Tuesday, January 6, 2015

HẬU HỘI THẢO VĂN HỌC MIỀN NAM



Lưu Na


Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam


Tạp chí Văn Học

Cuộc hội thảo Văn Học Miền Nam (VHMN) mà tôi dự định sẽ đến xem đã diễn ra xong, tôi đã lỡ dịp, chỉ còn có thể đọc bài tham luận được dần đăng trên net.  Lác đác vài bài được đăng.  Cái vừa ý, cái không, cái thắc mắc, nhưng chỉ có thể chờ đọc cho hết rồi mới có thể rút ra một điều gì về công cuộc ấy. 

Đứng bên lề cuộc hội thảo cũng có đôi điều suy nghĩ vẩn vơ muốn được chia sẻ.

Đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ.  VHMN là một đề tài quá rộng, có lẽ nên chấp nhận rằng mọi nỗ lực chỉ phản ảnh một vài khía cạnh và lãnh vực, từ một vài chỗ đứng khác nhau.  Khi có thật nhiều những công trình của nhiều bàn tay để tổng kết giải trình thì mới mong có một cái nhìn đúng đắn và tạm đầy đủ về VHMN, và từ đó mới có thể rút ra những kết luận đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu nền văn học ấy.  Vì tính cách to rộng và quan trọng ấy, ngôn ngữ _ dùng trong bài tham luận cũng như nói với nhau, tôi nghĩ, nơi mức khởi đầu nên ráng chính xác và thăng bằng, để công việc về sau đỡ bị lệch trớn.  Thí dụ như nói đến ý nghĩa 20 năm Văn Học miền Nam, tôi không hiểu chữ “ý nghĩa” được dùng để nói điều gì?  Có thể định nghĩa cụm chữ VHMN, có thể nêu đặc điểm của thực thể ấy, có thể phân tích và định giá trị của nó, có thể vân vân…  Nhưng VHMN là VHMN, là cái bánh, là sợi dây chuyền, là quyển sách, là… chính nó.  Tôi nghĩ tự cụm chữ đó không có ý nghĩa gì cả _ giống như tôi là tôi, có đủ mọi phẩm tính đặc điểm chứ không có ý nghĩa.  Trong viết lách cũng như trong cuộc sống, rất nhiều khi tôi nghe, đọc được câu đại loại quyển sách đó/cái áo đó có ý nghĩa gì, và đính kèm sau đó sẽ là một giải thích, hoặc về sự có mặt của nó, hoặc về hàm ý hay tác dụng của nó với một sự việc tồn tại.  Nhưng trong tham luận về VHMN _ Phẩm tính và ý nghĩa, nói “ý nghĩa” của Hai mươi năm VHMN dường như hơi không đúng cho lắm?  Thắc mắc của tôi có thể phát sinh từ sự thiếu hiểu biết của bản thân.  Trên cùng căn bản hiểu biết ấy của riêng tôi, nói rằng trao nền VHMN cho thế hệ kệ tiếp cũng không chỉnh cho lắm.  Nền văn học ấy của chung mọi người (trừ những người đã chà đạp phủ nhận nó), ai có quyền trao cho ai, và trao làm sao, trao cái gì trong khi giá trị của nó là giá trị phi vật chất?  Vì giá trị văn hóa văn chương nghệ thuật của nền văn học ấy, mà chữ dùng theo tôi ráng phải chính xác.

Nhưng điểm son đáng kể là cả những khi phải nhắc đến Văn Học Miền Bắc và những người cầm chịch, chủ yếu là những người đã xâm hại Văn Học Miền Nam, tham luận viên không có ai gọi người khác là “các anh.”  Người đứng bên ngoài hội thảo là Nhật Tiến, có tuổi đời 80 và một vị trí trong văn đàn xưa, khi đối thoại với Hoàng Hưng với những lời lẽ rất sắc bén thẳng thắn cũng vẫn lịch sự dùng chữ “quý anh.”  Một lời trịch thượng kém nhã nhặn buông ra trên trang mạng trong chữ viết có thể làm buồn lòng nhau, và tiên quyết nó khẳng định trình độ giáo dục của người xử dụng chữ ấy.

“Các anh” được buông ra vì hình thức (format) và nội dung của hội thảo VHMN, là điều kế tiếp muốn được chia sẻ. 

Xin thưa ngay, tôi ước được nghe/xem/thấy hội thảo 20 năm VHMN chú trọng hoàn toàn vào VHMN mà đừng đá động gì đến Văn Học Miền Bắc vì 1 lẽ chính yếu: nó đã bị phỉ báng bóp méo từ khi còn cuộc chiến, và khi cuộc chiến chấm dứt nó đã bị thủ tiêu theo cái kiểu con gà con qué cũng không tha, nay muốn phục hồi tái tạo lại diện mạo nội dung của nó tiên quyết nên chú trọng gom góp tài liệu, giới thiệu những đặc điểm của nó, nêu lên những sinh hoạt văn học thời đó và ảnh hưởng tương tác của nó đến xã hội, từ xã hội…  rồi sẽ tiến sâu hơn đến việc phân tích tác phẩm, khuynh hướng, cũng như cái nhìn của người trong cuộc và của thế hệ sau.  Việc so sánh song song hai nền văn học cũng là một hình thức khả thể, nhưng chọn hình thức nào là việc và quyền của ban tổ chức với tham luận viên, không ai có quyền đòi hỏi ban tổ chức và tham luận viên phải thực hiện hội thảo theo hình thức và chiều hướng mình chọn, cái đó chính chữ là “chỉ đạo,” đòi phải có hình thức này, không được nói đến cái nọ, phải đưa ra được một hướng đi cho văn học Việt Nam _ nghĩa là đòi “chỉ đạo” việc làm của người khác, đó mới là chuyện kém khoa học và nực cười.

