn xao thôi, Lĩnh còn có cảm giác các tấm thiệp ầynhiều... giá trị hơn các tấm chúc mừng năm mới khác. Lĩnh bảo, điều kỳ lạ hơn, là tất cả những cảm giác tự ngày ấy cho đến bây giờ, chừng như vẫn còn nằm nguyên vẹn trong trí, không hề thay đổi. Lĩnh cười:
- Mặc dầu cũng có khi anh thấy nó... Tàu quá, nhưng hai chữ Tân Xuân, đối với anh, khi đọc lên, nghe nó gợi cảm làm sao ấy!
Tôi cười thầm trong bụng, tự nhủ nếu biết vậy, hồi mới định cư, tôi đã đổi tên là Tân Xuân, hay trọn bộ Cung Chúc Tân Xuân cho rồi! Nhưng dĩ nhiên tôi đâu có dám trơ trẽn như vậy, nên chỉ trêu Lĩnh vọng ngoại. Lĩnh cãi, bảo Lĩnh chỉ hoài cổ, kiểu “ông đồ già“ của Vũ Đình Liên. Bởi nếu ngoại vọng thì Lĩnh phải thích cái “Happy New Year“, vì nó Tây hơn, “tiêu chuẩn“ hơn! Sau đó Lĩnh nhăn mặt:
- Đằng này, có khi anh còn có cảm tưởng mình bị dị ứng với mớ “happy new year” đó nữa kìa.
Nghe Lĩnh kể, tôi chỉ muốn phì cười trong bụng, thấy rất may là đã chưa kịp tặng một cái Happy New Year cho anh chàng. Tuy nhiên lại càng buồn cười hơn, khi nhận ra giữa tôi và người đàn ông này có quá nhiều cái trật đường rầy vậy mà không hiểu sao lúc nào tôi cũng cứ muốn nghĩ ngợi đến một cái gì đó khác hơn. Xa hơn cái đoạn đường chúng tôi vẫn thường đi chung, từ văn phòng xuống căn tin mỗi ngày chẳng hạn!
Lĩnh rộn ràng kể thêm vài chuyện có dính dáng tới xuân, tới Tết. Nhưng hình như điều gì cũng lạ hoắc lạ huơ đối với mọi thứ quá khứ của tôi. Tôi bận lòng nghĩ ngợi. Lúc còn nhỏ xíu, không biết thiệp xuân, thiệp Tết là gì, cũng không nhớ ba tôi có tặng thiệp xuân cho ai không, nhưng rõ ràng là nhà tôi không có cái Cung Chúc Tân Xuân nào hết. Nhất là khi lớn lên thêm chút nữa, vào cái thuở có bạn có bè, bắt đầu văn nghệ văn gừng, bắt đầu vào ban báo chí của lớp của trường, bày đặt quà cáp thiệp mừng hỉ hân Giáng Sinh, Năm Mới, tôi nhớ chắc chắn như đinh đòng cột là tôi không ưa Cung Chúc Tân Xuân chút nào hết! Các tấm thiệp Tết của những năm tôi vừa lớn ấy rất mode, rất thời trang. Có nghĩa phải là những tấm có họa hình các cô thiếu nữ với vẻ ngang bướng, mắt nai to quá khổ, mũi hếch, tóc lăng quăng xõa trên vai, ngó na ná như những hình bìa Đinh Tiến Luyện vẽ cho tuần báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Rồi lộn xộn hơn chút nữa, phải là những tấm có vẽ hình một đôi... con nít, hai tay chắp sau lưng, người chồm về phía trước, môi chu vào nhau thể như đang hôn nhau. Và mặc dầu thuở ấy, bọn tôi hầu như chưa đứa nào được phép có bồ, dĩ nhiên chưa biết hôn là gì, nhưng các tấm thiệp có những nụ hôn mặc dầu chỉ như đang... ngửi ngửi và môi chạm môi chút chút như vậy, đã gợi cảm hết sức rồi.
