Saturday, January 31, 2015

KHÔNG CÒN ‘TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI’



Nguyễn Xuân Thiệp


Tác giả Colleen McCullough

Tác phẩm The Thorn Birds

Colleen McCullough
bà đã ra đi
không còn tiếng chim hót trong bụi mận gai!
cuộc đời 
từ nay vắng bóng nhà văn.
Nhà xuất bàn Harper Collins đưa tin: Tiểu thuyết gia Colleen McCullough, tác giả Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai – The Thorn Birds- qua đời trưa 29/1 (giờ địa phương) tại một bệnh viện ở Norfolk Island, Australia, hưởng thọ 77 tuổi. Nhà văn qua đời vì sức khỏe tuổi già. Những năm gần đây, thị lực của McCullough giảm sút và chứng viêm khớp khiến tay chân bà tê liệt. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục sáng tác.

   Ôi, Colleen McCullough. Mình được biết tác phẩm của bà Thorn Birds và cuốn phim Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai với Rachel Ward đóng vai cô bé Meggie dễ thương và Richard Chamberlain trong vai Cha Ralf đầy quyến rũ. Ôi những ngày đói khổ nhọc nhằn ấy dưới bầu trời chp chùng mây ác của Sài Gòn thời đổi chủ, được xem phim Tiếng Chim Hót…dựng từ tiểu thuyết của bà Colleen McCullough, phải nói đó là một hạnh phúc dù mồ hôi và nước mắt đã rơi trên dặm trường nhân sinh. Phải nói cám ơn, cám ơn nữ sĩ đã viết ra một tác phẩm tuyệt vời. Đêm nay, dưới trời khuya khi tiếng gió mùa đông rít ngoài mái bạt, tôi ngồi tưởng niệm tới bà với bao cảm xúc trong hồn cô đơn.

    Colleen McCullogh sinh năm 1937, ở Wellington, Tây New South Wales và trải qua những năm đầu đời chủ yếu ở Sydney. Mơ ước thời niên thiếu của bà là trở thành bác sĩ. Trước khi theo học ngành y ở Đại học Sydney, bà từng kiếm sống bằng việc viết báo và làm việc ở thư viện kiêm cả nghề lái xe buýt. Sau đó, trong hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ, bà viết hai tác phẩm đầu tay. Tác phẩm thứ hai là The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai) ra mắt năm 1977.
     Cuốn sách ngay sau đó bán chạy toàn cầu và được dựng thành loạt phim truyền hình được xem nhiều nhất mọi thời đại. Thành công của cuốn tiểu thuyết giúp bà từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và theo đuổi nghiệp văn chương.
    Cuối thập niên 1970, bà định cư trên hòn đảo biệt lập Norfolk ngoài khơi Thái Bình Dương và lấy chồng là dân bản địa ở đây khi đã 46 tuổi.

    “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Colleen McCullough, đã được bán ra hơn 30 triệu bản toàn cầu, đưa nữ văn sĩ thành một trong những tác giả đầu tiên của Australia thành công trên văn đàn thế giới. Cuốn sách kinh điển kể về tình yêu của cô gái Meggie và vị cha xứ tên Ralph. Những yếu tố hiện thực trong nếp sống Australia hòa lẫn nhuần nhị với chất lãng mạn của chuyện tình khiến tác phẩm rực rỡ phi thường. Nhiều danh mục xếp “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” ngang hàng với “Cuốn theo chiều gió” của Mỹ. Năm 2003, tiểu thuyết được đánh giá đứng thứ 64 trong cuộc khảo sát The Big Read của BBC.
    Không chỉ có cuốn sách lừng danh này, Colleen McCullough còn có nhiều tác phẩm khác: Morgan's Run, The Touch, The Song of Troy, Angel Puss… Tổng cộng, bà viết 25 tác phẩm trong suốt sự nghiệp của mình.