Lý do có hội thảo VHMN chính vì hoàn cảnh đặc biệt, số phận không may mà nó phải chấp nhận.  Việc chỉ ra những chuyện không may cho VHMN là điều cần và nên nói tới, tại sao không?  Một trăm năm nữa có nói đến VHMN cũng vẫn phải nói đến những hệ lụy mà nó đã trải qua vì nó đã trở thành một yếu tính/thuộc tính/một đặc điểm của lịch sử xã hội.  Đâu thể vì thời gian qua đi thì không được quyền nhắc tới, và không cho nhắc đến những nạn nhân những hệ lụy mới là chuyện bất cận nhân tình.  Hậu quả của cái ngu và ác cần được dạy mãi cho con em chúng ta biết mà tránh, và chúng ta cũng thanh thỏa với nhau: lỗi lầm đã xảy ra, và chúng ta đối mặt cùng nó để hàn gắn sửa chữa chứ không trốn tránh.

Văn Học Miền Nam như một cây thông đã được gieo đúng đất, đã xanh tươi và đã trưởng thành trong gió.  Khi nó bị đốn ngã, bị chôn vùi, tiếng thông reo vẫn còn vọng, mùi nhựa thơm vẫn thoảng vương.  Giả như tìm được xác thông đem về nghiên cứu, bảo tồn, mình còn có cơ may từ cái xác cây ấy giữ lại được một chút nhựa một mùi hương, chiết ra được một cành mới, gieo ra được một giống tương tự, chứ nếu đào nó lên đem về bỏ vào chậu vào bình cho đứng kế bên lọ hoa cắm thì nhiều nhất là nó được làm một thứ trang trí như lọ hoa cắm kia mà thôi.  Những người chiến thắng khi muốn diệt thì diệt cho tận tuyệt, giờ lại tìm lại VHMN đưa ra để làm đối điểm cho lọ hoa cắm nọ được phô cái sắc phô cái nghệ thuật cắm tỉa, phô cái công những đóa hoa ấy đã được trồng tỉa vun bồi nhằm ca tụng phục vụ một đường lối đã đề ra, thì kể như dày đạp nó thêm lần nữa.  Cái ác cũ chắc cũng còn lâu lắm mới phai, có cần phải ác và vô lý thêm nữa không? 

Tôi ngẫm nghĩ lòng thấm mệt thấm buồn.  Và tôi ngượng.  Thế hệ chúng tôi và những người đi trước, khi thua, chẳng những mất bản thân mất quê hương mà có chút linh hồn cũng đã bị giày xéo chẳng tiếc thương.  Chúng tôi đã không thể tự cứu nên những đầu xanh tuổi trẻ như HVP phải ra tay. Tôi ăn nói sao với người em trẻ tuổi ấy? 

Tôi nhớ buổi cà phê cùng HVP, người đã bỏ công gom góp những tạp chí đặc san của 20 năm VHMN đưa lên mạng cho mọi người cùng hưởng.  Hỏi HVP biết gì hiểu gì mà tìm mua (rất mắc và rất công phu) những tác phẩm cũ, em cười, nụ cười hiền lành vui tươi còn vương chút ngây thơ tuổi trẻ.  “Em hiểu bằng cách của em.”  Ừ, cảm ơn em, hãy cứ là vậy, hãy cố là vậy, vì công việc em làm và những giòng đã viết mang đến cho tôi niềm cảm kích ủi an, niềm tin rằng có một thế hệ tương lai trong sáng đã bắt được nhịp thở hòa được tiếng ngân, tin rằng tiếng của người xưa nay còn có người đồng vọng.  Tôi nhìn em, những ngón tay ngà ngọc thuôn dài, chợt nhớ bài hát Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà: “cây me già trong ngõ, hoa lá đổ về khuya, mùi hương lối xóm bay đi tràn trề…  Phút chốc tôi thấy hạt me khô rơi xuống nơi cây ấy đã nẩy mầm, và em chính là thân me nhỏ mỏng manh mọc ra từ cái hạt khô cằn ấy.  Chỉ tự thân mình là một cây non vô nhiễm nên em mới nghe được tiếng xưa, mới lắng được lời đã mất, mới ngửi được chút hương thầm. Cái duyên may được hội ngộ cùng em nơi quán nhỏ cho tôi chút ấm ngọt của cuộc đời rất buồn này.

Hội thảo VHMN, chúng ta hãy bảo nhau chu toàn một công việc đã quá hạn kỳ và quên đi những lời thị phi vô lý.

Lưu Na
01022015

1 comment:

  1. Cảm ơn tác giả rất nhiều
    ---------------------------------------------------------------------
    Mr Lộc – Chuyên viên tư vấn Lab Well
    Xem chi tiết: Bán thuốc điều trị bệnh xuất tinh sớm hiệu quả tại TPHCM
    SĐT: 08 6290 5323

    ReplyDelete