Theo như lời Lĩnh kể, thì cái thuở Lĩnh mang Cung Chúc Tân Xuân đi tặng người yêu, là thuở tôi còn chưa được chính thức đọc “Trong Nhật Ký Của Quỳnh“, “Hình Như Là Tình Yêu“... Có nghĩa tôi chưa tròn mười sáu tuổi. Tôi nhớ trên kệ sách của mấy ông anh tôi thuở đó, những Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền..., hoặc Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca vân vân, được xếp hàng hàng tôi thì hoàn toàn không được với tay tới. Con nít biết gì đọc! Mấy ông anh tôi hay la như vậy. Còn như Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Hoài Khanh…, mà những bậc quyền huynh thế phụ của tôi đã xếp chung với Jean Paul Sartre, Camus, Tagore hay đôi ba nhà nữa tôi không nhớ tên lắm, Lĩnh đã đọc hết từ khuya, đối với tôi lại càng cao vời vợi. Nghĩa là theo nghĩa đen, chúng được xếp ở hàng cao nhất, tôi muốn lấy trộm một cuốn xuống coi cho biết, cũng phải có kế hoạch đàng hoàng! Và theo nghĩa bóng thì chúng cũng ở hạng cao nhất mà tôi còn phải đi mòn thêm vài chục đôi guốc, mấy thằng em tôi phải sứt đường tà thêm mấy chục cái quần xà lỏn nữa mới có thể hiểu được! (Có điều bây giờ nghĩ lại tôi thấy thương cho mấy ông anh lớn trong nhà tôi quá đỗi, bởi vì ngoài tôi đứa từng bị đòn vì lén đọc tiểu thuyết của Nghiêm Lệ Quân mượn được của mấy chị người làm, thì hình như chẳng có đứa nào trong đám hậu sinh chịu để mắt, hay dòm ngó tới cái tủ sách của các ông. Nếu không muốn nói có những đứa chẳng thèm đọc đã đành, mà còn chẳng thèm biết trên thế giới này, nhân loại này, đã và đang có sự hiện diện của những con người được mệnh danh là nhà văn, nhà thơ gì ráo trọi! Đám em của các ông anh tôi, đứa mê nhạc ngoại quốc, đứa mê xi nê, đứa thích phố xá, đứa chỉ chờ TV có kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, tạp lục Tùng Lâm, Bảo Thu, Hoàng Thi Thơ là dán mắt vô coi cho tới cận thị. Đứa khác rùng rợn hơn, mê đá gà, thụt bi da, đánh banh bàn còn hơn mấy ông mê gái. Chuyện văn nghệ văn gừng, nếu có mua vui được vài trống canh có lẽ cũng đã là may mắn!).
Lĩnh ngày đó... vọng cổ hoài lang. Còn tôi thì yé yé choai choai, áo dài ngắn trên dưới gối năm bảy xăng ti mét, giày sapô cao hơn tấc, mini jupe eo xệ từ lưng xuống tới gấu chỉ chừng một gang tay, quần chân voi thì gắn đủ loại bông hoa hippy rực rỡ. Tết nhất ra đường, lũ chúng tôi chỉ mơ có anh lạng xe Honda, Yamaha theo tán tỉnh, chứ nếu lỡ nhận được cái Cung Chúc Tân Xuân thử coi, nếu không tẩu tán ngay lập tức hay mang đi dấu kỹ đâu đó, một con em hoặc con bạn ba trợn tình cờ liếc ngang liếc dọc nhìn thấy được, cuộc đời mà không kể như tiêu tùng chắc phải nói là thần kỳ! Cái tin tức “bà Ngâu quen với thằng cha kép cải lương”, bảo đảm không cần tới năm bữa nửa tháng, mà ngay lập tức sẽ được loan ra khắp bốn vùng chiến thuật.

