Món
quà
Seated man. Paul Cezanne
9
giờ sáng. Đúng vào lúc ông định mở TV để xem chương trình thời sự
thì có tiếng chuông gọi cửa. Ông luống cuống làm rơi chiếc remote
xuống sàn nhà bằng gỗ màu nâu sẫm. Từ ngày ông đến nơi đây, chưa hề
có một tiếng gọi, một cuộc thăm viếng nào vào giờ này.
Ông hé rèm cửa sổ, nhìn xuống.
Người bưu tá cao lớn gật đầu chào, cầm một gói bưu phẩm đưa lên cao,
nói câu gì đó mà ông không nghe rõ.
Gói bưu phẩm khá nặng, ghi rõ họ
tên, địa chỉ, số phone của ông. Chỗ tên, địa chỉ người gửi bị nhân
viên bưu điện nào đó vô ý đóng con dấu hình chữ nhật có màu mực đen
đè lên nên không thể đọc được. Cố lắm, cũng chỉ có thể nhận ra
những chữ a, chữ n, chữ x rời rạc, lạc lõng, vô nghĩa. Ông lưỡng lự
một chút rồi lật bật mở gói quà. Các cuốn sách rơi xuống sàn nhà,
nằm cạnh chiếc remote TV.
Ông ngồi xuống để nhặt các cuốn
sách, bất thần ngã bật ra, đầu chạm vào cạnh bàn nước đặt giữa
phòng khách. Ông ngồi yên như thế, đầu tựa vào bàn, chân co lên, tay
buông thõng trên đầu gối, mắt chăm chắm nhìn xuống sàn nhà, nơi những
khối hình chữ nhật chập chờn xê xích, khi gần khi xa, lúc tỏ lúc
mờ.
Đó
là 2 tập truyện ngắn và 3 cuốn tiểu thuyết, năm trong số những tác
phẩm của ông được in trong khoảng thời gian gần hai mươi năm, từ 21 đến
40 tuổi.
Tập truyện đầu tay được một họa sĩ
nổi tiếng vẽ bìa. Trên nền lam sẫm, dòng chữ Đi về phía núi màu trắng nổi bật với nét bút thanh mảnh,
mềm mại. Hẳn họa sĩ đã đọc qua vài ba truyện trong tập, những câu
chuyện tình cảm ngọt ngào, những mơ ước, những nhớ nhung, những chờ
đợi của tuổi mới lớn. Trong sách còn có lời tựa của một nhà văn
cũng nổi tiếng. Nhà văn cho rằng giữa thời buổi đầy biến động của xã
hội, của văn đàn thì đây là một vạt cỏ xanh non, một dòng nước mát,
giúp cho lòng người dịu nhẹ. Tất cả những việc đó đều do giám đốc
nhà xuất bản KS, ông VT thu xếp. VT viết văn không hay nhưng rất nổi
tiếng trong giới xuất bản bởi sự hào phóng, tình cảm chân thành và
sự ngưỡng mộ tự nhiên của VT dành cho giới viết lách. Ông còn nhớ,
sau khi kỳ cạch đánh máy bản thảo, ông quyết định giữ lại chín
truyện. Thực ra cũng có thể chọn thêm vài, ba truyện nhưng ông vốn
thích các số lẻ, nhất là số 9. Mấy ngày liền, ông đạp xe đến nhà
xuất bản, đứng ngẩn ra một lúc rồi lại quay về căn nhà trọ ở ngoại
ô, nằm đọc lại các câu chuyện của mình, lúc bằng lòng, lúc bất
mãn. Cuối cùng, ông gửi bản thảo qua đường bưu điện và ngày nào
cũng ngồi trước cửa, ngong ngóng chờ người đưa thư đi ngang qua xóm
trọ. Ông đã gần phát khóc khi nhận được bức thư mời đến gặp vị
giám đốc. Chàng trai trẻ bước vào căn phòng nhỏ bày bộ sa- lon cũ
kềnh càng, lòng nghẹn ngào đến ngạt thở. Giám đốc VT còn khá trẻ và
rất lịch sự trong bộ vest màu xám. Giám đốc ra tận cửa dắt ông vào,
ấn ông ngồi xuống ghế, mỉm cười nhìn ông, em đừng sợ. Tập truyện
của em rất khá. Tôi sẽ cho in ngay trong quý này. Giám đốc đưa ông đi
làm hợp đồng, vỗ nhẹ vào vai khích lệ, em làm việc chăm chỉ nhé.