Meggie & Cha Ralph trong phim The Thorn Birds

      Chuyện tình của Meggie với cha Ralph chỉ có thể diễn tả trong mấy chữ "niềm hoan lạc nỗi đau tuyệt vời" và để có được sự tuyệt vời đó, họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như trong lời đề tựa đã viết:"Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy"
     Thứ tình yêu cháy bỏng đến mức đớn đau, thậm chí chấp nhận hy sinh cả mạng sống như thế cũng nảy mầm và bùng cháy trong từng trang sách của Colleen McCullough. Đó là câu chuyện tình giữa cha Ralph De Bricassart và cô thiếu nữ Meggie Cleary, người kém ông tới vài thế hệ.
       Thứ tình yêu cao quý mà cha thề nguyện dành trọn cho Chúa đã bị thay đổi, ngay từ ánh nhìn đầu tiên khi gặp Meggie, từ đó, ông đã hiểu rằng nó sẽ gắn kết và thay đổi cuộc đời hai người mãi mãi. "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" bằng chất văn lãng mạn nhuần nhị như một viên ngọc quý, gieo vào lòng độc giả những cung bậc tình cảm sâu sắc, như tiếng hót bất diệt của loài chim tuyệt đẹp.  
       Sau khi được xuất bản, "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" đã gây ra một con sốt trong cộng đồng người đọc. Cuốn tiểu thuyết được đánh giá ngang ngửa với "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell. "Tiếng chim hót trong bụi mận gai' nổi tiếng đến nỗi nó đã được chuyển thể thành series phim truyền hình ăn khách cùng tên năm 1983 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại cùng 4 giải Quả cầu vàng cho series phim truyền hình hay nhất (trong tổng số 8 đề cử năm 1984).

      Một ngôi sao đã lặn tắt. Nhiều người thương tiếc bà
      Shona Martyn - giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins (Australia) - chia sẻ nỗi buồn trước tin tác giả mất: “Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy rất nhiều... Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc khi mất Col”.
      “Hãy an nghỉ Colleen McCullough. Tôi không thể nghĩ ai có tuổi thơ khốn khổ nhưng lại có một cuộc đời rực sáng với những thành tích huy hoàng như thế” - Richard Glover, một người dẫn chương trình của Đài truyền hình Australia bày tỏ. Còn nhà văn Tara Moss viết: “Thật buồn khi biết tin Colleen McCullough qua đời. Bà là người nhiệt tình, hài hước, rất ủng hộ những nhà văn khác. Hãy yên nghỉ”.
    
      Với Nguyễn kỷ niệm về Tiếng Chim Hó Trong Bụi Mậ Gai thiệt là thân thiết, Nưỏng năm sau 1982 đi tù cải tạo về lang thang rách rưới kiếm sống, trong nắng cháy da và mưa xám mặt, đêm về được nghỉ ngơi xem chuyện tình của cha Ralph và cô bé Mrggie có thể nói đó là một hạnh phúc hiếm hoi giữa cuộc sống nhọc nhằn giữa thời con người xếp hàng cùng cho ngựa. Ôi nỗi khổ đôi khi lên tiếng hát / bởi từ lâu đời thiếu những niềm vui. Bây giờ sau ba mươi năm trong trí còn đọng lại nhiều hình ảnh. Cảnh cha Ralph lái chiếc xe kiểu xe Jeep cổ lỗ sỉ băng băng qua những cánh đồng cỏ ngập vàng màu cỏ cháy với những đàn cừu trôi mình trong nắng, những con kangaroo lẩn mình xa xa dưới bóng chiều tàn. Cảnh cha Ralph cõng bé Meggie dạo chơi trên cánh đồng. Hình ảnh một buổi sáng cô bé Meggie nói với cha Ralph mình bị chảy máu ở âm hộ và tỏ ý vô cùng sợ hãi, cha Ralph đã an ủi cô bé và cho biết đó là hiện tượng bình thường  của người thiếu nữ. Rồi cảnh người nông dân Úc cắt lông cừu, cảnh đồn điền mía bạt ngàn, cảnh ngôi nhà bên bờ biển  và những giây phúc hoan lạc của Cha với Meggie. Có thể nói sách và phim đã đêm đến cho mình những cảm xúc thẩm mỹ không quên. Nay nhà văn đã ra đi, không còn nghe tiếng chim hót trong bụi mận gai, chỉ còn tiếng sóng biển thiên thu dội về từ bờ Norfolk.
(Tổng hợp)
NXT

No comments:

Post a Comment