Vào thuở tôi mười sáu, Lĩnh tuổi động viên không biết khi nào còn được tại vị ở thành phố để chiêm ngưỡng thiệp Tết, khi nào thì bị đẩy vào quân trường, vị trí cái Cung Chúc Tân Xuân hoàn toàn không có chỗ đứng, không đất cắm dùi trong lòng tôi. Nhưng mấy chục năm sau, tình hình đất nước thay đổi, số phần con người cũng thay đổi tan tác theo thời cuộc, tôi bỗng rơi vào tình thế không còn chỗ đứng, không đất cắm dùi trong lòng thiên hạ y hệt cái số phận những tấm thiệp “của” Lĩnh, bỗng dưng lại đâm ra ước ao, đâm ra thèm được Lĩnh thân tặng cho một cái Cung Chúc! Hôm gặp Lĩnh dưới nhà ăn, áo eo cao, quần hở rốn, mini ngắn củn cỡn đã tan tành theo thời gian, bây giờ hoàn toàn không bao giờ còn dám ngó mắt nói gì đến chuyện dám mặc cho Lĩnh... nao lòng, còn đường tình duyên gia đạo thì đang ở giai đoạn ung thư thời kỳ cuối; nghe Lĩnh than từ hồi rời Việt Nam tới giờ, không ai lì xì cho mình nên không thèm ăn Tết nữa, tôi bèn nhân dịp, nhỏ giọng rủ Lĩnh kéo thêm đôi ba người bạn tới nhà tôi nghinh xuân.
Thật ra, tôi chỉ muốn rủ một mình Lĩnh thôi, nhưng sợ Lĩnh lắc đầu, nên ê a:
- Để gọi là thay đổi không khí anh Lĩnh à. Hôm đó Ngâu sẽ làm dưa kiệu, mua bánh chưng, và kho nồi thịt đông. Cắm thêm bình hoa cúc vàng rực rỡ nữa.
Lĩnh cười:
- Bài cào xì phé cho xôm tụ chứ. Phải không?
Tôi cười theo. Nhớ hai thằng em tôi ngày xưa chuyên dụ dỗ mấy con bạn gái đánh bài ăn.. hun ba ngày đầu năm, tôi ngó Lĩnh. Nhưng dĩ nhiên không dám mở miệng rủ rê Lĩnh kiểu đó!
Lĩnh nói với tôi, để anh bảo tụi nó, mà không nói rõ ra là “tụi nào”. Lúc chia tay với Lĩnh về phòng làm việc, tôi nghĩ ngợi lung tung, mường tượng ra một “tụi” vợ con đùm đề, bạn của Lĩnh, lòng chợt bùng lên chút hy vọng rằng thiên hạ thấy hoàn cảnh tôi và Lĩnh giông giống nhau, sẽ hùa theo ý tôi mà đòi cho hai đứa “rá rổ cạp lại” chăng!

Tuần sau, lại gặp nhau dưới căn tin, Lĩnh nhăn nhó bảo thiên hạ bên này kỳ cục dễ sợ, bảo đi ăn Tết cho vui mà cũng nói là để xem, không chịu trả lời dứt khoát, cứ làm như người ta dụ dỗ hay sao ấy! Tôi... đứt chến, thấy kế hoạch tấn công của mình chưa gì đã sứt cùi, gãy gọng, tôi oán thầm đám bạn cà chớn của Lĩnh không bút mực nào tả xiết. Tuy nhiên, còn nước còn tát, tôi làm bộ dịu dàng, đầu hơi nghiêng nghiêng, mắt hơi chơm chớp, vờ vĩnh đoán già đoán non, nói có thể thiên hạ đi coi văn nghệ văn gừng gì đó bên Mỹ qua đây trình diễn. Lĩnh không biết có chăm chú nghe tôi nói hay không nhưng bỗng bật cười lên như reo:
- Ừ nhỉ, thế mà anh không nghĩ ra.