Tôi tin em sẽ thành công. Nhiều năm sau, tim ông vẫn thắt lại mỗi khi
nhớ đến buổi sáng thần tiên đó, nhớ đến ánh nhìn tin cẩn, giọng
nói ấm áp của vị giám đốc dành cho ông.
Dù vậy, phải 5 năm sau ông mới có
thể in tập truyện thứ 2 của mình với tựa đề Đêm.
Năm
năm, thời gian của những mất mát tình cảm, của nỗi thất vọng về
thời cuộc, của những ngày lang thang cơ cực, của sự chuyển biến tâm
trạng từ một thiếu niên sang kẻ trưởng thành, đã để lại dấu ấn sâu
đậm trong các câu chuyện. Lúc này, nhà xuất bản KS đã phá sản.
Nhiều người cho rằng nguyên cớ chính là sự tốt bụng của giám đốc
VT, người đã ứng tiền vô tội vạ và trả nhuận bút cao ngất ngưởng
cho đám nhà văn luôn luôn túng thiếu. Gặp ông, vị giám đốc cười buồn,
tôi đợi cậu lâu quá nên chồn chân mỏi gối rồi. Ông bùi ngùi, cuộc đời
là một chuỗi những thất bại, những lo âu mà. Vị giám đốc cười, đặt
hai tay lên vai ông, như một người cha đặt tay lên vai đứa con trai của
mình, cậu đã lớn thật rồi, tôi đợi đọc cậu. Khi nhận tập truyện Đêm, ông đi thẳng đến nhà vị giám
đốc để tặng cuốn sách đầu tiên. Ông VT đang nằm trên ghế xếp trước
hiên nhà, đọc truyên chưởng Tàu, vẻ mãn nguyện, thứ văn chương này sẽ
tồn tại rất lâu đấy cậu ạ, đã bập vào là quên hết sự đời. Rồi ông
bật cười ha hả như một kẻ vô tư lự.
Đêm
được chào đón như một sự kiện văn học lúc đó. Trong một lần ngồi
uống café tại La Pagode, nhà văn T, vốn là kẻ ăn nói sắc sảo, nheo
mắt nhìn ông, cỏ đã úa, suối đã vẩn đục, ngày đã tối rồi. Ấy
đấy, chẳng ai có thể nhẩn nha nhìn mây ngắm gió mãi được. Thấy ông
mỉm cười im lặng, ông ta vừa nhồi thuốc vào tẩu vừa nhấm nhẳng tiếp
lời, cậu đã bắt đầu đặt chân trên mặt đất bụi bặm, gai góc này rồi
đó. Nói cách khác, cậu đã nhập bọn với chúng tớ, những kẻ khốn
khổ. Ông hiểu, có thể đó là một sự đánh giá văn tài mà cũng có
thể chỉ là kiểu khen tặng của bậc đàn anh cho người mới vào nghề.
Ông nhã nhặn cám ơn rồi rời quán. Ông sống một mình, ít khi tham dự
vào các cuộc gặp gỡ, hội hè, bù khú của các nhà văn thời thượng.
Ông không uống rượu, không đến trường đua, không chơi mạt chược, không
tán tỉnh các nhà văn nữ. Ông biết, khi có ai đó trong đám nhà văn
nhắc đến gã thầy tu chính là họ đang nói đến ông.
Giữa lúc này ông gặp Diên, người vợ
đầu tiên. Diên là cô giáo dạy tiếng Anh ở trường cấp hai. Hàng ngày,
nàng đi ngang qua nhà trọ của ông để đến ngôi trường gần đó. Nàng
mặc những chiếc áo dài màu sẫm, tóc buộc gọn sau gáy, để mặt mộc.