Tôi im. Lòng xao xuyến chộn rộn cố nghĩ đến một câu nào đó để bẫy Lĩnh lọt vào tròng, nhưng tìm mãi vẫn không được. Bất chợt Lĩnh lại nói:
- Ờ, mà nếu vậy thì sao mình không đi tới đó luôn cho vui. ng gọi là một cách thay đổi không khí đấy chứ Ngâu!
Trái tim tôi rớt cái ào xuống đất. Không đoán được Lĩnh đã nói đùa hay nói thật. Lại càng không biết nên đẩy những cảm tưởng lộn xộn đang lào rào trào dâng lên trong lòng mình vào đề mục nào. Vui? Hớn hở? Ngất ngây? Hay chìm đắm?
Tôi đứng trơ thổ địa ngó Lĩnh. Lát sau Lĩnh bảo tôi, Ngâu xem lại có văn nghệ văn gừng thật không nhé. Tôi yểu điệu gật đầu. Trong bụng nghĩ, không biết sao Lĩnh lại có những lời dặn dò thừa thãi đến độ như vậy! Lúc này vớ được vàng, chưa chắc tôi đã vui bằng câu “xem lại” ấy cơ mà.
Thế là ngay buổi chiều đi làm về, tôi lật đật gọi điện thoại đi khắp ngã, từ người quen thân cho đến những người mà khi có dịp đụng mặt đâu đó trên xe lửa, ngoài đường phố tôi vẫn thường vờ vĩnh, cố tình làm sao cho bất tương kiến“ để khỏi phải mất công chào hỏi. Nhụy, con nhỏ thuộc loại đàn em tri kỷ của tôi, ngạc nhiên kêu lên trong điện thoại:
- Ủa, bà đổi mới tư duy hồi nào vậy? Xưa nay có bao giờ bà ló mặt tới mấy cái chỗ ca hát đó  sao giờ hỏi han tận tình vậy?
Tôi ậm ờ:
- Tại có mấy người bạn quen muốn đi một lần cho biết.
Rồi để con nhỏ khỏi nghi ngờ, tôi nhờ nó nếu có chương trình nào hay hay, đặt mua giùm tôi bốn cái vé. Trong trí chớp nhoáng tính toan, rằng sẽ đem thân tặng cho đứa nào đó hai tấm vé còn lại để đỡ bứt rứt lương tâm vì đã tiêu hoang, lại không thể nào bị con nhỏ trời ơi này khám phá ra. Lòng tôi đến lúc ấy, bỗng tràn trề lên cái hy vọng, rằng cái tụi“ nào đó của Lĩnh chắc chắn đã có đôi có cặp, có tiết mục chương trình gì khác nên sẽ không bao giờ ló mặt tới ba cái màn văn nghệ văn gừng ấy để quấy rầy hai đứa chúng tôi.
Suốt những ngày sau, tôi không cách gì ngồi yên được mà cứ loi choi như con vụ. Những lúc không phải làm việc hay bận rộn gì, là tôi lại như bị rớt vào cơn mê, ngầy ngầy ngật ngật tựa như sắp sửa trở bịnh. Trong đầu tôi hiện ra hàng loạt điều tưởng tượng về buổi tối mùa xuân muộn màng trong đời của mình. Thỉnh thoảng, tôi còn ước phải chi trời không lạnh như cắt da ở cái xứ sở chết tiệt này, tôi sẽ lụa vàng hoa cúc Nguyên Sa, áo xanh Đoàn Chuẩn Từ Linh để dành riêng cho Lĩnh nữa!
Tôi ăn trái mơ hoa. Mùa xuân ở thành phố tôi, năm nào tuyết cũng ngập trắng xóa ngoài đường. Hôm tôi đi coi văn nghệ với Lĩnh, trời còn đổ tuyết bạo bùng. Những khúc phim, những đoạn tiểu thuyết lãng mạn từng ăn sâu trong tim tôi, đúng là chỉ xảy ra ở trong phim, trong truyện. Ngoài đời, ngược với thơ Nguyễn Nhược Pháp, em đi trước chàng theo sau, tôi đã lúp xúp chạy theo Lĩnh đuối hơi từ bãi đậu xe vào mái hiên để tránh những cơn gió quất vào mặt rát điếng. Hai đứa, đứa nào cũng áo dạ, khăn quàng nặng dày. Lòng tôi buồn buồn. Xác xao nghĩ mãi đến một cái quàng vai, nắm tay gụi gần...
Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng tự an ủi, dầu sao đi nữa thì Lĩnh vẫn đang có mặt bên cạnh mình. Dầu sao đi nữa thì cái cơ hội để thần tình yêu giương cung bắn một phát trúng hai con nhạn là đà vẫn rất nhiều. Nên cái cảm giác như bước hụt, bước chưa tới, cũng dần dà dịu xuống trong tôi.

Gần như suốt cả nửa buổi trình diễn, tôi chẳng để ý chương trình có những ca sĩ, những tiết mục gì. Cái xứ tôi ở, cách thủ đô tị nạn bên Mỹ đến hơn cả chục nghìn dặm, họa hoằn lắm, một năm đôi ba bận gì đó mới có người đứng ra tổ chức một buổi văn nghệ như thế này, nên từ không khí cho đến cách tổ chức đều vô cùng tạp nhạp. Một hội trường sẽ được mướn để biến thành sân khấu, chẳng phông màn, chẳng đèn đóm gì tử tế bởi chẳng ai dại gì mà đi mướn một chỗ nào đó thật đắt. Con số người đi dự số ghế ngồi luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau, vé bán ra bao giờ cũng gần như gấp rưỡi sức chứa bình thường, nên tiếng đi xem văn nghệ mà có khi thay vì được ngắm MC, ca sĩ đang đứng trên môt cái bục thấp lè tè thì lại chỉ nhìn thấy cái đầu hay tấm lưng người đứng choáng trước mặt mình. Nhụy vẫn kể cho tôi nghe, rằng để nhìn được diện kiến dung nhan giai nhân tài tử cách tận tường, thì phải đợi cho đến lúc nghỉ giải lao, ca sĩ ra ngoài ký tên bán đĩa nhạc, băng video, và phải sau ba hồi bốn bận chen lấn giống hệt đi mua hàng nhu yếu phẩm ngày trước ở quê nhà mới có thể thấy được mặt.
Lúc mới định cư, buồn, nên có một lần được mời đến một nơi tương tự như thế, tôi đã đến và đã chứng kiến tận mắt cảnh Hán Sở tranh hùng giữa đám con nít choai choai với đám người lớn hiếu chiến lộn xộn đến nỗi cảnh sát phải tới để giàn xếp. Về sau, nghe kể càng ngày càng tệ hơn, đi xem hát có khi được xem luôn một trận đấu võ tự do, đánh đấm tơi bời như ciné, tôi bèn ớn quá, không dám ló mặt tới nữa. Ai rủ rê cách nào, tôi cũng từ chối –do vậy mà khi con nhỏ Nhụy nghe tôi đá động tới chuyện âm nhạc, ca hát, bèn la làng, to họng hỏi tới hỏi lui ba lần bốn bận, cuối cùng mới đem đến cho tôi mấy tấm vé trước ngày trình diễn hai hôm.