Nàng không hề biết có người ngồi sau ô cửa màu xanh kia nhìn ngắm
mình. Sau này, khi nghe ông kể lại, nàng đỏ mặt, sao anh ác thế. Cuộc
sống chung của họ êm đềm, giản dị. Họ có ba đứa con, một trai hai
gái. Diên chịu thương, chịu khó, kiên tâm gầy dựng nền nếp gia đình.
Căn nhà nhỏ nằm trong hẻm sâu lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp.Các con
của họ lễ phép, học hành tử tế. Diên vẫn mặc những chiếc áo dài
màu sẫm, tóc vẫn búi sau gáy, vẫn đi lại nhẹ nhàng, nói năng nhỏ
nhẻ nhưng áo ngày một rộng ra, tóc ngày một thưa đi và giọng nói,
tiếng cười đã không che được nỗi mệt nhọc. Đôi khi, nhìn vợ, ông có
cảm giác như nàng đi không còn vững nữa. Không đành lòng, ông gác hết
công việc đang làm, chuyên tâm viết các bài tường thuật sự kiện văn
hóa, các bài bình luận văn chương, các bài điểm sách, dịch tin tức
văn nghệ nước ngoài…cho các báo, các tạp chí để kiếm tiền độ nhật.
Những món nhuận bút nhỏ nhoi chẳng bù đắp được bao nhiêu cho cuộc
sống gia đình nhưng mỗi khi ông rụt rè đưa tiền cho vợ, bao giờ bà
cũng vui vẻ, tốt quá, đúng lúc em đang cần. Thường thì bà chỉ dùng
khoản tiền này để mua những cuốn sách mà ông muốn có. Khi đứa con
trai út lên hai, Diên xin nghỉ dạy, cùng người chị mở một sạp vải
nhỏ. Diên nói với ông, giọng như dỗ dành, thôi, anh đừng viết cho các nhật
trình nữa. Nhiều năm sau, khi bà đã mất, khi ông đã có một cuộc sống
khác, ông vẫn như nghe thấy giọng nói của bà đêm hôm ấy, giọng nói
chất chứa tình yêu thương, niềm cảm thông, sự chờ đợi. Diên đã đem cả
cuộc đời mình đặt vào những trang viết của chồng.
Các nhân vật của ông thường là những
người đàn ông ở tuổi trung niên, tuổi đã có một gia đình nhỏ.
K, nhân vật chính của Cánh cửa là một bưu tá. Hàng
ngày, anh đến sở làm, nhận thư từ rồi đạp xe đi phân phát cho các gia
đình trong một xóm ven sông. Lời hò hẹn, lời từ biệt, thư thăm hỏi,
thiệp báo hỷ, giấy báo tử…trĩu nặng chiếc túi vải bạt anh mang bên
mình. Anh quen biết tất cả mọi người trong xóm nghèo đó. Anh chia vui
cùng họ, trò chuyện, an ủi họ, dỗ dành họ, khuyên nhủ họ. Anh vắng
mặt một ngày cả xóm đã nháo nhác lo âu. Anh thường kể cho người vợ
và đứa con gái những câu chuyện của cư dân xóm ven sông ấy. Ngày
tháng của anh cứ trôi qua bình yên như vậy, cho đến ngày nọ, khi người
ta chuyển anh đến một khu vực khác trong thành phố. Những con phố
rộng rãi, những tòa nhà đồ sộ,
những cánh cổng sắt kín bưng như những bức tường, những hòm
thư lạnh lẽo, vô cảm khiến anh buồn bã, nhớ tiếc chốn cũ, nhớ tiếc
những cánh cửa bằng ván, bằng tôn, xiêu vẹo, chắp vá, khép hờ trước
mỗi căn nhà, nhớ tiếc những con người. Nỗi nhớ tiếc dai dẳng khiến
K bần thần, ngơ ngẩn. Khi anh có
dịp trở lại khu phố cũ thì tất cả nhà cửa đã trôi đi trong trận lở
đất và mọi người đã tan tác, mỗi người mỗi xứ. M, nhân vật trong Phố phường là một anh chàng chạy
xe tac-xi nghèo khó. Sau khi giải ngũ, anh được cha vợ cho một chiếc