Mọi chuyện xảy ra hoàn toàn đúng y boong những gì tôi đã dự đoán. Chỗ ngồi trên hai tấm vé của tôi và Lĩnh ghi là ở hàng ghế thứ ba, dãy giữa, nhưng khi chen lấn vào được đến trong rồi, tôi mới biết nếu thủ hiến tiểu bang được mời đến dự, có lẽ cũng phải chấp nhận luật rừng. Có nghĩa là ai đến trước, ngồi trước, ai đến sau, ngồi sau, ai đến muộn, chịu khó đứng cho mỏi! Tôi đã hết sức lo lắng ngay từ lúc mới bước vào trong hội trường, nhưng ngược lại với điều tôi rối loạn tâm cang ấy, Lĩnh chẳng tỏ ra bực dọc gì cả. Lĩnh bảo:
- Dân mình, làm gì có chuyện chịu hiệp thương, thoả thuận, hòa bình, nên phải chịu cảnh này thôi!
Và Lĩnh dịu giọng xin lỗi tôi vì trời tuyết dày quá, chạy xe chậm nên đã đến đón tôi hơi muộn, khiến chúng tôi không kiếm được chỗ ngồi. Tôi nhoẻn một nụ cười duyên không trả lời, trong khi bụng nghĩ thầm, nhờ vậy mà em mới có dịp đứng cạnh anh một cách hết sức âu yếm như thế này đây!
Đi với Lĩnh, tôi khám ra lòng mình bỗng đâm ra hết sức từ bi. Lúc một cô ca sĩ tôi không ưa từ hồi còn nhỏ, ỏng a ỏng ẹo anh cho em mùa xuân, nụ hoa nào mới nở..., tôi đã quay sang nói với Lĩnh rằng trông cô lúc này duyên dáng quá. Lòng tôi cứ như nụ hoa mới nở thật. Thể như Lĩnh đã nhờ cô hát hộ nỗi lòng để tặng tôi mùa xuân vậy.
Mặt mày tôi lúc nóng lúc lạnh. Tim lúc rộn ràng, lúc như ngừng đập hẳn. Mường tượng ngay giữa lúc ấy mà Lĩnh đưa tay sang nắm tay tôi, chắc thể nào tôi cũng lăn đùng ra ngất xỉu. Tôi đã chịu trận, hớn hở mà chịu trận mấy tiếng đồng hồ trên đôi bốt mới tinh tươm, gót mỏi như bị kẹp lạimấy đầu ngón chân thì đau đến muốn thắt cổ. Tôi trân người, đứng cứng ngắt như xác chết nghìn năm trong tủ đá. Đến nỗi có lúc chịu hết xiết, nhưng nếu không vì sợ bị hiểu lầm tôi muốn “dụ dỗ” Lĩnh một cách trắng trợn quá, tôi đã xuống giọng rủ Lĩnh về nhà cho rồi!
Lĩnh có vẻ khoái nghe live music dữ. Và không biết có giống tâm trạng của tôi không, nhưng bài hát nào nghe được, Lĩnh khen hay hơn nghe CD. Bài sến, Lĩnh phì cười, nói trên sân khấu trực tiếp, thấy ca sĩ ít oằn oại, rên rỉ hơn video. Và bài dở, thì Lĩnh chép miệng bảo dầu gì cũng khá hơn... karaoke.
Tôi đã cười cười. Hoàn toàn không có ý kiến. Lòng chỉ mong cho hết chương trình để xem Lĩnh có “chương trình” gì cho mình hay không mà thôi. Suốt cả buổi tối, tôi hân hoan, tim nở hoa. Chúa Xuân, như thiên hạ vẫn thường hay mô tả thời Lĩnh mê Cung Chúc Tân Xuân, có lẽ không chỉ hiện diện rỡ ràng trong trời đất, mà ở khắp nơi nơi trong từng phân vuông da thịt tôi. Khi chương trình vơi đi phân nửa, ca sĩ nghỉ giải lao, tôi lao ra ngoài, nhưng thay vì đi xin chữ ký, xin chụp hình chung với ca sĩ, tôi chạy thốc vào phòng vệ sinh, tháo đôi bốt ra đi tới đi lui trên đất một hồi cho đỡ đau. Lúc trở lại gặp Lĩnh, Lĩnh đưa cho tôi tô cháo gà. Tôi cảm động đến muốn khóc cho dù đó là tô cháo dở nhất trong cuộc đời. Cuối cùng thì tôi được thêm nỗi hân hoan ngồi phệt bên cạnh Lĩnh trên bục thềm tam cấp bằng đá hoa cương lạnh muốn nám phổi.