Peugeot cũ. Hàng ngày, anh chạy xe để kiếm tiền nuôi vợ con. Anh thương
chiếc xe như thương một con người. Anh trò chuyện cùng nó nhiều hơn
với bất cứ ai. Mỗi buổi sáng, anh đến bên nó, nào, lên đường cha
nội. Gặp khách vẫy gọi, anh reo khe khẽ, hên rồi cha nội. Lúc ế ẩm,
anh đậu xe dưới bóng cây, thôi, nghỉ một chút cho lại sức nghe. Khi vợ
đau yếu, anh than thở, bữa nay phải chạy tới khuya đó, ráng lên, kiếm
mấy đồng cho bả uống thuốc. Mà mày đừng có đổ bịnh giống bả đó
nghe…Anh chạy xe khắp thành phố. Một khách du lịch có thể theo dấu
những chuyến đi của M để nhìn thấy những con đường, những góc phố,
những ngôi chùa,những tòa nhà cổ kính, những vòm cây, những nhà
hàng đặc sản, những quán ca-phê, những khu chợ …Có người đã gọi Phố phường là một cuốn cẩm nang du
lịch. Nhưng bao phủ lên các trang viết vẫn là tâm trạng lo âu, thấp
thỏm trong cuộc mưu sinh của người tài xế. Câu chuyện kết thúc vào
một đêm mưa vắng khách, M ngồi sau tay lái, nhìn ngọn đèn chập chờn
trong khóm lá. Anh nói với chiếc xe cà tàng của mình, cha thấy không,
cuộc đời này là một cuộc chiến kỳ cục. Không bom rơi, không đạn réo
mà lúc nào mình cũng cảm thấy tai họa rình rập, treo lơ lửng ngay
trên đầu. Ngày muộn khi xuất bản
được giới phê bình coi là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Mặc dù
không thực sự tin vào điều đó, ông nghĩ ông đã gặp may với cuốn sách
khi nó được tái bản ngay sau đợt phát hành đầu tiên. Người ta bàn
tán về câu chuyện của nhân vật chính, H, một nhạc công. H đi làm từ 9
đến 12 giờ đêm mỗi ngày trong một quán ăn lớn. Khi xong việc, anh đi
bộ về nhà, lang thang qua những đường phố đã lặng im như chết. Rời
bỏ cái quán ăn ồn ào như ong vỡ tổ, nơi hầu như không thực khách nào
đoái hoài đến tiếng đàn của anh cũng như giọng hát của các ca sĩ,
anh cảm thấy những giờ phút một mình giữa đêm, lặng lẽ đi dưới
những tàn cây là những giờ phút thần tiên. Anh thuộc từng góc phố,
nhớ từng ngôi nhà, từng loài hoa, từng mùi hương cỏ cây trên chặng
đường ấy. Thế rồi, cuộc đời anh bất ngờ thay đổi khi gặp V. Đêm đó,
khi anh vừa băng qua đường thì trông thấy một cô gái đang ôm đầu ngồi
dưới trụ đèn cao áp, gần nhà mình. Anh dừng lại bên cô. Cô gái ngồi
im, vai rung lên nhè nhẹ. Anh đã định bỏ đi, không hiểu sao lại hỏi, cô
có cần tôi giúp gì không. Cô gái khẽ lắc đầu rồi òa khóc, anh thì
làm sao giúp được tôi. Anh đùa, tôi có phép màu đấy, tôi chỉ cần vung
tay một cái là mọi sự thay đổi lập tức. Cô gái bật cười. Anh bảo,
đấy, cô chẳng đang khóc lại cười đó sao. Cô gái thuận theo anh trở về
nhà cha mẹ. Họ đi bộ xuyên qua thành phố như hai kẻ lang thang vô định,
không nói thêm cùng nhau một lời nào. Anh mơ hồ nhận ra thời khắc của
một thay đổi lớn lao trong cuộc đời mình. Hóa ra cô bị cha mẹ ép
duyên. Cha mẹ cô mừng rỡ đón con gái, năm lần bảy lượt cám ơn chàng
nhạc công. Họ nên vợ nên chồng, ba năm sinh hai cô con gái kháu khỉnh.