*
Thật tình, nếu Lĩnh đề nghị tôi ngồi nguyên đêm trên bục thềm lạnh ngắt như nhà tù ấy, hay nhích ra ngoài hàng hiên, nơi tuyết đang mù mịt bay, và có thể đông thành đá giữa trời mùa đông rét buốt, hẳn tôi cũng sẽ sung sướng, hạnh phúc mà đồng ý. Văn chương cải lương nói khi yêu, con người ta sẽ chấp nhận bất cứ thua thiệt nào trên đời. Còn văn chương cao cấp thì thở than tình yêu như trái phá, con tim mù lòa. Tôi, tình cảm chưa dám xác định có yêu Lĩnh hay chưa, nhưng rõ ràng đã đui què mẻ sứt tùm lum. Tôi chẳng hề nhìn thấy gì, cũng chẳng buồn để ý đến thứ linh cảm, giác quan thứ bảy chủ nhật của mình cả. Lòng tôi vui ngất ngư con tàu đi.

Cuối buổi văn nghệ, Lĩnh đưa tôi về gần tới nhà thì nói:
- Khi nãy anh có mua cho Ngâu một cái CD của Khánh Hà.
Tôi nghẹt thở muốn té xỉu. Thu hết mọi bình tĩnh, can đảm vốn hiếm hoi khi ở bên cạnh Lĩnh, nhưng thay vì nói một câu hay ho nào khác, tôi lại ỏn ẻn cười:
- Anh mua chi vậy?
Lĩnh im im một hồi. Rồi cuối cùng Lĩnh cười, giọng có vẻ hơi bối rối:
- Thì..., thì phải có qua có lại với Ngâu chứ!
Tôi tím bụng làm thinh. Vừa hơi thất vọng vì thấy câu nói coi bộ khó... đưa duyên của mình, vừa thấy Lĩnh có vẻ kém lãng mạn. Tuy nhiên, vẫn bởi lòng bất ngờ từ bi, tôi cố mở mắt to chờ câu nói kế tiếp của Lĩnh. Lĩnh dịu dàng:
- Anh cũng có đi tìm mua cho Ngâu một tấm thiệp Tết nữa. Nhưng tiệm Tây thì không có mà tiệm Tàu cũng chẳng luôn.
Tim tôi rõ ràng nhảy cái đùng ra khỏi lồng ngực. Tôi không dám nhìn sang Lĩnh, mà chỉ nghe giọng Lĩnh cười nhỏ nhẹ bên tai:
- Ý anh nói tấm thiệp có mấy chữ Cung Chúc Tân Xuân như kể với Ngâu đó.
Tôi cố nín thở. Hai bàn tay đang thả lửng trên cái sắc tay đặt trên đùi, bỗng chấp chới níu chặt vào với nhau. Đầu tôi căng thẳng như sợi dây phơi quần áo. Mường tượng... Chao ơi, mường tượng! Tôi hoàn toàn không dám nghĩ đến điều sẽ xảy ra cho mình với người đàn ông hằng ngày vẫn chờn vờn trong não bộ.
Không biết Lĩnh sẽ nói gì với mình. Tôi bồn chồn nghĩ ngợi. Nhưng đồng thời cũng sợ Lĩnh sẽ thốt ra câu nói với ba chữ tầm thường mà thiên hạ vẫn hay viết trên báo, trong sách. Hoặc trong những bức thư tình hay nhất thế giới, chẳng hạn. Tim tôi réo lên. Lĩnh của tôi, Lĩnh đọc Camus, Sartre..., đọc đủ loại thơ văn kim cổ từ lúc còn ngồi ghế trung học, thiếu thời mê Cung Chúc Tân Xuân, trung niên, sắp lão, vẫn còn lãng mạn tháng Giêng hoa cúc lụa vàng..., hẳn sẽ không “anh yêu em” một cách vụng về. Lĩnh của tôi chắc chắn phải khác. Sẽ khác.