Anh chạy lòng vòng tìm việc nhưng rồi đành quay lại quán ăn với
những tiếng đàn lọt thỏm trong ồn ào hàng quán và đêm đêm lại ra về
trên những con đường đã im ngủ. Có điều, không còn những giây phút
thanh thản kỳ diệu nữa. Cuộc mưu sinh kéo anh về với bước đi ngày
một nặng nề trên con đường cũ…
Người ta gọi những nhân vật của ông
là loại nhân vật nhỏ bé, loại nhân vật không tên tuổi, không tiếng
tăm, không biến cố. Họ là bất cứ ai trong đám đông ngoài kia. Những mơ
ước, những lo âu, những chờ đợi của họ thật bình thường, thậm chí
tầm thường. Người ta bảo văn của ông dẫn dụ người đọc như tiếng rì
rầm của những cơn mưa nhỏ về đêm. Người ta bảo không thể kể lại câu
chuyện của ông nhưng cũng khó rời bỏ cuốn sách khi đã cầm nó trên
tay. Người ta bảo ông là nhà văn không có tham vọng, người ta bảo ông
là kẻ yếm thế…Ông nghe thấy tất cả những điều đó với một thái độ
bình thản. Khi một nhà văn trẻ hỏi ông về kinh nghiệm, ông cười, hãy
viết những gì bạn muốn viết, theo cách mà bạn thấy hợp lý. Sau khi
thành danh, nhà văn trẻ đôi lần nhắc đến lời khuyên của ông.
Cuốn sách sau cùng, Giữa khuya, ở trang nhất có lời đề
tặng:Tặng Diên. Đây là cuốn sách duy nhất mà nhân vật chính là một
phụ nữ. B mang nhiều nét của Diên, người vợ mà ông vô cùng yêu thương.
Sau này, khi nhớ lại, ông cho rằng trong tháng ngày ấy, cách nào đó,
ông đã cảm thấy cuộc chia lìa của họ và muốn viết một cái gì cho
chính vợ ông, về chính vợ ông. Cuốn sách in ra được 2 tuần thì xã
hội có biến động lớn.Vợ ông, vốn là một phụ nữ mẫn cảm và thực
tế, lặng lẽ cho đóng gói toàn bộ sách vở của ông và một ít vải
vóc chuyển về quê gửi ở nhà cha
mẹ đẻ. Rồi chỉ ít lâu sau, mẹ
vợ ông lại đem đốt hết chỗ sách vở, chỉ giữ lại mấy súc vải,
phòng khi khó khăn. Ông không thực sự hiểu việc làm của hai người phụ
nữ nhưng ông tin rằng vợ ông đã làm
những gì cần phải làm để bảo vệ gia đình, bảo vệ chính ông.
Không tham chiến, không tham chính,
ông gần như bị bỏ quên trong cảnh hỗn loạn của buổi giao thời. Giữa
lúc ông còn hoang mang nhìn thế sự thì vợ ông gom góp vốn liếng để chuẩn bị cho
chuyến đi của cả gia đình. Bà thoắt đi thoắt về, chạy đôn chạy đáo,
mắt trũng sâu, người gầy rộc, cả ngày chỉ nói với chồng con vài
câu. Thế mà, đúng ngày ra đi thì ông bị cảm nặng, nằm li bì, không
sao gượng dậy. Vợ ông đành để đứa con gái thứ 2 ở lại chăm sóc cha,
chờ chuyến đi tiếp theo. Bà dắt đứa con gái lớn và đứa con trai út
cắm cúi ra đi giữa đêm. Những ngày chờ tin dài vô tận trong lo âu,
thấp thỏm. Ba ngày sau ông được tin chuyến tàu của vợ con ông gặp bão
ngoài biển, không biết ai còn ai mất.