Tôi hồi hộp chờ đợi. quả thật là như vậy. Lĩnh khác. Khác ghê. Khác gớm. Khác đến nghìn dặm, nghìn nghìn dặm, so với những gì tôi có thể tưởng tượng. So với những gì người khác thường vẫn nói, vẫn làm. Lĩnh rù rì rủ rỉ bên tai tôi:
- Thiệt tình! Ở bên này, cái gì cũng khó khăn quá, Ngâu ha? Từ chuyện nhỏ cho tới chuyện lớn, từ chuyện đơn giản cho đến chuyện phức tạp, từ chuyện cây kim cho tới cái phi thuyền… Nhiều khi muốn điên cái đầu luôn. Chẳng hạn một tấm thiệp xuân như vậy đó, mà anh đi muốn chết rục cả hai chân, tìm muốn mờ cả mắt nhưng cuối cùng cũng đành phải chào thua.
Tôi e ấp dạ nhỏ. Tim gan phèo phổi sôi réo lên như đang ngồi trên đống lửa. Tôi nhấp nha nhấp nhổm chờ đợi Lĩnh sẽ cầm lấy tay tôi, sẽ thốt lên ra ba chữ tôi vốn vẫn chê là cải lương nhưng hẳn sẽ trở nên thiêng liêng biết dường nào! Giờ phút quan trọng, giờ phút lịch sử… Tôi đứng tim cho đến lúc sau cùng, thì trái đất cũng vỡ ra. Nhưng bên tai tôi bất ngờlại bật lên một tràng cười lớn của Lĩnh:
- Thôi thì đành để ra Giêng vậy, để lúc về Việt Nam, anh sẽ tìm mua tặng Ngâu một cái cung chúc. Lúc ấy, dẫu có hơi muộn một chút, nhưng cũng đâu có sao, phải không Ngâu? Bỏi vì đó là lòng thành của anh mà. Đúng không?
Tôi chớp đủ ba lần mắt. Đầu cúi xuống đủ thấp cho mớ tóc dài xõa dịu dàng, chảy buông trên bờ vai. Tôi không đáp, cũng không thốt ra nửa lời. Tôi vẫn sợ cái phút giây huyền dịu, tuyệt vời ấy sẽ bay đi mất vào không trung dầu mọi việc xảy ra hoàn toàn không giống như tôi nghĩ, hoặc tưởng tượng. Tôi tiếp tục chờ đợi.
Lĩnh im lặng vài giây, rồi sau đó bằng một giọng rất ấm áp, rất vui tai, Lĩnh ngập ngừng nói:
- Ừ, thì cứ coi như đó là tấm chân tình của anh vậy, Ngâu nhé… Đến lúc đó..., đến lúc đó… Lúc đó thì chắc chắn là anh sẽ đưa thêm cho Ngâu tấm thiệp khác nữa… Biết không, anh có dự định này lâu rồi mà không dám mở lời với Ngâu… Là anh sẽ mời Ngâu dự đám cưới của tụi anh, nhưng hơn như vậy nữa là anh muốn mời Ngâu làm cô dâu phụ cho tụi anh đó. Dáng của Ngâu rất giống bà xã anh, chiều cao cũng tương tự, nên anh nghĩ chắc có lẽ sẽ đẹp lắm… Anh mạo muội nghĩ như vậy, nhưng không biết Ngâu thấy thế nào? Ngâu có cho phép cái ước muốn của anh thành sự thật không vậy???
HOÀNG NGA

No comments:

Post a Comment