Một tuần sau, người hàng xóm tơi
tả trở về, thì thầm báo tin không thấy vợ con ông trong số người còn
sống. Ông chết sững, không thốt lên lời nào. Đứa con gái nhỏ vừa
khóc vừa lay gọi bố, rồi nó thỉu đi trong vòng tay của cha.
Đứa con gái là nguyên cớ duy nhất níu
giữ ông. Hai cha con bán dần bán mòn các đồ đạc trong nhà để sống. Khi không còn
gì để bán, ông đành gửi con gái về quê cho bà ngoại. Ông theo người
bạn cũ, một kỹ sư cơ khí thất nghiệp, mở tiệm sửa xe đạp. Thực ra
thì ông chỉ là anh phụ việc vụng về, lúc bê chậu nước, lúc đưa cái
kìm, cái mỏ lết, lúc quét dọn sơ sịa gian nhà, lúc qua đường gọi ly
ca-phe quán cóc... Chiều nọ, có người phụ nữ đến nhờ thay vỏ xe.
Thấy ông tay chân lóng ngóng, bà ta hỏi, anh có biết làm sổ sách
không. Ông chưa kịp trả lời thì bạn ông đã lên tiếng, chị có việc gì
nhẹ nhàng thì rước ổng giùm tôi. Rồi không đợi trả lời, anh ta nói
một thôi một hồi, người ta bảo tên tác phẩm vận vào đời người viết,
quả không sai. Hết Đêm rồi lại Giữa khuya, rồi thì Cuối đường, rồi thì Ngày muộn, nghe não nề quá, cách
chi mà sung sướng, mà nhàn nhã cho được. Ông ta vung bàn tay đang cầm
chiếc cờ- lê lên, định nói thêm điều gì bỗng dừng lại, nhìn sững
giọt nước mắt đang lăn trên khuôn mặt trắng bệch của người bạn. Cả 3
người bọn họ ngồi im lặng trong gian hàng nhỏ của buổi chiều muộn.
Một cơn mưa trái mùa bất chợt đổ ào ạt trên mái tôn, nghe như một cơn
bão.
Người phụ nữ tên Ngọc đưa ông về
làm sổ sách cho tổ hợp làm mũ của bà. Công việc đơn giản, không cần
chuyên môn, chỉ phải vào sổ số tiền xuất mua nguyên liệu (chủ yếu là
vải vụn), số mũ giao cho các đại lý, số tiền thu lại, tiền công cho
mọi người… Mãi về sau ông mới biết Ngọc là bạn học cũ của vợ ông,
bà đã đọc rất nhiều tác phẩm của ông. Việc đi thay vỏ xe chỉ là
một cái cớ để làm quen. Bà bảo, bà đã nhiều lần qua lại chỗ tiệm
sửa xe và không sao an lòng nhìn ông vật vạ, mòn mỏi trong nỗi đau,
trong cuộc mưu sinh. Giống như Diên, Ngọc là một phụ nữ tháo vát,
giỏi giang. Chồng mất sớm, bà một mình xoay xỏa nuôi hai con khôn lớn.
Cũng như Diên, Ngọc muốn ông tiếp tục công việc của mình. Bà sắm bàn
sắm tủ, mua giấy mua bút, mua sách mua vở… Bà nói với ông, em nhớ
nhà văn A đã nói câu này: cảm hứng
là ngồi vào bàn đúng giờ. Thực ra thì cũng có lúc ông đã ngồi
vào bàn. Cũng có lúc một ý nghĩ nào đó, một hình ảnh nào đó
chợt lóe lên trong đầu nhưng rồi chúng lập tức bị xóa nhòa, bị tan
biến, không cách chi lưu giữ được. Ông thú thực, anh không thể. Anh đã
quên công việc của mình rồi, quên kiếp trước của mình rồi. Có lần,
thấy ông đọc sách khuya, bà đem vào phòng một ly trà, ông đưa trang
sách đang đọc dở về phía bà, rồi dịch cho bà nghe đoạn văn tiếng
Pháp của nhà văn Tiệp Khắc nọ: “Chúng
ta đi ngang qua hiện tại với hai
mắt bị băng kín. Khá nhất thì chúng ta cũng chỉ có thể dự cảm và
đoán định được mình đang trải
qua điều gì mà thôi. Mãi đến sau
này, khi tấm băng được tháo ra,
chúng ta mới có thể nhìn lại quá khứ, thấu hiểu mọi điều và đánh giá nó”. Ông nói, anh hiểu
những điều này, thậm chí đôi khi anh cũng nghĩ được những điều giống
như ông ta. Có điều, ông ta viết được. Còn anh thì không. Đó là sự
khác nhau giữa một tài năng và một người bình thường. Bà nghe ra nỗi
đau trong giọng nói bình thản của ông. Từ bữa đó, không bao giờ bà
dám nhắc nhở chuyện viết lách với chồng.
Rồi một buổi sáng nọ, ông biết tin
con gái đầu lòng được một tàu cá nước ngoài cứu sống. Ông cầm chặt
bức thư trong tay, chỉ thốt lên hai tiếng “trời ơi” rồi ngã vật xuống
bất tỉnh. Những ngày sau đó, ông ngơ ngẩn vào ra, gần như không ăn,
không ngủ, ngong ngóng chờ tin của vợ và con trai út. Bà lo lắng,
chạy quanh tìm thầy tìm thuốc, tìm bạn bè đến chơi nhà, tìm cả nơi
để ông tập Yoga, ngồi thiền. Ông cười buồn, anh không thể. Làm sao có
thể ngồi xếp bằng ở đâu đó để quên nỗi đời cơ cực này được.
Khi con gái thu xếp đón cả gia đình sang
định cư ở nước ngoài, ông chọn một thị trấn ở phương Nam, nơi phố xá
nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt. Ông không
tìm gặp lại những bạn bè cũ, không giao du với những bạn bè mới.
Ông ôm lấy chiếc máy tính gần hết thời gian của một ngày để liên hệ
với những nơi có chức năng tìm kiếm người thân và chờ đợi. Nỗi chờ
đợi giống như một thứ độc được pha chế từng ít một vào ngày tháng
của ông.
Gần đây, bà đến giúp việc trông coi
một cửa hàng thực phẩm nhỏ cho đứa cháu gái. Bà bảo, vừa thêm được
ít tiền vừa tiện việc chợ búa. Ông ở nhà một mình, loanh quanh từ
phòng khách sang phòng ngủ rồi xuống bếp, tưới mấy chậu hoa trên bệ
cửa sổ và ngồi vào máy tính, chờ tin.
Thường thì cứ 10 giờ sáng bà lại
gọi điện thoại về nhà nhắc ông uống sữa rồi uống thuốc. Sữa để
sẵn trên bàn, gói thuốc và ly nước để bên cạnh. Buổi sáng nay, bà
gọi mà không thấy ông nhấc máy. Gọi đến lần thứ ba thì bà dừng công
việc, tức tốc chạy về nhà. Khi mở cửa, bà nhìn thấy ông đang ngồi, đầu tựa vào cạnh bàn, chân
co lên, tay buông thõng trên đầu gối, mắt chăm chắm nhìn xuống sàn nhà, nơi có mấy cuốn sách và chiếc remote nằm lăn lóc. Bà chạy vội
đến bên ông nhưng ông đã ra đi. Bà cho biết, trong số 5 cuốn sách có
tập truyện đầu tiên Đi về phía núi
và cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Giữa
khuya.
Sau khi làm việc với phía bưu điện
và với bác sĩ chuyên khoa, cơ quan điều tra kết luận, ông bị đột quỵ
nhưng vẫn còn ý thức trong một thời gian. Thông thường, trong những
trường hợp như vậy, bệnh nhân có thể nhớ lại một số điều từng ghi
dấu trong cuộc đời mình, như kiểu người ta lướt qua một cuốn sách,
một bộ phim, khi nhanh khi chậm, khi đậm khi nhạt. Theo họ, ông mất
trong khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng ngày hôm ấy. Nhưng bà
Ngọc quả quyết rằng ông ra đi đúng 10 giờ. Bà kể, khi gọi điện thoại
, bà đứng bên cửa sổ và nhìn ra khoảnh vườn trước nhà. Ngay bên
ngoài ô cửa, bà trông thấy một con chim màu xanh da trời cụp cánh
đứng lặng giữa không trung trong giây lát rồi vỗ cánh bay đi. Chính
trong giây phút đó, bà thấy một cơn đau dội trong tim. Bà tin rằng đó là giây phút ông rời khỏi trần thế
và con chim màu xanh kỳ lạ đó chính là linh hồn ông đến từ biệt bà.
Bà bảo, đó là cách từ biệt của con người có tâm hồn thanh khiết
nhất mà bà từng biết, trong suốt hơn 70 năm của đời mình. Khi cả nhà
ngồi cùng nhau trong phòng khách, nơi ông ra đi, bà kể với hai người
con gái của ông vừa trở về chịu tang cha, những lúc buồn, ông thường
hay ngâm ngợi câu thơ: Chỉ mùa thu
biết, mùa thu tỏ/ Phút bình yên
trước lúc trở trời/ Tĩnh lặng,
êm đềm chờ đông tới/ Những giây hạnh phúc cuối cùng
thôi. Thấy bà lắng nghe và thuộc câu thơ, ông cho biết đó là thơ
của Ivan Bunin, nhà văn Nga lưu vong, người đã trút hơi thở cuối cùng
nơi đất khách. Ông chỉ cho bà xem bức tượng Bunin khoanh tay đứng dưới
những cành lá mùa thu mềm mại, trong một cuốn sách ông mượn ở thư
viện thị trấn. Ông bảo, ông yêu nước Nga xa xôi kia chính là nhờ đọc
Bunin, cũng như ông đã yêu nước Pháp nhờ Anatole France, yêu nước Nhật
nhờ Kawabata, yêu nước Úc nhờ Henry Lawson… Giọng nói của ông lúc ấy
run run, vẻ mặt trang nghiêm, đầy xúc động. Cô con gái lớn nói với
bà, trong một thư điện tử gần đây, sau khi thăm hỏi sức khỏe, công
việc của gia đình cô, ông có viết thêm, dòng chữ in nghiêng:” ba dặn con, khi ba mất, hãy rải tro của ba xuống biển. Ba đã dặn dì Ngọc điều này, thư lưu trong ổ D máy tính của ba.”
Gia đình đã làm theo nguyện ước của
ông. Hẳn ông vẫn chờ đợi cuộc gặp với người vợ và đứa con trai nhỏ.
Tin
thêm: Hai tuần sau ngày ra đi của ông, cảnh sát cho biết: gói quà do ông Jacob Nguyễn, một kỹ sư
nông học sống tại Đan Mạch gửi tới. Cha ông Nguyễn là một chuyên gia
nghiên cứu văn học Việt Nam. Sau khi cha mất, ông Nguyễn tìm thấy nhiều
tác phẩm của các nhà văn hiện định cư ở nước ngoài. Biết rằng nhiều
người trong số họ không còn giữ được các tác phẩm của mình, ông
Nguyễn đã tìm địa chỉ và gửi sách cho khá nhiều người. Không hiểu
vì lẽ gì gói quà này bị che mất địa chỉ người gửi và không có
bức thư của ông Nguyễn gửi kèm. Ông Nguyễn rất buồn khi một việc làm
tưởng đem lại niềm vui cho nhà văn lại gây nên một tai họa lớn đến
vậy.
SG
6/2012
Y Nhi
No comments:
Post a Comment